Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Lời nghìn năm - Thạch Quỳ

 

                LỜI NGHÌN NĂM HAY LỜI CỎ?

                                                                                    Lê Hồ Quang

 

LỜI NGHÌN NĂM

      (Thạch Quỳ)

Nghìn năm mưa đã từng mưa

Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?

Nghìn năm vẫn nắng gió Lào

Quay cuồng lốc bụi trước rào nhà tôi?

Nghìn năm còn nữa hay thôi

Những người mong nhớ, những người ngóng trông...

Nghìn năm biết có còn không

Hoa trên đá, phấn trên thông ghẹo người?

Tháng năm lần lựa đắp bồi

Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm. [1]

 Ngay từ cái tên - Lời nghìn năm - bài thơ đã cho thấy rõ “tham vọng” khái quát hóa và ý hướng triết lí của tác giả. Nhưng Lời nghìn năm là gì? Đó là một thách thức không dễ trả lời. 

Thạch Quỳ đã buộc độc giả, gần như ngay lập tức, nhập vào mối quan tâm của ông theo cách riêng - bắt đầu từ liên tục những câu hỏi. Những câu hỏi dồn dập, cắc cớ, theo kiểu rất… Thạch Quỳ!

Đầu tiên là câu hỏi này:

Nghìn năm mưa đã từng mưa

Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?  

Một câu hỏi độc đáo. Độc đáo bởi tính chất lưỡng lự của nó.  Mưa “đã từng” chứ không phải tiếp tục mưa, vẫn còn mưa. Như vậy, con số nghìn năm nhắc tới ở đây không hẳn là chỉ thời gian của tương lai, của nghìn năm tới, mà đã bao trùm cả quá khứ đã xảy ra và của cả tương lai sắp tới, nó là mạch chảy thời gian liên tục, miên viễn. “Mưa đã từng mưa” nghìn năm trước và nghìn năm sau vẫn mưa. Ý nghĩ của tôi có thể đi theo kiểu liên tưởng tương đồng - mưa gợi ý tưởng về mưa, chẳng hạn, liệu cơn mưa của hôm nay, trong phút giây hiện tại, có gì khác với cơn mưa của nghìn năm trước? Nhưng Thạch Quỳ lại khác, ông đi theo hướng liên tưởng tương phản - mưa và sỏi đá. Tác giả viết: Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? “Chưa” chứ không phải là không. Câu thơ nêu một giả thiết, một nghi vấn. Tác giả lựa chọn và xác định góc nhìn vấn đề từ nhãn quan và trải nghiệm cá nhân, vốn luôn bị giới hạn bởi sự hữu hạn của đời người (và do đó, có thể tránh được những kết luận như đinh đóng cột, có tính tiên nghiệm, dễ làm mất đi tính hứng thú của vấn đề). Ở góc nhìn đó, cái tôi trữ tình khó có thể kết luận, anh ta chỉ có thể đưa ra một dự đoán (dù cũng có thể hiểu như một lời khẳng định), đó là sức mạnh tác động và phá hủy của thời gian. Cùng với thời gian, cả vũ trụ thay đổi, như sự biến dạng của những tảng thiên thạch vũ trụ trong vụ nổ Big Bang thành viên sỏi nhỏ hôm nay.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu - Tô Thùy Yên

 

                                         CUỘC RƯỢT ĐUỔI VỚI VÔ TẬN

                                                                                                            Lê Hồ Quang

 



Cánh đồng con ngựa chuyến tàu của Tô Thùy Yên được viết theo thể thất ngôn, gồm 15 dòng, không phân khổ, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, dễ hiểu, mô tả cuộc đua giữa một con ngựa và một chuyến tàu giữa cánh đồng - đó là những gì chúng ta có thể tóm lược ngay về bài thơ nổi tiếng này. Tuy nhiên, có thực nghĩa/ ý nghĩa của Cánh đồng con ngựa chuyến tàu chỉ dừng lại trong một vẻ đẹp đơn giản, mang tính truyền thống, dễ định danh, định tính? Tôi nghĩ không hẳn. Vẻ đơn giản của bài thơ này thực ra ấn chứa nhiều hơn thế. Nó là sự đơn giản đã được lựa chọn. Một sự đơn giản đầy kĩ thuật.  

Hãy bắt đầu từ bộ ba hình ảnh con ngựa - chuyến tàu - cánh đồng. Một cánh đồng rộng lớn, hoang vu, một con tàu đang băng băng chạy, một con ngựa đang rượt đuổi theo. Hãy chú ý đến tương quan chuyển động ngược chiều giữa con tàu và các sự vật trên cánh đồng. Sự thực thì tất cả các sự vật trên cánh đồng - cỏ cây, gò đống… - đều đứng yên, nhưng khi điểm nhìn đặt trên vật chuyển động, ví dụ trong con tàu đang lao vun vút nhìn ra, sự vật bên ngoài có vẻ như đang chạy lùi lại, đó là ảo giác về chuyển động ngược. Chi tiết “gò nổng cao” và “thung lũng sâu” cho thấy sự biến đổi trong tích tắc của ngoại cảnh và sự tinh vi của cảm giác con người.

Có thể hình dung tác giả đang kết hợp nhiều góc quay và điểm nhìn cùng lúc. Có điểm nhìn toàn cảnh, từ trên cao xuống, bao quát toàn bộ quang cảnh. Có điểm nhìn cận cảnh, quay sát đối tượng, và dáng nét, hình thể sự vật bỗng choán hết cả khung hình, sống động đến từng chi tiết. Có điểm nhìn từ trong con tàu đang chuyển động nhìn ra. Có điểm nhìn quan sát từ bên ngoài khung cảnh chiếu vào sự vật v.v. Đó là một kĩ thuật mô tả giàu tính điện ảnh.