Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Chiếc bình gốm - Nguyễn Quang Thiều

 

GIẤC MƠ BẤT TẬN TRÊN CÁNH ĐỒNG CHÂU THỔ

                            Lê Hồ Quang

 

Cây Đời (2) - Tranh Nguyễn Quang Thiều

CHIẾC BÌNH GỐM

                    Nguyễn Quang Thiều

 Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, 

ban mai ứa đầy
mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn,

tôi nặn chiếc bình gốm

Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa

Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn
Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ [1]


         Trong Lời tựa tập Châu Thổ, khi nói về đời sống bí ẩn của thơ và cách kiến tạo đời sống ấy, Nguyễn Quang Thiều đã nói đến “trí tưởng tượng vô cùng hoang dại”, “những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính” và “sự va chạm của những đồ vật quen biết và gắn bó trong tuổi thơ của tôi” [2]. Đề cao trí tưởng  tượng, sức mạnh của trực giác và mơ mộng, Nguyễn Quang Thiều đã đem lại cho sự vật một đời sống và “một nhận biết khác” [3].

Chiếc bình gốm là một giấc mơ như vậy.    

Bài thơ viết về chiếc bình gốm, chính xác hơn, cách nhà thơ tạo ra chiếc bình gốm. Đó là chiếc bình độc đáo ngay từ nguyên liệu. Không phải đất sét, nước, bàn xoay và lửa, những nguyên liệu vật chất quen thuộc, nó được tạo nên bởi “miền nước lớn” - sông Hồng, bởi cánh đồng Châu Thổ với “phù sa nhiễu dài”, bởi máu, bóng tối, ban mai hoàng hôn. Đương nhiên, không thể thiếu nguyên liệu cốt lõi - “trí tưởng tượng hoang dại” và “những giấc mơ bất tận”.