Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Quan niệm về văn bản trong môn Ngữ văn

          

        QUAN NIỆM VỀ VĂN BẢN TRONG MÔN NGỮ VĂN

                                                                                                                                                                                                                                   Lê Hồ Quang

1. Thuật ngữ văn bản (tiếng Anh: text; tiếng Pháp: texte) vốn có quan hệ nghĩa với động từ “texere” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “đan, dệt”[1]. Xuất phát từ nguồn gốc này, văn bản (VB) thường được xem như một cấu trúc được “đan dệt” bởi nhiều yếu tố ngôn ngữ và kí hiệu, theo logic nội dung, hình thức và mục đích giao tiếp nhất định.   

Có nhiều quan niệm và định nghĩa về VB. Từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản, VB được hiểu là đơn vị cơ bản của lời nói và ngôn ngữ, “thể hiện một phát ngôn hoàn chỉnh”[2]. VB bao gồm cấu trúc hình thức và cấu trúc nghĩa, có đề tài (hoặc chủ đề), biểu đạt chủ yếu bằng kênh ngôn ngữ, ở cả hai dạng nói và viết[3]. Nhìn chung, VB có năm đặc trưng thực tiễn, đó là: 1) Mục đích, chủ định của người nói; 2) Đề tài – chủ đề xác định; 3) Mạch lạc và liên kết; 4) Gồm nhiều câu – phát ngôn nối tiếp; 5) Có yếu tố định biên (giới hạn hai đầu)[4]

Từ góc độ của nghiên cứu văn học, VB, cụ thể là văn bản văn học (VBVH), được quan niệm là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có cấu trúc chỉnh thể bao gồm các lớp ngôn từ, hình tượng và hàm nghĩa. Theo một số lí thuyết nghiên cứu văn học hiện đại như Ký hiệu học (Semiotics), Thông diễn học (Hermeneutics), Thuyết tiếp nhận (Theory of reception),... văn bản (text) được phân biệt với tác phẩm (work) dựa trên mối quan hệ với chủ thể tiếp nhận. Quá trình “VB trở thành tác phẩm” phải có sự tham gia của chủ thể tiếp nhận. Đó là quá trình độc giả đọc và “cụ thể hóa VB” (thuật ngữ của Roman Ingarden) theo những “quy ước ngôn ngữ” và “quy ước giá trị”[5]. Điều này đem lại những nhận thức mới về vấn đề tiếp nhận VB và vai trò của người đọc, đặc biệt là người đọc – HS trong nhà trường phổ thông. 

Từ góc độ của lí thuyết giao tiếp và diễn ngôn, VB được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý ở mục đích giao tiếp và nhân tố văn hóa. R. Barthes xem xét VB trong tư cách “diễn ngôn”, tức “là một đoạn lời nói hữu tận bất kì, tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại (đoạn lời này) gắn bó với những nhân tố văn hóa khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ”[6]. Từ đây, VB sẽ được xem xét, nghiên cứu như một quá trình hoặc kết quả của hành động giao tiếp. VB trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không chỉ dừng lại ở phương thức biểu đạt thuần ngôn ngữ (VB nói và viết), mà còn là VB đa phương thức, sử dụng các kênh biểu đạt phi ngôn ngữ (hình ảnh, âm thanh, phương tiện công nghệ v.v.).