Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Gián cách hóa trong Thơ mới

GIÁN CÁCH HÓA,
MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG THƠ MỚI
                                 
                                                                                                Lê Hồ Quang
Xa cách như một motip đầy ám ảnh về cuộc sống thường xuyên xuất hiện trong Thơ mới: xa cách trong không gian, trong thời gian, giữa con người và con người... Tuy nhiên, yếu tố xa cách không chỉ được các nhà Thơ mới mô tả như một thứ “hiện thực tự nhiên” mà còn được “cấu trúc lại” theo một nguyên tắc riêng, nhằm hướng đến một mục đích thẩm mĩ nhất định. Vì vậy, tôi muốn nhìn nhận yếu tố xa cách trong Thơ mới không phải trong tư cách một chất liệu đời sống mà trong tư cách một thủ pháp nghệ thuật (dĩ nhiên, mối quan hệ giữa chất liệu và thủ pháp vốn hết sức chặt chẽ. Sự phân biệt này chỉ nhằm nhấn mạnh góc độ và phạm vi tiếp cận vấn đề của cá nhân người viết).
Khoảng cách - hiểu theo nghĩa là sự chia cắt giữa con người và con người - được mô hình hóa theo nhiều cách, mà dễ nhận thấy nhất là qua việc tạo dựng các mô hình không gian chia cắt. Trong thơ cổ điển, xuất phát từ mô hình vũ trụ của triết học phương Đông, không gian sinh tồn của con người cũng là không gian vũ trụ, một không gian đặc trưng bởi các chiều kích rộng lớn, các sự vật, hiện tượng tự nhiên và tính chất tương thông - độ mở của nó. Ngôi nhà, cửa sổ, song cửa... chỉ là những giới hạn mang tính ước lệ bên trong và bên ngoài nhưng không bao giờ phân cắt con người với vũ trụ. Con người, với một nhãn quan siêu cá thể, có thể ung dung tự tại lắng nghe trong mình mọi vang hưởng của đất trời, tạo vật. Tính chất thống nhất tạo nên bởi sự tương ứng sâu xa giữa con người và Tự nhiên đem lại một vẻ đẹp có tính bền vững và vĩnh cửu cho không gian thơ cổ điển. Đến Thơ mới, không gian vũ trụ, bị chi phối bởi cái nhìn cá thể hóa, nhanh chóng chuyển hóa thành không gian nhân thế, không gian sinh tồn và một dấu hiệu đặc trưng của nó là sự phân mảnh, sự ngăn cách, bị cắt đứt các mối liên lạc, đồng cảm. Trong thơ Huy Cận, giữa những kẻ yêu nhau thường tồn tại một khoảng cách vời vợi một không gian tự nhiên, giữa bên trờiở đây, phương nọphương này, đôi chốnnghìn dặm... Con người bị ném ra hai đầu mút không gian mà dường như càng lúc càng giãn nở vô tận, thăm thẳm. Không gian ở đây không chỉ hiện diện như một dấu hiệu ngăn cách, nó còn là ám ảnh của sự cô đơn và nỗi khắc khoải trước những giới hạn mang tầm vóc vũ trụ, siêu nghiệm, không thể vượt thoát. Trong thơ Nguyễn Bính, những khoảng cách này đã thu hẹp lại trong một không gian làng quê với những chướng ngại dường như chẳng có gì đáng kể: một đầu đình, một thôi đê, một dậu mồng tơi, một hàng rào cây bưởi không hoa... Thế nhưng, ngay cả trước những chướng ngại ấy, con người cũng bất lực và chỉ có thể dừng lại than thầm trong tiếc nuối: Giá đừng có dậu mồng tơi (!)... Cùng tồn tại trong một bình diện không gian nhưng mỗi cá nhân bị phong bế trong giới hạn của riêng mình. Sự lặp lại phổ biến của motip khoảng cách - không - thể - vượt - qua ấy đem lại cảm giác dường như đó là những cách trở có tính vĩnh viễn. Thức nhận này càng được tô đậm trong những mô hình không gian đối lập, khác biệt mà con người tuyệt đối không thể vượt qua bằng các phương tiện thực tại. Đó là không gian của cõi tiên và tục trong thơ Thế Lữ, thực và mộng trong thơ Lưu Trọng Lư, cõi trần và cõi Sáng láng, Hư linh trong thơ Hàn Mặc Tử, Âm và Dương trong thơ Vũ Hoàng Chương v.v. Vì vậy, con người sống trong không gian này mà không nguôi nhớ nhung, tưởng vọng, trông ngóng về không gian kia: Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm/ Vạn lí sầu lên núi tiếp mây (Huy Cận); Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai (Phạm Hầu)...
Thật ra, theo Ju. Lotman, trong các mô hình nghệ thuật, các quan hệ không gian cũng là một trong những phương tiện cơ bản để nhận thức thực tại. Bởi vậy, các khái niệm như “cao - thấp”, “phải - trái”, “gần - xa”, “mở - đóng”, “tách biệt - nối kết”, “đứt quãng - liên tục”... là chất liệu để xây dựng những mô hình văn hóa mang những nội dung vượt ra ngoài ý nghĩa chỉ không gian [1]. Không gian chia cắt kia chính là một biểu trưng đầy ám ảnh về sự ngăn cách trong tình yêu và đời sống tinh thần con người. Do vậy, khi đối diện với không gian, cũng là đối mặt với sự chia cắt mênh mông, con người không thể chế ngự cảm giác run rẩy, rợn ngợp: Bây giờ tôi dại tôi điên/ Chắp tay tôi lạy cả miền không gian (Hàn Mặc Tử); Không gian ơi, xin hẹp bớt mông mênh (Huy Cận)...
Nếu đặc trưng của mô hình không gian là sự chia cắt, phân rã, với những giới hạn không thể vượt thoát thì đặc trưng của mô hình thời gian trong Thơ mới là sự trôi chảy tuyến tính, không ngừng. Xuân Diệu, người được xem như một đại diện tiêu biểu của Thơ mới, đồng thời cũng là người ý thức sâu sắc về thời gian. Với ông, một mặt, nó đem lại tuổi trẻ, sự trưởng thành và có thể, cả tình yêu, nhưng mặt khác, với tốc độ trôi chảy của nó, sẽ lấy đi nhiều hơn tất cả những gì nó có thể mang lại: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất... Nhà thơ, trong phút giây hiện tại của tình yêu, luôn cảm thấy “tình non đã già rồi”, “tình non sắp già rồi”, “tình mới đã thành xưa”, thậm chí “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”... Dù con người cố gắng “đi”, “chạy”, “trôi”, “bay”... như thế nào chăng nữa, trước thời gian, đó dường như là một nỗ lực vô vọng. Cùng với dòng chảy thời gian, con người thay đổi ngay trong từng khoảng khắc: Từ tôi - phút - trước sang tôi - phút - này. Điều ấy cũng có nghĩa là con người bị chia cắt với chính mình, thậm chí, đánh mất mình ngay trong từng khoảng khắc. Cảm giác khắc khoải, bất an xuất phát từ thức nhận “Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn” không chỉ riêng của Xuân Diệu mà dường như là cảm giác, nhận thức chung của cả thế hệ Thơ mới.
Với thời gian, con người luôn thay đổi. Cùng với sự thay đổi của con người là sự mất mát, phôi pha, tàn lụi của tâm hồn, tình cảm. Và sự chia cắt của thời gian chính là một thử thách nghiệt ngã nhất với tình yêu: Ai nói trước lòng anh không phản trắc?/ Mà lòng em sao lại chắc trơ trơ? (Xuân Diệu)... Cảm thức thời gian này chi phối rất rõ tới cách tổ chức hình tượng và cấu trúc văn bản Thơ mới. Đó là cách thức tổ chức dựa trên trục thời gian, thông qua các cặp quan hệ đối lập như quá khứ - hiện tại; hiện tại - tương lai; quá khứ - tương lai... Thực chất, cũng như những cặp phạm trù quan hệ không gian, những cặp quan hệ thời gian chính là một hình thức biểu trưng hóa, nhằm mục đích diễn tả những ranh giới cách ngăn trong đời sống tinh thần của con người.
Gián cách hóa không gian và thời gian là một hình thức diễn tả nhằm thể hiện ý thức sâu sắc về sự hiện hữu đầy cô độc của cá nhân giữa thế giới. Nhưng con người không thể tồn tại ngoài không gian và thời gian, do vậy, những giới hạn ấy dường như là vĩnh viễn. Thức nhận về những giới hạn ấy đồng thời cũng làm nẩy sinh khát vọng tự do, vượt ra ngoài những ngăn cách và nảy sinh giấc mơ về tình yêu như một phương tiện hợp nhất kì diệu của con người.
Tuy nhiên, xét cho cùng, gốc rễ của ý thức về sự ngăn cách xuất phát từ ý thức về cá nhân, cá thể: tôi là tôi, tôi không phải người khác, vì vậy, tôi khác với người khác và cái khác ấy tạo nên khoảng cách “chia biệt người thành từng xứ cô đơn”. Hóa ra, chướng ngại lớn nhất ngăn con người đến với nhau lại chính là... con người. Trước hết là do thân xác, lẽ ra là một phương tiện để giao nối con người thì lại trở thành chướng ngại vật cản trở sự cảm thông, hoà hợp: Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm/ Ôi trời xa, vừng trán của người yêu (Xuân Diệu); Tôi đâu biết thịt xương là sông núi/ Chia biệt người thành từng xứ cô đơn (Huy Cận)... Ở đây, chúng ta bắt gặp ý thức về tha nhân như một không gian bí mật bên trong, đầy những trở ngại và không thể chiếm giữ. Với sự gần gũi thân xác, con người vẫn không thể nào tìm thấy sự hoà hợp và cảm thông trọn vẹn. Nhưng sự ngăn cách thân xác, đến lượt nó, cũng trở thành một biểu trưng mới nhằm diễn tả những ngăn cách về mặt tinh thần. Dễ hiểu vì sao trong Thơ mới, những trái ngang xuất phát từ sự lệch kênh tâm hồn và cùng với nó, như một logic tất yếu, là tan vỡ, chia li, đau khổ, là lỡ làng, lầm lạc, lạc loài... trở thành những motip chủ đề phổ biến.
Có thể rút ra một số kết luận từ sự xuất hiện phổ biến của motip “khoảng cách chia cắt” này. Trước hết, nó được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm khái quát về một hiện thực đời sống đầy những cách ngăn, xa lạ. Đồng thời qua đó, người nghệ sĩ bày tỏ khát vọng mãnh liệt về một sự hoà hợp tinh thần lí tưởng, tuyệt đối. Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, khi nhà thơ xem tình yêu như một phương tiện để vượt thoát nỗi cô đơn và đưa đến sự hoà hợp tinh thần lí tưởng, thì trên thực tế, chính tình yêu càng làm anh ta ý thức sâu sắc hơn về nỗi cô đơn cá nhân, cá thể. Trong Thơ mới, dù yêu nhau và gần gũi đến mấy, con người vẫn luôn ý thức về bản thân và người tình như “hai vũ trụ chứa đầy bí mật”, do đó, luôn bất an, khắc khoải. Trong khi đó, xuất phát từ ý thức về cái tôi cá nhân gắn liền với cộng đồng, dân tộc khiến những lứa đôi trong thơ Cách mạng 1945-1975, dù sống trong sự chia ly bởi chiến tranh, bom đạn, vẫn “như không hề có cuộc chia ly”, vẫn đầy thiết thân, gần gũi. Chính ý thức về cái tôi như một sự đối lập với tất cả, đã tạo nên điểm khác biệt trong cách nhìn nhận, lí giải về tình yêu của Thơ mới.
Tuy nhiên, quan niệm của các nhà Thơ mới đối với yếu tố khoảng cách cũng mang tính lưỡng giá. Một mặt, họ xem khoảng cách như một thực tế hiện hữu đầy chua xót và khao khát vượt qua nó để đạt đến trạng thái hợp nhất với người tình, với thế giới. Nhưng mặt khác, họ cũng nhận ra yếu tố tích cực của nó: chính từ điểm nhìn gián cách hóa, tình yêu mới có được vẻ đẹp thơ mộng, lí tưởng như mong muốn. Quan niệm này đã nhiều lần được các nhà Thơ mới phát biểu trực tiếp trong tác phẩm của họ. Hồ Dzếnh cầu ước: Trời đừng cho búp nên hoa/ Cho khi gần đến tôi xa mãi nàng... Lại còn dặn dò người tình: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/ Tôi sẽ trách - cố nhiên, nhưng rất nhẹ/ Nếu trót đi, em hãy gắng quay về... Còn Hàn Mặc Tử, một mặt, luôn khao khát gần gũi với người tình, mặt khác, lại luôn e sợ: Nhưng cái gì thơm đã tới kề/ Tôi e tình tứ bớt say mê/ Không còn ý nhị ban đầu nữa/ Sẽ chán chường và sẽ chán chê... Tóm lại, xét từ góc nhìn của Thơ mới, cũng là của mĩ học lãng mạn, một tình yêu lí tưởng phải là một tình yêu không bao giờ đạt tới, không bao giờ được “hiện thực hóa”, do vậy, nó luôn gợi ra nỗi buồn sầu, sự khắc khoải nhưng chính đó mới là yếu tố cốt tử tạo nên giá trị và vẻ đẹp của một tình yêu đích thực.
Với ý nghĩa là một phương tiện của ngôn ngữ thơ, gián cách hóa là một thủ pháp cần thiết trong việc thiết kế, tổ chức và bày tỏ quan niệm của các nhà Thơ mới về cuộc đời, con người và tình yêu lứa đôi. Sự gián cách hóa ấy, trong thực tế, nếu đem lại dư vị đắng chát chăng nữa thì xét từ góc độ thi ca, nó là điều có lợi: nó nuôi dưỡng sự tươi mới của cảm xúc, đánh thức sự bay bổng của trí tưởng tượng và sự sáng tạo dồi dào của nghệ sĩ.




[1] Iu. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thuỷ dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 378-379.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét