Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thơ mạng Lê Vĩnh Tài

 

THƠ MẠNG
TRƯỜNG HỢP LÊ VĨNH TÀI

 

hãy chạm vào phím, bài thơ sẽ tự mở khoá

Thơ tìm thấy một từ và nó sẽ thở

                       (Làm thơ - Lê Vĩnh Tài)

                                                                           

                                                                                         Lê Hồ Quang

1. Thơ mạng (internet poetry) là loại hình thơ gắn với nền tảng, không gian công nghệ số, đặc thù của nó là sự lai ghép, nói đúng hơn, là sự cộng sinh giữa hai thành tố - thơ và internet. Cuộc hôn phối với công nghệ số và các phương tiện kĩ thuật hiện đại khiến ranh giới ổn định về mặt thể loại của thơ trữ tình truyền thống bị phá vỡ. Không gian công nghệ và môi trường số đòi hỏi một tâm thế và tư duy sáng tạo, tiếp nhận mới, khác (tạm gọi là tâm thế và tư duy mở, động), so với truyền thống (xuất bản/ in trên giấy, có tính đóng, tĩnh). Do đó, với thơ mạng, quan niệm về tác giả, độc giả, nguyên tắc giao tiếp và giá trị tác phẩm…, đương nhiên sẽ giãn nở, thay đổi, thậm chí được tái định nghĩa.

Vào thập niên đầu thế kỉ XXI, khi internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, thơ mạng viết bằng tiếng Việt cũng xuất hiện phổ biến trên các tạp chí điện tử, các website văn học (talawas.org, tapchitho.org, vanchuongviet.org, damau.org, gio-o.com …) và về sau, trên Webblog, Yahoo 360, Facebook, Instagram... Nhiều khuynh hướng tìm tòi, cách tân, thể nghiệm thơ khác nhau đã bùng nổ trên không gian mạng. Internet đã mở ra một không gian hiện đại, dân chủ và vô cùng rộng rãi cho hoạt động sáng tác và phê bình, tranh luận nghệ thuật.

Cho đến nay, khi nói đến thơ mạng viết bằng tiếng Việt, ta có thể nhắc đến không ít tên tuổi: Khế Iêm, Inrasara, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Nguyễn Anh, Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thanh Hiện, Pháp Hoan, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Đức Tùng, Lê Anh Hoài, Phạm Hiền Mây, Trần Hạ Vi, Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Nguyễn Thiên Ngân…[1]

 Trong số các tác giả thơ mạng nói trên, Lê Vĩnh Tài - không nghi ngờ gì nữa - là một gương mặt đặc biệt.

2. Lê Vĩnh Tài hiện sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trước khi chủ yếu viết và công bố thơ trên mạng, ông từng xuất bản nhiều ấn phẩm ở những nhà xuất bản uy tín trong nước, chẳng hạn: hoài niệm chiều mưa (Nxb Thanh niên, 1991)và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió (Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2004)Liên tưởng (Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2006)đêm và những khúc rời của Vũ (Nxb Hội Nhà văn, 2008)thơ hỏi thơ (Nxb Thanh Niên, 2008)… Đầu thế kỉ XXI, ông bắt đầu công bố tác phẩm trên các website văn học như tienve.org, damau.org, vanchuongviet.orgvanviet.info... Gần đây, sáng tác của ông được cập nhật thường xuyên trên facebook Lê Vĩnh Tài, bao gồm thơ ngắn, trường ca, thơ văn xuôi, tản văn, tiểu luận.

Quan sát, nhận thức hiện thực trong sự chuyển động và tương tác đa chiều giữa thơ và nhiều phương diện đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, Lê Vĩnh Tài đã biến thơ thành một trò chơi ngôn ngữ, ở đó, đường ranh thể loại/ loại hình giữa thơ với tin tức báo chí, văn xuôi, lí luận phê bình, ngôn ngữ máy tính… bị chồng lần, xóa mờ một cách có chủ ý. Ở thơ Lê Vĩnh Tài, ta thấy rõ tinh thần thể nghiệm, ý thức chất vấn về sự viết và mong muốn tìm kiếm những khả thể nghệ thuật mới. Thơ ông khiêu khích quan niệm và cách đọc truyền thống, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về cách viết, cách đọc.

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Một cái cây

 

MỘT CÁI CÂY

 


         

Bạn nhìn cây héo từng ngày. Đầu tiên, lá vàng dần. Một. Hai. Ba. Rồi xuội xuống, vàng xuộm, ngả sang màu nâu đất. Từng đám theo nhau rụng ào ào quanh gốc. Rồi thưa thớt từng chiếc buông mình. Đám cành khô trơ trụi chĩa lên nền trời xanh bỏng. Chiếc lá cuối cùng rụng xuống vẫn thơm. Những cành cây khô dần nhựa vẫn thơm. Mùi hương quyến luyến trên những cành khô quắt. Trong hy vọng mong manh, bạn cấu vào vỏ cây. Một chút xanh se sắt. Rồi dần dà khô kiệt. Mẩu vỏ khô dòn rụm xuống mà mùi hương vẫn còn váng vất.

Một ngày. Bạn tần ngần đào gốc lên. Rễ cây chỉ còn một túm nhỏ khô khẳng, vo gọn trong chét tay. Hương cây luẩn quẩn trong nắm rễ khô rời. Hốc đất trơ trụi nhắc cây từng có mặt.

Rồi mưa dông.

Cỏ mọc lún phún quanh hốc đất. 

Bạn nhớ một người bạn cũ.

Bạn trồng lại một cái cây nhỏ. Trên hốc đất cũ.

Thân rễ xưa đứng cạnh cây con lòa xòa lá nhỏ.

                                                              6.6.2022

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Tàn tích

 

TÀN TÍCH



Ấy là khi bạn đã nói ra điều gì đó. Trước đó, bạn khăng khăng phải nói. Nhất quyết phải nói. Như thể không nói được ra bạn không còn là bạn. Cảm giác ấy làm bạn sục sôi. Bạn vầy vò trí nhớ, sắp xếp cảnh tượng, phân tích tình thế, vót nhọn ý nghĩ và ngôn từ trong trí, chỉ chực chờ mở miệng là lời bay vút ra như mũi tên rời khỏi cung. Gặp lúc thuận tiện, người nghe chịu nghe, bạn thêm hào hứng. Bạn mô tả, thuyết minh, phân tích, vá chỗ nọ, dặm chỗ kia, vẽ thêm viễn cảnh huy hoàng hoặc đen tối, liên tục thay đổi vị trí và tư cách diễn giả. Từ một vệt màu đanh gọn trực chỉ vị trí duy nhất trên tấm toan, màu đã loang ra, ngày càng nhão nhề mề mệt. Càng nói, bạn càng mất kiểm soát. Càng nói, lời nói càng làm chủ bạn. Cuối cùng, chỉ còn lại lời tung hoành trên bãi chiến trường ngôn từ lạnh lẽo. Bạn chỉ còn một tàn tích.  

Cỏ

 

CỎ






Vườn lâu không dọn, cỏ mọc um tùm. Cỏ lan ra khắp mép vườn, xòa xuống che kín cả các rãnh thoát nước, níu vào lan can thò khỏi mép tường. Có vài cây mọc lên từ vô số hạt ti ti gió thả vào chậu, kiêu hãnh vươn lá chen với đám cây cảnh chẳng chút e ngại. Mỗi đợt gió, cỏ rạp xuống như những dải bờm xanh uốn lượn. Cảm giác như đang có một con châu chấu đang kêu ri ri trong đám cỏ sắp búng càng bay vụt lên. Trong mùi thơm ngọt của tía tô, thơm nồng húng quế, thơm đăng đắng của ngải cứu, thơm mát của lá lốt xanh um góc vườn còn có mùi thơm hanh khô của đám cỏ hoa phơ phất. Bạn tém dép, thả chân trần đi vào vườn. Cỏ thản nhiên rạp xuống, quấn quít lòa xòa ôm lấy chân bạn.

 

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Người già yêu

 

NGƯỜI GIÀ YÊU

 

Người già yêu, tại sao không?

Bạn nhìn người già yêu. Mắt sáng lên. Giọng thất thanh khấp khởi. Tay chân náo động. Mắt chợt sáng rỡ, chợt u uẩn.

Người già thoắt thành con trẻ. Những điệu bộ háo hức không kìm giữ. Người già không phải đi mà bay, chân lơ lửng không chạm đất. Người già không phải nói, mà hát.

Một chút xíu là cơm. Một chút xíu là nước. Còn lại là hương hoa, là không khí, là hơi sương. Ở đâu ra, cái ánh nhìn rờ rỡ ấy? Con mắt không dám ngước hẳn lên, chỉ nhìn ngang, nhìn xa. Ngập ngừng cúi xuống. Trái tim đập chậm chậm trong chiều muộn, muốn nói điều gì.

Bạn trẻ, bạn đừng giễu.

Bạn sẽ già mà không yêu ai. Cũng chẳng được ai yêu.





Về nhà

 

VỀ NHÀ




Xe chạy qua ngã ba. Khi nhìn từ trên chiếc xe giường nằm, ngã ba vụt qua trong tích tắc. Bạn nhớ thuở học trò trọ học, thấy ngã ba biết sắp về đến nhà. Móng nhà xây dở. Một gian phòng nhỏ, ít đồ đạc nghèo nàn. Gạch táp - lô tự đóng xếp góc sân. Vườn su su trĩu quả. Chuồng gà. Cái chổi xể mòn trơ trụi. Hố xí cuối góc vườn, lối đi vào lát gạch sạch sẽ. Và cánh cổng khép mở hai thế giới. Chữ gọi chữ, bạn nhớ lại. Bạn từng có một ngôi nhà ở sau ngã ba đó.

Sao bạn luôn tự nhủ mình là kẻ không nhà?

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Neo thời gian

 

          NEO THỜI GIAN


            Là một hành động có tính nghi lễ - việc bạn ngồi xuống bàn, cầm lấy cây bút và cuốn sổ (trước đây) và bật máy tính, nhấp chuột (bây giờ) vào sáng ngày mồng một tháng một năm hai nghìn không trăm... Những ý nghĩ lộn xộn chạy trong đầu. Bạn cần sắp xếp lại, từ tốn và nhẫn nại, như đống bát đũa rếch chất chồng cần rửa chỗ bồn rửa. Như đống giấy tờ sự vụ ngổn ngang lộn xộn góc bàn hẹp. Như cuộc đời của bạn, đi qua rất mau mà vào ngày mồng một tháng một năm hai ngàn không trăm... bạn cứ ngỡ mình vẫn là một đứa vị thành niên mặc áo khoác kẻ ca rô đen đỏ (màu đỏ là màu bạn ưa thích suốt quãng đời đã qua của bạn, nhưng bây giờ bạn biết màu ưa thích của bạn đã thay đổi) đứng lơ ngơ bên đường với túi xách căng phồng đựng dăm ba thứ cũ kĩ rẻ tiền nhưng là toàn bộ những gì bạn có. Bạn đã đi qua con đường của mình mà bạn vẫn còn đứng lại. Với rất nhiều thứ đã nhân lên kể từ cái túi cũ kĩ sờn rách. Và bạn vẫn là một đứa trẻ vị thành niên trong tim, chưa bao giờ già đi, hoặc ít nhất bạn tưởng thế, với bộ mặt đầy nếp nhăn, mí mắt sập xuống sầu não.

Bạn buông chuột và cầm sách. Bạn biết bạn là ai vào ngày một tháng một năm hai nghìn không trăm... Bạn là ông lão bán bình và cốc pha lê trên đỉnh dốc Nhà Giả Kim. Bạn mơ thánh địa Mecca. Nhưng bạn vẫn ngồi trên đỉnh dốc và bán bình pha lê. Mãi mãi lơ lửng.

Đó là lí do bạn cần đính chính đời mình trong một thời khắc.

                                                                                               1/1/2022





Cô độc

 

CÔ ĐỘC

 

Bạn sẽ không thực hiểu cô độc nếu như bạn chưa phải sống giữa một - đầy - đủ các mối quan hệ xã hội, ví dụ như, gia đình, cơ quan, bạn bè, họ hàng… Thật là rộn ràng, xôm tụ, đủ đầy. Thế nhưng khi bạn cần một ai đó để có thể nói câu chuyện của bạn, bạn lục lọi khắp danh sách, những gương mặt chạy loang loáng, bạn không tìm thấy một ai, bất kỳ ai. Bạn thu mớ bòng bong của mình lại, cuộn thật chặt, thật gọn như bó sợi tầm gai trong chuyện cổ. Rồi hằng đêm, bạn xổ nó ra, cuốn từng vòng quanh thân, để gai xiết vào da bạn rớm máu.

Mong muốn của bạn đơn giản, một câu chuyện có người lắng nghe, không ngắt lời bằng những câu mệnh lệnh thô bạo. Chỉ đơn giản là lắng nghe. Nhưng bạn không có khả năng. Hoặc là đòi hỏi của bạn quá cao. Hoặc ngôn ngữ của bạn có vấn đề. Tất cả khiến bạn có cảm giác như đang đập trán vào một bức tường tử khí lạnh ngắt.

Thật buồn cười, bạn nghĩ. Tất cả đều lỗi của bạn. Bạn chưa đủ bao dung. Bạn chưa đủ hy sinh. Bạn chưa đủ tốt. Bạn chưa đủ dịu dàng. Cả mong muốn chuyện trò của bạn cũng là quá ngưỡng chịu đựng. Tất cả đều bất thường. Bạn nghĩ tới câu chuyện Hang động của Platon. Giữa kẻ cả đời bị trói tay và chỉ nhìn thấy cuộc sống dưới dạng cái bóng phản chiếu của ngọn lửa làm sao có thể cùng suy nghĩ với kẻ đã ra khỏi hang động?

Dĩ nhiên, óc hài hước vừa đủ cũng luôn nhắc bạn biết ai là kẻ đã ra khỏi hang. Chưa chắc đã là bạn.


Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Văn học mạng Việt Nam, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận

 VĂN HỌC MẠNG VIỆT NAM,

XU HƯỚNG SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN

(Trần Khánh Thành, Lê Trà My, Trần Ngọc Hiếu,
NXb Đại học Quốc gia Hà Nội, tái bản lần thứ nhất, 2021)

 

Cuốn sách là cái nhìn mang tính bao quát về văn học mạng (Internet literature) Việt Nam, bắt đầu từ việc giới thuyết khái niệm, phân tích bối cảnh, tính chất, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận, đi sâu vào một số hiện tượng thể loại: thơ mạng, truyện mạng, tản văn mạng, phê bình mạng và chốt hạ bằng 02 phụ lục, một là phác thảo về văn học mạng Trung Quốc và hai, là bảng tra cứu thuật ngữ.

Sau đây là một số nhận xét nhanh.

- Thứ nhất, sách có cấu trúc nội dung chặt chẽ. Một hiện tượng vô cùng phức tạp như văn học mạng Việt Nam đã được tổng hợp, phân loại và khái quát, hệ thống hóa một cách hợp lí. Nhiều nội dung viết kĩ, gọn mà sáng, văn nghiên cứu mà đọc rất thú. Chẳng hạn phần phân tích sự ra đời của văn học mạng, tính chất của văn học mạng, thơ mạng Việt ngữ... Tuy nhiên, có một số phần vẫn hơi sa vào mô tả, nhất là phần nói về các tác phẩm văn xuôi. Phần phê bình mạng hơi nhạt (có thể do sự nhạt của... phê bình!). Có sự không đồng đều giữa các phần viết (trong văn phong, lối viết, cách lập luận, cách dùng đại từ...)

- Thứ hai, có nhiều thông tin mới, đáng chú ý về các hiện tượng văn học mạng. Có nhiều tác giả thuộc dòng "văn học thiểu số" (nói theo cách của F. Kafka), ngoại biên, nghĩa là hiếm khi thấy được nhắc tên trong các công trình nghiên cứu trường quy. Một số vấn đề như cái tục, cái hài, cái nhảm, hoặc vấn đề tính dục trong văn học mạng v.v., nằm trong mạch lí giải, gợi mở, kích thích suy nghĩ. Chọn một số trường hợp tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở một số thể loại, các tác giả phân tích, dẫn giải khá rạch ròi, cụ thể, thuyết phục. Nhìn chung, các hiện tượng được lựa chọn phân tích khá đích đáng.

- Thứ ba, tập trung vào đối tượng là văn học mạng Việt ngữ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, các tác giả chú ý trình bày và lí giải về nó như một hiện tượng văn hóa, văn học phức tạp và đang chuyển động. Cách tiếp cận văn học mạng từ xu hướng sáng tạo (của tác giả văn học mạng) và tiếp nhận (độc giả mạng) cho ta hiểu về sự "có lí" của những hiện tượng văn học mới mà từ góc nhìn nghiên cứu truyền thống, có tính ổn định, tĩnh tại, hoặc hàn lâm, cứng nhắc, sẽ khó hiểu, và đương nhiên, khó chấp nhận cái gọi là giá trị của chúng. Sự thực thì mình không đánh giá cao về mặt đóng góp nghệ thuật của một số hiện tượng (chẳng hạn thơ Nguyễn Phong Việt hoặc một số tác giả văn xuôi ngôn tình như Gào...), nhưng việc cuốn sách đặt các hiện tượng này từ góc nhìn xã hội học văn học, từ hiệu ứng truyền thông, từ tiếp nhận của một lớp độc giả thị dân trẻ, chúng trở thành một vấn đề khoa học cần phải được suy nghĩ và lí giải.

Tóm lại thì, sách đem lại cái nhìn và nhận thức cần thiết về một hình thái văn học mới - văn học mạng, đã xuất hiện như một tất yếu trong lịch sử văn học, tương ứng với sự phát triển của CNTT, kéo theo nó là sự đứt gãy - cũng có tính tất yếu lịch sử - của hình thái văn học giấy (in ấn) truyền thống. Đối diện với hiện tượng văn học mới này, ta không thể vờ nhắm mắt bịt tai, tiếp tục cách đọc một chiều, bảo thủ và cứng nhắc.

Dù đọc nhanh, theo kiểu tranh thủ, cuốn sách đã gieo một chất kích thích, một sự hồ nghi, một nỗi hứng khởi. Nó gợi ý kết nối mới, với những hiện tượng, tác giả, tác phẩm mà mình đã thấy, đang thấy, vẫn thấy trên các trang web, blog, facebook... và cả trên những trang sách in, với hình hài và hơi thở khác. Nó lan tỏa một khao khát đọc và lí giải họ, đánh giá họ theo hướng khác, với bản dạng khác, trong bối cảnh tồn tại khác của văn học thời đại số.

              

Vinh, 14/2/2022

 


                                                                  

 


 

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Nguyễn Duy, nhà thơ hiện đại Việt Nam - Lã Nguyên

 NGUYỄN DUY, NHÀ THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

(Lã Nguyên)


Tư duy của tác giả, đối tượng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận, đó là ba điểm đáng chú ý.

 


 

Chi phối cấu trúc và nội dung cuốn sách là kiểu tư duy lí luận, chú trọng tính hệ thống - cấu trúc chặt chẽ. Điều này thể hiện trong mô hình và hệ thống thuật ngữ thi pháp học khá quen thuộc và ngay trong ý đồ diễn giải khái niệm "Nguyễn Duy - Nhà thơ hiện đại Việt Nam", theo kiểu Lã Nguyên. Tác giả Nguyễn Duy, gương mặt thơ quen thuộc thời chống Mỹ, được nghiên cứu từ góc độ loại hình, trong sự so sánh với một kiểu loại hình tác giả khác, áp đảo, nổi bật của thơ Cách mạng - tác giả Tố Hữu. Sự thực là "cuống nhau và chùm rễ" của thơ Nguyễn Duy với gốc thơ Cách mạng khá đậm, và dù rẽ nhánh sang thể tài, cảm hứng thế sự, đời tư, ông không hoàn toàn đối lập - trong tư cách một kiểu tác giả - với kiểu nhà thơ - chiến sĩ mà Tố Hữu là đại diện nổi bật, điều này không phải không gây gợn nghĩ. Nhưng vấn đề loại hình tác giả được đặt ra ở đây thực sự có ý nghĩa và cần được tiếp tục, đặc biệt trong nghiên cứu văn học sử hiện đại. Tác giả sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu (văn hóa - lịch sử, phân tích hình thức, diễn ngôn, hệ thống... ), đặc biệt ấn tượng là phương pháp so sánh - loại hình. Các lí thuyết nghiên cứu ở đây thực sự là những công cụ nhà nghề, chúng được nhà phê bình sử dụng một cách linh hoạt, nhẹ nhõm.

 


 

Đây là một cuốn sách nghiên cứu - phê bình được đẩy tới trên đà rất nhiều công trình lí luận, nghiên cứu nền tảng trước đó của tác giả (xem ảnh chụp). Thế nên, với tư cách một quả ngọt hái thêm trên quá trình nghiên cứu, cuốn sách có vẻ đẹp ung dung của độ chín không cưỡng cầu. Nó đến từ tinh thần đối thoại, thái độ gợi mở tri thức, ngôn ngữ phân tích giản dị, tự nhiên và sôi nổi.

                                                                                                 Vinh, 5/1/2022