Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Văn học mạng Việt Nam, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận

 VĂN HỌC MẠNG VIỆT NAM,

XU HƯỚNG SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN

(Trần Khánh Thành, Lê Trà My, Trần Ngọc Hiếu,
NXb Đại học Quốc gia Hà Nội, tái bản lần thứ nhất, 2021)

 

Cuốn sách là cái nhìn mang tính bao quát về văn học mạng (Internet literature) Việt Nam, bắt đầu từ việc giới thuyết khái niệm, phân tích bối cảnh, tính chất, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận, đi sâu vào một số hiện tượng thể loại: thơ mạng, truyện mạng, tản văn mạng, phê bình mạng và chốt hạ bằng 02 phụ lục, một là phác thảo về văn học mạng Trung Quốc và hai, là bảng tra cứu thuật ngữ.

Sau đây là một số nhận xét nhanh.

- Thứ nhất, sách có cấu trúc nội dung chặt chẽ. Một hiện tượng vô cùng phức tạp như văn học mạng Việt Nam đã được tổng hợp, phân loại và khái quát, hệ thống hóa một cách hợp lí. Nhiều nội dung viết kĩ, gọn mà sáng, văn nghiên cứu mà đọc rất thú. Chẳng hạn phần phân tích sự ra đời của văn học mạng, tính chất của văn học mạng, thơ mạng Việt ngữ... Tuy nhiên, có một số phần vẫn hơi sa vào mô tả, nhất là phần nói về các tác phẩm văn xuôi. Phần phê bình mạng hơi nhạt (có thể do sự nhạt của... phê bình!). Có sự không đồng đều giữa các phần viết (trong văn phong, lối viết, cách lập luận, cách dùng đại từ...)

- Thứ hai, có nhiều thông tin mới, đáng chú ý về các hiện tượng văn học mạng. Có nhiều tác giả thuộc dòng "văn học thiểu số" (nói theo cách của F. Kafka), ngoại biên, nghĩa là hiếm khi thấy được nhắc tên trong các công trình nghiên cứu trường quy. Một số vấn đề như cái tục, cái hài, cái nhảm, hoặc vấn đề tính dục trong văn học mạng v.v., nằm trong mạch lí giải, gợi mở, kích thích suy nghĩ. Chọn một số trường hợp tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở một số thể loại, các tác giả phân tích, dẫn giải khá rạch ròi, cụ thể, thuyết phục. Nhìn chung, các hiện tượng được lựa chọn phân tích khá đích đáng.

- Thứ ba, tập trung vào đối tượng là văn học mạng Việt ngữ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, các tác giả chú ý trình bày và lí giải về nó như một hiện tượng văn hóa, văn học phức tạp và đang chuyển động. Cách tiếp cận văn học mạng từ xu hướng sáng tạo (của tác giả văn học mạng) và tiếp nhận (độc giả mạng) cho ta hiểu về sự "có lí" của những hiện tượng văn học mới mà từ góc nhìn nghiên cứu truyền thống, có tính ổn định, tĩnh tại, hoặc hàn lâm, cứng nhắc, sẽ khó hiểu, và đương nhiên, khó chấp nhận cái gọi là giá trị của chúng. Sự thực thì mình không đánh giá cao về mặt đóng góp nghệ thuật của một số hiện tượng (chẳng hạn thơ Nguyễn Phong Việt hoặc một số tác giả văn xuôi ngôn tình như Gào...), nhưng việc cuốn sách đặt các hiện tượng này từ góc nhìn xã hội học văn học, từ hiệu ứng truyền thông, từ tiếp nhận của một lớp độc giả thị dân trẻ, chúng trở thành một vấn đề khoa học cần phải được suy nghĩ và lí giải.

Tóm lại thì, sách đem lại cái nhìn và nhận thức cần thiết về một hình thái văn học mới - văn học mạng, đã xuất hiện như một tất yếu trong lịch sử văn học, tương ứng với sự phát triển của CNTT, kéo theo nó là sự đứt gãy - cũng có tính tất yếu lịch sử - của hình thái văn học giấy (in ấn) truyền thống. Đối diện với hiện tượng văn học mới này, ta không thể vờ nhắm mắt bịt tai, tiếp tục cách đọc một chiều, bảo thủ và cứng nhắc.

Dù đọc nhanh, theo kiểu tranh thủ, cuốn sách đã gieo một chất kích thích, một sự hồ nghi, một nỗi hứng khởi. Nó gợi ý kết nối mới, với những hiện tượng, tác giả, tác phẩm mà mình đã thấy, đang thấy, vẫn thấy trên các trang web, blog, facebook... và cả trên những trang sách in, với hình hài và hơi thở khác. Nó lan tỏa một khao khát đọc và lí giải họ, đánh giá họ theo hướng khác, với bản dạng khác, trong bối cảnh tồn tại khác của văn học thời đại số.

              

Vinh, 14/2/2022