DƯƠNG KIỀU MINH, RA ĐI ĐỂ TRỞ VỀ
Lê Hồ Quang
Ngay
từ tập thơ đầu tay - Củi lửa (1989), Dương Kiều Minh đã gây chú ý
dư luận bởi những cách tân, tìm tòi mạnh mẽ. Liên tục những tập
thơ của ông ra đời sau đó như Dâng mẹ (1990), Những thời đại
thanh xuân (1991), Ngày xuống núi (1995), Tôi ngắm
mãi những ngày thu tận (2008)..., đều tạo ấn tượng với người đọc bởi một
phong vị và cốt cách riêng biệt. Hướng về cội nguồn phương Đông, kết hợp
với một tinh thần sáng tạo tích cực, ông đã tạo nên trong thơ một diện mạo gần
gũi mà vẫn hết sức mới lạ.
Đọc thơ Dương Kiều Minh trước hết là “đọc” một tiếng nói nội tâm khá đặc biệt. Thơ ông tràn ngập nỗi buồn. Không chỉ dừng lại ở những tín hiệu ngôn ngữ buồn, sầu (với nhiều biến thể như đau thương, muộn phiền, trống vắng, sầu muộn, lẻ loi, cô độc...), mà hơn thế, nó đã trở thành một trạng thái tinh thần thống ngự. Từ Củi lửa qua Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, đến Khúc chuyển mùa, nỗi buồn, sầu ấy ngày càng đậm đặc và ngả sang sắc thái bi thương, bởi sự “trơ trọi và đơn độc”, bởi “bệnh tật và nỗi đời dày vò”. Đấy là trạng thái nội tâm diễn tả tập trung nhất, sắc nét nhất diện mạo tinh thần tác giả. Một con người dường như đã già ngay khi còn trẻ; sống trong hiện tại mà dường như luôn đắm chìm trong những hoài niệm quá khứ; giữa xô bồ tục lụy mà vẫn luôn giữ một sự gián cách thiêng liêng cho những suy tưởng trừu tượng và đơn độc... Bởi vậy, thế giới trong thơ ông là hồi quang của một cái nhìn nội tâm đầy khắc khoải, như từ một cõi xa nào, nó vừa phản chiếu cái tức thời của đời sống cá nhân trong những thời khắc cụ thể, vừa có khả năng trừu xuất khỏi chính nó, vượt thoát ra ngoài nó, để nghiệm sinh thấm thía hơn, thương cảm hơn về thân phận con người.
Đọc thơ Dương Kiều Minh trước hết là “đọc” một tiếng nói nội tâm khá đặc biệt. Thơ ông tràn ngập nỗi buồn. Không chỉ dừng lại ở những tín hiệu ngôn ngữ buồn, sầu (với nhiều biến thể như đau thương, muộn phiền, trống vắng, sầu muộn, lẻ loi, cô độc...), mà hơn thế, nó đã trở thành một trạng thái tinh thần thống ngự. Từ Củi lửa qua Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, đến Khúc chuyển mùa, nỗi buồn, sầu ấy ngày càng đậm đặc và ngả sang sắc thái bi thương, bởi sự “trơ trọi và đơn độc”, bởi “bệnh tật và nỗi đời dày vò”. Đấy là trạng thái nội tâm diễn tả tập trung nhất, sắc nét nhất diện mạo tinh thần tác giả. Một con người dường như đã già ngay khi còn trẻ; sống trong hiện tại mà dường như luôn đắm chìm trong những hoài niệm quá khứ; giữa xô bồ tục lụy mà vẫn luôn giữ một sự gián cách thiêng liêng cho những suy tưởng trừu tượng và đơn độc... Bởi vậy, thế giới trong thơ ông là hồi quang của một cái nhìn nội tâm đầy khắc khoải, như từ một cõi xa nào, nó vừa phản chiếu cái tức thời của đời sống cá nhân trong những thời khắc cụ thể, vừa có khả năng trừu xuất khỏi chính nó, vượt thoát ra ngoài nó, để nghiệm sinh thấm thía hơn, thương cảm hơn về thân phận con người.
Dễ
dàng nhận thấy những motip thời gian hiện diện dày đặc trong thơ Dương Kiều
Minh, từ những đơn vị ngày tháng cụ thể (Ghi trong cơn dịch cuối năm Đinh
Hợi, Những buổi tối tháng Chạp, Bài thơ ghi lại trong mơ tỉnh dậy lúc 9h10, Đêm
chủ nhật tuần đầu tháng tư, Gửi con gái Nhật Ngân đầu xuân 2010, Bài thơ đầu
năm 2011...) đến những thước đo phổ quát hơn như sự thịnh suy của
thế cuộc, nỗi hưng vong của kiếp người, hay quy luật vận hành của thiên nhiên,
vũ trụ... Nhưng, thời gian với Dương Kiều Minh, trước hết, gắn liền với sự ý thức
về thân phận, và hơn thế, là thân phận, số phận của chính ông với những cảm
xúc, cảm giác phần nhiều chua xót. Bao trùm những câu thơ mang tính tự họa là một
chân dung tinh thần với những đường nét thật u tối và khắc khổ. Đấy là một con
người già nua, đơn độc tóc bạc, thân hình vàng võ, đôi vai gầy mọn, hai bàn
tay trắng, sống nổi trôi lang bạt, triền miên trong giấc mơ khốn
khó, những cơn ho, cảm giáckiệt sức... Đó là một con người “chưa
kịp trẻ/ chưa kịp ấu thơ/ chưa kịp dối già”, luôn mang trong nỗi lòng ly
hương, sầu xứ, bị “kỉ niệm đuổi đến bức tường dựng đứng” với những khát
vọng “một đời tiêu tán”... Trên thực tế, ta không biết gì hơn về cuộc đời
tác giả ngoài những nét mô tả chấm phá, có phần ước lệ này. Nhưng có lẽ việc
xóa mờ đi những những chi tiết đời thực lại có tác dụng làm nổi bật lên cái lõi
tâm trạng “cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” (Nguyễn Du) của hình tượng
trữ tình. Đấy là cái tâm trạng cô độc, bất lực, không thể chia sẻ, trống rỗng
tận cùng.Chúng được khắc họa rất đậm, rất trực diện, kiểu như vạc những mảng
u tối, sậm màu trên nền cuộc đời trắng lạnh rời rã:
- Cô độc trùm trống rỗng
Trống
rỗng tận cùng
(Bày tỏ)
- Phải, tôi uống ngụm trống vắng
Không
gì ghê rợn bằng trống vắng
(Ngày xuống
núi)
-
Tôi uống bao nhiêu phiền muộn
Dài
dặc sao cuộc kiếm tìm mình
Nhọc
nhằn sao cuộc kiếm tìm mình
(Vô
thanh)
Có
thể nói, thời gian trong thơ Dương Kiều Minh là thời gian hiện sinh của con người
mà trước hết là của chính cá nhân ông. Nó gắn liền với những nỗ lực sinh tồn đầy
đau đớn và nhọc nhằn của “kiếp người vô vọng”. Nhận thức về thời gian là
nhận thức về nỗi đau thân phận dai dẳng, một nỗi đau “ngoài sức lực con người”.
Song thay vì một thái độ ứng xử khác hơn, chủ động và mạnh
mẽ hơn (như ở Xuân Diệu chẳng hạn), Dương Kiều Minh lựa chọn một cách đối diện
thực tại riêng mà thoạt nhìn, có vẻ phần nào “thụ động”, “yếm thế” hơn so với
tiền nhân - đối diện bằng giấc mơ và hoài niệm. Bằng giấc mơ và hoài niệm, ông
biến hiện tại, thậm chí cả tương lai thành quá khứ. Trong thơ ông, dường như
luôn tồn tại một không - thời gian của
kí ức, của kỉ niệm và tưởng tượng, của ngày xưa xa xôi, vừa tương phản,
đối lập vừa song hành, xoắn bện với cái không - thời gian sinh tồn cụ thể nói
trên. Đó là một cuộc đời dường như đã qua, đã mất, mà như vẫn hối hả chảy trôi,
vĩnh viễn tồn tại trong một chiều kích khác, với một thứ âm thanh, mùi vị, ánh
sáng khác. Khắc khoải trong thơ ông là hình ảnh một miền quê trung du hiu quạnh,
với “hoàng hôn loang lổ gò đồi”, “một sớm vắng/ ùa lên mùi khói bếp”,
“mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ”, “bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối”... Không
gian của kí ức cũng là không gian của hoài niệm tuổi thơ, như “bãi đất hoang
mọc đầy cỏ dại” và “ăm ắp buồn”, được phục dựng trong những ấn tượng
đầy tương phản. Vừa vắng lạnh, xa xôi, nhòe mờ trong khói sương lãng đãng. Vừa
bừng sáng những cảm giác sắc cạnh đến nhức nhối, không thể phai tàn. Nhưng kí ức
tuổi thơ đâu phải là chỗ trú ngụ êm đềm, khi “kỉ niệm đuổi ta đến bức tường
dựng đứng”? Nhà thơ sống trong hiện tại mà không nguôi hoài vọng quá khứ. Sống
trên quê hương mà luôn thấy “thiếu quê hương”, luôn trong tâm trạng “đê
đầu tư cố hương”. Cố hương, Mẹ, Cha, cánh đồng ấu thơ... tất cả thấm đẫm nỗi
buồn:
Nhiều
khi buồn nức nở
ngóng
cánh đồng bên sông Hồng cuộn đỏ
có
nấm mồ cha
nấm
mồ của mẹ
đấy
cố hương
và
đây cố hương...
(Cố
hương)
Cảm
thức buồn thương ấy thực chất là một cách khái quát về cuộc đời, về thân phận từ
góc nhìn nghiệm sinh của một cá thể hiện đại. Nó xuất phát từ một kiểu “tạng chất”
tâm hồn riêng, thể hiện một quan niệm khá nhất quán của nhà thơ về đời sống và
con người.
Nhưng
thơ Dương Kiều Minh đâu chỉ có nỗi buồn, sầu? Nếu vậy, sẽ chẳng có gì nhiều để
nói. Điều lạ lùng là bên cạnh “nỗi buồn vạm vỡ” ấy, như một nghịch lí
chói gắt, ta thấy trong thơ ông luôn bền bỉ niềm tin hướng về cái đẹp và những
giá trị tinh thần trường cửu, chúng hiện diện như một nhịp đập bí ẩn của
thiên nhiên, đất trời, đồng thời như một tiếng gọi mơ hồ mãi mãi vang lên từ
trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ. Điều này tạo nên dáng nét rắn rỏi, kiêu hãnh
trong chân dung tinh thần vốn lặng lẽ và cô độc của tác giả.
Bằng
một tấm lòng thật sự thiết tha với đời sống, ngay cả trong nỗi buồn, trong sự bất
hạnh và khốn khó, nhà thơ luôn biết cách phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm ẩn xung
quanh mình. Đó là sức mạnh, vẻ tươi trẻ, sự nồng nàn của thiên nhiên, đất đai,
nhịp vận hành sinh hóa bất tận của vũ trụ... Ông đặc biệt tin vào cái đẹp của sự
sống giản dị, không phô trương mà kín đáo, thanh sạch,dễ dàng bị người đời bỏ
qua, bởi“cái đích của đời sống thực giản dị tới mức không thể tin được. Điều
làm bạn xốn xang đến từng mạch máu là làn mưa xuân rất mỏng phả nhẹ lên những
bông mận trắng mong manh như hơi nước” (Gửi bạn đêm cuối năm).
Phát hiện và tận hưởng cái đẹp nguyên sơ và giản dị đó chính là “niềm vĩnh
phúc” của con người. Chính nhãn quan ấy đã biến thực tế đời sống “tơi tả”,
“thương tâm”, “vô nghĩa”, “vô vọng”, trở thành một thế giới khác, không hề
tách rời muôn nỗi “bời bời tục lụy” nhưng đồng thời đẹp hơn, lớn lao
hơn, cao cả hơn. Được chưng cất bởi cái nhìn mĩ cảm của nhà thơ, nó “thanh lọc”
những bụi bặm thế tục để đem lại cho con người cảm giác về một đời sống buồn bã
nhưng trong sạch và cao thượng.
Từ
đây, ta hiểu vì sao với Dương Kiều Minh, thơ chính là Khát vọng, là cái Đẹp, là
mơ ước tự do tinh thần tuyệt đối, lí tưởng, dù cho sáng tạo luôn là một hành
trình đơn độc, nhọc nhằn và nhiều khi đầy cảm giác bơ vơ, bất lực. Ngay trong
những giây phút bi đát nhất của cuộc đời, với ông, thi ca vẫn luôn mang một ý
nghĩa thực sự thiêng liêng:
-
Câu thơ viết lên nền trời
Bài
thơ viết lên nền trời
Ngông
cuồng viết lên nền vương quốc
(Tháp
Bút)
-
Câu thơ đau đáu một đời
Câu
thơ sững nghiêng bóng đổ
Dáng
ngang tàng giông lũ về khơi
(Dâng
Lý Bạch)
Nhà thơ, với Dương Kiều Minh, không chỉ là những tên tuổi
cụ thể như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Chu Thần Cao Bá Quát, Hàn Mặc Tử...
Nhà thơ còn là một phẩm chất, một giá trị tinh thần cao quý. Prômêtê - người
mang lửa, Đôn ki - hô - tê hay Chúa Giê su Krixtơ đều là những nhà thơ theo ý nghĩa
đó: họ truyền cảm hứng sáng tạo từ lửa, từ khát vọng, từ chính đức tin và tình
yêu, để hứng khởi dựng lại những chân trời; để chở thanh bình về tặng
cõi người; gọi yêu thương về với con người... Đây là một quan niệm đề cao hết
mực giá trị và ý nghĩa nhân văn của hành động sáng tạo. Nhưng có lẽ, trong sâu
xa tâm hồn nghệ sĩ, ai chẳng mang theo một “đức tin” nghề nghiệp như vậy? Chính
nó tạo nên phẩm tính thiêng liêng cho hành động sáng tạo đồng thời là sức mạnh
nâng đỡ tinh thần con người vượt lên những trần ai khổ lụy của đời sống và
chính bản thân công việc “làm thơ”, “làm nghệ thuật” trong một môi trường sống
nghèo nàn, dung tục, chỉ luôn chực dập tắt đi niềm mơ mộng của con người.
Như vậy, xa hơn nỗi buồn là là niềm tin và khát vọng
về sự Sống, cái Đẹp, vào những giá trị tinh thần trường cửu. Xa hơn nỗi buồn
còn là cảm giác “mãn nguyện” của con người khi ý thức về “sứ mệnh” phải thực hiện,
và cùng với nó là niềm kiêu hãnh khi nhận thức nỗi đau như một “tất yếu định mệnh”
của “kẻ được chọn”. Phần nào trong đó có chút tự an ủi, nhưng xét đến cùng,
chính điều này đem lại cho ông sức mạnh để chấp nhận và vượt lên tất cả những
thiệt thòi khốn khó của “cuộc đời tục lụy” và để có thể sống hết mình
cho giấc mơ sáng tạo.
Nhằm
vượt ra khỏi từ trường của lối viết giãi bày trực tiếp cảm xúc theo kiểu lãng mạn
chủ nghĩa, ngay từ Củi lửa, Dương Kiều Minh chủ trương hướng đến một lối
viết kiệm lời, hàm súc và tượng trưng. Hệ quả là nhiều tác phẩm của ông hiện
lên như những “ẩn ngữ” mà để giải mã, không có cách gì khác hơn là phải bám vào
những dấu hiệu chỉ dẫn của hệ thống biểu tượng. Bài thơ sau là một ví dụ tiêu
biểu:
Tiếng
địch
Tiếng
gì đơn độc
xa
hơn nỗi buồn
ước
vọng trườn trong thanh vắng
Đấy
- bài ca xưa
đấy
- vườn trăng xưa
Vẫn
sống rêu phong mái cổ
một
tình yêu tìm đến tự tình
thềm
son lặng bóng mai già đổ
ừ
niềm đau chẳng bao giờ nói
ừ
hy vọng mong manh như cả kiếp người
Nếu đặt Tiếng địch của Dương Kiều Minh bên
cạnh Tiếng trúc tuyệt vời của Thế Lữ và thử làm một phép so sánh,
ta sẽ thấy ngay sự khác biệt. Thơ Thế Lữ là một sự miêu tả rất chi tiết, cụ thể:
Tiếng địch thổi đâu đây/ Cớ sao mà réo rắt/ Lơ lửng cao đưa tận lưng trời
xanh ngắt/ Mây bay... gió quyến mây bay/ Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt/
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may... Ngược lại, Tiếng địch
không hề cho ta biết một cái gì cụ thể về tính chất, đặc điểm tiếng sáo được mô
tả. Dương Kiều Minh cố tình tạo nên một sự gián cách với đối tượng khi ông viết:
Tiếng gì đơn độc/ xa hơn nỗi buồn/ ước vọng trườn trong thanh
vắng... Tác giả lược bỏ tối đa những từ ngữ kết nối logic, gây nên sự đứt mạch
liên tục giữa các dòng thơ, ý thơ, hình ảnh thơ. Cần nhận ra mục đích thực sự của
lối viết này: nó hướng đến việc gợicảm hơn là biểu cảm. Để lần ra
cái “mạch chủ” của bài thơ, không thể không dựa vào tiếng địch, biểu tượng
trung tâm của tác phẩm, sợi dây liên kết những hình ảnh liên tưởng chừng như rời
rạc, xa lạ, như không hề ăn khớp trong bài: nỗi buồn/ ước vọng/ bài ca/ vườn
trăng/ niềm đau/ niềm hy vọng... Khi đó, tương quan liên tưởng lập tức được
thiết lập và liên tiếp mở rộng, như những vòng sóng tỏa lan không ngừng. Đấy là
một sự phức hợp cảm giác, cảm xúc. Sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại, mất và
còn, tình yêu và nỗi đau... Cũng có thể hiểu Tiếng địch như một
biểu tượng của âm nhạc, của nghệ thuật, những âm thanh có khả năng đánh thức những
nguồn năng lượng bí ẩn và mãnh liệt nhất trong thiên nhiên và hồn người. Bản
thân việc sử dụng cụm từ “tiếng địch” (vốn ít quen thuộc, thay cho “tiếng sáo”)
có lẽ cũng là dụng ý nhằm tô đậm tính chất tượng trưng của hình tượng.
Thơ Dương Kiều Minh là một thế giới biểu tượng, trong đó, giấc
mơ là biểu tượng trung tâm, nối kết với các biểu tượng khác thành một hệ thống
khá chặt chẽ. Lắng nghe cẩn trọng tiếng nói nội tâm, nương níu vào cảm giác,
nhà thơ lặng lẽ chuyển tải tất cả những trạng thái đời sống ngày thường thành
những giấc mơ, những trạng thái tâm linh đầy mơ màng, sâu xa, hư ảo. Nỗi ám ảnh
về những quả đồi trung du bắt sáng dưới ánh trăng, những vách đá xám hoa lạc
tiên nở trắng, hơi khói bếp ngoằn nghèo bên sườn đồi hay những con đường
dốc sương muối phủ dày trong một chiều vắng lạnhđan lồng vào giấc mơ
hoang lạ của một cậu bé nay đã là người đàn ông mái đầu đốm bạc...
Những giấc mơ lồng vào giấc mơ, tạo nên một tiếng nói nội tâm rì rầm, bất tận,
bản thân tiếng nói ấy cũng là một giấc mơ nữa. Đó là một sự đối thoại không ngừng
của người đàn ông với số phận của mình, niềm tin của mình, nỗi hoài vọng của đời
mình. Những giấc mơ ấy hé lộ sự thật, bởi vì nhà thơ tin: “Những gì cuộc đời
va đập vào ta đều để lại những dấu vết mang những kí hiệu của một bức mật tự,
hình bóng ta nhìn thấy chỉ là sự đảo ngược, chỉ trong giấc mơ chúng trở ngược về
mang hình ảnh thật có” (Trong chiếc rương đơn sơ).
Có
thể khái quát hóa hành trình thơ Dương Kiều Minh từ Củi lửa đến Khúc
giao mùa bằng những biểu tượng nổi bật: Ra đi - Đường xa - Trở về.
Ra đi là từ giã xóm núi, từ giã ấu thơ, từ giã mẹ già để đi theo tiếng
gọi đổ hồi hay nhịp đập bí ẩn trong giấc mơ về một đời sống khác
- giấc mơ sáng tạo. Đường xa là cuộc tìm kiếm Tự do, thơ ca, cái Đẹp...,
những giá trị tinh thần lí tưởng cao vời cám dỗ người thi sĩ băng qua mọi nẻo
đường thế tục để kiếm tìm. Sống với thế giới ấy là sống với những giấc mơ vượt
thế, với những lạc thú tinh thần cuồng phóng đơn độc, không thể chia sẻ. Đó vừa
là niềm hạnh phúc, hoan lạc, vừa là nỗi giày vò thống khổ suốt cuộc đời thi sĩ:
Những con đường cổ xưa ta làm sao bỏ được. Sinh mệnh ta đã gửi vào tiếng gọi
mơ hồ quyến rũ, tiếng gọi cuốn theo mải miết từ tuổi thanh xuân đến khi đầu điểm
bạc (Con đường cổ xưa)... Trở về, như vậy, cũng là một
hành động tư tưởng. Trở về với Mẹ, với quê hương, với tuổi thơ. Trở về với cội
rễ tâm linh. Một giấc mơ thật giản dị, tiếc thay, lại cũng đã ngoài tầm với: Mơ
được về bên mẹ/ ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa/ bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối
(Củi lửa)...Bởi vậy, đấy cũng là hành trình trở về với căn
tính của cái tôi thi nhân - nỗi buồn, sầu. Hành trình ấy khiến hồn thơ
ông thêm u trầm khắc khoải. Nhưng cũng chính nó khiến ông nhận thức sâu sắc hơn
rằng khát vọng và nỗi đau dường như là hai mặt của cuộc đời, và sáng tạo là sự
“thúc đẩy con người không ngừng hoàn thiện những ước vọng phía trước”.
Hơn thế, “nó bù đắp những mất mát mà con người luôn phải đối mặt với những bất
hạnh, những tổn thương không gì có thể xoa dịu” (Lời tựa Khúc chuyển
mùa).
Là một cây bút hiện đại có ý thức cách tân mạnh mẽ nhưng
thơ Dương Kiều Minh càng về sau càng mang đậm sắc thái cổ điển. Rất nhiều nhà
phê bình đã chỉ ra không khí cổ thi bàng bạc trong thơ ông, từ thi hứng, thi tứ,
đến hệ thống thi liệu, thi ảnh... Quả thực, nỗi buồn, sầu thân phận trong thơ
Dương Kiều Minh sao gần gũi với nỗi buồn, sầu trong thơ của những Khuất Nguyên,
Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Chu Thần Cao Bá Quát... đến vậy! Cũng rất dễ nhận ra những
cách cảm nhận và diễn đạt quen thuộc, mang đậm tư tưởng Lão Trang trong thơ
ông, chẳng hạn
khi viết về chủ đề thời gian - đời người:
- Chiếc xe cuối ngày đẩy đêm chìm đắm
Đời người
thoáng giấc mộng vơi
- Kiếp người
dâu bể, tôi lẩm nhẩm giữa tháng
năm khô kiệt...
- Chung cục
giấc mộng. Đời người duỗi qua như giấc mộng.
- Ôi giấc mộng Trang Chu mãi mãi là giấc
mộng - một cánh bướm mỏng tang thách thức cả kiếp người...
- Cuộc
đời bóng câu lướt qua ô cửa
Giấc
bàng hoàng dưới tán sum suê...
Một phần, có lẽ đấy là cái “mã” văn hóa đã ăn sâu vào
tâm thức tác giả, và xét trên phương diện thi pháp, chúng có khả năng tạo nên
trường liên tưởng và sự cộng cảm “liên văn bản” mạnh mẽ, dễ dàng thể hiện sự
tàn phá khốc liệt của thời gian với kiếp người, một chủ đề thơ vốn dĩ quá quen
thuộc. Nhưng cùng với việc sử dụng lại những “vật liệu” cũ, Dương Kiều Minh đã
không ngại “nhào nặn” chúng theo một tinh thần mới, tinh thần cá nhân hiện đại
trong tâm thế “không có gì mới dưới mặt trời”. Quan niệm thời gian chảy trôi,
vô tình, nghiệt ngã... đâu phải là phát kiến mới mẻ gì trong đời sống cũng như
thi ca! Trong một thế giới mà “sự ngây thơ đã bị đánh mất” (Umbetor Eco), ông
thừa biết sự lặp lại của mình:
Phải,
tôi biết rồi
Cuộc
đời bóng câu lướt qua ô cửa
Giấc
bàng hoàng dưới tán xum xuê
(Bộc bạch)
Đấy
là một thái độ nhận thức khá chủ động và điềm tĩnh. Có thể thấy cùng điều đó là
tinh thần đối thoại và khát vọng sáng tạo vượt ra những quy ước đã thành cũ kĩ,
giáo điều, không chỉ với người xưa và không chỉ về thời gian. Cho nên, dù sử dụng
dày đặc các “chất liệu”, “vật liệu” truyền thống, thơ Dương Kiều Minh vẫn mang
dáng vẻ mới mẻ riêng, vượt ra ngoài những “quy phạm” cổ điển. Xin được nói rõ
thêm về điều này. Xuyên suốt trong thơ Dương Kiều Minh là một cái tôi nội tâm
luôn đắm chìm trong những suy tưởng, chiêm nghiệm. Càng về sau, trong Dâng
mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tôi ngắm mãi những ngày thu tận...tiếng
nói suy tư ấy càng trỗi lên một cách trực tiếp, mãnh liệt. Đó là những suy ngẫm
không cùng giữa được và mất, xưa và nay, hữu hạn và vô hạn, vĩnh cửu và phù du,
hạnh phúc và bất hạnh... Dẫu rằng đây cũng là những chủ đề quen thuộc trong thơ
xưa, nhưng ý thức trình bày sự suy ngẫm như một dòng chảy tư tưởng nhất quán
của nhà thơ hiện đại đã tạo nên nét khác biệt rõ rệt. Bên cạnh những chiều kích
không gian hoang sơ, trang nghiêm, trầm mặc (rất gợi không khí cổ thi, chẳng hạn
bến vắng hoang sơ, núi thu um tùm, vách núi thâm nghiêm dựng đứng, những sống
núi nhấp nhô trùng điệp, dòng sông xối xả, mây sương trùng trùng trải rộng như
mặt biển...), thơ Dương Kiều Minh đem lại cảm giác thật hiện đại qua những
nét phác thảo tươi gọn giản dị, rất khác với những nét “công bút” nắt nót của
thơ xưa, chẳng hạn Bông loa kèn nở ngang tàng mùa hạ; Tiếng thìa quấy lanh
canh chiều tràn qua đáy cốc/ Màu cà phê lổ đổ khu vườn; Bên những hoàng hôn
loang lổ gò đồi/ mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ; Ồ, trên tán khóm đại hồng
môn còn để lại vệt mưa đêm trước.... Cũng ở những tập sau như Tựa cửa,
Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, Khúc chuyển mùa, dung lượng những bài
thơ tự do thường dài hơn, và có xu hướng mở rộng sang hình thức thơ văn xuôi. Sự
“vận động”, “giãn nở” trong hình thức văn bản này là có lí do: nó tương thích với
cái tiếng nói nội tâm ngày càng “bề bộn”, “ngổn ngang” và cái nhu cầu triết luận
ngày càng mạnh mẽ. Song thơ Dương Kiều Minh, nhất là ở giai đoạn sau và trong
phần thơ văn xuôi, cũng có những nhược điểm dễ nhận thấy. Trước hết là sự trùng
lặp, có phần quanh quẩn trong ý tưởng. Sự quá tập trung vào dòng độc thoại nội
tâm trầm thống kéo theo cảm giác nặng nề và sự rườm rà, thậm chí rắm rối câu chữ,
tạo nên nguy cơ “văn xuôi hóa”. Đôi khi các “chất liệu” cổ điển hơi bị lạm dụng
(có lẽ vì vậy mà có nhận xét nhiều bài thơ Dương Kiều Minh đọc lên hao hao những
bản dịch nghĩa thơ chữ Hán của các tác giả đời trước [1]).
Mặt khác, mê đắm trong suy tưởng, nhiều khi tác giả có phần coi nhẹ việc “tu sức”
hình tượng, điều này khiến nhiều bài thơ của ông thiếu đi tính ám gợi cần thiết.
“Đến
hiện đại từ truyền thống”, Dương Kiều Minh là một gương mặt tiêu biểu của thơ
Việt Nam thời Đổi mới. Sự kết hợp giữa tinh thần sáng tạo hiện đại và những thủ
pháp thi ca cổ điển chính là nét “độc sáng” trong phong cách thơ của tác giả
này. Tất nhiên, hướng về truyền thống không có nghĩa chỉ kế thừa những giá trị
đã thành ổn định, bất biến. Thực chất, đó cũng là một quá trình sáng tạo liên tục,
nhằm tìm kiếm những giá trị thẩm mĩ mới, vừa mang tính dân tộc vừa mang tính thời
đại. Tính truyền thống, nhìn từ góc độ này, là một khái niệm mở.
Vinh,
21/2/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét