Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh

THÔNG ĐIỆP CỦA TRANG VIẾT



(Về truyện Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh,
Nxb Trẻ, 2017)
                                                            
                                                                           Phương Đông
Cây chuối non đi giày xanh là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Tên truyện, giống như nhiều tác phẩm khác của ông, là một hình ảnh đầy chất thơ, nó khơi gợi cảm hứng “kể chuyện” và đồng thời “dựng tứ” cho toàn bộ câu chuyện. Xét trên nhiều phương diện, truyện dài này hoàn toàn nằm trong “trường viết” quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh. Về đề tài, Cây chuối non đi giày xanh cũng viết về tuổi thơ với tất cả vẻ êm đềm, ngọt ngào mà dường như ai cũng từng có (hoặc mong muốn có). Về cách kể, câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính, từ điểm nhìn của người trong cuộc; ngôn ngữ giản dị, tự nhiên; giọng kể gần gũi, pha chút hài hước, dí dỏm; nhiều chi tiết ngộ nghĩnh, tươi tắn. Thế nhưng, sức hút của tác phẩm lại bắt đầu từ chính những điều tưởng chừng hết sức quen thuộc ấy.
Có thể nói Cây chuối non đi giày xanh đã tạo nên một thế giới tuổi thơ trong trẻo, đầy tình thương mến. Ở đó, các mối quan hệ bạn bè, thầy trò, gia đình, xóm làng… luôn tỏa ra những vẻ đẹp chân thành, thắm thiết. Mối tình trẻ con của nhân vật Đăng - người kể chuyện xưng tôi - với “cái Thắm”, nội dung chủ yếu của câu chuyện, được mô tả qua nhiều tình tiết ngộ nghĩnh. Tính chất thi vị hóa - điều dường như khó tránh khi viết về ký ức tuổi thơ - được pha trộn một cách khéo léo, tự nhiên với những sự kiện, chi tiết đời thường, bình dị. Các chi tiết vui vui được “cài cắm” khá hợp lý, thu hút sự theo dõi, chẳng hạn nỗi ám ảnh của Đăng về cái miệng tô son của cô Sa, sự “nổi loạn” của Thắm để chống lại cuộc hôn nhân định sẵn, cùng với sự “tiếp tay” của nhóm bạn là Phan, chú tiểu Khôi và mẹ Thắm….


Câu chuyện của những người bạn nhỏ được đặt trong không gian một thị trấn nhỏ, với một độ lùi thời gian khá xa so với hiện tại - đó là chủ ý dễ nhận thấy của người viết. Trong hồi quang của ký ức, người ta dễ nhận ra hơn vẻ đẹp của thời đã qua, điều mà khi đang sống trong đó, người ta thường có xu hướng bỏ qua. Với sự “chỉ dẫn” của hình ảnh cô bé Thắm - “cây chuối non đi giày xanh”, rốt cục trong cuộn len rối nùi của ký ức, nhân vật tôi cũng đã lần ra đầu mối để bắt đầu câu chuyện. Nhân vật ông Cứ cắt tóc với cái miệng nhai trầu “đỏ lòm” và tay “nhịp nhịp cây kéo” là nỗi “ám ảnh kinh hoàng” của những đứa trẻ, song cũng gợi lên bao nhiêu tình cảm gắn bó ơn nghĩa của thời thơ ấu nơi thị trấn Hà Lam. Nguyễn Nhật Ánh quả có biệt tài trong việc phát hiện ra những chi tiết nhỏ, ngộ nghĩnh của đời sống trẻ thơ với những chuyển biến tinh tế. Sức mạnh tác động của tác phẩm đến từ sự lây lan những xúc cảm tưởng chừng nhỏ bé nhưng sự thực là hết sức mạnh mẽ ấy. Kết thúc của câu chuyện cũng là một kết thúc có hậu, như một tất yếu tự nhiên.
Bằng những câu chuyện giản dị, nhẹ nhõm, dường như không cần chút lên gân cốt nào, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh nói chung đã tạo nên một sức hút độc giả đáng kinh ngạc. Số lượng ấn bản “khủng” cho mỗi đầu sách là  minh chứng hùng hồn cho điều này. Riêng với Cây chuối non đi giày xanh, số bản in lần đầu là 170.000 bản! Có nhiều nguyên nhân, song tôi nghĩ, trước hết, sức hút ấy xuất phát từ chính tác phẩm. Không quá đi sâu vào những tìm tòi, cách tân hình thức, Nguyễn Nhật Ánh tập trung vào nội dung câu chuyện kể. Nhưng ông cũng không sa đà vào việc mô tả những câu chuyện éo le, mùi mẫn hay phân tích diễn biến tâm lý phức tạp. Cốt truyện của ông thường đơn giản, thậm chí hơi khó để tóm tắt. Sức nặng của chúng chủ yếu nằm trong các chi tiết, tình tiết, các hình ảnh nên thơ, các trạng thái cảm xúc tươi tắn, chân thật của con người. Điều quan trọng là đằng sau những câu chuyện hết sức giản dị ấy là thông điệp của nhà văn về đời sống và con người. Đó là thông điệp của tình yêu thương và sự gắn bó. Viết về tuổi thơ là viết về phần đời trong trẻo, hồn nhiên, vô tư nhất của con người và đấy cũng là cách để khơi gợi, đánh thức, để gìn giữ và lan tỏa những giá trị nhân văn đẹp đẽ vào đời sống còn nhiều bụi bặm này. Có lẽ đấy cũng là lý do giải thích vì sao Nguyễn Nhật Ánh luôn “trung thành” với đề tài tuổi thơ: ông tìm thấy vẻ đẹp và ý nghĩa của sự viết ở đó.
Với những đặc điểm kể trên, truyện của Nguyễn Nhật Ánh dĩ nhiên có sự “lựa chọn” độc giả riêng. Trước hết, chúng hướng tới lớp độc giả trẻ tuổi đông đảo. Nhưng không chỉ thế, chúng còn hướng tới những người không còn trẻ tuổi nhưng vẫn “trẻ lòng”, vẫn còn khát khao nhìn cuộc đời trong vẻ trong trẻo hồn nhiên của nó. Những độc giả ấy không đòi hỏi nhiều ở tác phẩm về mặt tư tưởng hoặc những tìm tòi, phá cách về mặt thi pháp. Họ chủ yếu muốn sống lại những hồi ức thơ bé đẹp đẽ và những tình cảm gắn bó, hồn hậu. Lẽ sống nhân ái, niềm yêu thương như nền tảng ứng xử căn bản giữa người và người là điều họ tìm kiếm và Nguyễn Nhật Ánh đã đem lại cho họ điều đó qua những câu chuyện bình dị, tươi tắn, đáng tin cậy. Có thể nói người đọc đã nhìn thấy bản thân mình trong những câu chuyện đó: tuổi thơ của họ, những rung động đầu đời của họ, cả niềm tin về những điều tốt đẹp đã theo họ từ thuở ấu thơ và nay hiện diện trong những trang viết của nhà văn, đánh thức niềm vui, sự xúc động. Nói cách khác, độc giả và tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã “tìm thấy nhau” trong một định chế tiếp nhận đặc biệt song cũng hết sức tự nhiên và nhẹ nhõm.  
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh quả thực có một sức hút lạ lùng, rất khó lý giải trong thời đại công nghệ số, khi sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí đa phương tiện trong đời sống từng khiến nhiều người tiên đoán hết sức bi quan về sự tồn tại của sách in và văn hóa đọc. Bởi vậy, riêng sự hiện diện của Nguyễn Nhật Ánh như một “thương hiệu sách” độc đáo và hết sức nổi bật của văn học Việt Nam đương đại cũng hàm chứa một thông điệp rất đáng chú ý. Rằng, qua sự hiện diện của những trang in, văn học vẫn luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu của độc giả, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.  Tuy nhiên, đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, cụ thể là ở Cây chuối non đi giày xanh, vẫn còn đó một số băn khoăn. Chẳng hạn, viết cho tuổi mới lớn có nhất thiết chỉ đi sâu và giới hạn ở những vùng xúc cảm ban đầu đẹp đẽ, dịu dàng? Có nhất thiết phải kết thúc “có hậu”? Kiểu viết dễ đọc, dễ cảm, là kết quả của sự lựa chọn có chủ ý, một đặc điểm phong cách hay là dấu hiệu của một sự “đứng hình”, khó thay đổi? Đó cũng là những điều cần phải suy nghĩ thêm.  
Cây chuối non đi giày xanh quả là một câu chuyện nhẹ nhàng, dễ thương đầy thu hút về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình. Đọc tác phẩm, người ta tin hơn vào tình người, vào những điều tốt đẹp hồn nhiên, giản dị, điều thực sự cần trong đời sống hiện đại đầy bất ổn này. Đó là đóng góp rất ý nghĩa của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh đối với văn học, mà thực chất, là đối với đời sống con người hôm nay.                                                                      
Vinh, 27/12/ 2017
                                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét