Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Thơ Nguyễn Ngọc Tư


CHẤM
(Thơ Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Hội Nhà văn, 2013)

                                                                                                                 Lê Hồ Quang

chấm là một cái tên dễ gây thắc mắc nhưng nó cũng cho phép/ gợi nên nhiều cách diễn giải. Một dấu chấm (.) trên trang giấy thật là trắng, đấy phải chăng là cách hình dung riêng về thơ của Nguyễn Ngọc Tư? Câu thơ này (cũng trong tập) có lẽ là một gợi ý:
Em thấy chữ vươn cao sau dấu chấm
thấy chưa anh mọi thứ lại bắt đầu
(Dự cảm)
Dẫu sao, thơ Nguyễn Ngọc Tư vẫn cho thấy chân dung một cái tôi không hề xa lạ với văn xuôi của chị. Một cái tôi có thói quen quan sát đời sống thật gần, và bằng những tiểu tiết, khiến người đọc phải giật mình bởi khả năng phát hiện của nó.


Từ thói quen dùng từ láy khêu gợi cảm giác. Rất nhiều từ láy: liu riu, lò dò, thập thò, nấn ná, ốm o, lóp ngóp, thắt thẻo, cút côi, lao xao, lò cò, bơ thờ, rũ rượi, thiu thiu, rờn rỡn, lướt khướt, ướt rượt, hau háu, thầm thì, bời rời, thênh thang, thoi thóp, mụ mị, tèm lem, lơ mơ, lang thang, nhàu nhò, vá víu, phập phù, đắn đo, loi ngoi, lớp lớp, dai dẳng, chơ vơ, rộng rinh, dan díu, âm thầm, phập phồng, vòi vọi, lảo đảo, lấp lóa, đăm đăm, bồn chồn, ngùi ngùi, rờn rờn, lấp lửng, rúc rich, bả lả, tròng trành, xa xôi, rực rỡ, co ro, lam lũ, nhởn nhơ, dằn dỗi, dửng dưng, ngơ ngác, nghẹn ngào, lơ vơ, bả lả, ríu rít, mỏi mòn, thầm thỉ, cồn cào, tan tác, rười rượi, nghêu ngao, héo hắt, sẽ sàng, lơ ngơ, miên man, lẩy bẩy, lắc cắc, tênh hênh, lượn lờ
Từ cách cảm giác hóa sự vật bằng các động/ tính từ: tượng đất nung ngủ vùi, chăn chiếu rủ rê rúc vào ấm nóng, lửa bén liu riu/ lò dò khói bếp/ qua hiên một ngọn gió thập thò; chiêm bao lóp ngóp mồ hôi; Cái liếc mắt thiu/ da thịt mục; bông mười giờ nở cút côi; có con thác bị chẻ làm đôi ngọn/ sông lò cò một bờ/ núi vói nhìn bóng mình vượt đường biên;…
Hoặc từ cách sử dụng phổ biến cấu trúc đảo ngữ (thường là những từ/ cụm từ tượng thanh, tượng hình): Lơ vơ nắng vàng/ tênh hênh gió; lơ ngơ ta bị rơm rạ trói; chờn chã bóng soi vào nước/ bả lả họ đi khói nắng đường trưa; dại dột trồng một cây chanh/ thắt thẻo không người tưới; Lắc cắc trở mình như một nhánh xương/ vươn vai hắt vụn bụi của cũ mòn;…
Những cách dùng chữ đã thành “thương hiệu” riêng của nhà văn xứ Cà Mau trong văn xuôi, nay một lần nữa hiện diện trong thơ. Như một nhắc nhớ. Và như một ám ảnh.
Ngay cả đến đề tài cũng chừng vụn vặt, không đâu, cũng như (trong) văn xuôi: nuối tóc, nghĩ quanh từ điển, chờ điện thoại, mất ngủ, hỏi đường, vẽ giấc trưa, bài tập tả đôi tay,… Hãy chú ý những cái tên bài, đôi khi dường như chỉ đơn thuần là những cái mốc không/ thời gian cụ thể, không hơn: Sáng chủ nhật, mưa tháng bảy, rượu bên đường mười bốn, chuyến bay ban sáng, phong cảnh Đại Lải… Viết về những cảnh ngộ riêng tư (trường hợp bài Nhân tình – tặng Phượng những ngày hay khóc chẳng hạn), dù vẫn đầy sự trắc ẩn và nỗi xót thương, thơ chị vẫn bộc lộ một khả năng quan sát và mô tả tỉnh táo, tinh nhạy. Nói cách khác, tác giả không để xúc cảm dẫn dắt và làm cho “mê mụ”. Sự gián cách cần thiết khi viết/ nhìn ngắm/ mô tả về đối tượng giúp chị tránh được cái bẫy thường gặp trong dạng thơ tâm tình: sự kể lể, giãi bày dài dòng, rườm rà.
Tóm lại là, có khá nhiều hơi hướng văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư hắt bóng vào thơ chị: các dùng chữ, đặt câu, cách quan sát và lựa tỉa các chi tiết, hình ảnh… Cả độ tự nhiên, tươi tắn, ngẫu hứng trong cách kể, tả… Dẫu vậy, tôi nghĩ thơ có ưu thế khác mà văn xuôi không thể có: độ ngắn của thể loại, tính khoảnh khắc của tâm trạng, độ “riêng tư, riêng tư hơn nữa” (Nhã Thuyên) trong tiếng nói cá thể đòi được biểu hiện. Thơ cho phép Nguyễn Ngọc Tư rút sâu hơn nữa vào từng khoảnh khắc sống để quan sát, ngẫm nghĩ. Trong một hình thức ngôn từ tiết kiệm nhất, mỗi khoảnh khắc ấy có khả năng kiến tạo nên một tình huống nghiệm sinh giàu tính khái quát mà đồng thời vẫn có thể mô tả/ khêu gợi thấu triệt những mơ hồ “khúc khuỷu” nội tâm, điều mà một thể loại dài hơi hơn về dung lượng câu chữ và sáng rõ, tường minh hơn về mặt cú pháp như tiểu thuyết hoặc truyện ngắn không dễ đạt đến. Trong tính hàm súc và gợi mở của nó, nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư đang dần tiến tới ý nghĩa, tính chất trùng phức của biểu tượng, dù vẫn không đánh mất khả năng rung động và gây rung động đáng ngạc nhiên của nó. Có lẽ đó là lý do để sau rất nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ trở thành một lựa chọn thể hiện nghệ thuật khác/ mới của tác giả. 
                                                                                          Vinh, 17/11/2016
                                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét