Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Dạy học thơ Huy Cận

 

MỘT NÉT ĐẸP CẦN KHAI THÁC 

KHI DẠY HỌC THƠ HUY CẬN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

                                                             

  Lê Hồ Quang

1. Nói về thơ Huy Cận, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nhận xét: “Có người sẽ bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi. Còn có tuổi nào hay vẩn vơ hơn. Tôi thấy thơ Huy Cận trẻ lắm” [7;128]. Nhận xét ấy thực chính xác, nó chỉ rõ điểm cốt yếu của tiếng thơ Huy Cận - ấy là tiếng thơ của một con người “trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng”[1]. Ta cũng có thể diễn đạt sự “trẻ lắm” ấy theo cách khác, đó là tươi mới trong xúc cảm và hiện đại trong thi pháp. Sự xác lập vị trí nhanh chóng và vững bền của Huy Cận trong phong trào Thơ mới chắc chắn xuất phát từ chính sự trẻ trung, hiện đại này.

Nhưng theo quan sát cá nhân tôi, ở trường phổ thông, khi nói đến thơ Huy Cận ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, cụ thể là trong tập Lửa thiêng, người ta thường quan tâm chú ý và đề cao phần “già” (nỗi sầu nhân thế - vũ trụ, vẻ đẹp cổ điển, tính chất tượng trưng, phổ quát…) hơn là phần “trẻ” (sự mới mẻ, hiện đại, thanh tân)[2]. Điều này càng được nhấn mạnh khi trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành, Huy Cận được dạy học cùng (và thường được đặt trong mối liên hệ so sánh, đối chiếu) với Xuân Diệu, người bạn thơ thân thiết của ông, cũng là một tác gia hàng đầu thời Thơ mới. Đành rằng, việc định danh thơ Huy Cận thời Lửa thiêng bằng các định ngữ như “hàm súc, giàu suy tưởng, triết lý”, “cái tôi cô đơn trước thiên nhiên”, “vẻ đẹp cổ điển”, “họa điệu giữa hồn người và tạo vật”, “lòng yêu nước thầm kín thiết tha”, “sầu nhân thế” [3] là hoàn toàn đúng (và những đặc điểm này thể hiện rất rõ qua Tràng giang, bài thơ được chọn dạy học trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành). Nhưng thơ Huy Cận thời kỳ này không chỉ có vậy. Nhiều bài trong Lửa thiêng rất tươi mới và giàu xúc cảm cá thể, chỉ có điều chưa đến được với rộng rãi bạn đọc. Điều này khiến nhiều độc giả trẻ trong nhà trường thường có ấn tượng không đầy đủ, nếu không nói là khá phiến diện về thơ Huy Cận. Do đó, họ chủ yếu đọc/ nghĩ về ông như một tác giả thơ tuy giàu triết lý, có vẻ đẹp cổ điển và tao nhã nhưng khá xa cách với tuổi trẻ.

Vì những lẽ trên, tôi nghĩ cần phải nói về nét đẹp thanh xuân, tươi mới trong Lửa thiêng của Huy Cận, để bổ sung và khẳng định về những phẩm tính thẩm mĩ trong thơ tác giả này. Và cũng để nhấn mạnh một điều: Huy Cận không chỉ là một nhà Thơ mới giàu tính cổ điển, ông cũng thực sự là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu.