Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Thơ Phan Huy Dũng

 

VỀ MỘT FILE THƠ TRONG MÁY TÍNH

  (vài ý nghĩ về thơ Phan Huy Dũng)

                                                                                                       

                                            

Bàn ăn, 1890, Paul Cézanne

                                                                                 
                                                                                                 
Lê Hồ Quang

Trong máy tính của tôi có một file thơ của Phan Huy Dũng, một phần do tác giả tập hợp và một phần tôi tải về trên trang cá nhân của ông, phần lớn viết từ năm 2015 đến nay. Trước đó ông đã làm thơ, nhiều là đằng khác. Chúng chủ yếu được viết theo thi pháp truyền thống, thể hiện khá rõ sự nhạy bén của tác giả với các vấn đề của đời sống, ngôn ngữ giản dị, cấu tứ chắc chắn. Mặc dù cái mốc 2015 là có tính quy ước (khoảng sau 1995, tác giả ngừng lại khá lâu), nhưng sự khác biệt trong cách viết của ông trước và sau thời điểm này hoàn toàn dễ nhận thấy. Sau 20 năm bỏ bẵng, giữa lúc áp lực công việc nặng nề nhất, ông viết lại, mạnh mẽ, dồn dập. Viết rất nhanh, xong bài nào là bài nấy đã mang hình hài hoàn chỉnh tự thân, sự sửa chữa, nếu có, thường rất ít. Điều này rất khác trước kia, khi mỗi bài là một sự “tu sức” công phu từ ý tưởng, hình tượng đến cấu tứ, cũng vì vậy mà dấu ấn gò gẫm khá rõ. Còn bây giờ, viết xong là xong. Viết xong là để đấy. Mọi sự cứ như không. Hoặc giả chính vì sự tự nhiên, “vô cầu” mà mọi sự thành ra thong dong. Thong dong ngay chính trong cái hoàn cảnh đời thực bộn bề khiến người viết dẫu muốn cũng không thể nào thong dong nổi. Tinh thần thơ ở giai đoạn sau, tự nó, đã mang một diện mạo khác hẳn.

Thế nhưng, khi đang viết theo một nhiệt hứng tuôn trào, giống như “ma nhập”, ngày nào độc giả FB cũng có thể thấy thơ Phan Huy Dũng (nickname Sấu Mã) với những hình ảnh minh họa (thường là các tác phẩm hội họa có tiếng) đặc biệt thích hợp, có tính gợi ý, dẫn dụ, như một phần không tách rời của tác phẩm, đột ngột, ông xóa hết tất cả những gì đã viết, ngay cả trong máy tính lẫn trên FB cá nhân. Có thể là một cơn giận dữ kịch phát sau rất nhiều kiên nhẫn, kiềm chế. Ai biết bên trong con người này là một khối nham thạch cuồng nộ, bỏng rẫy? Ẩn sau vẻ ngoài nghiêm cẩn, từ tốn, khiêm nhẫn, phải chăng là một tính cách quyết liệt đến cực đoan?... Hoặc có khi rất đơn giản. Với ông, thơ không phải điều gì quá quan trọng, viết hay xóa trắng cũng không mấy khác biệt. Nhưng đó cũng chỉ là muôn một hình dung không trùng khít về người thơ này. Sự suy diễn chắc chắn còn đi xa (và tệ hại hơn) khi lấy thơ để đọc người và ngược lại.

Nên với thơ Phan Huy Dũng, tôi lựa chọn lối đọc ghi chép, nghĩa là nương theo những gì thấy trên văn bản và thâu nhận, tập hợp chúng lại, ngõ hầu nhận ra cái tạng riêng của ngòi bút. Nói cách khác, tôi cố gắng vượt qua tham vọng thao túng, áp đặt, cố gắng trình hiện khách quan thế giới nghệ thuật được tạo dựng từ văn bản (trong khả năng của một người đọc ý thức rất rõ về sự chủ quan và thói quen diễn dịch). 

           Nhìn toàn cục, file thơ này đem lại cho tôi ấn tượng về một con người luôn trầm tư về hiện thực đời sống, về các vấn đề lịch sử, chính trị, và cùng với chúng, là mối quan tâm có tính thường trực về thơ. Tôi thường xuyên gặp trong thơ ông những câu hỏi mang tính tự vấn mạnh mẽ về những phẩm chất người cần có, nhất thiết phải có, khi muốn sống trong tư cách đầy đủ của một con người. Tư cách phát ngôn của chủ thể trữ tình là tư cách cá nhân, không nhân danh, không đại diện cho bất kỳ ai, ngoài chính mình. Anh ta chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và hành động của mình, và rộng hơn, là về tư cách người của mình. Đầy lý tưởng và khát vọng, nhưng con người này vẫn ý thức rất tỉnh táo về vị trí cũng như tình thế tồn tại thực tế của cá nhân trong bối cảnh xã hội đầy bất trắc và bất ổn. Thơ Phan Huy Dũng, rất tự nhiên, thường tập trung sự chú ý vào tình thế sống của con người, trong bối cảnh hiện tại, với nhiều nghịch cảnh bi hài. Đó là Anh, kẻ “vắng mặt” “trong mọi cuộc điểm danh/ nghiêm trọng hay xô bồ” (Vắng mặt); là Anh trong Gươ[ng]m, với "ánh nhìn mắc kẹt"; là Mi, kẻ luôn “ngoại cuộc/ với chính đời/ mi” (Mi); cũng có khi, đối tượng hiện diện trong một danh xưng khác, là Bạn: Bạn sống đủ lâu/ Tận tới khi thời của bạn được ghi vào sử sách/ Ngơ ngẩn lật từng trang/ Chẳng điều gì bạn biết (Sống); có khi là chân dung của một Gã hề “chưa dứt cơn ngặt nghẽo/ miệng/ cứng đá/ á á á/ ớ ớ ớ/ ú ú ú” (Mở mắt)… Mặt dù những bài này được viết trong những thời điểm khác nhau, tôi đặc biệt thích đọc Vắng mặt, Mi, Gươ[ng]m, Bạn, Mở mắt, Ký họa... như một chùm văn bản tương tác, kết nối, để hình dung rõ hơn về cái phức tạp, đa diện trong mỗi con người, mỗi cuộc đời, và qua đó, để nhận ra nét độc đáo trong bút pháp của người viết. Khi ma mãnh quái đản, lúc ngờ nghệch đần độn, khi rúm ró kinh hoàng, lúc điên loạn cuồng nộ…, đó chỉ là một số trong nhiều “vai” diễn trên sân khấu đời mà rồi ai cũng phải đóng, dù muốn hay không. Điều thú vị là đối tượng có thể không ý thức hoặc ý thức mơ hồ nhưng người mô tả thì luôn ý thức đầy đủ về điều này. Dù là nói về Anh, Mi, Bạn, Gã… chân dung đó không loại trừ chủ thể. Chẳng thế mà tình huống “sắm vai” này gợi nên cả sắc thái hài lẫn bi, mà cái bi dường như có chiều đậm nét hơn. Chân dung đa diện này gợi tôi nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên với so sánh nhân vật trữ tình và tháp Bayon bốn mặt. Riêng Gã hề trong Mở mắt khiến tôi nghĩ đến Người điên của Hoàng Hưng (dẫu tính chất của hai hình tượng không hoàn toàn giống nhau). Dù hiện lên ở nhiều sắc thái, cái còn lại sau cùng của chân dung người vẫn là sắc thái đáng thương, như chính cái đáng thương của phận người. Gươ[ng]m là sự khái quát không thể gọn sắc hơn về nỗi tù đày của kiếp sống: 

GƯƠ[NG]M


 Sổ ba đường lên tấm gương phủ bụi

Vạch thêm nét ngang

Anh thấy mình trong song sắt

 

Mỗi lần gương

Một lần giật thột

 

Ai?

Ánh nhìn mắc kẹt.

                                    27/5/2016       

Phan Huy Dũng thường trầm ngâm trước vấn đề thân phận con người và sự thật lịch sử. Lịch sử với ông không phải là cái đã qua, được đóng dấu hoàn tất và trưng bày trong viện bảo tàng. Lịch sử bao hàm cả cái đang diễn ra, và điều này cũng hàm nghĩa rằng lịch sử rất có khả năng thay đổi, trên thực tế, từ thái độ và hành động đối xử với lịch sử của con người. Bởi vậy, trong thơ ông, ta thường thấy rõ cảm hứng đối thoại với lịch sử, ngõ hầu tìm ra sự thật, dù có khi, đó chỉ là sự thật với bản thân ông chứ không phải của số đông, của góc nhìn truyền thông, chính thống. Lịch sử, trong diện mạo chân thật của nó, cũng khó tìm như khi ta bóc lõi một củ hành, cuối cùng chỉ còn vị hăng xè trong mắt và nỗi hồ nghi ở lại:

 lịch sử thường trưng những bức khổ lớn

người xem choáng ngợp trầm trồ

chẳng biết

bụi niêm phong bao sketch

trong kho

 

làm sao để biết

máu không chỉ màu đỏ

mà là tiếng rọc thây từng khiến bạn rụng rời

 (Sketches)

           Một khi lịch sử là do con người tạo nên, con người, dù ở bất kì vị trí xã hội nào, đều không vô can với những gì đã xảy ra. Sống, do đó, là sự tự chất vấn không ngừng về bản chất cuộc đời và cách bạn đã sống:

SỐNG?

 

Bạn sống đủ lâu

Tận tới khi thời của bạn được ghi vào sử sách

Ngơ ngẩn lật từng trang

Chẳng điều gì bạn biết

 

Ồ, bạn đã sống trong một thực tại khác

Vô hình trước trận máu lúc ngôi làng đang dở giấc mơ

Bất động khi gió bắc thổi hung hãn

Ẩn mình sau làn khói café vật vờ

 

Lịch sử gằn những bước giận dữ

Dẫm tóe lên mặt bạn vết bùn

Bạn thở phào: như chiếc xe phóng ẩu qua đường

Có chút không may, chưa đến nỗi tai nạn.

                           5/6/2020

          Việc gọi đối tượng mô tả là “bạn” thực chất nhằm khách thể hóa chủ thể, buộc chủ thể phải đối mặt trực diện hơn, bỏng rát hơn với câu hỏi về tư cách sống, cũng là tư cách người của chính mình. Điều này hoàn toàn không phải theo nghĩa đẩy mình ra ngoài cuộc, thành kẻ vô can, trong cuộc tự vấn lương tâm gay gắt. Bởi đó là cuộc tự vấn của riêng ông. Ông làm điều đó, chỉ vì nó có nghĩa với duy nhất ông. Bởi vì, đó là điều ông xác quyết và mong mỏi - được sống, suy nghĩ và hành xử thẳng thắn, thành thực, đúng với lương tri, trách nhiệm, trong mọi mối quan hệ xã hội. Do đó, sự “thở phào” cuối bài thơ không chỉ nghiêng về phê phán một ai đó, ở ngoài và đối lập với chủ thể. Ý thức trách nhiệm không cho phép tác giả có thái độ xuê xoa, hòa cả làng. Đây vẫn là một thái độ tự phân tích rạch ròi, tỉnh táo, không khoan nhượng, với chính bản thân. Tiếng cười tự trào ở đây sao mà mỉa mai, cay đắng!  

Phan Huy Dũng không có thói quen đứng ngoài đối tượng để tạo ra một khoảng cách vờ vĩnh, ngụy khách quan, để cao giọng phán xét, đánh giá. Con người này thường chọn đứng từ điểm nhìn của đối tượng, nhìn bằng/ qua con mắt của đối tượng để nêu, trình bày, khái quát/ tự khái quát. Điều này đòi hỏi người viết phải có một độ am tường, thậm chí thấu suốt đối tượng mô tả (hiểu theo nghĩa rộng - tính cách con người, những trạng huống nhân sinh…), không loại trừ cả sự cảm thông, do thấu hiểu, chứ không mô tả, đánh giá thuần túy bằng trí thông minh lạnh lẽo. Nhưng cái khó là một khi thấu suốt đối tượng ta thường có tham vọng thao túng và kiểm soát. Phan Huy Dũng không vậy. Rất nhẹ nhõm, giống như một thói quen ứng xử thường gặp ở ông ngoài đời, Phan Huy Dũng chọn cách “trình hiện” sự vật như vốn có, lối mô tả đem lại cảm giác sự vật, sự việc được tôn trọng tối đa, tự nó, do nó cất tiếng. Do đó, ngay cả thứ ngôn từ lưỡi gỗ, đã được dùng đến bợt nghĩa trong đời sống hoặc nơi nghị trường, qua tay ông, cũng có thể trở thành những tứ mới, hình tượng mới. Hãy đọc bài thơ về Náo nức:

NÁO NỨC


 khật khùng trong náo nức

náo nức trong nhờ nhợ cơn mê

đi

 

hỡi cái gì hỡi đâu

hiện ra nào

để ta nghỉ bước

 

tiếng kêu rạn vỡ vang rền

tự giật mình

lại náo nức.

                           3/3/2015

Chủ thể của trạng thái náo nức này là “ta”, cũng là “mình”. Là của cá nhân, của cả tập thể. Tất cả “khật khùng trong náo nức”, trong “nhờ nhợ cơn mê”. Đi về đâu? Không biết, không rõ. Một cơn lên đồng tập thể. Một trạng thái “náo nức” bản năng và mụ mị. Cú “giật mình” trước “tiếng kêu rạn vỡ vang rền” không khiến rầm rập bước chân u mê dừng lại. Những gương mặt đồng phục, lời nói đồng phục, ý nghĩ đồng phục. Dằng dặc những bước chân náo nức.

Và đây là bài thơ (về sự) Lạc quan:

LẠC QUAN MÀU GÌ?

 

Nghìn trang giấy cũ

Không gấp nổi chiếc máy bay

Đưa anh

Vượt bờ tường lúp xúp

 

Bạt ngàn hoa hướng dương

Không chỉ được cho anh

Phía

Có mặt trời

 

Nhưng anh tin anh tin

Bầy chuột cống

Gặm nát bức dư đồ

Sẽ bị thui bằng màu đỏ cờ hoa mừng vô địch.

                          13/12/2018

Trong tình thế mà bài thơ mô tả, niềm tin được nói đến trong những câu cuối chỉ là ảo tưởng, hơn thế, một cố gắng tự bịt mắt. Yếu tố lạc quan, nếu có, nằm trong cái nhìn tỉnh táo rạch ròi, pha chút giễu cợt của chủ thể về niềm tin của đối tượng, cho thấy rõ rằng niềm tin ấy chỉ là lạc quan... tếu, không hơn! Dẫu vậy, nhận thức tỉnh táo là một chuyện. Còn có thoát ra được ngoài tình thế ấy không hay cũng như đối tượng, chỉ sống và giãy giụa trong niềm - tin - tình - thế, lại là chuyện khác. 

Thơ Phan Huy Dũng là sự cất lời của những trạng huống đời sống cụ thể. Chúng cất lên bằng chính sự có mặt của chúng, cất lên để đòi quyền tồn tại của chính chúng. Đấy là những cảm giác, trạng thái bình thường, phổ biến đến mức nhiều khi người ta quên đi rằng chúng có ở đó, dù người ta luôn cảm thấy. Chúng chỉ trở nên bất thường khi được nhà thơ nói đến. Dưới ngòi bút/ bàn phím nhà thơ, chúng hiện diện như một thực thể sống động, thách thức, một thực thể gai chướng, bất thường, buộc không thể phớt lờ. Đó là những trạng huống đời sống cụ thể song đồng thời giàu tính tượng trưng, khái quát.

Về lý do dẫn đến điều này, tôi thấy cần nói thêm rằng, một mặt, là do tác giả có khả năng sống trong nhiều tình huống, nhập vai và phát ngôn hệt như đối tượng, mặt khác, ông không cố gắng áp cách mình nghĩ vào đối tượng để chi phối, thay đổi, hoặc tệ hơn, biến đối tượng thành cái loa phát ngôn “thông điệp” của bài thơ. Khả năng đứng ngoài đối tượng để quan sát, mô tả, lý giải mà vẫn có thể đẩy đối tượng mô tả lên bình diện thứ nhất của văn bản, để cho nó “sống” trọn vẹn trong hình hài riêng, đó là một cách viết rất thú vị, đặc biệt trong cách ông mô tả về những người bạn của mình. Chẳng hạn Rượu quê (tặng P.V.T), Vá mộng (tặng N.A. H), Về làng (tặng Đ.L), Chút xanh chưa phủ (tặng Đ.L), Vườn (tặng ĐL), Xuân Nguyên bát mặc đồ (tặng anh P.X.N)… Nếu chỉ là bạn đọc thông thường, ta cũng đã thấy cái đậm đà của nghĩa tình bạn bè, cái vui hóm, tinh nhạy của câu chữ. Nhưng nếu có chút sơ giao và hiểu biết về những người bạn được mô tả, ta còn thấy tài trực họa bằng ngôn từ của Phan Huy Dũng. Mỗi bài thơ là một cá tính sinh động nói cười, đăm chiêu… Ở đây, chữ như có thần khí.

Mặt khác, điều này còn dẫn đến hiện tượng một bài thơ không chỉ có một chủ thể/ điểm nhìn cố định mà có thể đa chủ thể/ điểm nhìn linh hoạt. Sự chuyển giọng theo sự thay đổi điểm nhìn chủ thể là hiện tượng diễn ra khá thường xuyên. Ta hiểu vì sao phần đầu bài thơ có thể rất nghiêm trang, phần giữa lại nhuốm màu bi phẫn, phần cuối có thể pha chất giễu cợt, hài hước. Đó không chỉ là sự thay đổi trong một giọng, đó là sự chen giọng, pha giọng, do có sự đồng hiện trên mặt văn bản, cùng lúc, có nhiều chủ thể/ điểm nhìn. Hãy đọc thêm một ví dụ.

VỀ GIỖ Ở QUÊ

Người phố về

Loay hoay tìm chỗ đỗ xe

Tay đút túi trông vườn nghênh ngó

Ngắm những người đàn bà lạ lẫm tất bật

Vít cành táo quả sâu quả vẹo

Tranh thủ chụp hình bên dây trầu loeo ngoeo

Bàn góp làm cái này cái này

 

Nhìn lên chộn rộn hương đèn

Cầm dùi đánh trật vào tang trống

Vào mâm râm ran

Dúi mấy trăm cho các cụ móm mém

Ra xe xách theo đùm xôi đùm trứng gà

Vẫy vẫy

Cằn nhằn đường chật

 

Ngọn cau ơ thờ lắc gió

Tiếng gà rơi góc dậu đổ

Người xa đi rồi

Năm sau chắc còn về lại.

                          6/1/2019

Bài thơ là sự đan cài của nhiều góc nhìn. Của "người quê". Của "khách phố về quê". Và cái nhìn của “không ai cả” - người trần thuật ngôi thứ ba. Nên quen thuộc và lạ lẫm. Vui và buồn (cười). Niềm vui đã đánh mất sự hồn nhiên pha lẫn nỗi chênh vênh trống trải. Cấu tứ chặt, ngôn ngữ, hình ảnh lựa chọn kỹ nhưng vẫn giữ được vẻ dung dị, tự nhiên. Thiếu đi một chút ướt át trữ tình truyền thống, bù lại, thơ có được nhãn quan mở và tính hài hước ngầm ẩn hoặc trực diện. Ở phần kết bài thơ, điểm nhìn bên ngoài và bên trong đã chập lại làm một, do đó, cảm giác để lại vẫn là một thoáng chùng xuống bùi ngùi chứ không phải sự hài hước sắc lạnh.

Thơ là gì? Ý nghĩa của thơ là gì? Đến đâu? Thơ cần thiết cho ai hay… không ai cả? Nhưng câu hỏi về thơ gần như xuyên suốt trong thơ Phan Huy Dũng. Nhiều bài của ông lấy đề tài là thơ, chẳng hạn Không muốn ghi chú gì thêm, Câu chuyện bi ai về thơ, Hạt thơ, Mất kiểm soát, Giải cứu, Ẩn dụ - có phải là định mệnh?, Bản đồ lưu lạc, Một bức thư (không phải thơ), Mộng trắng, Bài thơ đã bặt tăm hơi, Thơ, Lục bát, Bài thơ dài dòng, Không phải thơ thu, Khét, Lục đục nội bộ, Thả thơ… Còn có một số bài nói về hội họa (tác giả là người rất am hiểu về lĩnh vực này), như một sự mở rộng quan niệm về nghệ thuật. Và với tôi, có lẽ phần viết về thơ, về nghệ thuật, là phần thú vị nhất trong file thơ này.

Nếu chỉ nhìn trên số lượng thôi, ta cũng đã có thể thấy mối quan tâm sát sao của tác giả với chủ đề thơ. Thực ra điều này cũng là tự nhiên với những cây bút đương đại, khi cầm bút viết, ý thức sáng tạo cá nhân buộc họ phải đối mặt ngay với câu hỏi về bản chất thơ. Và cũng không mấy người bằng lòng dừng lại với những định nghĩa chung chung, nay đã trở nên phổ thông hóa, không đủ sức làm điểm tựa phương pháp luận cho người viết trên hành trình bước vào vùng “vô tăm tích”. Nên hẳn nhiên, ngoài việc nhận ra tâm điểm rõ rệt của sự chú ý ở tác giả, đánh dấu một ý thức “nhà nghề” (có thể do chuyên môn sâu và thói quen tư duy lí luận ở tác giả), tôi chờ đợi một quan điểm riêng của tác giả về thơ.

Nhưng điểm thú vị và bất ngờ nhất là ở chỗ, thay vì những định nghĩa lớp lang và hệ thống về thơ (như người ta vẫn hình dung và chờ đợi về những bài - thơ - định - nghĩa, điều mà đôi khi không hẳn phù hợp với “thể trạng” của thơ trữ tình), định nghĩa về thơ được mô tả dưới những tình huống nhiều khi hết sức hài hước, định nghĩa theo kiểu “phản định nghĩa”, hoặc nói theo kiểu của Phan Huy Dũng, - “không muốn ghi chú gì thêm”. Thực ra, đấy chỉ là một cách nói. Trong những bài thơ, phần lớn mang màu sắc giễu nhại, hài hước, tác giả đã đụng đến nhiều vấn đề căn bản của bản chất thơ, của hoạt động sáng tạo và tiếp nhận thơ. Nhưng tất cả những điều đó, khá nặng nề trong những chuyên luận lí thuyết, nay hiện diện và được “thuyết minh”, “giải trình” trong những tình thế tồn tại thật bi hài, “cười ra nước mắt”. Tác giả thật khéo tưởng tượng, mà cũng thật khéo phác họa tình thế/ tình huống, trong đó thơ liên tục gây khốn đốn và cũng liên tục rơi vào khốn đốn. Quan sát từ phía người viết, tác giả cho biết, thơ, cụ thể là ngôn ngữ và hình tượng thơ, vốn hết sức đỏng đảnh, hay “trở chứng”, “khinh tác giả ra mặt”: “Bão đêm” rú còi thúc giục/ Chữ phất cờ/ Chào mũi/ Vụt đi, biến tác giả thành kẻ si “lảm nhảm” (Mất kiểm soát). Ở đây, đặc tính ưa nổi loạn và khó kiểm soát của thơ (về mặt lí thuyết, có thể hiểu theo nhiều nghĩa, chẳng hạn, tính đặc thù của hoạt động sáng tạo với sự tham gia của vô thức, tính đa nghĩa của con chữ, sự tiếp nhận đa dạng của độc giả…) đã được tác giả mô tả với nụ cười hài hước. Quan sát từ phía tiếp nhận, không còn là kẻ tội đồ hay gây chuyện, thơ lại là nạn nhân của bao nhiêu hiểu nhầm, phàn nàn, lên án, phải giải trình thống thiết, khổ sở… Đây là “bản giải trình” của thơ (nàng thơ/ tác giả đã cẩn thận giải thích thêm trong ngoặc đơn là “không phải thơ”!):

MỘT BỨC THƯ (KHÔNG PHẢI THƠ)

 

Hình như em sinh ra để bị nhiếc móc

 

Em quá vần

(như ôm anh quá chặt)

Lắm người không ưa

Thả tí mộng mơ

Bị kêu không đứng đắn

Đứng trong hàng ngay ngắn

Phải nhận tiếng cù lần

 

Em quyết làm khác, nhưng:

 

Lỏng ôm – mang tiếng rô đực

Ghé núi sông toan vác

Nghe gọi giật: không phải việc của mày

Em không đi mà bay

Liền được nhắc: đừng khiến tao chóng mặt

Buồn bực muốn đi du học

Được khuyên: phải giữ bản sắc đậm đà

 

Em tự hỏi

Em được sinh ra để làm gì

Tại sao em không được là em

Tại sao em làm gì cũng bị ghét

 

Em thực sự stress

Ai hiểu em không?

 

Ký tên

Em THƠ.

                                             10/3/2019

“Lá thư” thật thú vị! Thú vị bởi cách tác giả hóa thân và nhập vai để hình dung ra một cách tỏ tường về những “nỗi niềm” mà thơ (bị buộc) phải mang vác, trong khi chưa chắc đó là bản chất của nó, đúng hơn là điều nó muốn hoặc phù hợp để gánh vác. Thú vị trong cả cái tình huống mà thơ trình bày. Thú vị trong cả những lời lẽ giải trình thống thiết và (dường như) đầm đìa nước mắt của nàng thơ. Ta thường thấy nàng thơ trong dáng vẻ thi vị và yêu kiểu. Ta hiếm thấy nàng thơ khóc than và kể lể ai oán và… buồn cười đến thế. Ta - độc giả (và có thể, cả tác giả, cha đẻ của nó chăng?) quen chỉ áp cái nhìn chủ quan, độc đoán lên thơ và khi thơ không đáp ứng, ta thản nhiên từ chối nó, xem nó là… không phải thơ. Chưa bao giờ ta cho thơ một cơ hội thỏa đáng để nó tự trình bày. Và bởi vậy, có lẽ, ta đã tự đánh mất đi nhiều cơ hội để có thể nhìn thơ một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Đòi hỏi về một thái độ tiếp nhận dân chủ, cởi mở là điều không mới trong lí luận hiện đại, nhưng diễn tả theo một hình thức sinh động và hài hước như thế này quả không phải ai cũng viết được. Điều này càng được sự hỗ trợ tích cực của internet và mạng xã hội. Việc đăng tải dễ dàng các sáng tác trên trang cá nhân và sự tương tác trực tiếp thông qua các lượt like, share… càng cho nhà thơ thấy rõ tính chất bất khả trong sự chi phối, kiểm soát cộng đồng đọc. Ông biết, một khi “Bấm nút share/ Bài thơ khởi cuộc lữ hành”. Là người viết, ông nhận ra sự cần thiết thay đổi trong quan niệm, cách viết và cả thói quen ứng xử theo lối kiểm soát đứa con tinh thần của mình. Điều này cũng dẫn đến một cách ứng xử riêng của Phan Huy Dũng với thơ. Dù lý trí mạnh, khả năng nhập thân và đồng cảm sâu sắc, khả năng nắm bắt và lường trước các tình huống có thể xảy đến một cách nhanh nhạy, ông vẫn cố gắng từ bỏ thói quen áp đặt và áp đảo, thói quen kiểm soát và thao túng (ở đây, là đối tượng thơ) do những lợi thế tinh thần sẵn có, gây nên. Khi xây dựng những tình huống giả tưởng đầy hài hước và sống động, ông đồng thời đã đặt thơ trong nhiều tương quan khác nhau. Với người viết. Với người đọc. Với đời sống. Với bản thân nó. Những tương quan đó xé tan ảo tưởng của thơ (và đương nhiên, của nhà thơ, của độc giả thơ, không loại trừ các nhà phê bình thơ...) về thơ. Thơ bị rơi vào tình thế bị cười cợt, bị chế giễu. Và hẳn nhiên, cả người viết, có khi, cả người đọc. Phan Huy Dũng rất biết cách tự giễu thơ và giễu mình. Một cách để nhắc mình tỉnh táo. Không chỉ thế, để hạ van áp suất thói quen nghĩ/ nói về thơ như một cái gì cao quý, và cao đạo, do đó, quay lưng và nằm ngoài đời sống của con người, của cuộc đời nhiều khốn cùng, đau đớn. Nên đọc thơ Phan Huy Dũng, có cảm giác ta đang cùng ông tham gia một trò - chơi - thơ. Một trò chơi dạy ta tiếp nhận và lý giải thơ theo cách riêng, không triệt tiêu tinh thần khoa học mà vẫn khoái hoạt, nhẹ nhõm. Nó xuất phát từ một quan niệm về thơ, về nghệ thuật mở rộng theo hướng dân chủ, cởi mở, nhưng tỉnh táo. 

Quan sát hành trình thơ Phan Huy Dũng, ta sẽ thấy một sự chuyển động đầy ý thức trong lối viết, như sự tự cân bằng tự nhiên, nhẹ nhõm. Bên cạnh thể thơ tự do, thường ngắn gọn, ngôn ngữ đơn giản nhưng được cân nhắc cẩn thận từ số lượng từ dùng đến cách ngắt dòng, dụng chữ, thỉnh thoảng ông quay lại với thể lục bát truyền thống mượt mà. Hoặc, bên cạnh những bài thơ sử dụng bút pháp tượng trưng, siêu thực, giễu nhại (của hậu hiện đại) có thể gây khó đọc với nhiều người, ông vẫn có thể trở lại rất thuần thục trong những bài thơ chân mộc, ấm áp nghĩa tình và những chi tiết, hình ảnh nồng nàn sắc thái lãng mạn chủ nghĩa. Song đừng để tác giả giễu ngầm (là người nghiêm trang, nhưng sâu xa, đây là một cây bút rất biết đùa giễu), vì thực ra, đấy hoàn toàn không phải là những sản phẩm ngẫu nhiên, bị lạc giọng. Tác giả hoàn toàn ý thức và kiểm soát được cách viết. Ông chủ động trong việc tạo ra những sai biệt nho nhỏ trong tổng thể bút pháp hiện đại của mình. Và không có gì căng thẳng, tất cả những điều đó, dưới tay phím của tác giả, diễn ra một cách hết sức tự nhiên, như một trò chơi ngẫu hứng.

Ta hãy đọc bài thơ này.

TĨNH VẬT PHÒNG ĂN SAU XÔ XÁT (NOT SONATA)

 

Bình hoa không đổ

Kính không vỡ

 

Quả táo chẳng lăn đi đâu

Vẫn hắt một vầng đỏ nâu dịu dàng

 

Vành bát không chút mẻ

Sáng bóng

 

Ấm không sứt vòi chén nguyên sáu chiếc

Xúm xít trong khay

 

Không khí trong vắt

Tường trắng bóng lá xanh mờ

 

Art or Politics

Vẽ gì chả được.  

                           11/5/2016

Nói một cách vắn lược, bài thơ mô tả khung cảnh phòng ăn, sau một cuộc xô xát, (như hoặc trong) một bức tĩnh vật. Đáng lưu ý là bức tranh rất có thể đã được vẽ và treo lên sau "cuộc chiến" gia đình. Quả là một tình huống khó lòng gợi tính thơ. Không sao, điều đó không quá khó với Phan Huy Dũng, người có khả năng tìm ra thơ trong nhiều tình huống khó khăn. Thế là tác giả dẫn người đọc đi, với một nụ cười mỉm nhẹ nhàng. Tính thơ nằm ở đâu? Ở “bình hoa không đổ”, rất ngay ngắn, ở quả táo có màu sắc thật gợi cảm “hắt một màu đỏ nâu dịu dàng”, vành bát “sáng bóng”, ấm “xúm xít trong khay”… Và đặc biệt là cái không khí - màu nền của cảnh tượng, xiết bao trong trẻo, thanh bình, đến mức người đọc khó lòng hình dung ra cảnh tượng nào có khả năng thơ hơn thế nữa: Không khí trong vắt/ Tường trắng bóng lá xanh mờ… Nhưng đấy mới chỉ là một nửa sự thật. Nửa sự thật kia, thật thú vị, cũng được phân chia khá cân bằng, ngay trong các dòng thơ, một đối trọng mà người đọc có thể nhận ra ngay do sự gợi ý từ tiêu đề (sự giễu, giọng giễu nhại đã xuất hiện ngay trong tiêu đề) và các từ dùng có tính “gây hấn” trong các câu thơ mô tả tranh tĩnh vật đã nêu trên. Bình hoa không đổ/ kính không vỡ (trong tranh), nhưng trong căn phòng, bình hoa đã đổ, kính đã vỡ, táo đã lăn, ấm chén đã tan tành… Vậy đâu là sự thật? Hoặc nói cách khác, sự thật là cái đã diễn ra trong thực tế hay là cái được “vẽ” nên, được treo trên tường/ viện bảo tàng để chiêm ngắm? Và nữa, sự thật của cái được “vẽ” nên ấy (ta có thể gọi nó bằng tên khác, chẳng hạn nghệ thuật, văn chương, hội họa, âm nhạc…), trong một chế độ toàn trị, độ khả tín lịch sử của nó là bao nhiêu? Thậm chí, ta có thể đặt câu hỏi khác, có hay không, độ tin cậy của chúng? Bởi cùng những khả năng khác, sự thật hoàn toàn còn có thể diễn ra theo cách này: 

Art or Politics

Vẽ gì chả được.  

Viết, như vậy, là tư tưởng hóa thân thành trạng huống, hình tượng, câu chữ, thành tứ thơ cụ thể, và khi bài thơ đến, là chính nó, trong giây phút ấy, tất yếu phải thế. "Thông điệp tư tưởng" của thơ, nếu có, là cái đến cùng/ đến bằng cách viết. Được lập tứ từ một tình huống đời sống rất đỗi bình thường, bài thơ đã đặt người đọc đối diện với nhiều vấn đề của đời sống, chính trị, nghệ thuật. Khả năng quy tụ trong một tình huống thơ cụ thể nhiều mối tương quan và hệ quy chiếu đa dạng, khái quát là năng lực nổi bật của Phan Huy Dũng. Nó là một đặc thù trong lối viết, đúng hơn, một đặc thù trong lối tư duy của ông.      

Phản ứng nhanh, hoạt trước các sự kiện nóng hổi của đời sống chính trị, rất tài tình trong việc trích xuất các chi tiết thời sự nóng vào thơ mà không gây cộm, nhiều bài thơ của Phan Huy Dũng đặc biệt thú vị nếu được đặt trong bối cảnh đương đại, trong mối liên hệ với sự kiện xã hội có liên quan (chẳng hạn Sau một đại [hội, thắng, sự...], Nhầm, Chẳng thấy, Câu hỏi, Phương pháp luận của niềm tinĐối thoại với lịch sử, Đầy tớ, Giải cứu, Giấc mơ yếm thế, Một vị thần, Làm sao để được kết nạp, Bất diệt, Rơi và ném, Hòm… ). Nhiều bài thơ được cấu tứ dựa trên các sự kiện thời sự, nói đúng hơn, được cấu tứ dựa trên sự suy ngẫm về các sự kiện đó, và bởi vậy, thay vì chỉ dừng lại ở lớp nghĩa sự kiện, chúng tạo áp lực buộc người ta phải nghĩ rộng ra, nghĩ sâu hơn về nhiều vấn đề của hiện thực đất nước. Đây là một ví dụ:

LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC KẾT NẠP

 

Phải lúc nhúc bao nhiêu

rách tướp bao nhiêu

máu rơi xương vãi bao nhiêu

bị ăn quả lừa bao nhiêu

nuốt tủi nghẹn bao nhiêu

mới được gọi là

nhân dân?

 

Chưa cam chịu làm viên gạch nát dưới móng biệt phủ

chưa sẵn sàng dâng mảnh đất hương hỏa tổ tiên

chưa dửng dưng nhìn biển vật sóng đen

chưa xem đống toàn tập kia không phải là giấy lộn

chưa hoan hỉ khi miếng giẻ che thân cuối cùng bị giật xuống

chừng ấy

chưa là nhân dân

 

Nhìn dằng dặc dòng tên chờ được kết nạp vào nhân dân

trắng tay

vẫn lo bị gạt.

                                    27/4/2019

 Trở lại vấn đề nêu trên, ở đây, giá trị thơ trước hết nằm trong tính thời sự và những thông điệp chính trị mà nó mang chứa. Không thể nói điều này không có ý nghĩa. Chỉ có điều, chính nó khiến tôi muốn nghĩ thêm về cái gọi là bản chất và ý nghĩa của thơ. Nó thực sự nằm ở đâu? Trong tính hiệu ứng xã hội tức thì, trực diện, thường làm lây lan những xúc cảm cộng đồng mạnh mẽ, tích cực, hay trong nhưng biểu tượng đa nghĩa, giàu tính thẩm mỹ hơn, nhưng sẽ khó hiểu hơn, ít tác động hơn đến đời sống xã hội? Cả hai giá trị này không loại trừ nhau, trong một số trường hợp cụ thể, phẩm tính trữ tình công dân và trữ tình cá nhân sẽ hòa hợp làm một (trường hợp L. Aragon của Pháp hay Tố Hữu của Việt Nam), nhưng phần lớn thì nhà thơ sẽ phải lựa chọn. Nếu quá nghiêng về trục thời sự - xã hội, ưu điểm của nó là bày tỏ trực diện, mạnh mẽ thái độ công dân của người viết, một điều rất cần thiết và đòi hỏi một bản lĩnh mạnh mẽ của người viết trong bối cảnh chính trị của Việt Nam hiện tại. Nhưng cái giá nó phải trả là nhiều khi thơ không hơn một văn bản thông tấn có vần. Giá trị của nó dừng lại trong những lời tán thưởng về khả năng đánh trúng đích một hiện tượng xã hội nóng, nghĩa là khả năng ám chỉ hơn là ẩn dụ. Còn nếu nghiêng về hướng tượng trưng và khái quát hóa, ưu điểm của nó sẽ là khả năng tạo ra những biểu tượng thơ đa nghĩa, có khả năng vượt lên những sự kiện thời sự để chạm đến những trạng huống nhân bản của đời sống, và do đó, có thể có sức sống lâu bền hơn. Vấn đề là nó sẽ đánh mất đi sự tương tác trực tiếp với đời sống, mất đi hiệu ứng xã hội có thể có và hết sức cần thiết đối với thơ, nhất là trong bối cảnh hôm nay, khi trách nhiệm xã hội vẫn là một đòi khẩn thiết với thơ và người làm thơ. Mặt khác, cùng với thời gian, nếu thiếu những ghi chú nhắc nhở cần thiết, bài thơ sẽ mất đi những chân rễ thời sự, vốn là cái tạo nên kênh tiếp nhận đặc hữu giữa văn bản với độc giả cùng thời. Nó sẽ trở nên tù mù, thậm chí bất khả tiếp nhận với những độc giả không chung sống trong bầu khí quyển mà tác phẩm xuất hiện.  

Phan Huy Dũng hình dung rất rõ về những tình thế tồn tại khác biệt của thơ và lựa chọn của ông là không đẩy thơ vào thế khó. Cứ là thơ, khi có thể và ông không ngại thay đổi trong bút pháp để tạo nên khác biệt trong cách viết. Sự thay đổi ấy nhằm chứng minh là ông hoàn toàn (tôi nhấn mạnh) có thể viết khác, chứ không nhằm tìm kiếm cái đích giá trị tuyệt đối mà ông thừa biết là không thể và cũng không để làm gì. Bởi vì, xét cho cùng, như chính ông đã nói trong Bài thơ dài dòng:  Hãy cho tôi hỏi/ Người cho tôi được thở/ Hay không? Bởi vậy, cuối cùng thì, ta hãy để cho người (thơ) được thở!

Thơ Phan Huy Dũng là tiếng nói giản dị của một con người đã sống qua gần hết những thăng giáng của đời sống cá nhân, trong bối cảnh thời đại và xã hội mà quan điểm, lý tưởng của con người luôn không ngừng bị thử thách, luôn bị kêu gọi thỏa hiệp và cúi đầu. Thơ ông, do đó, gắn liền với thói quen tự chất vấn về lý tưởng, niềm tin, nhân cách, về giá trị đời sống và về giá trị thật sự của thơ, của nghệ thuật. Nhưng ở thơ ông, ta không thấy nỗi âu lo chộn rộn làm bận trí mà ngược lại, luôn hiện diện một trạng thái tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt, rất gần sự minh triết. Nó là một lối nhận thức, tư duy đã cô đọng thành phương pháp luận sống và hành xử. Sắc sảo, rành rẽ, tận bờ sát góc nhưng vẫn xót thương, trắc ẩn. Thấu đáo, cảm thông nhưng không khoan nhượng, dễ dãi. Lý tưởng nhưng không ảo tưởng. Nguyên tắc nhưng không cứng nhắc. Hiểu và chia sẻ nhưng không thỏa hiệp. Chân thành nhưng rõ ràng và kiên quyết. Tinh thần, tư tưởng ấy đã hóa thân tự nhiên, sinh động thành hình tượng, bút pháp thơ. 

                                                                                          Vinh, 7/2020

 

 


6 nhận xét:

  1. Cảm ơn chị Lê Hồ Quang! Bài viết mang được thật nhiều chia sẻ với thơ và người thơ PHD.

    Trả lờiXóa
  2. Hi Nguyễn Thanh Tâm! Mong được đọc nhiều bài viết mới của bạn!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn cô vì‌ bài viết rất hay khiến em vỡ ra nhiều ạ!

    Trả lờiXóa