Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại

 

VẤN ĐỀ DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

                                                                                               

Lê Hồ Quang

1. Thể loại là khái niệm chỉ quy luật loại hình của văn bản (VB), trong đó, mỗi loại nội dung tương ứng với một loại hình thức, tạo nên cấu trúc chỉnh thể của nó. Hình thức thể loại là kết quả của một phương thức chiếm lĩnh đời sống và mối quan hệ giao tiếp, nhận thức mang tính đặc thù giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mĩ. Đến lượt mình, mỗi thể loại văn học lại tạo nên những kênh giao tiếp và nguyên tắc, phương tiện, truyền thống giao tiếp riêng với độc giả – chủ thể tiếp nhận. Thể loại thể hiện các quy luật phản ánh đời sống và tổ chức tác phẩm một cách tương đối bền vững, ổn định, đồng thời, với tư cách một hiện tượng lịch sử, nó cũng vận động và đổi mới. Trong công trình Lí luận văn học, R. Wellek và A. Warren nhấn mạnh: “Các thể loại có được xây dựng một lần và mãi mãi hay không? Rõ ràng là không bởi vì những tác phẩm mới mở rộng những ranh giới thể loại”[1]. M. Bakhtin cũng khẳng định: “Xét về thực chất, thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Ở thể loại bao giờ cũng bảo lưu những yếu tố cổ sơ bất tử. Thực ra, cái cổ sơ này được bảo lưu ở thể loại chỉ nhờ vào sự đổi mới thường xuyên, có thể nói là nhờ được hiện đại hoá. Thể loại bao giờ cũng vừa là nó, vừa không phải là nó, nó bao giờ cũng đồng thời vừa cũ kĩ vừa mới mẻ. Thể loại được tái sinh, được đổi mới qua từng giai đoạn phát triển văn học và qua từng tác phẩm cá biệt của thể loại này”[2]. Tiếp cận VB từ góc độ thể loại, vì vậy, không chỉ giúp lí giải VB một cách khoa học, có căn cứ mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề của lí thuyết và thực tiễn.

2. Trong nhà trường Việt Nam, nguyên tắc dạy học đọc hiểu VB theo đặc trưng thể loại đã được chính thức đề xuất từ Chương trình Ngữ văn (CTNV) 2006[3]. Dù có định hướng rất đúng song việc dạy học đọc hiểu VB ở nhà trường phổ thông theo nguyên tắc này vẫn chưa có đủ điều kiện thực hiện một cách triệt để, bởi hệ thống VB trong chương trình và SGK vẫn được sắp xếp theo tiến trình lịch sử. Đành rằng những VB cùng thể loại thuộc một thời kì văn học nào đó đã được chú ý đặt thành cụm, nhưng điều đó thực sự không có nhiều ý nghĩa, không tạo được dấu ấn về một kiểu tư duy khác đối với việc tổ chức hoạt động đọc hiểu VB cho HS. Đến CTNV 2018, nguyên tắc dạy học đọc hiểu VB theo đặc trưng thể loại vẫn tiếp tục được nhắc đến và lần này chắc sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn, khi chương trình nêu định hướng phải tích hợp chặt chẽ việc hình thành kiến thức về thể loại, bao gồm văn bản văn học (VBVH), văn bản nghị luận (VBNL), văn bản thông tin (VBTT), với việc triển khai các hoạt động đọc viết, nói và nghe. Trong phần kiểm tra, đánh giá kĩ năng đọc hiểu, CTNV 2018 cũng yêu cầu HS phải biết đánh giá VB về phương thức thể hiện, đặc biệt, qua đọc hiểu, phải xác định được rõ “kiểu VB, thể loại và ngôn ngữ sử dụng”[4].