Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Thơ Thanh Thảo

 

TIẾNG THÉT GỌI CỦA CON NGƯỜI ĐÃ VƯỢT LÊN NỖI SỢ

(Đọc trường ca Đêm trên cát, trong tập Trường ca

của Thanh Thảo, Nxb Hội Nhà văn, 2009)

 

                                Lê Hồ Quang

Đêm trên cát nằm trong vệt tác phẩm viết về nghệ sĩ - trí thức, một kiểu hình tượng nổi bật trong thơ Thanh Thảo thời hậu chiến. Viết về Cao Bá Quát, một nhà nho, một nhà thơ, vị quân sư của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, một con người có tài năng và số phận khác thường trong lịch sử dân tộc, trường ca này là cuộc giải phẫu nội tâm cá nhân bi tráng gắn liền cảm hứng nhận thức, lý giải về trách nhiệm trí thức trước các vấn đề của thời cuộc, của đời sống lịch sử - xã hội.

Bao trùm Đêm trên cát là một trạng thái nội tâm đớn đau, bi phẫn. Trạng thái ấy gắn liền ý thức sâu sắc về đời sống cá nhân, xã hội, trách nhiệm của kẻ sĩ và cũng chính nó đã thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ, dữ dội. “Ta” (được hiểu theo nghĩa đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất), là cách xưng danh của nhân vật trữ tình. Nó vừa gợi cảm giác xưa cũ (thường gặp trong thơ xưa); đồng thời nhanh chóng xác lập tâm thế tâm sự/ tự sự/ giãi bày... của nhân vật: Ta đứng đây/ nương tựa vào chính mình vào mặt đất... Nhưng việc đào sâu vào thế giới nội tâm cũng là dấn sâu thêm vào cảm giác tổn thương nghẹn ngào chua xót:

tóc xõa đầu ngọn gió

rối bời bao tâm sự

ta già rồi chăng

trước mặt bức tường cao thêm mãi

gánh nặng lưng còng trèo non lội suối

xòe bàn tay còn lại đất bùn

mong tài năng nở rộ dưới vầng dương

buồn cười thay

nghe trong miệng vị sương mù nhạt thếch