Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Thơ Vũ Lập Nhật


 TỪ SỰ IM LẶNG BỊ GỌI SAI TÊN

                    (VỀ THƠ VŨ LẬP NHẬT)


                                                                                                                                                                                                                                                                Lê Hồ Quang

Đọc thơ, tôi thường bắt đầu từ đơn vị bài. So với câu, khổ, tập, ở đơn vị bài, thơ cho thấy tính chỉnh thể trọn vẹn hơn cả. Có thể hình dung đơn vị bài như vị trí bàn đạp để ta lùi lại, soi ngắm kỹ càng hơn các chi tiết, và để tiến tới, trong mục tiêu quan sát tổng thể. Đọc thơ Vũ Lập Nhật, tôi chọn bắt đầu với Bầy cá nhỏ bơi qua sự im lặng. Bài thơ có những đặc điểm đáng chú ý, kích thích hứng thú tiếp nhận, lý giải, và có lẽ, dễ tiếp cận hơn cả trong số những sáng tác đã công bố của tác giả, dẫu vẫn bảo lưu một tinh thần thơ khá khác biệt. Nhưng trước tiên, hãy đọc nó:
Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc
            những con cá đã không còn uống nước
không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại
            trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng
những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước
            tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa

Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __  ___    ____  _   _ ___   __
____  __   ____   _ _  _  _____ __
__  ___     __   ____   ___    ___  _  _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất

Khi sự im lặng của tôi hấp hối
chúng mới hiểu rằng
từ lâu mình đã bị gọi sai tên.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Đêm


ĐÊM 

Bóng đêm phủ xuống căn phòng của bạn. Trong đêm bạn nghe tiếng quạt chạy rù rù. Tiếng đồng hồ tíc tắc. Tiếng xe hơi vẳng lại từ xa lộ. Tiếng con mèo rón rén đi lại gần và cọ cọ cái mũi ươn ướt vào bắp chân bạn. Tiếng thìa va lanh canh trong cốc nước. Tiếng trẻ con nói mớ. Và tiếng lách cách của bàn phím máy tính. Đêm tối cho bạn tất cả những gì bạn cần. Sự dịu dàng. Sự im lặng cảm thông. Niềm chia sẻ độ lượng. Bạn ngồi trong đêm. Bóng tối bao bọc bạn. Nó nói với bạn về sự cô độc.

Khóc


KHÓC

Bạn nhớ từng khóc rất nhiều khi ba mất. Khóc như thể bạn là một cái khăn sũng nước và vắt đến đâu nước mắt chan chan đến đó. Cho đến khi cạn kiệt, trống rỗng.
Khi còn tuổi trẻ, bạn cũng có đôi lần khóc trong giận hờn. Để được cuống quít dỗ dành nựng nịu ve vuốt. Đấy là tiếng khóc có khán giả nên thường đi cùng âm thanh và cả trò diễn. Khóc ấy thật là vui.
Nhưng rồi cũng đến ngày. Nước mắt lẳng lặng ứa ra rồi cũng lặng lặng lụi. Nước mắt chỉ là trò diễn. Ừ, sự thật là cảnh khóc trong im lặng đã bị show hàng quá nhiều. Việc chảy ngược vào trong cũng chỉ là một scene rẻ tiền. Chẳng để làm gì. Chẳng ích gì.
Và thế là bạn cúi đầu, ngắm nghía mãi hai bàn tay, hít một hơi thật sâu. Rồi đứng dậy. 


Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Tổn thương


TỔN THƯƠNG

Bạn có thể dễ dàng bị tổn thương bởi vô số lý do. Một ánh mắt nghi ngờ. Một cái cười nhẹ. Một câu nói sau lưng không được kiểm chứng. Bạn ôm khối tổn thương vào lòng, sợ cái cảm giác chia sẻ, bởi mỗi chia sẻ là mỗi lần đụng chạm, phải khơi lại chuyện cũ, vết thương lòng thêm sưng tấy.
Tổn thương giống như một chứng trời hành. Như thể trời hành khi da bạn quá nhạy cảm, tóc bạn quá mỏng còn tay chân bạn quá mảnh khảnh. Nên điều là bình thường, là đương nhiên với người này người kia thì lại làm bạn lo âu đến mất ăn mất ngủ. Với người này người kia chuyện đã là quá vãng thì bạn cứ mãi loay hoay không biết bắt đầu từ đầu và làm thế nào để kết thúc. Mọi sự cứ như cuộn len rối mà nội tâm bất an của bạn chính là khởi đầu. Sự nhạy cảm thái quá  biến bạn thành một con dúi tự ti. Hoặc nhiều khi, ngược lại, là một con nhím giận giữ chỉ nhăm nhăm xù lông tự vệ. Nhưng trong sâu xa, con dúi tự ti hay con nhím giận giữ ấy luôn biết mình là một kẻ dễ tổn thương. Và yếu đuối. Thâm tâm bạn luôn cần sự dịu dàng và ân cần trong khi bạn luôn tỏ ra là một kẻ thô bạo, cộc cằn. Và bạn ngày càng lún sâu hơn vào sa mạc cô độc bởi thật khó để giải thích nghịch lý này cho những kẻ vốn sẵn ác cảm về bạn. Đôi khi bạn thèm ước vẻ thản nhiên của người bên cạnh, bạn không biết đó là vẻ thản nhiên của kẻ trưởng thành, đã đủ bản lĩnh vượt qua thương tổn hay đơn giản chỉ là một sức mạnh vô tâm tăm tối. Nhưng sống lâu trong vỏ ốc thương tổn, bạn mệt quá rồi, bạn chỉ muốn một lần khác đi, dù chỉ ở vẻ ngoài.
Nhưng tổn thương đâu có phải chỉ là chuyện của riêng bạn? Làm sao tránh được tổn thương khi ta sống trên đời? Không ai muốn, nhưng rồi tất cả đều phải trải qua. Bạn cũng vậy. Bạn không nhất thiết phải trở thành anh hùng cũng như phải trở thành tấm gương cho ai đó. Điều này thật nực cười. Bạn chỉ cần mở lòng mình ra, như thể mở rộng đôi bàn tay bạn dưới ánh trăng khuya, gọi tên điều làm mình đau đớn, thì thầm trò chuyện. Nếu có thể thì bạn hãy viết ra. Viết là cách rất tốt để tự chữa thương cho mình.
Khi bạn đã có thể nói/ viết/ chuyện trò về nó, ấy là khi bạn đã chấp nhận tổn thương như một phần tất yếu trong con người bạn. Ấy là khi bạn đang từng bước vượt qua những xúc cảm tiêu cực và dần trở nên mạnh mẽ hơn. Như bạn mong muốn. Khi đó, tổn thương không chỉ là nước mắt, nỗi đau đớn hay niềm tuyệt vọng, nó cho bạn cả khả năng tái sinh và sức mạnh để bước tiếp.