Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Vấn đề đọc thơ hiện đại

                           VẤN ĐỀ ĐỌC THƠ HIỆN ĐẠI
                         
                               Lê Hồ Quang

        Với tôi, đọc thơ là một sở thích cá nhân. Trong tư cách độc giả, tôi không tìm kiếm điều gì hơn ngoài việc nhờ thơ chia sẻ, giải tỏa tâm trạng, cảm xúc của mình. Cái hay của thơ, do vậy, được định nghĩa bằng việc nó thiết lập nhanh hay chậm sự đồng cảm, mức độ sâu sắc của ẩn dụ và khả năng khêu gợi cảm giác, cảm xúc nhờ vào những từ “hay”, “đắt”, nói theo cách giáo khoa thư. Nhưng càng ngày, cùng với việc phải tìm hiểu sâu hơn về thơ, tôi càng phải đối mặt nhiều hơn với những câu hỏi. Bài thơ này có hay không? Câu hỏi quen thuộc ấy hóa ra lại là khởi đầu của rất nhiều câu hỏi phức tạp khác. Nhưng thế nào là một “bài thơ hay”? Và hơn thế nữa. Thế nào là thơ? Đâu là ranh giới phân định cái gọi - là - thơ và cái không - phải - thơ? Cái gì thực sự tạo nên “tính thơ”?

Vấn đề càng nảy sinh khi ta tiếp xúc với các hiện tượng cụ thể, nhất là thơ hiện đại. Có lẽ chưa bao giờ quan niệm về thơ/ tính thơ lại xa nhau đến thế. Cùng với điều đó, có quá nhiều cách đọc khác nhau, thậm chí mâu thuẫn gay gắt, khiến câu trả lời về nghĩa/ ý nghĩa của tác phẩm càng khó tìm được điểm chung. Trước thực tế ấy, tôi cho rằng, muốn đọc hiệu quả, cần có tư duy đọc hiện đại. Đấy là một mô hình tiếp cận và lý giải văn bản vừa có điểm tựa lý thuyết vừa gắn liền trải nghiệm đọc cụ thể, giúp đọc đúng tác phẩm. Về điều này, xin được nói thêm như một lưu ý nhỏ về phương pháp luận, dù vấn đề không mới. Ta biết rằng giữa tư duy độc giả và tư duy nghệ sĩ không phải lúc nào cũng gặp nhau, ngay cả trong trường hợp người viết đồng thời là người đọc. Trong khi một số nhà thơ thường có xu hướng đồng nhất mình với nhân vật trữ tình thì độc giả có thể chỉ quan tâm đến tác phẩm như một cấu trúc thẩm mĩ tự thân. Do đó, sự “lệch pha” giữa sự viết (của nhà thơ) và sự đọc (của độc giả) là điều hiển nhiên. “Đọc sai” trong trường hợp này chỉ có nghĩa là đọc không đúng với “thông điệp” mà tác giả có ý thức gửi gắm (và có thể được tác giả xác nhận), nhưng hoàn toàn không sai nếu nhìn từ quan niệm đọc - diễn giải tác phẩm, một khi sự diễn giải đó là có cơ sở.

Thơ Việt Nam sau 1986

TƯ DUY THƠ VIỆT NAM SAU 1986
QUA SÁNG TÁC CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ THẾ HỆ ĐỔI MỚI


Lê Hồ Quang
             1. Nói tới tư duy thơ là nói tới một loại hình tư duy nghệ thuật mang tính đặc thù[1]. Nó chi phối hoạt động sáng tạo của nhà thơ và được hiện thực hóa, cụ thể hóa thông qua hệ thống quan niệm, tư tưởng và thi pháp thể loại. Tư duy thơ của tác giả chịu sự chế ước của nhiều yếu tố: đặc điểm tâm sinh lý, cá tính sáng tạo, kinh nghiệm và trình độ thẩm mĩ của chủ thể, môi trường văn hóa - xã hội… Nó thể hiện qua những phát ngôn tư tưởng trực tiếp hoặc qua những bài viết phê bình, trao đổi, tranh luận của tác giả, song đặc biệt tập trung thể hiện trên văn bản tác phẩm, trong thế giới nghệ thuật được tạo nên bởi ngôn ngữ thi ca tương ứng. Đổi mới thơ, xét từ bản chất của nó, chính là đổi mới tư duy. Chỉ đổi mới hình thức hay nội dung thơ chưa phải là đổi mới tư duy. Đổi mới tư tưởng, quan niệm về thơ cũng mới chỉ là một yếu tố (dù rất quan trọng) của đổi mới tư duy. Vậy thế nào mới thực sự đổi mới tư duy? Ấy là khi ở tác giả hình thành một mô hình nhận thức – sáng tạo mới, khác (thậm chí đối lập) với trước và nhờ đó tạo nên sự thay đổi mang tính gốc rễ trong thế giới nghệ thuật tương ứng. Có thể khẳng định, đổi mới tư duy thơ chính là nền tảng của mọi sự cách tân, đổi mới thơ. Nghiên cứu tư duy thơ là cách để hiểu/ lý giải triệt để hơn cả về “cơ chế” hoạt động sáng tạo của chủ thể, nhằm cắt nghĩa sâu hơn về những đặc thù nghệ thuật trong tác phẩm (dĩ nhiên cũng cần tính đến yếu tố vô thức trong sáng tạo của nghệ sỹ). Nó đưa lại nhận thức về tác phẩm như một cấu trúc chỉnh thể bao gồm nhiều yếu tố liên kết chặt chẽ. Cũng có thể xem đấy như  một điểm tựa phương pháp luận giúp ta nhận ra nét đặc thù khu biệt các loại hình nhận thức thẩm mĩ, từ đó, có được sự đánh giá khách quan, khoa học cần thiết về các hiện tượng thơ, nhất là những hiện tượng mới, phức tạp. 

Thơ Mai Văn Phấn

MAI VĂN PHẤN VÀ HÀNH TRÌNH THƠ "RỜI BỎ BẦY ĐÀN QUẪY VÀO BIỂN ĐỘNG"                                                                                                                                                                                                                                                      
                                                                                                    Lê Hồ Quang

Tôi muốn bắt đầu về Mai Văn Phấn bằng một hình ảnh trong chính thơ ông: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động (Ngậm em trong miệng)... Thực chất đấy là một tuyên ngôn về sự sáng tạo: Viết là hành động rời bỏ đám đông, đồng thời, rời bỏ chính mình. Với quan niệm “sáng tạo đồng nghĩa với việc khai sinh một thế giới riêng biệt”, hành trình phủ định/ tự phủ định ấy ở Mai Văn Phấn diễn ra liên tục và ráo riết, vừa như một vẫy gọi, vừa như một thách đố. Điều này đương nhiên đem lại cho tác phẩm những bất lợi mà rõ ràng nhất là khó (thậm chí là không) tạo nên sự “đồng cảm, đồng điệu” của đám đông người đọc, vẫn là một trong những tiêu chí đánh giá phổ biến về thơ hiện nay. Nhưng bù lại, tác giả có được sự cô đơn cần thiết để tự tin và tự do kiến tạo thế giới tinh thần riêng của mình. Do đó, đọc thơ Mai Văn Phấn là “đọc” một thế giới nghệ thuật khá đặc thù, được kiến tạo theo những nguyên tắc và phương tiện thể hiện không quen thuộc, gay gắt đòi hỏi người đọc một ý thức, một quan niệm tiếp cận mới.

Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

ĐÂY THÔN VĨ DẠ 

TỪ HÌNH ẢNH ĐẾN BIỂU TƯỢNG
                                                                 

                                                                                                                                     Lê Hồ Quang


ĐÂY THÔN VĨ DẠ

 

Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

 

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

 

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà? [1]

 

Rõ ràng có một thế giới thiên nhiên rất thực đã và đang tồn tại trong Đây thôn Vĩ Dạ. Đó là thế giới của "vườn ai mướt quá”, của “lá trúc che ngang” và  “thuyền ai đậu bến sông trăng đó”… đầy tình tứ. Một thế giới xôn xao của ánh sáng và sắc màu song vẫn gợi lên sắc thái cổ điển. Mỗi hình ảnh, sự vật đều rất nổi nét trong những hình vẻ cụ thể, trong cả những câu mà tất thảy như bị nhòe mờ đi sau một màn sương khói mông lung vô tình hay hữu ý. Những  “nắng”, “vườn”, “con thuyền”, “vầng trăng” và “em” nữa, tất cả tạo nên tập hợp hình ảnh cuộc đời sống động trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông, trong cảnh ngộ riêng bi kịch, bị gạt ra ngoài guồng quay của nó và chỉ có thể đứng từ xa để ngưỡng vọng và khao khát. Tác giả rất chú trọng tới việc mô tả thiên nhiên trong sự gợi cảm như vốn có. Thậm chí, để tăng tính xác thực cho những thông tin hình ảnh, ông còn tái hiện cả những tiếng reo thầm, những câu hỏi, những lời xuýt xoa của chính mình (Vườn ai mướt quá!... Thuyền ai đậu bến sông trăng đó… Khách đường xa! khách đường xa!)... Hiệu quả là ông đã tạo nên trong 12 câu thơ một bức tranh thiên nhiên đậm chất tạo hình. Song Đây thôn Vĩ Dạ không đơn thuần là một bức tranh tả thực.

Tình ca ban mai - Chế Lan Viên

MAI, HOA EM LẠI VỀ
(Về bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên)

                                                                                                           
                                                                                                     Lê Hồ Quang                        
Xa cách trong tình yêu tựa như nốt lặng giữa những thanh âm dồn dập say mê. Đó là thời gian để tự lắng nghe và kiểm nghiệm lại nhưng giá trị tình cảm của chính mình. Một nhà văn nước ngoài từng nói: “Tình yêu trong xa cách ví như lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn". Tình ca ban mai cũng là một ngọn lửa trong gió, một hợp âm xôn xao tình yêu và khát vọng. Với tuần tự hai câu thơ năm chữ một, bài thơ vừa khép lại trong những mơ màng suy tưởng, vừa mở ra biết bao thao thức, lo âu. Những rung vang lạ trên rất nhiều khoảng trắng.
Mở đầu bài thơ, tác giả bắt ngay vào hiện thực chia cắt - Em đi:
Em đi như chiều đi
Tại sao lại là “chiều đi” mà không phải là “chiều xuống" hoặc “chiều tàn”, những từ đều diễn tả cùng một trạng thái thời gian? Điều này có thể do tâm thế cuộc chia tay quyết định, không phải “ra đi là xa biệt” mà chia tay là để tái ngộ. Tất cả mới chỉ là bắt đầu, còn ở thế vận động và tiếp diễn. Trong âm thanh điệp lại (đi- i) tựa hơi gió buồn rầu xa hút ấy, đã hé lộ một tâm trạng khắc khoải xáo động.

Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu

CÓ MỘT ĐÊM NHƯ THẾ

     (Về truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu)

                                                                         Lê Hồ Quang

Thực ra, Mảnh trăng cuối rừng không chỉ là câu chuyện về một đêm trăng. Song khi gấp trang cuối cùng lại, hiện diện trong tôi vẫn là một đêm chan chứa ánh trăng, một giấc mơ ngọt ngào không dễ có trong đời. Một huyền thoại, vâng, nhưng rất có thể đã có thực.
Đêm đặc biệt từ làn không khí ẩm ướt hơi sương, đến không gian núi rừng bát ngát và "khoảng trời đêm trên cao lồng lộng”… Tất cả tươi mát lặng lẽ ấy bỗng rung mình xao động khi trong khoảng không sâu thẳm vẳng lên một "tiếng chim mơ hồ”. Tiếng chim gì, không rõ, như có như không, tựa một vang động rất xa xôi từ trong tâm tưởng và trong không gian sâu thẳm, những vòng sóng mơ màng cứ lặng lẽ toả lan ra mãi. Ngoại vật bỗng rung rinh nhoè lẫn trong một cảm giác chơi vơi, không thể xác định, hư thực, mông lung.
Không gian đầy trăng, một thứ ánh trăng thượng tuần dịu dàng, tươi mát. Dưới dòng ánh sáng ấy, mọi thứ dường như đang lặng lẽ hé lộ cái bản chất tốt đẹp tiềm ẩn với những dường nét diễm lệ không ngờ. Đêm rừng ấy là một hoà sắc trữ tình biết bao! Ánh trăng lúc thì như “ngọn đèn xanh”, lúc thì “sáng trong như một mảnh bạc", người con gái thì trẻ trung, xinh đẹp, “gót chân bóng hồng”,  "áo xanh”, “nón trắng loá”,gương mặt tươi mát”, “mái tóc thơm ngát”. Và cả con đường chiến tranh nham nhở vết đạn bom, trong đêm ấy, dường như cũng “thếp từng mảng ánh trăng”. Cảnh vật và con người dường như cũng bị trăng hoá, trở nên lung linh, hư ảo. Cả một không gian đang lặng lẽ khởi sắc. Dường như đâu đây bỗng phảng phất dâng lên một thứ hương rừng quyến luyến say mê. Hẳn là tác giả đã có lí khi dựng nên cả một không gian trữ tình như vậy. Đấy sẽ là một bối cảnh đặc biệt thích hợp để Nguyệt xuất hiện, đồng nghĩa với sự xuất hiện của cái "phút giây số phận" (André Maurois) trong một đời người.

Âm vang "Gió mùa đi qua"

ÂM VANG GIÓ MÙA ĐI QUA
(Về tập Gió mùa đi qua của Nguyễn Thị Phước, Nxb Hội nhà văn, 2007)


                                                                                                                 Lê Hồ Quang              Tôi “gặp” tác giả Nguyễn Thị Phước lần đầu tiên qua một truyện ngắn có tên là Phù sa. Ngay từ thiên truyện ấy đã lộ ra cái nét riêng sau này cũng sẽ xuất hiện trong hầu khắp những trang viết của chị: một cái nhìn về cuộc sống đầy nhạy cảm và không ít những day dứt, lật trở, một lối viết “mộc”, có vẻ không mấy dụng công nhưng lại khá tự nhiên với khả năng phát hiện nội tâm tinh tế và do đó, luôn có một cái gì như là chất thơ man mác ẩn sau câu chữ. (Về sau, tôi được biết Nguyễn Thị Phước còn là một nhà thơ, chị đã xuất bản ba tập thơ riêng và đang chuẩn bị in tập thứ tư. Điều này cũng góp phần củng cố thêm những cảm nhận ban đầu của tôi về truyện ngắn của chị). Gió mùa đi qua là tập truyện xuất bản gần đây nhất của tác giả này và có thể nói, đấy cũng là một cuốn sách có khả năng gợi nhiều suy ngẫm ở độc giả.

Đây mùa thu tới - Xuân Diệu

MÙA THU CÒN LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN 
TRONG CON MẮT XUÂN DIỆU
                         
                                                                     Lê Hồ Quang                                                                                          
Tôi nghĩ, chúng ta - những độc giả trung thành của Xuân Diệu, sẽ không phản đối cái ý kiến cho rằng Đây mùa thu tới là một trong số những bài thơ thu đặc sắc của tác giả nói riêng, thơ ca Việt Nam nói chung. Tác phẩm này cũng sử dụng nhiều những thi liệu vốn rất có sẵn trong thơ ca cổ điển như liễu, hoa lá, trăng, mây, bến đò … nhưng tất cả những hình ảnh chi tiết đó đều được cá biệt hoá qua con mắt “non tơ, biếc rờn, ngơ ngác” của Xuân Diệu. Nếu không, nó làm sao thoát khỏi tình trạng bị “trùm bóng" bởi những Thu ca (Paul Verlaine), Thu hứng (Đỗ Phủ) hay Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm (Nguyễn Khuyến)…? Và nếu không, làm sao nó có được vị trí trong chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện hành? Giá trị của bài thơ là điều không phải bàn cãi nhiều. Tuy nhiên khi tham khảo phần hướng dẫn dạy tác phẩm này trong Sách giáo viên (SGV - Văn học 11, tập 1), có một số ý kiến mà người soạn nêu ra khiến cá nhân tôi không khỏi băn khoăn.Vì vậy tôi muốn được trao đổi cùng soạn giả và các bạn một vài suy nghĩ, với mục đích không nằm ngoài việc nhằm góp phần xây dựng một cách hiểu thấu đáo hơn cho học sinh về bài thơ rất được yêu mến này.

Bài thơ thời gian - Lê Quốc Hán


NHỮNG CHIỀU THỜI GIAN THƠ

                                                                Lê Hồ Quang

BÀI THƠ THỜI GIAN

                 

Thời gian như chuyến tốc hành

Mang theo lá đỏ và anh trở về

Tóc xanh vừa lỗi lời thề

Thoắt, thành mây trắng cuối hè bay ngang

Ngu ngơ chạm phải ao làng

Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay

Trái đất ơi! ngược vòng quay

Cho ta gặp lại cái ngày đầu tiên [1]

 

            Lần đầu đọc Bài thơ thời gian của Lê Quốc Hán, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi: Phải hiểu như thế nào về cái tên của bài thơ ấy? Đấy là bài thơ về thời gian hay là bài thơ của thời gian? Xem ra, đấy không đơn thuần chỉ là sự khác biệt về mặt từ ngữ. Bởi nếu hiểu là bài thơ viết về thời gian thì điều ấy sẽ gợi hình dung về tác phẩm như một sự miêu tả tương đối khách quan về quy luật của thời gian (và rộng hơn là quy luật của cuộc đời). Như thế, thời gian là đối tượng bị nhà thơ chiếm lĩnh, nó bị động. Còn nếu hiểu đấy là bài thơ của thời gian thì vấn đề có lẽ sẽ khác hơn. Ở đây thời gian đóng vai trò chủ thể, nó chủ động tạo lập bài thơ của chính mình bằng nhịp vận hành vĩnh cửu của sinh giới. Từ đây có thể hình dung thời gian như một thi sĩ - tác giả của bài thơ vũ trụ. Và như thế, phải chăng Bài thơ thời gian cũng chính là sự tự lên tiếng của thời gian?

Không đề - Ngô Thế Oanh

MÙA CỦA TÂM HỒN
(Về bài thơ Không đề của Ngô Thế Oanh)
                                         
                                                                                                                          Lê Hồ Quang
               Có thể là bất kì một mùa nào đấy trong năm, nhưng khoảng thời gian ấy chỉ trở thành ấn tượng chạm khắc trong miền nhớ khi được lọc qua tâm hồn con người – những tâm hồn đặc biệt nhạy cảm vốn dĩ nặng lòng với quá khứ. Không đề là âm vang của một màu hạ như vậy, một mùa hạ rất nhiều kỉ niệm và lưu giữ mãi trong kí ức vẻ lung linh ngay cả khi đã mãi mãi rời xa:
Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm
Tinh khiết những đóa hoa màu trắng
Nở nhè nhẹ trên lòng tôi yên tĩnh
Mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi…
Và tháng Năm. Những dấu mùa quen thuộc chính là ngón tay chạm khẽ lên dây đàn để rồi cả hộp đàn cộng hưởng và rung lên xao xuyến. Tháng Năm này lại gợi nhắc đến tháng Năm kia và cả mùa hạ cũ xưa tưởng đã ngủ vùi dưới rong rêu thời gian bỗng thiết tha trỗi dậy. Con người, sau tất cả những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật, khi đối diện với chính mình, chợt thấy khắc khoải. Câu thơ như lời thú nhận thầm thì cất lên từ sâu thẳm: Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm…

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Thơ Nguyễn Lương Ngọc

NGUYỄN LƯƠNG NGỌC
VÀ QUAN NIỆM "THƠ LẬP THỂ"

                                                                                                Lê Hồ Quang 




             Với ba tập thơ (Từ nước - 1990, Ngày sinh lại - 1991, Lời trong lời - 1994), Nguyễn Lương Ngọc nổi lên như một gương mặt đầy cá tính của thế hệ nhà thơ Đổi mới. Đắm đuối với thơ ca, đồng thời cũng hết sức say mê hội họa và mỹ thuật, ông am hiểu khá rộng về các lĩnh vực nghệ thuật vốn có quan hệ chặt chẽ như hội họa, âm nhạc và văn học... Đây là điều kiện tích cực giúp nhà thơ sớm hình thành một quan niệm hiện đại về thơ, về hoạt động sáng tạo.
Trong Hội họa lập thể, bài thơ được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả, Nguyễn Lương Ngọc viết:
Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu

Em tặng anh cát
Đây nó là thủy tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em.

Thơ Phan Thị Vàng Anh

NGHỆ THUẬT CỦA ĐƠN GIẢN
(Đọc Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh, Nxb Hội Nhà văn, 2006)






                                                                                                 Lê Hồ Quang

Như chính những hình ảnh minh hoạ trên trang bìa, Gửi VB là những nhát cắt hình ảnh gọn gàng và bé nhỏ, từ một góc nhìn rất gần, găm lại trong trí nhớ những ấn tượng tươi tắn, giản dị. Tập thơ thể hiện một nỗ lực đơn giản hóa đến tối đa. Từ cái tên chung của cả tập lẫn từng tên bài đều hết sức ngắn gọn và giản lược: Gửi VB, Công chức, Về nhà, Ốm, Ngủ...; thậm chí có khi như một sự ngẫu nhiên, tuỳ hứng: Trước khi đi Hội An, Ngày thứ hai ở Hội An, Ngày thứ ba ở Hội An... Đề tài cũng hết sức đơn giản, chúng thường hướng về những sinh hoạt thường nhật của chính tác giả (và đó là lí do vì sao có người cho rằng tập thơ giống như những trang nhật kí xé rời). Trong mô tả, những chi tiết rườm rà, hoa mĩ luôn bị bóc đến tận lõi, để lộ sát vẻ hồn nhiên và chân thực của đời sống. Khi sử dụng những biện pháp mĩ từ hóa thông dụng của thơ ca, chẳng hạn so sánh, tác giả vẫn luôn “ưu tiên” cho những so sánh rất văn xuôi, như lời nói thường, ít nhiều suồng sã, chẳng hạn: Bên kia lần dạ đàn nỉ non/ Như ăn mày luẩn quẩn trước cửa nhà/ Muốn đuổi mà ngại ra (Ốm); Say la đà trở về nhà, sờ đến túi mới biết mất chìa khóa/ Bên góc miệng, không khác gì con chó, vẫn còn ngậm một cái tăm (Ngày thứ hai ở Hội An)...Tóm lại, dường như rất vắng bóng những kiểu cách “làm thơ” thường thấy trong Gửi VB!

Thơ Đoàn Thị Lam Luyến

NGƯỜI ĐÀN BÀ "DẠI YÊU"

                                                                                                Lê Hồ Quang

 Có hẳn một tập thơ của Đoàn Thị Lam Luyến có tên là... Dại yêu. Có cả một tập hợp chân dung những người đàn bà “dại yêu” trong thơ chị: xưa là Mỵ Châu, Xúy Vân, Thị Mầu, Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương...; nay là người đàn bà “lỡ chồng” vớiđứa con mang họ mẹ, một người bạn thơ “càng say càng gặp tình vờ”, một người em gái với đời riêng lấy “cái thất tình làm vui”... Và thơ chị nhắc đến rất nhiều những cả tin, dại khờ, nông nổi... của chủ thể trữ tình, một người đàn bà vốn “đa tình liền với đa đoan/ Tơ duyên đã nối lại càng nối thêm”...Thế nên, không hề quá lời khi ta nói rằng người đàn bà dại yêu là một hình tượng rất nổi bật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Đấy là một cách khái quát mộc mạc, dân giã, pha chút trào lộng nhưng xác đáng về những người phụ nữ có bản năng yêu đương sôi nổi, bất chấp mọi ràng buộc cũng như thói tục thông thường, và như một tất yếu, thường có số phận lỡ làng, bi đát... Vô tình hoặc cố ý, những nét “đặc tả” hình tượng này khiến những ai từng biết Đoàn Thị Lam Luyến không khỏi liên tưởng tới tiểu sử của chính tác giả. Nhưng tôi nghĩ, đấy không đơn thuần chỉ là kết quả của sự “giãi bày”, “bộc bạch” tâm tư nhà thơ, (dù cảm hứng này khá đậm nét trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến và chính nó cũng đã góp phần tạo nên vẻ nồng nhiệt lạ lùng của thơ chị). Có thể nói, hình tượng người đàn bà dại yêu ấycòn là một cách để nhà thơ tự ý thức về chính cuộc đời mình, và rộng ra, là về cuộc đời và số phận của người phụ nữ hiện đại. Đó là một câu chuyện mang sắc thái bi kịch nhưng điều đáng nói hơn, đáng để cho ta suy ngẫm hơn, không chỉ nằm ở cái tình huống bi kịch (cũng khá phổ biến trong đời sống và văn chương) mà chính là ở cái thái độ và cách ứng xử của con người trước bi kịch ấy.

Thơ Lê Văn Ngăn

LÀ THƠ, VÌ SAO
(Phác thảo về thơ Lê Văn Ngăn)

                                                                                                 Lê Hồ Quang

 Đọc thơ Lê Văn Ngăn, tôi thường bị ám ảnh bởi câu hỏi đó.
Thơ ông rất đậm tính văn xuôi: không (hoặc rất ít) vần, câu chữ nối tiếp nhau tràn trên trang giấy. Có tình huống truyện. Ngôn ngữ đậm đà tính tự sự, nhiều yếu tố kể, tả, phân tích, lập luận... Câu thơ thường dài, có đủ các thành phần cú pháp thông thường, rất gần với lời nói hàng ngày.
Nhưng với tôi, đấy là Thơ.
Là thơ, trước hết bởi sự hài hòa giữa nhịp điệu nội tâmnhịp điệu thơ. Thơ Lê Văn Ngăn thường không vần. Nhạc tính trong thơ ông được tạo ra bởi một một thứ nhịp điệu nội tại tiềm tàng sau câu chữ, hình ảnh. Nói cách khác, hình thức ấy gắn liền với nội dung ấy. Nếu tùy tiện thay đổi hình thức bài thơ, nó sẽ không còn là chính nó nữa.
Hãy thử so sánh hai văn bản này:
Từ biệt
Trái tim tôi đã đầy ắp những nỗi lo lắng về đồng tiền
Dù em rất đáng yêu nhưng tôi không thể nói yêu em
Tôi sợ cuộc sống chung dưới mái nhà thiếu thốn
Tình yêu sẽ biến thành thảm kịch
Bông hoa và giấc mộng vàng sẽ biến thành lời cãi vã

Chúng ta nên dừng lại ở buổi chiều đi bên nhau lần cuối cùng này

Dư âm ngày vui qua chưa đến giờ tàn úa
Nếu chúng ta bước thêm một bước ra khỏi lằn ranh
Có thể hạnh phúc và tuyệt vọng sẽ mở ra
cùng một lần
Chúng ta nên dừng lại bên ly cà phê cuối cùng này
Đằng xa, một cảnh đời dịu dàng như mắt em
đang đợi chờ em còn tôi
Sẽ những đêm khuya một mình và nhớ lại
Sửa lại:
Từ biệt
Trái tim tôi đã đầy ắp những nỗi lo lắng về đồng tiền. Dù em rất đáng yêu nhưng tôi không thể nói yêu em. Tôi sợ cuộc sống chung dưới mái nhà thiếu thốn. Tình yêu sẽ biến thành thảm kịch. Bông hoa và giấc mộng vàng sẽ biến thành lời cãi vã. Chúng ta nên dừng lại ở buổi chiều đi bên nhau lần cuối cùng này. Dư âm ngày vui qua chưa đến giờ tàn úa. Nếu chúng ta bước thêm một bước ra khỏi lằn ranh. Có thể hạnh phúc và tuyệt vọng sẽ mở ra cùng một lần. Chúng ta nên dừng lại bên ly cà phê cuối cùng này. Đằng xa, một cảnh đời dịu dàng như mắt em đang đợi chờ em. Còn tôi sẽ những đêm khuya một mình và nhớ lại.

Thơ Thi Hoàng


CHẤT THƠ TRONG 
"NHỮNG CON CHỮ BỊ SẶC TRÊN MẶT GIẤY"  
(Đọc Tuyển trường ca và thơ Thi HoàngNxb Hội Nhà văn, 2010)

                                                                                              Lê Hồ Quang

 Xuất hiện trong giai đoạn cuối của thời kì chống Mỹ nhưng Thi Hoàng chỉ thực sự gây chú ý trên văn đàn bởi những tác phẩm viết sau thời Đổi mới với những tìm tòi, cách tân thi pháp khá táo bạo. Kể từ đây, ông dường như đã dứt khoát từ bỏ cách viết mượt mà, truyền cảm truyền thống để đến với một một kiểu viết lạ, đầy những nghịch âm suồng sã, đôi khi khá rối rắm, mà như chính tác giả tự giễu - kiểu viết của “những con chữ bị sặc trên mặt giấy”. Với điều đó, rõ ràng ông đã chấp nhận dấn thân vào một lộ trình đầy gập ghềnh, bất trắc và ở đấy, việc tìm kiếm cái mới thường không song hành với những đánh giá thuận chiều về giá trị. Tuy nhiên, Thi Hoàng là một trong số ít những tác giả đổi mới đã nhận được từ nhiều phía người đọc sự đánh giá khá cao. Thơ ông được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng mà trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Hội nhà văn (1996, cho tác phẩm Gọi nhau qua vách núi) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007, cho nhóm tác phẩm Nhịp sóng, Ba phần tư trái đất, Gọi nhau qua vách núi, Bóng ai gió tạt). Vì sao những tìm tòi này lại nhận được sự đánh giá như vậy? Đâu là ý nghĩa thật sự của những tìm tòi, cách tân thơ này?... Đó là những câu hỏi mà tác giả bài viết này muốn tìm hiểu sâu hơn từ trường hợp Thi Hoàng.

Gián cách hóa trong Thơ mới

GIÁN CÁCH HÓA,
MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG THƠ MỚI
                                 
                                                                                                Lê Hồ Quang
Xa cách như một motip đầy ám ảnh về cuộc sống thường xuyên xuất hiện trong Thơ mới: xa cách trong không gian, trong thời gian, giữa con người và con người... Tuy nhiên, yếu tố xa cách không chỉ được các nhà Thơ mới mô tả như một thứ “hiện thực tự nhiên” mà còn được “cấu trúc lại” theo một nguyên tắc riêng, nhằm hướng đến một mục đích thẩm mĩ nhất định. Vì vậy, tôi muốn nhìn nhận yếu tố xa cách trong Thơ mới không phải trong tư cách một chất liệu đời sống mà trong tư cách một thủ pháp nghệ thuật (dĩ nhiên, mối quan hệ giữa chất liệu và thủ pháp vốn hết sức chặt chẽ. Sự phân biệt này chỉ nhằm nhấn mạnh góc độ và phạm vi tiếp cận vấn đề của cá nhân người viết).

Xuân Thu Nhã Tập

XUÂN THU NHÃ TẬP VÀ QUAN NIỆM VỀ THƠ

                                                                                              Lê Hồ Quang 
1. Xuất hiện vào quãng 1939 - 1942, Xuân Thu nhã tập[1] là sự tiếp tục của những tìm tòi nghệ thuật trên tiến trình vận động và phát triển theo hướng hiện đại chủ nghĩa của Thơ mới. “Tuyên ngôn” được đúc kết trong tập sách viết chung của các tác giả Xuân Thu nhã tập, trước hết, là sự phản ứng lại những “cơn mưa trữ tình” trong nguyên tắc mĩ học của các nhà Thơ mới lãng mạn đi trước, (mà vào thời điểm bấy giờ, đã bị khai thác đến cạn kiệt, trở nên xơ cứng, mòn sáo, do đó, đã mất đi cái “công năng” thực sự của nó). Dĩ nhiên đi cùng sự phủ định ấy là nỗ lực xác lập một quan niệm, một lí tưởng thẩm mĩ mới. Các tác giả Xuân Thu nhã tập rất có ý thức trong việc tìm tòi, đúc kết về mặt lí thuyết sáng tạo cũng như trong việc “ứng dụng” các định hướng lí thuyết ấy vào sáng tác cụ thể. Đấy là điều khá đặc biệt trong thời đại Thơ mới, thời mà nhà thơ vốn được hình dung như một con người đa tình, đa cảm (Tôi chỉ là người khách tình si/ Ham vẻ Đẹp có muôn hình muôn thể - Thế Lữ; Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm - Huy Cận...) và hành động “làm thơ”, “làm nghệ thuật” thường được mô tả như là một hành động mang tính bản năng, hồn nhiên của những con người “giời bắt làm thi sĩ” (Nguyễn Bính), hoặc nói theo cách của Xuân Diệu, nhà thơ giống như “con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi”. Nhận thức, tư tưởng của các tác giả thường được trình bày trong các ý kiến, nhận định rải rác chứ hiếm khi được tập trung, đúc kết và “nâng cấp” thành một hệ thống lí thuyết, có ý nghĩa bao quát nhiều vấn đề của sáng tác. Thường thì nó được “nhân thể” viết ra vì một mục đích khác: để làm căn cứ tranh luận với một ai đó, để giúp người đọc hiểu thêm về một tác giả, tác phẩm nào đó (các bài viết của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, hay Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... trong thời kì này là những ví dụ cụ thể). Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự chi phối của quan niệm lãng mạn chủ nghĩa (rất đậm nét trong tư duy của các nhà Thơ mới) về thơ, rằng thơ là tiếng nói của trái tim, của cảm xúc, vì vậy, “Ai lí luận với ân tình cho đáng” (Xuân Diệu). Thứ hai, nó bị quy định bởi tính chất “nửa vời” của các khuynh hướng, trường phái trong Thơ mới. Điều này làm mất đi áp lực cần thiết thúc đẩy nhà thơ phải tìm kiếm, xây dựng những nền tảng lí thuyết nhằm hỗ trợ và định hướng những tìm tòi, cách tân trong sáng tác của mình. Nhìn rộng ra, điều này có thể còn bắt nguồn từ một cách nghĩ khá phổ biến (ngay cả với bây giờ, ở giới cầm bút lẫn độc giả), rằng yếu tố quyết định tên tuổi nhà thơ là tác phẩm chứ không phải là những “tuyên ngôn” của họ. Quan niệm này có hạt nhân hợp lí của nó. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, bản chất của sự sáng tạo chính là nhận thức, cho nên, không chỉ đời sống mà chính bản thân hoạt động sáng tác cũng cần phải thường xuyên được nhận thức và nhận thức lại. Nói như Octavio Paz, trong thơ hiện đại, sáng tác là phê bình và phê bình là sáng tác. Điều này không chỉ giúp người nghệ sĩ thoát ra khỏi tình trạng sáng tác bản năng, cảm tính (cố ý hoặc vô tình), mà còn giúp định hướng, gợi mở những cách nghĩ, cách viết mới, tạo nền tảng tri thức và tư tưởng cho hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. (Ở đây tôi muốn nhấn mạnh vấn đề ý thức nghề nghiệp của người sáng tác. Đấy là một hoạt động tư tưởng lành mạnh, cần thiết để người nghệ sĩ thực sự trở thành nghệ sĩ, nghệ sĩ - trí thức, theo cách nói của các tác giả Xuân Thu nhã tập).

Thơ Huy Cận

TÌNH YÊU ÁO TRẮNG TRONG THƠ HUY CẬN
(Qua tập Lửa thiêng - 1940)

                                                                                               Lê Hồ Quang

Tôi muốn dùng chính tên một bài thơ của Huy Cận - Áo trắng, để khái quát về chủ đề tình yêu trong thơ ông thời trước Cách mạng, một tình yêu đơn sơ, trắng trong, gắn liền những “xôn xao thầm lặng” của “thời trẻ dại”. Tình yêu đầu đời ấy đã được diễn tả hết sức tinh tế trong Áo trắng, Học sinh, Đi giữa đường thơm, Tựu trường, Tình tự...Đi cùng với nhãn quan mới mẻ về tình yêu lứa đôi là một nghệ thuật diễn tả giàu cảm giác và tượng trưng. Một cách viết rất riêng, rất Huy Cận.
Tương ứng với kiểu tình yêuthờiáo trắng, nhân vật trữ tình trong thơ ông thường hiện lên trong vai một chàng trai trẻ, đầy ngơ ngác và vụng dại trong những rung động ban đầu:
-   Có chàng ngơ ngác tựa gà trống
E đến trăm năm còn trẻ thơ
Tám tuổi một chiều trong rạp xiếc
Yêu nàng cưỡi ngựa uốn thân tơ
                                           (Gánh xiếc)
- Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
Chân run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe
Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp
                                           (Tựu trường)