Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

ĐỌC THƠ NGUYỄN THẾ HOÀNG LINH


                                                                                                           Lê Hồ Quang
Phản ứng của nhiều độc giả khi đọc (thơ) Nguyễn Thế Hoàng Linh là cười phá lên, ngay lập tức. Và cũng gần như ngay lập tức, những câu chữ ấy găm vào trí nhớ, để những lúc thích hợp (hoặc cả không thích hợp nữa), bật ra cùng những tràng cười thoải mái hết cỡ. Mà những câu/ bài như vậy thì nhiều lắm!
Nhưng khi ta gắn những bài/ câu ấy với cái nhãn trang trọng là “thơ”, phần lớn độc giả nói trên sẽ tỏ ra nghi hoặc: Thế mà là thơ ư?! Ở đây, tôi đã cố tình nhại lại một tên sách, cũng là một khái quát nổi tiếng về phản ứng của độc giả trước các tác phẩm nghệ thuật cách tân đương đại *. Thực chất, phản ứng thường gặp trước thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh này cũng là phản ứng trước nhiều hiện tượng thơ mới/ lạ khác. Và điều này đặt ra nhiều vấn đề (thực ra đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến), đó là vấn đề quan niệm về thơ và cách đọc thơ.
Thế mà là thơ ư?


Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh


NGUYỄN HỮU HỒNG MINH
TÌM THƠ TRONG VỈA TỪ







                                Lê Hồ Quang
Vỉa từ là tên tập thơ mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh (2017). Nhưng đồng thời, Vỉa từ cũng là một biểu tượng nghệ thuật và ý nghĩa của nó chỉ có thể được xác định rõ khi đặt trong trường tư duy của tác giả về thơ như một tổ chức ngôn ngữ đặc thù. Xuất phát từ quan niệm của ký hiệu học về mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong ký hiệu ngôn ngữ, Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh là cách nói hình tượng về ngôn ngữ thơ, trong tư cách cái biểu đạt, ôm chứa thơ (hay tính/giá trị thơ), tức cái được biểu đạt. Theo tác giả, ngôn ngữ thơ gồm nhiều yếu tố, cấp độ: chữ - từ - câu thơ - bài thơ… Thế nhưng tất cả đó mới là vật liệu chưa qua chế tác, thứ “quặng thô” nằm trong vỉa quặng ngôn ngữ. Phải qua cách kiến tạo, tổ chức ngôn ngữ riêng, độc đáo của nhà thơ, khi đó, mới có thể có Thơ. Trong nhận thức này, ngôn ngữ thoát ra khỏi thân phận là “công cụ”, “phương tiện”, nó cũng chính là một đối tượng để nghệ thuật khám phá. Hành trình viết, do đó, phải được hiểu như là hành trình tìm kiếm, sáng tạo những hình thức/ ngôn ngữ thể hiện mới. 

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Bí mật của khoảnh khắc



BÍ MẬT CỦA KHOẢNH KHẮC
(Đọc tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2015) 


Lê Hồ Quang

1. Đi từ Gọi xanh, Vách nước, Bầu trời không mái che, và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt,… đến thả [1], có thể thấy khá rõ tâm thế sáng tạo mới của Mai Văn Phấn. Ấy là tâm thế của con người đang đến gần hơn với Tự do, thứ tự do của nội tâm, của sáng tạo. Tiền thân của thả là từ tháng giêng, tập thơ gồm 369 bài thơ ba câu được viết trước đó. Trên tinh thần cơ bản của từ tháng giêngthả là sự bổ sung, mở rộng và làm đầy thêm, phong phú thêm về đề tài, chủ đề, số lượng tác phẩm. Quan trọng hơn, thả là sự tiếp tục mở rộng, đào sâu cái nhìn mĩ học của tác giả về thế giới với những tìm tòi thi pháp thơ ba câu đa dạng mà nhất quán. Ngay trong cái tên tập - thả, đã hàm chứa tinh thần buông bỏ triệt để của cái tôi nhằm tìm lại chân diện bản ngã. Cũng bởi vậy, thả đã mở ra một thế giới nghệ thuật đặc thù, ở đó, nội tâm và ngoại giới, không gian và thời gian, cá nhân và vũ trụ… dường như có thể hòa nhập và đồng hiện ngay trên/ trong cùng một khoảnh khắc của thì hiện tại chân thực, cụ thể và tươi ròng sự sống mà cá nhân đang sống, đang trải nghiệm. Từ đây, có thể hiểu thả như là một ám thị về thời gian theo kiểu Mai Văn Phấn - thời gian của những khoảnh khắc nhân sinh đẹp đẽ, đáng nhớ và đáng sống. Song, cùng với sự diễn tiến không ngừng của thời gian, những khoảnh khắc ấy nhanh chóng bị vùi lấp trên vòng quay miên viễn, bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ. Bởi vậy, thả cũng chính là hành trình “buông mình” của cái tôi nhà thơ nhằm dấn sâu hơn vào cõi mơ hồ thăm thẳm của tâm linh và sáng tạo, nhằm dò tìm và khơi mở bí mật của những khoảnh khắc ấy.

Tất cả chúng ta đều sinh ra ở đó

TẤT CẢ CHÚNG TA VỪA SINH RA Ở ĐÓ
(Về tập thơ Vừa sinh ra ở đó của Mai Văn Phấn,
Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2013)

                                                              Lê Hồ Quang
          Vừa sinh ra ở đó là một tiêu đề đặc biệt. Sự tối giản của nó đã biến thi phẩm, ngay từ cái tên, trở thành những ám ảnh nghi vấn: Ở đó là ở đâu? Ai/ cái gì vừa được sinh ra? Tại sao lại là “vừa” mà không phải là “đã”, “sẽ”? v.v... Rất tự nhiên, hàng loạt câu hỏi ấy đã dẫn dắt người đọc tập trung về đầu mối câu trả lời – văn bản thơ.
Thực ra, tiêu đề của tập thơ được cắt ra từ câu cuối của bài Nơi cội nguồn thế giới. Ở đó, một lần nữa, cái nơi chốn quyến rũ và mơ hồ ấy được nhắc lại, nhấn mạnh hơn:
Đúng, rất đúng
Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó.
Việc lần lại sợi dây liên hệ giữa cái tên toàn tập và bài thơ này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà Ở đó được nhấn mạnh như vậy. Điều này cũng buộc ta không được chủ quan dừng lại ở đơn vị bài, cho dù là bài đóng vai trò chìa khóa đi nữa. Hơn nữa, ngay trong bài thơ này, câu trả lời tưởng chừng được hé lộ, lại tiếp tục trở thành một câu hỏi cần giải đáp. Đây rõ ràng là một tín hiệu ngôn ngữ/ hình tượng cần được xem xét ở cấp độ rộng hơn.

Thơ Trần Hùng

TIẾNG VƯỜN KHUYA
(Về tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng,
Nxb Hội Nhà văn, 2015)
                                                                            
                                              Lê Hồ Quang
Ngay từ cái tên, Vườn khuya đã ngầm gợi ý cho người đọc cách bước vào không gian thơ Trần Hùng. Đấy là không gian tượng trưng được xây dựng bởi nhiều hình ảnh - biểu tượng mà trong đó, vườn khuya là biểu tượng trung tâm, đóng vai trò tập hợp và liên kết các yếu tố riêng lẻ vào một chỉnh thể nghệ thuật khá trọn vẹn. Đọc Vườn khuya, với tôi, thực chất là đọc” biểu tượng trung tâm này.
Thực ra, vườn là biểu tượng không mới trong văn hóa, văn học phương Đông. Gắn liền với hệ thực vật (cây lá, cỏ hoa…), cùng với ánh sáng và sắc xanh, vườn là tượng trưng của sức sống thiên nhiên thuần khiết, yên bình, nơi bao bọc, chở che tâm hồn con người. Vườn, trong một ý nghĩa phổ biến khác, còn tượng trưng cho không gian tâm hồn và tình yêu lứa đôi mà nổi tiếng trong thơ xưa là Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ; Truyện Kiều của Nguyễn Du; sang thời hiện đại, ta có “vườn thơm ngát của hồn tôi” của Xuân Diệu; “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử; gần hơn chút nữa là “vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ; là khu vườn với “những hạt trong ngần nước mắt” của Ý Nhi… Tôi nhắc hơi nhiều (mà vẫn hoàn toàn không đủ) để nói rằng Vườn khuya của Trần Hùng là sự tiếp nối rất tự nhiên của cảm hứng thơ quen thuộc ấy. Tuy nhiên, khi chọn tính từ “khuya” làm định ngữ cho “vườn”, có lẽ Trần Hùng đã ngầm định hướng tính chất riêng của khu vườn này - tính chất của bóng đêm, của góc tối u uẩn, sự riêng tư.