Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Thơ Nguyễn Khoa Điềm


NỖI BUỒN ĐÁNH THỨC HY VỌNG
(Về thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 1975)


                                                                                              Lê Hồ Quang
Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm viết sau 1975, ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ nói về nỗi buồn (và cả những trạng thái biến thể như sợ hãi, bơ vơ, xót xa, cay đắng, trống vắng, xa lạ...). Tuy nhiên, dù xuất hiện khá dày, đấy hoàn toàn không phải là một trạng thái xúc cảm bi đát, kéo ghì con người xuống vực thẳm tuyệt vọng. Ngược lại, đấy là một nỗi buồn tích cực, có khả năng và sức mạnh hồi sinh niềm tin, niềm hy vọng. Chính nhà thơ đã viết: Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng...Bởi vậy, không hề ngẫu nhiên khi cùng với nỗi buồn, trong thơ ông, niềm hy vọng cũng bền bỉ xuất hiện, dù đôi khi thật “khắc khổ”. Thực chất nỗi buồn cũng như niềm hy vọng này là những trạng thái nhân sinh - thẩm mĩ khá đặc biệt, chúng đánh dấu sự đổi mới căn bản của thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 1975 so với chính ông (và rộng ra là thế hệ nhà thơ chống Mỹ) trước đó. Đấy là một cảm hứng nghệ thuật gắn liền với những nhận thức và cách lý giải mới của nhà thơ về con người, đời sống cũng như bản thân sự sáng tạo.
Thật ra, dù nhiều nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tiếng cười và niềm vui, niềm lạc quan như một xu hướng thẩm mĩ có tính độc tôn của thơ Cách mạng (nói theo Chế Lan Viên, ở đó “mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười”) thì cũng không hẳn thơ thời ấy hoàn toàn vắng bặt nỗi buồn. Chẳng hạn hình ảnh vùng đất ngoại ô và người mẹ nghèo vẫn hiện lên trong thăm thẳm thơ Nguyễn Khoa Điềm như “tiếng nấc dài cuối ngã ba sâu”. Song về cơ bản, mục đích của nó không nhằm giãi bày những tâm tình riêng tư mà chỉ để nhằm làm nổi bật lý tưởng và ý chí sắt đá chống quân thù. Nó gắn liền với cảm hứng anh hùng và niềm tin không lay chuyển về tương lai trong niềm vui tất thắng. Về bản chất, nỗi buồn sử thi này khác xa nỗi buồn thế sự trong chính thơ ông về sau.


Sau 1975, những thay đổi khắc nghiệt của môi trường sống hậu chiến cũng như sự ý thức sâu sắc, tỉnh táo vốn có đã buộc nhà thơ phải điều chỉnh nhận thức trước nhiều vấn đề của hiện thực (và bởi vậy, dễ hiểu vì sao thơ ông - cũng như một số nhà thơ cùng thế hệ - nhanh chóng chuyển từ cảm hứng lãng mạn ngợi ca sang cảm hứng nhận thức, phê phán). Nỗi buồn nhân sinh, thế sự - vừa như một trạng thái tâm lý, xã hội, vừa như một kiểu nhận thức, phản ánh thẩm mĩ đặc thù - nảy sinh từ đó.
Nỗi buồn này không bắt nguồn từ những nguyên cớ xa xôi, siêu hình. Nó khởi nguồn từ chính hiện tại, trong một đời sống còn tồn tại nhiều nghịch lý, bất công và những số phận đau đớn, bi kịch. Tất cả những “giả trá”, “hèn đớn”, “vô cảm”, “cao rao”, “lăng xăng”, “xì xụp”... họp thành ấn tượng đáng sợ bao trùm là “cuộc đời hung bạo”.Môi trường thiên nhiên cũng như đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội..., thảy đều bị sự hung bạo ấy “nuốt chửng”:
Giống tê giác một sừng tuyệt chủng
Người hát ru em cuối cùng của làng lặng lẽ ra đi
Người nghệ nhân cung đình vàng son đã khuất
Hạt lúa tiến vua trôi về biển
Bầy voi đại ngàn mất đuôi, cụt ngà
Ngôi đình trăm năm đã đổ
Miếng trầu mời, không ai buồn ăn
Trên mặt báo hàng ngày
Những tin buồn muốn khóc
Chít khăn tang lên vầng trán con người
                                                     (Tin buồn)
Từ điểm nhìn cá nhân, nỗi buồn nhân thế ấy càng trở nên trĩu nặng vì nó kéo theo cảm giác chua xót, bất lực của những con người có lương tri và trách nhiệm, trước hết là chính tác giả:Tiếng pháo tiếng bom xa rồi/ Chỉ có cái chết là gần gụi (Đi mãi vào rặng núi xa mờ); Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán/ Đày anh về quê nhà/ Không thể chạy trốn số phận (Tóc trắng); Bây giờ không dễ trở buồm/ Bây giờ không mong đánh đổi/ Bây giờ không đợi kiếm tìm/ Bước dài, bước nghiêng, bước vội (Bây giờ)...
Thực chất, ở đây, nỗi buồn không chỉ là một trạng thái cảm xúc cá nhân. Nó còn là một thái độ, tư tưởng xã hội - thẩm mĩ. Và không chỉ là một trạng thái đơn nhất, nó còn có thể là bản tổng phổ bao gồm nhiều trạng thái cảm xúc khác phức tạp và mãnh liệt hơn: buồn đau, phẫn nộ, chua xót, giận giữ... Nỗi buồn ấy là một hiện thực của đời sống và nội tâm. Đời sống không phải lúc nào cũng chỉ có ánh sáng và hoa, nụ cười và chiến thắng, đời sống còn đầy những đau đớn và bi kịch nghiệt ngã. Thơ ca, nghệ thuật có nhiều cách để xây dựng đời sống, và viết về nỗi buồn, như một cách để nhận thức sự thật là một cách xây dựng có ý nghĩa. Mặt khác, đời sống tinh thần của con người vốn dĩ là một thế giới sâu kín, phức tạp và việc đi sâu khai thác tiếng nói nội tâm cá nhân, tiếng nói của nỗi buồn, sự cô đơn chính là cách nhà thơ khai mở và soi sáng những vỉa tầng mới của hiện thực, để thơ trở nên thật sự sâu sắc và nhân bản. Điều này giải thích vì sao trong thơ Việt Nam giai đoạn sau 1975, đặc biệt sau Đổi mới (1986), cái Bi đã trở thành một đối tượng chiếm lĩnh thẩm mỹ nổi bật. Đấy là kết quả của một sự nhận thức/ tự nhận thức sâu sắc, tỉnh táo, mạnh mẽ về đời sống và con người. Bởi vậy, không chỉ là nỗi niềm của một cá nhân, nỗi buồn ấy là sự đồng vọng của tinh thần thời đại.
Tuy nhiên, trước cuộc sống còn nhiều “khổ đau”, “cay cực”, “buồn bã”, “xót xa”, “u hoài”, “phiền muộn”..., chưa bao giờ Nguyễn Khoa Điềm đánh mất niềm tin - là nền tảng cốt tử để nảy sinh niềm hy vọng - về lương tri của con người, về sức mạnh của Nhân Dân, của thơ ca và sự sáng tạo nghệ thuật. Quan trọng hơn, nó khơi nguồn cảm hứng, đánh dấu một bước chuyển mới trong quan niệm về đời sống và sáng tạo của ông.
Có thể thấy rất rõ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, song song với nỗi buồn (và thậm chí có khi “vượt trội” lên) là niềm tin của nhà thơ về Đất Nước, Nhân Dân. Tiếp nối ý tưởng “Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân/ Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” từ Mặt Đường khát vọng, giờ đây trong Nhân Dân, ông viết: Cúi mình trên đồng lúa/ Lao lên các hỏa điểm chiến tranh/ Lăn mình trong các cuộc xuống đường/ Cặm cụi với sách vở/ Họ là nhân dân thứ thiệt (Nhân dân)... Nhưng giờ đây, Nhân Dân không chỉ là một tập thể anh hùng, đã quật cường vùng lên “chống ngoại xâm”, “đánh bại nội thù”... Nhân Dân trong cuộc sống khắc nghiệt hôm nay còn là Nhân Dân của trí tuệ, bản lĩnh và lòng can đảm, quyết liệt đối mặt với sự sợ hãi, hèn đớn, với cái Xấu, cái Ác, với những thế lực bạo tàn hung hiểm, để có thể đưa dân tộc hướng tới một sự phát triển thực sự bền vững. Niềm tin vào tâm hồn, trí tuệ và lòng can đảm của những con người “không ai nhớ mặt đặt tên” ấy đã khiến nhà thơ phải thốt lên: Không! Sự sợ hãi không cứu được chúng ta/ Mà chính là sự can đảm/ Đi tới dân chủ (Nhân dân).Từ cái nhìn sử thi hào hùng hôm qua đến cái nhìn đậm tính thế sự hôm nay, quan niệm về hiện thực của Nguyễn Khoa Điềm dường như càng trở nên sâu sắc và thấm thía hơn. Nhưng niềm tin vào Lương tri, trí tuệ, sự công bằng và sức mạnh Nhân Dân luôn là một hằng số bất biến. Với nhà thơ, Nhân Dân chính là “dòng chảy của điều tốt đẹp” và: Chúng ta, kẻ không may mắn/ Rồi cũng nhập vào dòng chảy của điều tốt đẹp/ Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn/ Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác (Nhớ Nguyễn Đ).
Tình cảm với gia đình, với quê hương nguồn cội và cuộc đời thường nhậtcũng là điểm tựa tâm hồn quan trọng của nhà thơ. Hình ảnh “ngôi nhà có ngọn lửa ấm” đi vào thơ ông thật gần gũi, dịu dàng:Đã mùa thu/ Đêm cha quạt cho con chút lửa/ Đặt ấm chỗ con nằm/ Trở giấc, lại ngồi, lại quạt/ Những hòn than lấp lánh lim dim (Ngôi nhà có ngọn lửa ấm);Đặc biệt ấm áp là tình cảm của nhà thơ với quê cha đất tổ, với nơi chôn rau cắt rốn của mình: Mỗi năm dù đi đâu cũng gắng một lần dắt díu nhau về thăm ông bà/ Bên khe Tra Am người sống, người chết xúm xít/ Con cháu mắt mờ khói nhang/ Bia cổ chữ còn, chữ mất (Thăm mộ ông bà);Và xiết bao cảm động là những câu thơ ông viết về người mẹ tảo tần thương khó: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi (Mẹ và quả)...
Dù không viết nhiều, song tình yêu là một chủ đề khá đặc biệt trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Chính trên chủ đề này, ta nhận ra một vẻ đẹp trữ tình riêng của thơ ông và quan trọng hơn, nhận ra sợi dây nối kết đằm thắm của ông với cuộc đời từ một khía cạnh tình cảm rất đỗi riêng tư, sâu kín. Thật ra, mạch ngầm thơ tình này cũng đã khá mãnh liệt trong thời chiến, với Tình ca, Trên núi sông, Những bài thơ tình viết trong chiến tranh... Đấy là những bài thơ tình mang theo thứ ánh sáng và vẻ đẹp của lý tưởng và những khát vọng lớn lao, bay bổng. Sau 1975, thơ tình của ông trở nên gần gũi hơn, riêng tư hơn, song nhiều khi đượm màu muộn phiền, xa xót: Em, cây chò của anh, Có một ngày, Hoa quỳ vàng,... Có điều chừng như nghịch lý: chính thứ tình cảm ấy lại khiến nhà thơ tìm được sự cân bằng sau rất nhiều chao đảo cuộc đời, nó khiến ông nhận ra “quy luật muôn đời” của sự sống và những chân giá trị cần nâng niu trân trọng:
Mùa thu yên lặng, mùa hè yên lặng
Mùa đông cũng dịu dàng hơn
Anh luôn luôn là người đi xa trở lại
Tóc đầy bụi, mặt đầy bụi
Chỉ qua khuôn mặt em, nhận ra khuôn mặt chính mình
                                                     (Lặng lẽ)
Lặng lẽ và dịu dàng, đấy chính là sắc độ tình yêu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nỗi buồn và niềm vui, khổ đau và hạnh phúc, mất và được..., dường như tất cả đều được trung hòa qua một cái nhìn trầm tĩnh nhưng da diết của nhà thơ, cái nhìn của một con người đã nhiều trải nghiệm, đủ rộng rãi và bao dung với người và cả với chính mình. Nỗi buồn trong tình yêu, vì thế, cũng lắng lại trong một dư vị lặng lẽ và thanh thản. Niềm hy vọng, có lẽ, được “đánh thức” từ đó.
Sự trỗi dậy của cảm hứng Nỗi buồn đánh thức hy vọng trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thực chất bị/ được chi phối bởi một quan niệm, tư tưởng tương ứng. Giờ đây, với ông, thơ được đề cao trước hết với tư cách là một hoạt động sáng tạo - nhận thức. Giá trị nhận thức - thẩm mĩ, do đó, trở thành một giá trị hàng đầu của thơ. Có thể xem đây là xuất phát điểm khơi nguồn tìm tòi nghệ thuật mới của tác giả. Tuy nhiên, với ông, thơ không được phép quay lưng trước những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống. Ngược lại, hơn bao giờ hết, thơ phải gắn liền với thời đại và thời cuộc. Thơ phải là tiếng nói trách nhiệm và ý thức xã hội tỉnh táo, trung thực của nghệ sỹ: Chỉ có thơ/ Làm lẽ phải thầm lặng (Nhớ một nhà thơ đã mất); Thơ lặng lẽ gầy gò, thơ như thanh thép nguội/ Thơ là cột thu lôi dưới trận bão giông này (Không có quyền mệt mỏi);... Vai trò, trách nhiệm xã hội của nhà thơ, do đó, được nhấn mạnh hơn bao giờ hết (đây cũng là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh đời sống hiện tại). Ta thấy hiện diện trong thơ Nguyễn Khoa Điềm giờ đây là một cái tôi dứt khoát “từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng” để bước vào hành trình “làm mới cuộc đời mình” và thi ca. Dẫu vậy, trong thơ ông, tư cách và phẩm chất cái tôi công dâncái tôi cá nhân không hề tách rời, ngược lại, chúng luôn hòa quyện hết sức chặt chẽ. Đấy là sự tự ý thức của một con người đầy trách nhiệm, luônchỉ thấy ý nghĩa của đời mình trong sự gắn bó và chia sẻ. Không có quyền mệt mỏi là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn sáng tạo mạnh mẽ:
- Tôi ạ, anh phải nguyên vẹn một con người
Trước cánh rừng âm u anh đã rung lên như sấm sét thì bây giờ anh được hát
Một lời buồn...
- Tôi ạ, anh không bao giờ có quyền mệt mỏi
Bởi vì nắng có mệt mỏi chút nào đâu
Những ngọn cỏ phủ xanh mộ người thân yêu như xanh không biết mỏi
Bởi vì gừng lại cay, muối lại mặn, bầy trẻ lại tựu trường và ở nơi xa xôi kia, những con sóng lại tìm được bãi bờ
Bầu trời trong vô hạn, nỗi bí ẩn con người là vô hạn...
Thơ Nguyễn Khoa Điềm thường cho thấy hiện thực trong sự tích đọng khái quát và một thái độ tinh thần chủ thể mạnh mẽ nhưng tiết chế, bình thản. Những gì ông viết Tặng một người sáng tạo giúp ta hình dung rõ hơn về con đường tìm tòi, sáng tạo của chính ông:
Anh thuộc loại người quan tâm sự sinh trưởng ở bề sâu
Những mắt thường không thấy được
Sau khi chia sẻ với chúng ta vẻ đẹp những đền đài trang nghiêm óng ả
Anh lặng lẽ đi tìm những nghịch lý dưới đất
Như những cái rễ cây vươn vào tầng đất tối tăm không ai biết được...
Hãy chú ý đến mối quan hệ giữa “tính thời sự” và tính suy tưởng - triết lý trong thơ ông. Sự thật là thơ Nguyễn Khoa Điềm rất giàu tính thời sự. Sự quan tâm thường trực tới các vấn đề dân sinh này là biểu hiện rõ nét của tấm lòng “thương khó với nhân dân”, chứ không hẳn chỉ vì đòi hỏi của công việc quan trường. Câu chuyện Bi kịch dưới camera, từ băng hình Trung Quốc hay hình ảnh “ngã ba ngã bảy Hà Nội/ đầy rác rưởi” “sau ngày kỷ niệm Một Ngàn Năm”, hoặc phát ngôn của một “ông nghị” - “nhân dân chưa đủ trí tuệ/ để hưởng luật biểu tình” là những ví dụ điển hình cho “tính thời sự” này. Là một nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà hoạt động chính trị - xã hội từng trải, dễ hiểu vì sao ở ông có nhãn quan thời sự sắc sảo ấy. Tuy nhiên, điều này còn xuất phát từ một kiểu tư duy khái quát khá đặc thù, nó cho phép nhà thơ nhanh chóng xác định tiêu điểm phân tích từ vô số “vật liệu” đời sống “tức thời”, hỗn tạp. Những vấn đề cốt tử của xã hội, thời đại, do đó, có thể được phơi mở chỉ từ vài ba chi tiết thoạt nhìn có vẻ ngẫu nhiên, vặt vãnh. Đồng thời việc đặt những hiện tượng “thời sự” trong mối liên hệ thường trực với những vấn đề nhân sinh phổ quát có tác dụng làm bật ra những câu hỏi thời cuộc nhức nhối cần thiết. Thực chất, hướng về những nội dung “thời sự” cũng là cách thức hiệu quả để nhà thơ tiếp cận và lý giải hiện thực. Ở đó, những triết lý, suy tưởng được hình thành và khái quát trên cơ sở thực tiễn sống động, có ý nghĩa và sức mạnh thuyết phục riêng.
Tư duy triết lý, khái quát này tác động và thể hiện rất rõ qua cấu tứ thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nhà thơ thường bắt đầu từ những gì rất chi tiết, cụ thể (nhưng là sự chi tiết, cụ thể được chọn lọc và tổ chức theo một trật tự chặt chẽ, khúc chiết)... Điều này có thể thấy rõ trong những bài thơ mà kết thúc bao giờ cũng là sự khái quát hóa từ những chi tiết mô tả cụ thể trước đó, theo cách không thể chắc chắn và quyết liệt, gọn gàng hơn. Ta hãy đọc lại Tin buồn, Nguyễn Du, Kính tặng Nguyên Hồng, Nhân dân, Nhớ Nguyễn Đ, Một người... Nhưng bên cạnh kiểu cấu tứ “cổ điển” này, nhà thơ cũng chú ý đến kiểu kết thúc mở, ở đó vấn đề dường như bỏ ngỏ trong những hình ảnh buông lơi đầy ngẫu hứng hoặc những câu hỏi lửng, chẳng hạnSông Hương, Trong những buổi chiều, Cây chuối rừng, Em, cây chò của anh, Cỏ ngọt, Đêm thu ở Hội An,...Đây là những kiểu cấu tứ dễ tạo nên độ sâu và sức gợi của ý nghĩa, hình tượng.
Càng về sau, ngôn ngữ, giọng điệu triết lý trong thơ ông càng trở nên đa dạng, linh hoạt. Sự bao dung, thấu hiểu đi cùng vẻ hồn hậu lấp lánh trong những câu thơ rất gần ngôn ngữ nói nhưng vẫn hết sức nhuần nhị, tinh tế. Ấy là khi ông viết về một người “bạn cũ”: Bạn cũ đến chơi/ Chép miệng sống cũng tạm được/ Phải cái hơi móm/ Cười trống trơ như Đỗ Phủ/ Nhìn nhau thương con mắt/ Còn lung lay ngọn lửa rừng/ Thời bom đạn (Về quê đón tết); hoặc khi Uống rượu với bác Dương Văn Vượng:Ái chà, xem ra bác còn khỏe hơn tôi/ Bác gái cứ vào ra con cón/ May thay chúng ta không phải lo con cái nữa rồi/ Cũng chưa phải sống nhờ con cháu/ Mừng bác một chén!... Yếu tố tự trào, hài hước (gần như vắng mặt trong nền thơ Cách mạng nghiêm trang), dù xuất hiện khá tiết chế, vẫn khiến thơ ông “mềm” hẳn lại. Chẳng hạn trong Cây chuối rừng: Có những ngày cực kỳ/ Tôi chỉ muốn chổng chân/ Trồng một cây chuối rừng.../ Lập tức/ Các con tôi reo hò/ Với món đồ chơi bằng bố/ Các bạn tôi xúc động nói/ Tôi là nhà thơ cuối cùng của nghệ thuật phản - thơ (!)... Tiết điệu nhanh, gọn, trầm tĩnh, dồn nén. Ngôn từ, hình ảnh chọn lọc, chặt chẽ, hàm súc, kết hợp phổ biến với xu hướng tổ chức lời thơ theo lối tượng trưng hóa... Đấy là những yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp và chiều sâu thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Một khi đã nói tới xu hướng tư tưởng - triết luận trong thơ, tất yếu sẽ nói đến biểu tượng như một phương thức, cũng là một giá trị của sáng tạo thơ. Tương ứng với một quan niệm, tâm thế và cảm hứng sáng tạo mới, sau 1975, thơ Nguyễn Khoa Điềm xuất hiện nhiều biểu tượng mới mẻ, độc đáo. Trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ tập trung vào một số biểu tượng trong Cõi lặng, Sông Hương và Đêm thu ở Hội An - ba bài thơ vào loại đặc sắc nhất của ông ở giai đoạn này.
Cõi lặng là tên một tập thơ,một bài thơ, đồng thời cũng là một biểu tượng nổi bật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hãy đọc lại bài thơ Cõi lặng:
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch
Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Tiếng đập trái tim anh

Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống với người, chết vì người
Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác
Đến những miền trong xanh
Bài thơ chỉ 8 câu, chia làm bốn cặp, tổ chức theo lối cấu trúc trùng điệp. Kể cả tiêu đề, “cõi lặng” được nhắc đến 4 lần trong bài thơ. Nó được “định tính” bằng một loạt từ ngữ chỉ đặc điểm: lặng, trong sạch, không tiếng động, trong xanh. Trong “cõi lặng” ấy, nhà thơ “soi thấy mặt mình”, nghe thấy “tiếng đập trái tim”, nhận ra mình “sống vì người, chết vì người”, sức mạnh “vượt qua ghềnh thác”, “đến những miền trong xanh”. Sự tối giản về mặt cấu trúc, ngôn ngữ, sự lặp lại có chủ ý những ẩn dụ quen thuộc khiến ý nghĩa của “cõi lặng” trở nên nhất quán và tập trung (dù mặt khác, chính điều này khiến biểu tượng chóng bị “lộ sáng”, trở nên hơi đơn nghĩa). Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở đơn vị bài/ tập thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự tạo nên một tinh thần “cõi lặng” rất riêng, mang tính đặc thù trong những sáng tác của ông sau 1975. Người ta hoàn toàn có lý khi khái quát về thơ Nguyễn Khoa Điềm giai đoạn này bằng cụm từ “cõi lặng” (dù rằng, nếu thiếu đi sự phân tích, đấy vẫn là một sự khái quát có phần đơn giản). Đây thực sự là một biểu tượng quan trọng, đánh dấu sự đổi mới nhiều mặt trên hành trình sáng tạo của tác giả, từ những “dòng thơ lửa cháy” thời chống Mỹ đến những câu thơ thấm đẫm “nỗi buồn trong sạch”.
Một biểu tượng khác, cũng rất đáng chú ý, chính là Sông Hương trong bài thơ cùng tên của ông. Sông Hương là chứng tích của bao thăng trầm lịch sử, kết đọng những giá trị văn hóa lâu đời của xứ Huế quê hương nhà thơ và mang một vẻ đẹp riêng, lấp lánh màu huyền sử. Hãy chú ý những cách tổ chức hình tượng và ngôn từ theo hướng ẩn dụ - tượng trưng của bài thơ này. Đó là sự phổ biến của kiểu cấu trúc trùng điệp (từ ngữ, hình ảnh, cú pháp...); là sự “đồng nhất” giữa “anh” - chủ thể trữ tìnhdòng sông - đối tượng mô tả; là sự kết hợp thường xuyên giữa những hình ảnh, sự vật thực, “tươi ròng” và những cảm giác, tính chất nhòe mờ, mơ màng, hư ảo...
-   Đặt mình trên con nước, đầu hướng về biển, anh trôi đi
Cùng hình bóng các đền đài, những cạm bẫy của thời gian, nước mắt người đã chết
Anh trôi đi cùng phù du phiêu sinh vật, những tiếng chuông không ngày về
Những ngọn cỏ khô không nguồn gốc, những người mẹ đắm đò, những câu mái nhì mất tích
Anh trôi đi với trận bão năm Thìn, nhịp cầu bị đánh sập năm Thân
Những cây bèo tím...
-   Những đêm mất ngủ
Anh nằm cong như một con thuyền neo trên sông
Anh nghe nước chuyện trò
Về cánh rừng nguyên sinh trên động Mang Chang với những cây trầm khổng lồ
Những con cá chình không bao giờ chết trong những hang sâu Thác Ông, Thác Mụ
Những bãi cát thơm hương thạch xương bồ
Những tiếng gầm bị nén lại bởi thủy điện Tả Trạch...
-   Anh trôi đi
Không bắt đầu, không kết thúc, không bờ bến
Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời
Như sông, từ hữu hạn đến vô hạn...
Sông Hương chính là hóa thân của tâm hồn xứ sở nhiều đau thương nhưng đầy bản lĩnh, nhân ái. Là tượng trưng của những giá trị tinh thần, sức mạnh thanh lọc, gột rửa và hóa giải. Xa hơn, Sông Hương chính là biểu tượng của sức mạnh và vẻ đẹp của đời sống Nhân Dân, dòng chảy của Tự Do, của Phẩm Giá và Tình Yêu, những giá trị tinh thần vĩnh cửu và bất diệt. Từ đây, ta hiểu vì sao Sông Hương đã trở thành một điểm tựa tinh thần bền vững của nhà thơ qua năm tháng.
 So với Cõi lặngSông Hương, Đêm thu ở Hội An khó phân tích hơn. Quan sát trên bề mặt văn bản, có thể thấy cái tôi trữ tình đã được kéo lùi lại phía sau và hình tượng bức tranh đời sống (như là) khách quan được đẩy lên bình diện thứ nhất, để nó có thể cất lên tiếng nói tự thân, lạ lẫm và đầy bí ẩn:
Ngoài kia những chiếc thuyền câu đốt đèn trôi theo sông
Đuổi theo một nghề nghiệp cũ
Ở đây trên bậc thềm giả cổ
Người thi sỹ không ngủ
Ngồi đập muỗi
Đợi một làn gió mặn
Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua
Bên dòng sông tăm tối này
Sẽ chết
Mà không được đóng dấu kiểm dịch
Đặng bình tâm trong miệng kẻ khác.
Ôi bác ngư dân già nua
Anh ngư dân trẻ
Đêm nay vợ anh nằm trên chiếc giường hẹp
Đợi anh về
Quạnh quẽ quê hương nhiều thế kỉ
Tìm một chỗ sống
Người thi sỹ im lặng
Quanh anh không một vệt lân tinh dự báo
Cả dòng sông không biết nói
Cả cửa biển không lời thở than
Mùa thu về trên bến vắng...
Hãy chú ý những tương quan đối lập ngầm ẩn trong bài, nhất là ở đoạn thơ giữa. Nếu ở những dòng trên là một nhận thức về cuộc đời mang tính tất yếu bi đát (Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua/ Bên dòng sông tăm tối này/ Sẽ chết) thì ở những dòng dưới là một nhận thức tất yếu khác, song theo hướng vận động về phía niềm hy vọng (quê hương nhiều thế kỉ/ Tìm một chỗ sống). Bóng tối/ ánh sáng, cái chết/ sự sống, nỗi buồn/ niềm hy vọng..., chính những yếu tố đối nghịch ấy đã làm nên bản chất của đời sống này. Đặc biệt ấn tượng là hình ảnh “người thi sỹ không ngủ”, người thi sỹ im lặng” giữa mênh mông đêm đen “không một vệt lân tinh dự báo”. Điệp từ không (không một vệt lân tinh dự báo/ Cả dòng sông không biết nói/ Cả cửa biển không lời thở than)... khẳng định triệt để sự vắng lặng của không gian. Cái “không” của ngoại cảnh dường như càng làm nung nấu, ngột ngạt thêm cái “có” của nội tâm. Kết thúc là một hình ảnh như bâng quơ mà thật gợi: Mùa thu về trên bến vắng... Dù im lặng, thời gian, thiên nhiên và đời sống vẫn tiếp tục dòng chảy của nó. Dù im lặng, nội tâm cá nhân luôn tìm cách để cất lên tiếng nói sống động của mình. Dù lặng lẽ, thơ ca vẫn luôn hướng về cuộc đời, về sự sống và sự thật, vượt lên sự đe dọa của cái chết và tất cả những gì “già nua”, “tăm tối”, “quạnh quẽ”. Phải thế chăng?
Nhìn chung, những biểu tượng trên vẫn hướng chúng ta về vùng trọng tâm khám phá, suy tư của thơ Nguyễn Khoa Điềm: đời sống nội tâm cá nhân, Nhân Dân, Dân tộc, Lịch sử, vai trò của Thơ và Nhà thơ... Có thể khẳng định đấy là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị thẩm mĩ của thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 1975. Tuy nhiên, trong một số bài, ngôn ngữ chính luận trần trụi vẫn “lấn át” ngôn ngữ hình tượng, khiến bài thơ thiếu hẳn đi chất thơ, chẳng hạn Nói với bạn bè trong cuộc họp... Thảng hoặc, ta vẫn gặp đây đó những hình ảnh, ngôn từ sáo mòn, cũ kỹ: Anh là hạt thóc/ Em là cánh đồng/ Gieo bao thương nhớ/ Vẫn còn mênh mông (Anh đợi);... Những bài thơ năm chữ, bảy chữ, lục bát không có nhiều đổi mới về mặt nghệ thuật.
Vượt qua “danh vọng ồn ào vinh quang xí xố” (thơ Chế Lan Viên), Nguyễn Khoa Điềm về lại với thơ - “cõi lặng” đích thực của tâm hồn ông. Ở đó, nhà thơ có thể gạt bỏ mọi vướng bận phàm tục với “cái nhìn thanh thản”, để bình tĩnh lắng nghe tiếng nói nội tâm, để được “là mình” ở mức độ cao nhất có thể. Tuy vậy, đấy vẫn là một “cõi lặng” với nhiều âu lo, phiền muộn, bởi làm sao một nhà thơ đích thực có thể lặng im trước những bất công của đời sống hay nỗi đau con người. Bởi vậy, ta hiểu vì sao trong “cõi lặng” ấy, luôn vang lên những lời độc/ đối thoại buồn bã. Khi lặng thầm, day dứt: Vì sao không thể yêu mến hơn?/ Vì sao không xanh tươi hơn?/ Vì sao không trong sạch hơn? (Trong những buổi chiều);khi trực diện dằn vặt: Giá như các anh sống lại/ Ngồi vào bàn viết, bên tôi/ Chắc các anh sẽ nheo mắt cười/ Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy/ Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy/ Mà được gì cho cuộc sống hôm nay? (Nói với nhà văn quá cố)... Nhưng sau tất cả, đấy vẫn là nỗi buồn mạnh mẽ của một con người hành động, luôn tin rằng chân lý và những giá trị tốt đẹp sẽ là điều còn lại sau cùng với cuộc đời. Nỗi buồn mạnh mẽ ấy dường như cũng là một “đặc điểm thế hệ” trong thơ nhiều tác giả thời chống Mỹ. Theo mạch liên hệ, xin có một so sánh nhỏ. Về sắc thái thẩm mỹ, nỗi buồn của Nguyễn Khoa Điềm cũng như nhiều nhà thơ thuộc thế hệ của ông, do gắn với niềm tin, niềm hy vọng thực tiễn, nên thường mang lại cảm giác “dương tính” - buồn nhưng không mềm yếu, bi lụy. Trong khi đó, ở một số tác giả xuất hiện ở thời Đổi mới, nỗi buồn như một “căn tính” siêu hình của tâm hồn, và do thiếu đi một điểm tựa thực tế mạnh mẽ, thường mang cảm giác “âm tính” - não nề, bi thương. Nếu với Nguyễn Khoa Điềm, nỗi buồn chủ yếu được nhìn nhận và lý giải ở phương diện nhân sinh - xã hội thì với một số tác giả Đổi mới, nỗi buồn chủ yếu được nhìn nhận như một giá trị sáng tạo thẩm mỹ. Dĩ nhiên, đây chỉ là một “lát cắt” so sánh phiến diện và không hề đầy đủ, nhưng nó cũng phần nào cho ta hiểu lý do vì sao cùng viết về chủ đề nội cảm nhưng thơ Nguyễn Khoa Điềm (và nhiều tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ) chủ yếu đổi thay trên phương diện cảm hứng, còn nhiều tác giả thời Đổi mới lại nghiêng về hướng cách tân thi pháp...
Tóm lại, cảm hứng nỗi buồn đánh thức hy vọng đã cho ta nhận ra giá trị, vẻ đẹp và tính nhất quán trong chân dung tinh thần Nguyễn Khoa Điềm từ thời của Mặt đường khát vọng, Đất ngoại ô... đến Cõi lặng. Đấy là một nhà thơ luôn ý thức tìm tòi sáng tạo để thơ không bao giờ là “một bảo tàng cũ kỹ của chữ nghĩa”[1]. Nhưng đồng thời và hơn thế, sáng tạo thơ luôn phải là tiếng nói của lương tri và trách nhiệm của con người.
                                                                                             Vinh, 31/12/2014
                                                     







[1] Nguyễn Khoa Điềm (2011), Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40năm do tác giả chọn, Nxb Văn học, H., tr.5.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét