Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Tôi thích mình là một cái cây - Thanh Thảo

 

KHI NHÀ THƠ THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

 


Cây và bụi cây, 1887, Van Gogh 

TÔI THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

Thanh Thảo

“rồi trong mơ ta hóa thành cây

cây nho nhỏ lá xanh cành gầy

đi lang thang trong thành phố hừng đông

khe khẽ rung như một chiếc chuông con”

một cái cây sống

nhỏ to không quan trọng

một cái cây

không bị ai bán đứng

dù cổ thụ hay tơ non

một cái cây trầm ngâm

nói chuyện gì không ai nghe rõ

bạn bè quanh năm gió

cười một mình xanh chút nắng chút mây

 

tôi ước mình là một cái cây

thi thoảng có chim tới hót

con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

 

một cái cây xanh đến từng chiếc lá

buổi sớm tỏa dưỡng khí

ban đêm hứng ánh trăng

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ

 

những ngày rồi qua những người rồi xa

cái cây rung khẽ từng chiếc lá

chúng ta là ai chúng ta về đâu

chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

 

nắng gay gắt cứ như cáu gắt

cây lá nhỏ nép mình chật vật

chúng ta là ai xanh được bao lâu

lặng im lá vàng rơi chạm đất [1]

7/2017

Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ là tuyển thơ mới nhất của Thanh Thảo, gồm các sáng tác ngắn, chủ yếu viết trong khoảng thời gian từ sau 1986 đến nay. Mở đầu tập thơ là lời đề từ ngắn gọn, đề cập đến sắc xanh cây lá và mong ước cơn mưa:

xanh rất xanh một ngày tất cả cây

                                     bừng trên mặt đất

những tìm tòi không mỏi mệt suốt đời anh

là vươn tới màu xanh này rất thật

báo trước cơn mưa từ một thoáng rung cành

Lời đề từ kết nối một cách tự nhiên, ý nhị với hình ảnh chồi non, rễ cây, góc vườn lục bình/ xanh buồn bã, quả ổi rụng thơm khoảnh khắc nào, bóng tiếng chuông loáng thoáng… rải rác trong tập thơ, như lời nhắc có mặt của thiên nhiên trong trẻo, mát lành, đang dần mai một đi trước đời sống thực dụng xô bồ.

Trong tâm thức Thanh Thảo, giữa ông và cây lá thiên nhiên có sự đồng cảm, gắn kết thầm lặng nhưng mãnh liệt, nói theo cách của ông, “như thể anh cùng họ với cây”:

một ngày nào đó

cây xanh chìa cho anh chiếc lá

viết mấy chữ lờ mờ

như thể anh cùng họ với cây

buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày

chiếc lá có gì muốn nói

một ngày nào đó 

(Thông điệp)

Ở cây lá, ông nhận ra một sức mạnh lặng thầm, bình thản, một thái độ và cách sống đáng ngưỡng mộ:

không cưỡng lại mùa đông

không vồ vập mùa xuân

bình tĩnh qua mùa hạ

cô độc suốt mùa thu

 

những chiếc lá

âm thầm

hy vọng

không hy vọng

(Những chiếc lá)

 Nhìn từ đây, ta thấy bài thơ Tôi thích mình là một cái cây là sự kết nối rất tự nhiên trong mạch thơ viết về thiên nhiên của Thanh Thảo.    

 Mong muốn của nhân vật trữ tình được bày tỏ ngay trong cái tên bài thơ, một cách trực tiếp, hồn nhiên, không màu mè: Tôi thích mình là một cái cây. Một lời bộc bạch. Như trong một cuộc tán gẫu của những người bạn, không có gì to tát, nghiêm trọng. Hoặc có khi, là một lời nói thầm với chính mình. Dần dà tự trong tâm, ý muốn hiện hình thành lời, từ lời nói thầm, nó được nói to lên, thành thơ.

Vậy “tôi thích mình là một cái cây” như thế nào?

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Yêu nhau ba thì - Inrasara

 

THƠ VÀ TÌNH YÊU
TRONG THỜI ĐẠI ĐÁNH MẤT SỰ NGÂY THƠ

         

YÊU NHAU BA THÌ

                            Inrasara

1. Thì Lãng mạn hậu thời

Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ
sự vắng mặt em khởi động nhớ trong anh
nhớ vào mùa gieo hạt

Nhớ
sáng tạo điệu bước em & ánh mắt em
môi hé em & vùng ngực nõn em. Sáng tạo
bàn tay móng ngắn em & vòng ôm nhiệt tình em

Nhớ mọc ngang tầm im lặng
nhớ huỷ thiêu trùng trùng khoảng rỗng

Ở thành phố khi ý thức đã đi ngủ
anh bay bằng triệu cánh tình yêu về làng quê phương Bắc
nơi
em đang xoã vùng tóc lạnh run rẩy thân mai trong rét
chờ anh phủ hơi ấm phương Nam

Ở một thành phố
da em thơm như niềm vắng mặt


2. Thì H[ậu h]iện đại

& chúng ta yêu nhau bằng thứ tình yêu đã lỗi thời
tình yêu từng xảy ra trong tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn chẳng hạn. Cũng có thể gần hơn

Lối hôn này cóp của Bardot, Fonda - ai biết
thứ vuốt ve tối qua từa tựa The Pretty Woman
& chúng ta
yêu nhau như lặp lại

Như là bản sao
chán quá đi mất, em nói
hay mình lao bừa vào nhau đi anh

Nhớ anh da diết - bọn làm thơ chập cheng đã viết nát
yêu em mê mệt - Barbara Cartland đã nói rồi
điệu nghệ hơn cả anh, có lẽ

Hay ta chia tay đi em
lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc
na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích

& thì
đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!


3. Thì Cổ điển mới

Đất màu ngô
em & anh xe hơn một giờ
chúng ta ngược về lãng mạn lạc thời, em nói

Đất Cao Lan hẹp mà lòng em rộng
đồi Cao Lan cằn làm hồn anh phì nhiêu
quành xe vào hiện thực
Trời đang rét mà mắt em ấm
tay anh buốt cho da em thơm
người không dài lời về nghèo khổ

Đất màu ngô
tình yêu màu gì không biết
môtô lạnh cóng hơn một giờ
anh cứ giàu lên từng cây số. [1]


             Giễu nhại là thủ pháp được sử dụng phổ biến trong các sáng tác hậu hiện đại. Nó được xem là một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại. Theo Nguyễn Hưng Quốc, “dù nhìn từ góc cạnh nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại; trong văn bản, có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau[2]. Đây cũng là thủ pháp được sử dụng khá thường xuyên trong sáng tác của Inrasasa ở giai đoạn sau, đặc biệt từ Lễ tẩy trần tháng tư, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ Tân hình thức…

Yêu nhau ba thì (nằm trong tập Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ Tân hình thức) là “bài thơ” (nói chính xác là một cụm bài) được viết bằng thủ pháp giễu nhại. “Bài thơ” này “nhại” lại các phong cách thơ khác nhau, từ lãng mạn hậu thời, hậu hiện đại, cổ điển mới

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Ẩn ngữ - Hoàng Vũ Thuật

 

 ẨN NGỮ

Hoàng Vũ Thuật

                      Tặng họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi

 

mắt cô gái sau vòm lá trong veo  

miên man giọng buồn

nghe mà không được thấy

 

bức tranh đính lên tường vôi

mái tóc cô xoay xoay chòm sao nước

chảy qua vai mềm đồng quê

thời hai tám năm tuổi

 

biển trẻ trung hơn ngày tôi cập bến

đôi cánh trái tim nóng hổi đợi chờ

ngôi sao mỏ neo thao thức 

 

là ẩn ngữ

của một bài thơ vừa mới tượng hình

                                                                      28/2/2019

Lời đề tặng của Ẩn ngữ cho ta biết bài thơ được gợi hứng từ tranh của Nguyễn Lương Sáng, một họa sĩ trẻ cùng quê với Hoàng Vũ Thuật. Bài thơ thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với những tìm tòi, sáng tạo cá nhân của họa sĩ. Từ ẩn ngữ - tranh, những thao thức suy tưởng đã hướng ông tới chân trời xa hơn -  ẩn ngữ của/ trong sáng tạo.

Hãy chú ý cách Hoàng Vũ Thuật dùng ngôn từ để “vẽ lại” tranh của Nguyễn Lương Sáng. Có ba đối tượng tạo hình nổi bật trong bức tranh thơ của ông, đó là giọt cà phê, cô gái, biển. Chúng vừa tồn tại biệt lập, riêng rẽ, đồng thời vẫn kết nối với nhau theo mối liên hệ bí ẩn nào đó, tạo nên một hình dung mang tính tổng thể về Biển đời.

Tâm điểm mô tả thứ nhất:

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Quả vườn ổi - Hoàng Cầm

 

 GIẤC MƠ ĐỜI NGƯỜI

                      

                                  Lê Hồ Quang

                                             




QUẢ VƯỜN ỔI


Hoàng Cầm

Nằm trên bãi cát thư tâm

Sông nước sinh thuyền Em đẩy tới

Có gió có buồm có dòng có lái

Trách gì ai xô dạt đến bờ hoang


Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
           ngày tháng lụi tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ

Cách nhau ba bước vào Vườn Ổi
Chị xoạc cành ngang
            Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
           - Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương!
           - Quả ương chim khoét thủng

Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
[1]

Hoàng Cầm cho biết ông viết Về Kinh Bắc trong khoảng từ lập thu 1959 đến giữa xuân 1960 [2], sau sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy vậy, phải đến năm 1994, nghĩa là hơn 30 năm sau, Về Kinh Bắc mới được xuất bản. Tập thơ là sự trở về với mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc, cũng là sự trở về với tâm tình thiêng liêng của tác giả, dẫu cho, như chính ông nói trong những dòng Ước nguyện: Bốn tám dáng thơ đi tám nhịp/ Tuần du chưa vợi khối ân tình. Đó là kết quả của một cuộc tuần du nội tâm lạ thường.

Quả vườn ổi nằm trong Nhịp 5 - Còn Em, trong chùm bài tập trung về chủ đề tình yêu, đặc biệt mối tình Chị - Em nổi tiếng: Cây Tam cúc, Lá Diêu Bông, Cỏ Bồng Thi, Nước sông Thương… “Cốt truyện”, dù sơ giản (vì mục tiêu của nó là trữ tình, không phải thuật sự), vẫn đóng vai trò như xương sống của bài thơ trữ tình này (và khá nhiều bài khác trong Về Kinh Bắc).

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Chiếc bình gốm - Nguyễn Quang Thiều

 

GIẤC MƠ BẤT TẬN TRÊN CÁNH ĐỒNG CHÂU THỔ

                            Lê Hồ Quang

 

Cây Đời (2) - Tranh Nguyễn Quang Thiều

CHIẾC BÌNH GỐM

                    Nguyễn Quang Thiều

 Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, 

ban mai ứa đầy
mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn,

tôi nặn chiếc bình gốm

Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa

Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn
Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ [1]


         Trong Lời tựa tập Châu Thổ, khi nói về đời sống bí ẩn của thơ và cách kiến tạo đời sống ấy, Nguyễn Quang Thiều đã nói đến “trí tưởng tượng vô cùng hoang dại”, “những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính” và “sự va chạm của những đồ vật quen biết và gắn bó trong tuổi thơ của tôi” [2]. Đề cao trí tưởng  tượng, sức mạnh của trực giác và mơ mộng, Nguyễn Quang Thiều đã đem lại cho sự vật một đời sống và “một nhận biết khác” [3].

Chiếc bình gốm là một giấc mơ như vậy.    

Bài thơ viết về chiếc bình gốm, chính xác hơn, cách nhà thơ tạo ra chiếc bình gốm. Đó là chiếc bình độc đáo ngay từ nguyên liệu. Không phải đất sét, nước, bàn xoay và lửa, những nguyên liệu vật chất quen thuộc, nó được tạo nên bởi “miền nước lớn” - sông Hồng, bởi cánh đồng Châu Thổ với “phù sa nhiễu dài”, bởi máu, bóng tối, ban mai hoàng hôn. Đương nhiên, không thể thiếu nguyên liệu cốt lõi - “trí tưởng tượng hoang dại” và “những giấc mơ bất tận”.

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Trên quả đất mùa - Trần Dần

 

          TRẦN DẦN LÀM CHỮ TRÊN QUẢ ĐẤT MÙA

                                                                                                                                         

                                                                                                        Lê Hồ Quang

   



Ngay từ 20 tuổi, khi đặt bút viết Bản tuyên ngôn tượng trưng (1946), Trần Dần đã nói tới nỗi “chán ngắt cái thi ca nông hẹp” [1], và “thói xấu của phần đông người đọc thơ là tìm nghĩa, trước khi tìm cảm giác” [2]. Ông kêu gọi đổi mới thơ bằng ngôn ngữ tượng trưng, “tân kì”, “mang bao ý nghĩa âm u và khác lạ” [3].

Sau sự cố Nhân Văn Giai Phẩm, cách tân thơ trở thành mục đích, đồng thời, là lối thoát tinh thần với Trần Dần. Ông tuyên bố: “tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết… cái chưa biết - cái khó - thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuổi tôi”(Sổ bụi 1988). Thậm chí, cực đoan hơn, ông viết: “Nói tao biết mày VIẾT thế nào - tao sẽ nói mày SỐNG - CHẾT ra sao” (Sổ bụi 1986). Viết là hành động “phá hoại” nhằm tìm kiếm “cái chưa biết”. Viết là tự do, nhưng “Tự do là vi phạm chứ không tuân theo tất yếu” (Sổ bụi, vở bụi 1987). Đó là hành động “đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây” nhằm giải phóng con người khỏi ngục thất tinh thần và thể xác.

Chối bỏ thứ ngôn ngữ thơ nệ thực, vị lợi trực tiếp, Trần Dần ráo riết tìm kiếm một ngôn ngữ thơ mang tinh thần, tư tưởng mới. Những tìm tòi về Chữ của ông bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước, đến giờ vẫn gây ra ở phần lớn độc giả phản ứng tương tự như khi họ tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. (Về điều này, ta có thể mượn cách nói của Cynthia Freeland, trong cuốn sách nổi tiếng của bà, để diễn tả: Thế mà là Thơ ư?!)    

Những cuộc bay của linh giác - Giáng Vân

 

KHI NỖI PHIỀN MUỘN NỞ HOA

 

        NHỮNG CUỘC BAY CỦA LINH GIÁC

Giáng Vân

Trong cuộc chuyện trò không dứt

                                 của chúng ta và im lặng

Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc

Thoát đi nhẹ như một hơi thở

Nhẹ như linh hồn chúng ta

Những linh hồn gầy guộc và chết mòn

                                              bởi đời sống ồn ĩ

Đang tươi trở lại như cái cây được thở

Nó bắt đầu chạm vào nỗi phiền muộn

                                       của chúng ta

Bằng những cú hích rất nhẹ

 

Trên cánh đồng phiền muộn

Chúng ta bắt đầu nở hoa [1]

Bài thơ là một tình huống giao tiếp đặc biệt - “cuộc chuyện trò không dứt” giữa “chúng ta và im lặng”. Im lặng trong trường hợp này được hình dung như một đối tượng giao tiếp ngang hàng, bình đẳng với ta/ chúng ta. Đó là sự tự giao tiếp trong nội tâm, tư tưởng. Ở đó, Im Lặng là kẻ lắng nghe, đồng thời, bằng chính sự im lặng, nó đối thoại với con người. 

Trong cuộc chuyện trò không dứt

                                 của chúng ta và im lặng

Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc

Thoát đi nhẹ như một hơi thở

Nhẹ như linh hồn chúng ta

Những cuộc bay của linh giác thực chất là sự chuyển hóa nội tâm, khi con người biết tách khỏi cái “ồn ĩ” của đời sống bên ngoài, từ tốn đối diện với cái tôi sâu kín. Im lặng là bối cảnh, cũng là chất truyền dẫn để linh giác xuất hiện. Đó là một cảm giác siêu nghiệm:

Những linh hồn gầy guộc và chết mòn

                                              bởi đời sống ồn ĩ

Đang tươi trở lại như cái cây được thở

Nó bắt đầu chạm vào nỗi phiền muộn

                                       của chúng ta

Bằng những cú hích rất nhẹ


Trên cánh đồng phiền muộn

Chúng ta bắt đầu nở hoa

 Mô tả một cảm giác siêu nghiệm, với những biến chuyển mơ hồ và bí ẩn, bài thơ vẫn cho thấy sự áp đảo của thứ ngôn ngữ lí trí sáng tỏ, vốn rất dễ gây xâm hại sự mơ hồ, bí ẩn. Nhưng bất kể điều đó, Linh giác vẫn hiện diện như tiếng nói của một đời sống khác, đời sống của trực giác, tâm linh, song song với đời sống hàng ngày. Ở đó, trong cõi im lặng, linh giác dẫn dắt chúng ta, giúp ta thanh lọc tạp chất đời sống, gạn lắng ưu phiền, nhận ra niềm vui sống. Ở đó, ta là cái cây “đang tươi lại” trong cõi sống mà ta thuộc về, và do đó, biết cách để có thể “nở hoa” trên “cánh đồng phiền muộn” của thực tại.

Những cuộc bay của Linh giác nằm trong tập Đường gió (xuất bản năm 2013), tập thơ thứ ba của Giáng Vân, sau hai tập Năm tháng lãng quên (1990), Trên những ngày buồn (1995).  Khoảng cách thời gian hẳn cũng để lại dấu ấn trong Đường gió. Như một cảm xúc tự nhiên, không cố cưỡng cầu, không cần định danh, thơ Giáng Vân, trong Đường gió, gần với một hơi gió nội tâm nhẹ nhõm và an tịnh, mạnh mẽ và mơ hồ, “buồn và sáng”, như tên một bài thơ của chị: Chảy tuôn/ Và biến tấu không ngừng/ Không thể lường được/ Đường đi của gió/… Chảy tuôn/ Và hát/ Giọng cao của gió/… Chảy tuôn/ Cho đến khi không thể. Đó là khi con người có thể tự mình khai mở tuệ nhãn, linh giác, để có thể nhận thức thế giới theo cách khác: Một ngày/ Tôi thấy mình sáng dịu/ Như những tơ trời lắc thắc giăng giăng (Một ngày); Cơn mưa ấm và sáng/ Của một thành phố xa vời/ Ở bên ngoài những định kiến và thù hận (Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ)… và cho ta nhận ra quy luật của đời sống thật giản dị.

Linh giác là tiếng nói chỉ dẫn con người hướng tới một đời sống đơn giản, đẹp và tự nhiên, do đó - tự do. Như mùa thu, gió, những bông hoa.

Những mùa thu đẹp

chỉ để đẹp

và không vì điều gì khác

trôi trên trời cao

mây về nơi xa thẳm

rất xa

nhưng không về nơi nào

 

những bông loa kèn

nở rồi chết đúng mùa

                   (Không đề) 

Trong hiện thực “đời sống ồn ĩ” và đầy nỗi “phiền muộn” này, Những cuộc bay của linh giác là một khao khát, một hy vọng, cũng là một lựa chọn sinh tồn và sáng tạo ý nghĩa. 

                                                        Vinh, ngày 15/2/2021



[1] Giáng Vân (2013), Đường gió, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.