Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu

CÓ MỘT ĐÊM NHƯ THẾ

     (Về truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu)

                                                                         Lê Hồ Quang

Thực ra, Mảnh trăng cuối rừng không chỉ là câu chuyện về một đêm trăng. Song khi gấp trang cuối cùng lại, hiện diện trong tôi vẫn là một đêm chan chứa ánh trăng, một giấc mơ ngọt ngào không dễ có trong đời. Một huyền thoại, vâng, nhưng rất có thể đã có thực.
Đêm đặc biệt từ làn không khí ẩm ướt hơi sương, đến không gian núi rừng bát ngát và "khoảng trời đêm trên cao lồng lộng”… Tất cả tươi mát lặng lẽ ấy bỗng rung mình xao động khi trong khoảng không sâu thẳm vẳng lên một "tiếng chim mơ hồ”. Tiếng chim gì, không rõ, như có như không, tựa một vang động rất xa xôi từ trong tâm tưởng và trong không gian sâu thẳm, những vòng sóng mơ màng cứ lặng lẽ toả lan ra mãi. Ngoại vật bỗng rung rinh nhoè lẫn trong một cảm giác chơi vơi, không thể xác định, hư thực, mông lung.
Không gian đầy trăng, một thứ ánh trăng thượng tuần dịu dàng, tươi mát. Dưới dòng ánh sáng ấy, mọi thứ dường như đang lặng lẽ hé lộ cái bản chất tốt đẹp tiềm ẩn với những dường nét diễm lệ không ngờ. Đêm rừng ấy là một hoà sắc trữ tình biết bao! Ánh trăng lúc thì như “ngọn đèn xanh”, lúc thì “sáng trong như một mảnh bạc", người con gái thì trẻ trung, xinh đẹp, “gót chân bóng hồng”,  "áo xanh”, “nón trắng loá”,gương mặt tươi mát”, “mái tóc thơm ngát”. Và cả con đường chiến tranh nham nhở vết đạn bom, trong đêm ấy, dường như cũng “thếp từng mảng ánh trăng”. Cảnh vật và con người dường như cũng bị trăng hoá, trở nên lung linh, hư ảo. Cả một không gian đang lặng lẽ khởi sắc. Dường như đâu đây bỗng phảng phất dâng lên một thứ hương rừng quyến luyến say mê. Hẳn là tác giả đã có lí khi dựng nên cả một không gian trữ tình như vậy. Đấy sẽ là một bối cảnh đặc biệt thích hợp để Nguyệt xuất hiện, đồng nghĩa với sự xuất hiện của cái "phút giây số phận" (André Maurois) trong một đời người.
Có thể nói, sự hiện diện của cô gái làm cả không gian bừng sáng. Từ giọng nói “trong lắm, và rất bình tĩnh, cứng cỏi”, đến tấm thân mảnh dẻ và gương mặt đẹp lạ thường dưới ánh trăng khuya  quả là một ấn tượng mạnh, khiến Lãm “choáng ngợp như trông vào ảo ảnh”. Mà làm sao có thể dửng dưng, không hề xao xuyến vào đúng cái phút giây “khung cửa sổ phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng”! Gương mặt hay chính gương trăng và ánh trăng hay là ánh sáng toả ngời từ gương mặt yêu kiều ấy? “Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm - Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông- Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng…” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều). Cả một vùng như thể ngập trong một thứ ánh sáng và hương thơm lạ:
Khoảng khắc đó
Đột nhiên
Cỏ cây chim thú
Đình cuộc chiến tranh đã tiếp diễn bao đời
(Khoảng khắc đóMaicơn Đâyanăng)
Nguyệttrăngtrăng cũng là nguyệt. Cô gái thì xinh đẹp trẻ trung và trăng là trăng non đầu tháng. Cô gái vận áo xanh, còn trăng cũng có lúc như “ngọn đèn xanh lơ lửng” …Phải đâu chỉ là một sự trùng hợp vô tình? Hình ảnh cô gái đã xoá tan đi cảm giác thâm u lạnh lẽo của đêm rừng, thổi vào đêm một ý vị trữ tình ấm áp. Và dưới dòng ánh sáng kia, tà áo xanh dường như mềm lả đi, hư ảo thêm. Cặp hình tượng đan kết song trùng ấy đã hợp nhất trong một biểu tượng tuyệt vời về sự thanh tân vĩnh hằng.
Nhân vật Nguyệt được thực sự  soi sáng từ nhiều góc độ. Trong cái đêm bất thường ấy, có một cô Nguyệt mảnh dẻ xinh đẹp như một ảo ảnh dưới ánh trăng và có một cô Nguyệt quyết liệt, xốc vác trong bom đạn. Hai nhưng lại là một, đối lập song rất đỗi hài hoà. Sự thống nhất và chuyển hoá giữa hai con người ấy khiến người ta rung động. Nó tạo nên vẻ đẹp thuần khiết và hoàn thiện, một vẻ đẹp mà, nói như một học giả, tự thân nó đã là sức mạnh. Nó khiến Lãm đi từ  "ngạc nhiên hỏi vặn” cau có bực bội, đến “vồn vã”, “hỏi dò”, rụt rè thú nhận “trái tim tôi cũng muốn nảy lên trong lồng ngực” và cuối cùng, say đắm thốt lên “trong lòng tôi dấy lên một tình yêu Nguyệt gần như mê muội”.
 Đã có bao nhiêu cuộc gặp gỡ tình cờ trong chiến tranh. Đã có bao nhiêu đôi lứa gặp nhau, yêu nhau trên đường ra trận. Rất có thể là Lãm sẽ yêu cái cô Nguyệt anh gặp trên chuyến đi, chứ chưa hẳn là cô Nguyệt đã chờ anh bao năm liền và anh đang tìm đến. Bởi trước cái cô Nguyệt thứ nhất này, anh đã thực sự rung động. Song trong cái đêm bất thường ấy, có nhiều điều ngẫu nhiên kì lạ. Chẳng hạn, cô gái tên Nguyệt trong khi đêm ấy đầy trăng. Cả hai cô gái, một trong dự định gặp gỡ và một đang ngồi bên cạnh, đều cùng tên Nguyệt. Cả hai đều cùng làm trên một tuyến đường miền Tây và đều xinh đẹp dũng cảm. Tất cả tạo nên một mối hồ nghi lẫn lộn, giữa điều phỏng đoán và sự thật, giữa niềm hy vọng và nỗi âu lo…Những mẩu đối thoại rất bâng quơ, tưởng chừng có vẻ không ăn nhập gì với câu chuyện, như nói ra để lấp khoảng trống giữa hai người:
- Cô làm ở ngầm đá xanh hay chỉ về đấy thăm ai ?
-…Em làm ở ngầm.
- À, quên, tôi chưa kịp hỏi tên cô đấy nhé!
- Em là Nguyệt!
- À thế!
- Anh nhỉ? Có phải không nhỉ?
- Cô hỏi gì?
 - Em hỏi có phải các anh lái xe đi nhiều nơi, chắc hẳn quen biết nhiều người lắm…
Những lời nói ngập ngừng. Những khoảng trống im lặng. Nhân vật vừa như muốn nói thẳng ra cái điều mình biết, mình nghĩ, lại vừa gìn giữ, e ngại. Những mẩu đối thoại vụn vặt này tạo ra cái không khí trò chuyện lửng lơ, hồ nghi, thấp thỏm… đầy mới mẻ và lạ lùng. Sự thật là chỉ cần hỏi thêm một vài câu nữa, chắn chắn, Nguyệt và Lãm sẽ nhận ra người đang ngồi cạnh mình là ai. Nhưng với Nguyễn Minh Châu, điều quan trọng nằm ở cái thông tin cảm xúc bề sâu mà hình thức cuộc đối thoại mang lại chứ không phải là cái thông tin ngôn ngữ bề mặt (vốn khá tẻ nhạt và rời rạc) của nó. Vì vậy ông cố tình “hãm chậm” lại quá trình nhận ra nhau giữa các nhân vật, cho họ (và cả độc giả nữa)  cái cơ hội được sống lâu  hơn trong một không khí hồi hộp đầy trữ tình của một tình yêu đang nẩy nở.
Có thể nói rằng, hành trình trên đường ra trận ấy, cũng là hành trình đi tìm hạnh phúc của hai con người trẻ tuổi. Để tới đích, có khi họ đã trả giá bằng máu. Nhưng có phải thế này chăng, “Hạnh phúc thực hơn mọi điều đã tả - Lại ngọt ngào kì lạ, lớn lao hơn” (Bằng Việt) ?
Đã có một đêm như thế. Một đêm chiến tranh đầy bình yên. Trong những trang văn thời kì 1945- 1975, những chuyến xe ra tiền tuyến trong đêm, những gặp gỡ và li biệt trên đường chiến tranh, cũng như hình ảnh “đầu súng trăng treo” đã trở nên quen thuộc. Nhưng đến Nguyễn Minh Châu, trong thiên truyện Mảnh trăng cuối rừng, vẻ đẹp ấy đã  thực sự cất cánh. Ám ảnh người đọc là ánh trăng xanh, màu áo xanh, sợi chỉ tình yêu biếc xanh trong tâm hồn người con gái trẻ tuổi. Cái đêm trong truyện ngắn ấy là một đêm sáng.
Vậy mà tác phẩm lại ra đời vào quãng thời gian mà cuộc kháng chiến chống Mĩ đang bước vào thời kì ác liệt nhất. Tác giả đã đi quá xa trong sự thi vị hoá hiện thực ư? Vâng, có thể. Nhưng có phải thế này chăng, suốt mười lăm năm lưu lạc, chưa bao giờ nàng Kiều lại thôi nguôi nhớ cái đêm tình tự đầu tiên của mối tình đầu, và trong truyện ngắn Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư,  một lần gặp gỡ tình cờ trong đêm đã trở thành nỗi khắc khoải suốt đời của nhân vật nữ chính. Đêm trăng thường gắn với những dấu ấn thơ mộng, yên bình. Từ trong hiện thực ác liệt, người ta thường trở về với những kỉ niệm êm đềm như thế và tìm thấy ở đấy một điểm tựa tinh thần vững chắc cho tâm hồn. Một nhà văn đã nói, trong cuộc chiến tranh vừa qua, có lẽ niềm tin của chúng ta đều dựa trên những điểm tĩnh đầy thơ mộng như thế. Và phải chăng, với niềm tin ấy, không có sự tàn bạo khốc liệt nào có thể khuất phục nổi con người ?
(Bài đã in trong sách Tiếng nói tri âm, Nxb Trẻ, T/C Kiến thức ngày nay, 1996)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét