MÙA THU CÒN LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN
TRONG CON MẮT XUÂN DIỆU
Lê Hồ Quang
Lê Hồ Quang
Tôi nghĩ, chúng ta - những độc giả trung thành của Xuân
Diệu, sẽ không phản đối cái ý kiến cho rằng Đây
mùa thu tới là một trong số những bài thơ thu đặc sắc của tác giả nói
riêng, thơ ca Việt Nam nói chung. Tác phẩm này cũng sử dụng nhiều những thi
liệu vốn rất có sẵn trong thơ ca cổ điển như liễu, hoa lá, trăng, mây, bến đò …
nhưng tất cả những hình ảnh chi tiết đó đều được cá biệt hoá qua con mắt “non
tơ, biếc rờn, ngơ ngác” của Xuân Diệu. Nếu không, nó làm sao thoát khỏi
tình trạng bị “trùm bóng" bởi những Thu
ca (Paul Verlaine), Thu hứng (Đỗ
Phủ) hay Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm (Nguyễn Khuyến)…? Và
nếu không, làm sao nó có được vị trí trong chương trình sách giáo khoa phổ
thông hiện hành? Giá trị của bài thơ là điều không phải bàn cãi nhiều. Tuy
nhiên khi tham khảo phần hướng dẫn dạy tác phẩm này trong Sách giáo viên (SGV - Văn học 11, tập 1), có một số ý kiến mà
người soạn nêu ra khiến cá nhân tôi không khỏi băn khoăn.Vì vậy tôi muốn được
trao đổi cùng soạn giả và các bạn một vài suy nghĩ, với mục đích không nằm
ngoài việc nhằm góp phần xây dựng một cách hiểu thấu đáo hơn cho học sinh về
bài thơ rất được yêu mến này.
Trong hướng dẫn dạy Đây mùa thu tới, mục II, phần nội dung và phương pháp lên lớp, ngay ý đầu tiên người soạn đã khẳng định “về cảm hứng cũng như ý tứ, bài thơ này dường như không có gì mới lạ, sáng tạo”. Nói “dường như" có nghĩa là tưởng như thế thôi, kì thực không phải, kì thực là rất mới mẻ, sáng tạo. Nhưng cả một đoạn dài tiếp theo tác giả chỉ mải đưa ra một loạt dẫn chứng về sự trùng lặp của đề tài, hình ảnh, mà quên đi một việc hết sức cần thiết, đó là phải khẳng định giá trị thực chất của bài thơ này. Vì vậy kết luận nêu lên trong phần cuối ý không khỏi đem lại cảm giác đột ngột: "Tuy nhiên, nếu ta nhận xét bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu cũng chỉ là một bài thơ thu hay, như những bài thơ thu khác thì ta mới chú ý đến mặt nổi của bài thơ”. Người đọc nên hiểu như thế nào đây? Bài thơ này là “hay” hay “dở”, đầy sáng tạo hay chỉ là sự lặp lại? Lối diễn đạt này khiến cho những ai muốn qua SGV để tìm hiểu và định giá bài thơ không khỏi lúng túng. Đặc biệt ở đây tác giả có nhắc đến “mặt nổi" của bài Đây mùa thu tới - chắc không ngoài mục đích nhấn mạnh “mặt chìm"- vậy đâu là “mặt chìm” đáng lưu ý của nó? Dù không nói rõ, song trong mục II, sau khi đã nêu lên những nhận định trên, tác giả có đưa ra bốn điểm định hướng phân tích. Xin tóm lược lại như sau:
Trong hướng dẫn dạy Đây mùa thu tới, mục II, phần nội dung và phương pháp lên lớp, ngay ý đầu tiên người soạn đã khẳng định “về cảm hứng cũng như ý tứ, bài thơ này dường như không có gì mới lạ, sáng tạo”. Nói “dường như" có nghĩa là tưởng như thế thôi, kì thực không phải, kì thực là rất mới mẻ, sáng tạo. Nhưng cả một đoạn dài tiếp theo tác giả chỉ mải đưa ra một loạt dẫn chứng về sự trùng lặp của đề tài, hình ảnh, mà quên đi một việc hết sức cần thiết, đó là phải khẳng định giá trị thực chất của bài thơ này. Vì vậy kết luận nêu lên trong phần cuối ý không khỏi đem lại cảm giác đột ngột: "Tuy nhiên, nếu ta nhận xét bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu cũng chỉ là một bài thơ thu hay, như những bài thơ thu khác thì ta mới chú ý đến mặt nổi của bài thơ”. Người đọc nên hiểu như thế nào đây? Bài thơ này là “hay” hay “dở”, đầy sáng tạo hay chỉ là sự lặp lại? Lối diễn đạt này khiến cho những ai muốn qua SGV để tìm hiểu và định giá bài thơ không khỏi lúng túng. Đặc biệt ở đây tác giả có nhắc đến “mặt nổi" của bài Đây mùa thu tới - chắc không ngoài mục đích nhấn mạnh “mặt chìm"- vậy đâu là “mặt chìm” đáng lưu ý của nó? Dù không nói rõ, song trong mục II, sau khi đã nêu lên những nhận định trên, tác giả có đưa ra bốn điểm định hướng phân tích. Xin tóm lược lại như sau:
-“Xuân Diệu đã nhiều lần đưa thu vào thơ: có thu buồn (…) có thu vui, rất
vui (…). Mùa thu trong “ Đây mùa thu tới” thì quá thê lương”.
-“Khi đọc bài thơ thì phải xem xét kỹ cái cảm hứng của nhà thơ (…) trong
“Đây mùa thu tới”, Xuân Diệu nhìn theo góc độ mùa thu đã tới và sẽ sang mùa
đông (…) Do đó cảnh vật (…) bị nhuộm một màu sắc thê lương quá đậm”.
-“Với bài “Đây mùa thu tới” chủ yếu hướng dẫn cho học
sinh tìm hiểu phân tích những từ ngữ, những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ(…),
những bức tranh rất gợi cảm (…) những cách nhân hoá độc đáo”.
-“Bộ tranh liên hoàn về mùa thu Việt Nam của Xuân Diệu thật kì thú hấp dẫn.
Bài thơ làm cho người đọc yêu mến cảnh vật đất nước”.
Có thể thấy rằng, việc phân tích ở đây chủ yếu xoay quanh
nội dung bức tranh thu được mô tả trong tác phẩm. Vì xuất phát từ những định
hướng này, nên trong phần hướng dẫn học bài của sách giáo khoa (Văn học 11, tập 1),
các câu hỏi phần lớn tập trung vào các biện pháp tu từ với các thủ pháp nhân
hoá, láy âm… Cho nên kết quả phân tích Đây
mùa thu tới nếu không sa vào tình
trạng tản mạn vụn vặt thì e rằng rốt cục cũng chỉ dẫn đến kết luận về một “mùa thu Việt Nam… thật kì thú , hấp dẫn,…
làm cho người đọc yêu mến cảnh vật của đất nước” như đã nêu ở trên! Đó là
một “phần chìm” mà tôi nghĩ không mấy
khác với phần nổi trên bề mặt của chính nó, cũng như của nhiều bài thơ thu khác.
Quả thực, Đây mùa
thu tới hấp dẫn người đọc trước hết là ở bức tranh thu rất buồn, nhưng cũng
rất gợi cảm. Đây cũng là một nét đặc trưng của mùa thu, và cả những vần thơ
viết về nó chứ không chỉ riêng có trong những câu thơ này của Xuân Diệu. Tuy
vậy, mùa thu ở đây không chỉ là mục đích, mà còn là phương tiện để nhà thơ
trình bày một cách nhìn nhận của ông về thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà
thiên nhiên trong bài thơ được mô tả trong sự vận động liên tục: nhịp đi của
thiên nhiên cũng là nhịp chảy trôi của thời gian. Tôi nghĩ rằng điểm làm nên sự
khác biệt giữa Đây mùa thu tới với
những bức tranh thu đẹp và buồn khác, chính là đây.
Thời gian là một nỗi ám ảnh thường trực trong tâm hồn
Xuân Diệu. Với ông, thời gian đưa đến tuổi trẻ, tình yêu và sự trưởng thành của
con người, song chính nó sẽ lấy lại tất cả, thậm chí còn nhiều hơn so vói những
gì mà nó có thể đem đến. Cũng giống như Ch. Baudelaire – người cha của trường
phái thơ Tượng trưng Pháp thế kỷ XIX - khi ông này than thở: "Thời gian là kẻ thù linh lợi và ác độc, là
bóng tối thù địch gậm nhấm con tim "[1], Xuân Diệu ý thức sâu sắc về
sự chảy trôi nghiệt ngã của thời gian:
- Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…
(Vội
vàng)
- Thong thả chiều vàng thong thả lại…
Rồi đi … đêm xám tới dần dần
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng , những mùa
xuân
(Giờ
tàn)
- Mau lên chứ, vội vàng lên chứ
Em em ơi tình non đã già rồi
Con chim hồng, cánh chim nhỏ của tôi
Mau lên chứ thời gian không đứng đợi
!
(Giục
giã)
Ý niệm thời gian đã từng được Xuân Diệu “vật thể hoá” qua
những hình ảnh như dòng nước (Nước không
vội vàng/ Cũng không trễ tràng/ Nước trôi vô tình), ngọn gió (Vì chút mây đi theo làn vút gió/ Biết thế
nào mà nói trước được em ơi)... Nhưng với Đây mùa thu tới, thời gian lại được tượng hình từ những vận động
của thiên nhiên. Bài thơ là cái nhìn tổng thể về một cuộc chuyển mùa: có phút
giao thời giữa mùa hạ và thu chùng chình trên "rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang"; có khoảng khắc đầu
tiên khi thu về với “áo mơ phai dệt lá
vàng”. Từ vạch xuất phát ấy, hành trình mùa thu liên tục mở ra trong không
gian với những mốc điểm mới: trong vườn nhỏ với "Hơn một loài hoa đã rụng cành”, giữa đất trời khi “rét mướt luồn trong gió”, và trong thẳm sâu tâm hồn con người
với nỗi “buồn không nói”… Mùa thu
được Xuân Diệu mô tả rất kỹ lưỡng: từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, trong chiều rộng
lẫn bề sâu… Song điều đáng nói ở đây là mùa thu ấy được nhìn nhận như một quá
trình diễn tiến không ngừng. Cái nhìn của nhà thơ vừa trải rộng để bao quát
toàn bộ khung cảnh, vừa đi sâu vào mô tả sự việc, sự vật rất kĩ càng. Vài bông
hoa rụng xuống, một chiếc lá đổi màu, chút rét mướt luồn trong gió…tất thảy đều
không ra khỏi sự xem xét tỉ mẩn của ông. Nhưng đấy chỉ là sự tỉ mẩn của một nhà
thơ chứ không phải của một nhà sinh vật học.
Bởi vậy mà sự vật hiện lên rất sống động, rất gợi cảm. "Những luồng run rẩy rung rinh
lá" là một minh chứng. Không hề dùng đến từ gió, thế nhưng gió vẫn
hiện hữu rất thực. Chính gió thổi làm lá rung rinh đấy chứ ! Bằng bốn phụ âm R
đi liền nhau, tác giả không chỉ tái hiện cảnh tượng những chiếc lá thưa thớt
đang đang lắt lay trước ngọn gió thu, mà dường như còn truyền đến cho người đọc
một chút run rẩy mơ hồ sâu thẳm…"Rét
mướt luồn trong gió” cũng là một chi
tiết đặc sắc. Bằng việc tách gió rét
ra làm hai và đặt giữa chúng động từ “luồn”, tác giả dường như đã thổi sự sống vào
tạo vật. Rét mướt bỗng như có linh hồn, nó cũng hoạt động, nó biết luồn lách
trú nấp trong thân gió. Mặt khác, cách mô tả ấy còn cho biết đó mới chỉ là gió
lạnh đầu mùa, mới chớm lạnh, cho nên cái rét vẫn chưa lộ diện mà còn ẩn thân
trong gió. Lấy cái vô hình này để chứa đựng cái vô hình kia, Xuân Diệu đã đem
lại những cảm giác, cảm xúc rất vật chất, cụ thể.
Tuy nhiên, điều tôi
muốn lưu ý không phải cách mô tả tinh vi của tác giả (mặc dù đấy cũng là một
trong những nét đặc sắc của tác phẩm), mà là dường như ông đã mô tả chúng theo
một quy luật đặc biệt - quy luật của sự
phôi pha. Hoa đã rụng, lá đang úa dần, đất trời đã lạnh lẽo, những bến đò đã
thưa vắng khách và lòng người bỗng dưng hiu hắt…Cảnh tượng tiêu điều này không
chỉ được nhìn “theo giác độ từ hạ sang thu” như tác giả SGV nói, mà còn
được nhìn nhận như một thứ “ngôn ngữ mơ hồ” của thời gian. Ở đây, nhà thơ không
mô tả mùa thu như một nhát cắt tĩnh mà ngược lại, ông trình bày trước chúng ta
nguyên bản của một cuộc chuyển mùa. Mỗi khổ thơ mở ra một trạm dừng trên hành
trình của thiên nhiên. Song, ông cũng không nói đến một sự hoàn kết, tác phẩm
chỉ dừng lại ở dấu chấm lửng đầy khơi gợi. Mùa thu được thi sĩ nhìn nhận trong
thì hiện tại tiếp diễn của nó. Tất cả đã, đang và sẽ rụng rơi, úa héo, phôi pha…Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại
sử dụng một loạt trạng từ chỉ thời gian trong bài thơ này:
- Đây mùa thu tới, mùa thu tới!
- Hơn một
loài hoa đã rụng cành…
- Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
- Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò..
Miêu tả sự vật trong thế Động, đó là cách làm quen thuộc
của Xuân Diệu. Tuy nhiên sự biến chuyển sống động của thiên nhiên trong tác
phẩm này còn mang một hàm nghĩa khác. Nó chính là minh chứng cho sự hiện hữu
của thời gian. Nói đúng hơn, nó chính là tượng hình của thời gian. Ở đây, ý
niệm này được trình bày như một dòng chảy liên tục, nó chỉ có một chiều, đã đi
qua là mất. Ý niệm này cũng đồng nghĩa với sự tàn phá, nó mang gương mặt của “bao nỗi phôi pha héo rụng rời”. Qua mùa
thu đang tàn phai ấy, lời cảnh báo của thời gian với con người càng rõ rệt hơn.
Như vậy, nhìn từ
một góc độ nào đó, mùa thu chính là biểu tượng cho nỗi ám ảnh thời gian của
Xuân Diệu. C. G. Jung nói: biểu tượng,“đó là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra
đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh… Nó không bó chặt gì
hết, nó không cắt nghĩa, nó đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn
nằm ở tận phía ngoài kia” [2, tr. 24]. Ai đó có thể cho rằng đây không phải là chủ ý triết lí
của Xuân Diệu (ông chả đã từng nói đấy sao: “Ai lí luận với ân tình cho đáng”!). Tuy nhiên, có thể bởi không chủ
ý mà mà cuộc chuyển mùa hiện lên trong tác phẩm có một vẻ đẹp thật hồn nhiên
chứ không phải là một cái khung gò theo ý niệm. Và thiên nhiên cụ thể, sinh
động đến đâu, ý nghĩa của biểu tượng sống
đến đấy. Những “rặng liễu đìu hiu,
những “luồng run rẩy rung rinh” và
những “thiếu nữ buồn không nói”… đã
che dấu hết sức khéo léo cái đinh triết lý bên trong. Vì vậy, người đọc hồn
nhiên có khi bị cuốn theo một mùa thu - trực cảm đến đỗi quên đi rằng, đấy còn
là một mùa thu – biểu tượng. Nhưng chúng ta thì không nên quên, bởi Đây mùa thu tới, thực ra, là sự tiếp nối
của cái cảm hứng thời gian quen thuộc đã chi phối hầu khắp các thi phẩm của
Xuân Diệu như Vội vàng, Giục giã… Bởi vậy, theo suy nghĩ của tôi, ngoài những định
hướng đã nêu trên, phần hướng dẫn phân tích trong SGV nên bổ sung thêm luận
điểm này để học sinh phổ thông có thể hiểu một cách trọn vẹn và thấu đáo hơn
nét đặc sắc của bài thơ thu Xuân Diệu. Trên đây là một vài ý kiến cá nhân. Rất
mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp và các bạn.
(Bài tham gia Hội thảo về chương trình và SGK môn Văn -
2000; đã đăng T/ C Ngôn ngữ, số 15/
2001)
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Charles
Baudelaire (1992), Tương ứng, sách Thơ Pháp nửa sau thế kỉ XX, Đông Hoài
(biên soạn), Nxb Văn học.
2. Jean Chevalier -
Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu
tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét