Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Quan niệm về văn bản trong môn Ngữ văn

 

QUAN NIỆM VỀ VĂN BẢN TRONG MÔN NGỮ VĂN

 

                                Lê Hồ Quang

 Thuật ngữ văn bản được dịch từ tiếng Anh là text (hoặc texte trong tiếng Pháp), cả hai từ này đều có quan hệ nghĩa với động từ “texere” của tiếng Latinh, có nghĩa là “đan, dệt” [1]. Xuất phát từ nguồn gốc này, văn bản thường được xem như một cấu trúc được “đan dệt” bởi nhiều yếu tố ngôn ngữ và kí hiệu, theo logic và mục đích nhất định.   

Tuy nhiên, từ những góc độ và quan điểm tiếp cận khác nhau, cách hiểu về khái niệm văn bản không hoàn toàn thống nhất. Từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản, văn bản được hiểu là đơn vị cơ bản của lời nói và ngôn ngữ, “thể hiện một phát ngôn hoàn chỉnh” [2]. Văn bản bao gồm cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nghĩa, có đề tài (hoặc chủ đề), biểu đạt chủ yếu bằng kênh ngôn ngữ, ở cả hai dạng nói và viết [3]. Nhìn chung, văn bản có năm đặc trưng thực tiễn, đó là 1) Mục đích, chủ định của người nói; 2) Đề tài - chủ đề xác định; 3) Mạch lạc và liên kết; 4) Gồm nhiều câu - phát ngôn nối tiếp; 5) Có yếu tố định biên (giới hạn hai đầu) [4]. 

Từ góc độ của lí thuyết giao tiếp và diễn ngôn, văn bản được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý ở mục đích giao tiếp và nhân tố văn hóa. R. Bathes xem xét văn bản trong tư cách “diễn ngôn”, tức “là một đoạn lời nói hữu tận bất kì, tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại (đoạn lời này) gắn bó với những nhân tố văn hóa khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ”[5]. Từ đây, văn bản sẽ được xem xét, nghiên cứu như một quá trình hoặc kết quả của hành động giao tiếp. Văn bản trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không chỉ dừng lại ở phương thức biểu đạt ngôn ngữ (văn bản nói và viết), mà còn là văn bản đa phương thức, sử dụng các kênh biểu đạt phi ngôn ngữ (hình ảnh, âm thanh, phương tiện công nghệ…).

Từ góc độ của lí thuyết văn học, văn bản (cụ thể là văn bản văn học), được quan niệm là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có cấu trúc chỉnh thể bao gồm các lớp yếu tố ngôn từ, hình tượng và hàm nghĩa cấu thành. Theo một số lí thuyết nghiên cứu văn học hiện đại như Ký hiệu học (Semiotics), Thông diễn học (Hermeneutics), Thuyết tiếp nhận (Theory of reception)…, văn bản (text) được phân biệt với tác phẩm (work) dựa trên mối quan hệ với chủ thể tiếp nhận. Quá trình “văn bản trở thành tác phẩm” phải có sự tham gia của chủ thể tiếp nhận. Đó là quá trình độc giả đọc và “cụ thể hóa văn bản” (Roman Ingarden) theo những “quy ước ngôn ngữ” và “quy ước giá trị” [6]. Điều này buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức về vấn đề tiếp nhận của người đọc trong nhà trường và quá trình “biến văn bản thành tác phẩm”, đặc biệt ở người đọc là HS, trong hoạt động dạy học Ngữ văn. 

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Linh hồn của nhà

 

LINH HỒN CỦA NHÀ



 


       Khi nào bạn nghĩ đến linh hồn một ngôi nhà? Ấy là khi bạn nhìn thấy bức tường bê tông lạnh lùng lô nhô những thanh sắt. Ban công là một cái lồng sắt. Và cửa sổ ở tầng một quay ra đường cũng được bao ngoài bằng một tấm liếp kim loại. Nhưng ngay trong cái lồng thép trên ban công tầng ba, cỏ cây vẫn tràn trề vươn ra. Những cánh tay gầy gò lêu nghêu của hoa giấy níu lấy búi dây điện đen trũi, trĩu trịt vắt ngang thân nhà, bật lên thách thức một chùm hoa đỏ. Góc mái giả chìa ra từ tầng hai bỗng dưng vàng rực một bụi cúc thân gỗ. Cành héo khô mà hoa cứ vàng rực, bất chấp, như nắng xối. Ngay ở tấm liếp sắt bao quanh cửa sổ tầng một bụi bặm, những cây hoa tím bạn không biết tên vẫn níu lấy song sắt trổ ra. Nhiều chiếc lá bị sâu đục lỗ chỗ: chúng làm bạn cảm động. Như thể linh hồn thẳm sâu của ngôi nhà vừa hiển hiện qua chú sâu vô hình kia. Một đời sống tự nhiên mãnh liệt, đẹp và âm thầm, đâu đó, sau khung cửa sắt.

 

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

Thơ Nguyễn Đức Tùng

 

THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG,

“NƠI CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU BẰNG NGÔN NGỮ KHÁC”

 


Lê Hồ Quang

Bìa tập Thơ buổi sáng của Nguyễn Đức Tùng


Nếu phải khái quát về thơ của Nguyễn Đức Tùng, tôi sẽ mượn chính thơ ông để diễn tả - đấy là “nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”. Tính truyện là một đặc điểm thi pháp nổi bật của thơ Nguyễn Đức Tùng. Bằng thơ và qua thơ, tác giả nhẩn nha kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của đời người, những câu chuyện kết đọng trải nghiệm, xa xôi và xưa cũ nhưng sáng nét lạ lùng. Ký ức của cá nhân, của cộng đồng đã được đánh thức bởi những câu chữ chừng như không thể đơn giản, gọn gàng hơn trong Làng quê, Chiến tranh, Ký ức những năm 80, Đêm ngủ trên nền nhà cũ, Hai vầng trăng, Em, Lịch sử làng tôi… Đừng tìm kiếm những cảm giác êm đềm, ngọt ngào theo kiểu thi vị hóa khi đọc những bài viết về tuổi thơ, về mẹ hay quê hương của tác giả này. Đấy là một ký ức không nguyên vẹn, đầy đổ vỡ và luôn găm lại cảm giác đau đớn. Chỉ có điều, cùng thời gian, nó ngưng lại trong cái nhìn phân tích tỉnh táo và lặng lẽ:

Chiến tranh

 

Người đưa thư

Dựng xe đạp trước nhà

 

Uống với dì tôi một tách trà

Rồi lặng lẽ cáo lui

 

Không biết dì tôi không biết chữ

 

Trong phong bì là giấy báo tử

Câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính mạch lạc. Từ ngữ ngắn gọn và đơn giản, không hề gây khó độc giả. Bài thơ dường như thuần sự kiện, những sự kiện được lược thuật từ góc nhìn của đứa cháu, người chứng kiến và kể chuyện, với sự giản ước tối đa ngôn ngữ biểu cảm. Cái còn lại là một tình huống của đời sống và số phận. 

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Thơ Vũ Hoàng Chương

 VŨ HOÀNG CHƯƠNG,

ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI?

                                                            

                                                            Lê Hồ Quang


Nhà thơ Vũ Hoàng Chương
(1915-1976)
        

Sự gặp gỡ với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đã tạo nên cơn địa chấn lay động tận gốc ý thức hệ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trong lòng xã hội Việt Nam cổ truyền. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân giúp con người phát hiện ra chính mình trong những giá trị riêng biệt, độc đáo: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất (Xuân Diệu). Song tách rời khỏi cộng đồng, tự xác định mình trong tư cách cá nhân cũng đồng nghĩa với việc anh ta phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi và lựa chọn của mình, trong khi không bao giờ có thể chắc chắn về kết quả của sự lựa chọn đó. Do vậy, tự do cá nhân đồng thời thức tỉnh nỗi âu lo về một sự hiện hữu ngắn ngủi và vô vọng, cũng đồng nghĩa với sự bất trắc và nỗi cô đơn thường trực. Tấn bi kịch tinh thần của thời đại này phản chiếu rõ trong sáng tác của Vũ Hoàng Chương, qua chân dung của một cái tôi đam mê mà khinh bạc, say đắm mà chán chường. Đó là một cái tôi ý thức sâu sắc về một thế giới thực tại bị chia cắt, và con người sống trong những giới hạn ngăn cách, vĩnh viễn đánh mất khả năng chia sẻ, hoà hợp trọn vẹn.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Nắng

 

NẮNG

 




            Có lẽ, ban đầu bạn nghĩ khác. Ý nghĩ giống như tiếng nhạc mở lớn trong buổi sớm mai, giống tiếng ồn hơn là âm nhạc, chúng làm bạn bận trí. Bạn bị chững lại. Cảm giác nhẹ nhõm và tự do bị phá hỏng hoàn toàn bởi tạp âm. Bạn biết mình đang tự trì hoãn. Sâu bên trong bạn hiểu cảm giác bồn chồn thường trực ấy có nghĩa là gì. Sự lười biếng. Sự sợ hãi. Sự thiếu mục đích. Và mong muốn kháng cự cơn mê mệt tâm trí kéo dài.

Con đường ấy, bạn muốn đi một mình. Thật ra, con đường chỉ là một cách nói ẩn dụ. Một thế giới bát ngát của trí tưởng, phóng túng và mênh mông nhưng sâu kín và riêng tư. Nó chứa cả bầu trời bao la rợn ngợp và đồng thời chỉ bé mọn như hạt cỏ khô bị gió thổi lạc trong túi áo, bên đầm nước vào một mùa hè bạn không còn nhớ. 

Như thể khi sinh ra bạn đã bị chia cắt. Cánh đồng này. Trang sách này. Hạt cỏ này: sự vô thanh sâu hút. Và bạn - là - bạn: một tạp âm vô phương cứu chữa. Những âm thanh cất lên, sự giả dối cất lên. Những đôi mắt, miệng cười, tay ôm, cả ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ. Tất cả bằng nhựa dẻo, đẹp và trống rỗng kinh hoàng.

Bạn khao khát Vô thanh. Trong im lặng, bạn thấy bản thân mình. Im lặng và không bị quấy rầy. Im lặng và không bị buộc nói lời mình không nghĩ. Im lặng và chỉ thế thôi - im lặng.

Nhưng tại sao bạn không thể tập trung vào con đường đang dưới chân, cuốn sách đang mở trên tay, dòng chữ đang tô mực dở? Tại sao bạn không thể an tâm? Cái gì khiến bạn bị chia trí? Suy nghĩ là tự do. Nhưng suy nghĩ cũng là xiềng xích. Tâm trí xoắn vặn khiến bạn không tìm thấy hạt cỏ thơm trong túi áo của mình.

Nên khi ngước mắt lên, bất ngờ sao, bạn thấy nắng. Nắng tràn ngập, chan hòa. Trong cây lá tiếng chim lảnh lót. Một buổi sáng thật nhiều nắng, thơm tho và ấm áp. Và thật nhiều Im lặng.


Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thơ mạng Lê Vĩnh Tài

 

THƠ MẠNG
TRƯỜNG HỢP LÊ VĨNH TÀI

 

hãy chạm vào phím, bài thơ sẽ tự mở khoá

Thơ tìm thấy một từ và nó sẽ thở

                       (Làm thơ - Lê Vĩnh Tài)

                                                                           

                                                                                         Lê Hồ Quang

1. Thơ mạng (internet poetry) là loại hình thơ gắn với nền tảng, không gian công nghệ số, đặc thù của nó là sự lai ghép, nói đúng hơn, là sự cộng sinh giữa hai thành tố - thơ và internet. Cuộc hôn phối với công nghệ số và các phương tiện kĩ thuật hiện đại khiến ranh giới ổn định về mặt thể loại của thơ trữ tình truyền thống bị phá vỡ. Không gian công nghệ và môi trường số đòi hỏi một tâm thế và tư duy sáng tạo, tiếp nhận mới, khác (tạm gọi là tâm thế và tư duy mở, động), so với truyền thống (xuất bản/ in trên giấy, có tính đóng, tĩnh). Do đó, với thơ mạng, quan niệm về tác giả, độc giả, nguyên tắc giao tiếp và giá trị tác phẩm…, đương nhiên sẽ giãn nở, thay đổi, thậm chí được tái định nghĩa.

Vào thập niên đầu thế kỉ XXI, khi internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, thơ mạng viết bằng tiếng Việt cũng xuất hiện phổ biến trên các tạp chí điện tử, các website văn học (talawas.org, tapchitho.org, vanchuongviet.org, damau.org, gio-o.com …) và về sau, trên Webblog, Yahoo 360, Facebook, Instagram... Nhiều khuynh hướng tìm tòi, cách tân, thể nghiệm thơ khác nhau đã bùng nổ trên không gian mạng. Internet đã mở ra một không gian hiện đại, dân chủ và vô cùng rộng rãi cho hoạt động sáng tác và phê bình, tranh luận nghệ thuật.

Cho đến nay, khi nói đến thơ mạng viết bằng tiếng Việt, ta có thể nhắc đến không ít tên tuổi: Khế Iêm, Inrasara, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Nguyễn Anh, Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thanh Hiện, Pháp Hoan, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Đức Tùng, Lê Anh Hoài, Phạm Hiền Mây, Trần Hạ Vi, Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Nguyễn Thiên Ngân…[1]

 Trong số các tác giả thơ mạng nói trên, Lê Vĩnh Tài - không nghi ngờ gì nữa - là một gương mặt đặc biệt.

2. Lê Vĩnh Tài hiện sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trước khi chủ yếu viết và công bố thơ trên mạng, ông từng xuất bản nhiều ấn phẩm ở những nhà xuất bản uy tín trong nước, chẳng hạn: hoài niệm chiều mưa (Nxb Thanh niên, 1991)và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió (Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2004)Liên tưởng (Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2006)đêm và những khúc rời của Vũ (Nxb Hội Nhà văn, 2008)thơ hỏi thơ (Nxb Thanh Niên, 2008)… Đầu thế kỉ XXI, ông bắt đầu công bố tác phẩm trên các website văn học như tienve.org, damau.org, vanchuongviet.orgvanviet.info... Gần đây, sáng tác của ông được cập nhật thường xuyên trên facebook Lê Vĩnh Tài, bao gồm thơ ngắn, trường ca, thơ văn xuôi, tản văn, tiểu luận.

Quan sát, nhận thức hiện thực trong sự chuyển động và tương tác đa chiều giữa thơ và nhiều phương diện đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, Lê Vĩnh Tài đã biến thơ thành một trò chơi ngôn ngữ, ở đó, đường ranh thể loại/ loại hình giữa thơ với tin tức báo chí, văn xuôi, lí luận phê bình, ngôn ngữ máy tính… bị chồng lần, xóa mờ một cách có chủ ý. Ở thơ Lê Vĩnh Tài, ta thấy rõ tinh thần thể nghiệm, ý thức chất vấn về sự viết và mong muốn tìm kiếm những khả thể nghệ thuật mới. Thơ ông khiêu khích quan niệm và cách đọc truyền thống, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về cách viết, cách đọc.