Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Thơ Phan Nhiên Hạo


PHAN NHIÊN HẠO VÀ CHẾ TẠO THƠ CA
         
        
                  Lê Hồ Quang


Cái tên tập thơ rất khiêu khích: Chế tạo thơ ca [1]. Thơ có thể “chế tạo” được ư? Phan Nhiên Hạo đã chế tạo thơ như thế nào? Đâu là những “kỹ thuật” mà tác giả đã dùng để chế tạo thơ mình? Liệu có thể xem những sản phẩm được chế tạo thuần kỹ thuật là thơ không?
Ta hãy lần lượt thử trả lời những câu hỏi trên.
Tập thơ được chia làm 2 phần. Tác giả sử dụng chủ yếu thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Một số bài sử dụng nguồn là các văn bản thuộc loại hình khác (bài báo, bài nghiên cứu...) và “chế” lại dưới hình thức thơ (Hà Nội 1, Hà Nội 2, Sau Cái Chết Xấu, Thư Nguyễn Quốc Chánh, Ẩm Thực Ở Một Làng Quê...). Được đặt trong phần 2, đây là loạt bài thể hiện khá tập trung ý tưởng “chế tạo” thơ ca của tác giả. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối và cũng không thực cần thiết. Bài Chế Tạo Thơ Ca nằm cuối tập, là một sự chốt hạ có chủ ý. Ở bài này ta sẽ thấy tuyên ngôn bán chính thức của nhà thơ về vấn đề đã nêu trên. Tôi gọi “bán chính thức” bởi nó được thể hiện dưới dạng thơ và bằng giọng điệu giễu cợt không khó nhận ra. Người ta “chế tạo thơ ca” đơn giản chỉ bởi vì “một buổi chiều không có việc gì để làm”. Nó có đủ các vật liệu, từ vật chất: “mười sáu con ốc, hai tấm kim loại, bốn bánh xe”; đến tinh thần: “hỗn hợp của xung đột, hy vọng, tình yêu và sự vô ích”. Sức mạnh của thứ thơ ca được chế tạo từ hỗn hợp này thật khủng khiếp: “Đủ sức chạy từ Mỹ sang Tàu trong một đường hầm/ tối om xuyên tâm trái đất”.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Bạn

BẠN

Bạn nghĩ bạn không có bạn. Nhưng thực ra là bạn có. Một người bạn lớn luôn có thể lắng nghe bạn, không phàn nàn, không đánh giá, không phán xét. Một người có thể kiên nhẫn lắng nghe bạn kể lể cà kê dễ ngỗng, tự phân tích đánh giá rồi lại đánh giá, tự phân tích mà chẳng cần phải nói gì thêm. Một người bạn có thể bày tỏ phần điên cuồng bấn loạn nhảm nhí mà không phải câu nệ. Đôi khi bạn cũng có diễn một chút, vì bạn thích diễn, nhưng họ cũng không câu nệ. Giống như một trò chơi vô hại, không chấp.
Đấy là người có thể hiểu bạn mà không cần nói. Người luôn đánh giá bạn cao hơn những gì bạn có. Ngay cả cả sự diễn của bạn cũng được xem như một tố chất tốt thì tại sao bạn không tiếp tục chứ?
Bạn đã vô tư chiếm dụng quỹ thời gian vốn quá ít ỏi của họ. Như đương nhiên phải thế. Ý tưởng. Lòng tốt. Sự kiên nhẫn, bao dung. Bạn đã lớn lên từ đó. Nhưng bạn chỉ thấy mỗi mình, mỗi tâm sự của mình. Thấy mỗi nỗi đau của mình. Bạn chưa bao giờ nghĩ bạn mình cũng mệt mỏi. Nhưng bạn là người thông minh, nên đôi khi bạn cũng phải giả bộ càu nhàu, ra vẻ quan tâm. Thực ra bạn chẳng nghĩ gì, ngoài cái tôi của bạn.   
Nhưng bây giờ bạn biết. Bạn mình đã mệt. Bạn chỉ biết điều đó khi bạn cũng thực sự đã mệt. Bạn chỉ muốn tất cả dừng lại. Nên bạn sẽ không nói gì thêm. Hãy để bạn dừng lại. 

Sợ hãi

SỢ HÃI

Sợ hãi khiến bạn ngờ vực nheo mắt khi đứng trước một lối rẽ thật là nhiều nắng, lúa thì ngào ngạt thơm trên đồng, cỏ thì xanh đến bất tận và con đường thì như lượn sóng đến tận chân trời. Nó khiến bạn chỉ muốn thối lui: ở chỗ bạn quay về, cỏ có mùi ôi, rơm không còn thơm, khô xác và ngứa, lúa cũng đã rụng hạt mỏi mòn… Nhưng đó là những gì bạn có. Chắc chắn thế. Không giấc mơ nào quyến dụ được bạn. Bạn là một con bò nhai cỏ khô, nhai rồi nuốt vào ựa ra nhai tiếp. Không sao, cái cũ kỹ quen thuộc có mùi vị an tâm của nó. Nên cả những cơn mơ của bạn cũng được vẽ vòng. Nắng mưa sấm chớp, qua mắt bạn, cũng được vẽ vòng. Có phải đường ranh giới hình ovan ấy đã chia cắt giấc mơ và nỗi sợ hãi của bạn? Không phải thế. Đêm và ngày, ngoài và trong, nước biển và nước sông hòa lẫn, vẫn chỉ một gương mặt. Bởi vì bạn không tin. Bạn không hy vọng. Cùng lắm, bạn tin vào những giấc mơ riêng tây không chia sẻ. Bạn nghĩ bạn đã đi gần hết con đường. Đã đến lúc bạn phải dừng lại. Bạn không chọn nhưng chính là bạn đã chọn. Nỗi sợ hãi khiến bạn tự vẽ vòng tròn, tự nguyện bước vào đó, tình nguyện chung thân với nó, trong suốt cuộc đời dằng dặc bất an, ấm ức, giận giữ và, cũng ngắn ngủi chỉ như một chớp mắt. Những giấc mơ ngâm ngẩm vị sợ hãi, bạn giấu vào ngăn kéo mục rã, những con chữ rời rã.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Thơ Vũ Thành Sơn

MỘT TRÒ CHƠI NHIỀU RỦI RO
(Về tập "Ba cái lẻ tẻ" - thơ Vũ Thành Sơn)


Giấc ngủ, 1937, tranh Salvador Dali

                                                                                                                                                                                                                                                             Lê Hồ Quang
   
Rất khó để thâu tóm Ba cái lẻ tẻ vào một mô hình cấu trúc mạch lạc, như lối đọc duy lý thường hướng tới. Một câu thơ của Vũ Thành Sơn lý giải hộ tôi điều này: “nhưng trí tưởng tượng luôn là một trò chơi nhiều rủi ro”. Nếu hình dung viết như một hành trình của trí tưởng tượng, thì đọc, nhìn từ phía ngược lại, cũng tương tự. Tiếp nhận, từ trong bản chất, đã mang sẵn khả thể tự do. Rủi ro trong tiếp nhận, do đó, có thể hiểu theo nghĩa sự đọc tự do tạo nghĩa và hoàn toàn có khả năng tạo nên những diễn giải đa chiều khó kiểm soát, bao gồm cả sự "đọc sai". Nhưng nhìn từ phía khác, sự đọc - tưởng tượng cũng hứa hẹn những cuộc "phiêu lưu chữ" bất ngờ với những vẻ đẹp đến ngoài dự báo. Tạm thời xếp bỏ lối đọc mô hình hóa, chấp nhận quy ước đọc như một trò chơi tưởng tượng, có lẽ, cũng là một lối đi phù hợp với tinh thần Ba cái lẻ tẻ.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Nợ sách

NỢ SÁCH



Bạn thích sách. Bạn có thể tiêu tốn tiền và thời gian vì chúng mà không tiếc. Bạn thích đọc, nhưng ít khi lật đến được trang cuối. Bạn đọc nhanh, nhưng quên còn nhanh hơn. Dù sao, bạn nhất định không phải mọt sách. Trí bạn mỏng. Tay bạn yếu. Bạn hay bị phân tâm. Bạn có nhiều ý tưởng nhưng không bao giờ đi được hết đường. Luôn có cái gì đó chen ngang, và bạn sẽ quẳng sách xuống, hấp tấp bỏ đi, bút chì gỗ yêu thích còn kẹp vào trang đọc dở. Và những ý tưởng ghi chép hay ho của bạn biến mất ngay lập tức, không mảy may gợn bụi. Trí não của bạn, sau khi nhồi nhét bội thực cốt truyện, nhanh chóng trở lại sạch sẽ tinh tươm như thể được tráng qua nước giặt Omo. Nhưng sách đưa lại cho bạn cảm giác bình tĩnh. Cảm giác nhấm nháp thong thả ngày càng hiếm hoi trong cuộc đời bấn loạn của bạn. Ngay cả những cuốn chưa đọc. Những cuốn còn nguyên giấy bọc. Nên bạn biết món nợ với sách. Bạn luôn nhớ điều đó. Ít nhất, vì những ý tưởng đã hăng hái chết yểu trước khi kịp thành hiện thực.

Một chỗ trong đời

MỘT CHỖ TRONG ĐỜI


Tác giả: Annie Ernaux
Người dịch: Nguyễn Thị Thúy An
Nxb Nhã Nam, Hội Nhà văn, 2016


Người cha là trung tâm câu chuyện. Cuộc đời ông được tái hiện những nét cơ bản, theo diễn trình tiểu sử giản lược, khô khan: thời ấu thơ khốn khó, tuổi thanh niên vật lộn để kiếm sống, tuổi trung niên ít nhiều thảnh thơi, cuối cùng - tuổi già và cái chết. Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của người con gái, bắt đầu từ việc chứng kiến cái chết của cha mình, song song với việc chuẩn bị tang lễ, hồi nhớ về cuộc đời ông. Cuốn sách là sự quan sát, ghi chép, tái hiện khách quan, đôi khi nhát gừng, thờ ơ. Nó gợi nhớ đến Người xa lạ (Albert Camus)  với giọng kể trung tính, lãnh đạm, tước bỏ mĩ từ, ẩn dụ, chỉ còn lõi quan sát - ghi chép - tái hiện.
Bắt đầu từ cảm giác khó chịu, cuốn truyện càng ngày càng gây xúc động cho người đọc, là mình. Có gì đáng kể về cuộc đời người cha qua những chi tiết vặt vãnh? Một đứa trẻ nông thôn lam lũ, thất học, một công nhân nghèo túng, một ông chủ tiệm cafe nhỏ cần kiệm, chắt bóp. Một người ở tầng lớp thấp, cố gắng vật lộn để kiếm sống và tìm một chỗ đứng trong đời. Một người lao động bình dân, mang trong lòng nhiều tổn thương, mặc cảm. Tất cả tình thương, khao khát dồn vào đứa con gái duy nhất, hy vọng nó có được học thức, bằng cấp, địa vị, để có thể sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời đáng sống. Nhưng đứa con, khi đã lớn lên, trở thành “người thành đạt”, đạt đến cái đích người cha  mong muốn - lọt vào tầng lớp trên, sống đời sống thượng lưu dư dả - lại trở nên thờ ơ, xa cách, như một kẻ lạ với chính cha mẹ mình. Bởi con người ấy cũng nếm trải đầy đủ sự thờ ơ, lạnh nhạt của người chồng, của thế giới thượng lưu mà mình đã bước chân vào nhưng biết chắc là không thuộc về. Vị trí bên trong, cũng là bên ngoài ấy cho phép tác giả - người kể chuyện tái hiện những dữ kiện về cuộc đời người cha của mình theo cách khác. Sâu hơn. Như  là sự cách biệt về học vấn, nhận thức, trình độ văn hóa, những mâu thuẫn trong thói quen sống, ngôn ngữ, ứng xử, giao tiếp, những trải nghiệm cá nhân khép kín, đơn độc. Như là tính cách của người cha, những thói quen thường nhật, sự bất ổn, cả những thói xấu, sự thô lỗ, gàn dở, thất thường… Ở vị trí “lưng chừng babel”, đứa con hiểu cha mình hơn ai hết. Cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Cả điều bình thường lẫn bất thường. Những giằng xé, dằn vặt, định kiến. Tình thương, nỗi chua xót, bất lực, mặc cảm nghèo hèn, thô lậu… Bởi vì, thực chất cha cũng là con và ngược lại. Họ giống nhau: những kẻ cô độc, lạc loài, luôn nhầm chỗ, luôn khát khao “một chỗ trong đời”.
Giọng văn lạnh, khô khan nhưng không đem lại vẻ kìm nén nhằm tạo kịch tính hời hợt. Nó không cố tình. Nó thản nhiên. Như mọi thứ vốn là thế, không có gì cần thiết phải cường điệu, phải nống lên. Nhưng từ những chi tiết nhỏ nhặt, như không đáng kể, cho thấy người con đã không quên. Không có gì bị quên lãng. Một sự đối chiếu tự nhiên, san sẻ tự nhiên, kín đáo, cho thấy sự thấu hiểu bên trong. Câu chuyện kể về một cuộc đời không đáng kể, cho đến khi chết. Nhưng có thực là cuộc đời ấy không đáng kể? Cuốn sách được viết ra là để nói điều ngược lại.  
                                                        
                              Vinh, 12/10/2019

Vấn đề dạy học thơ Việt Nam đương đại

VẤN ĐỀ DẠY HỌC THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
MÔN NGỮ VĂN



I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đây xin gọi tắt là Chương trình môn Ngữ văn 2018) có nhiều đổi mới so với chương trình Ngữ văn hiện hành.  hướng tới mục tiêu rèn luyện, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Tính mở, tính linh hoạt cũng là một  điểm mới hết sức quan trọng của nó. Những đặc điểm này sẽ dẫn đến vấn đề phát triển chương trình, vừa như một định hướng, vừa như một yêu cầu tất yếu. Nhưng làm sao trên cơ sở của Chương trình giáo dục phổ thông, đã được Nhà nước ban hành theo những quy định chặt chẽ, nghiêm nhặt về mặt chính trị, pháp lý, thực tiễn, khoa học, chúng ta, cụ thể là những người tổ chức quản lý và thực hiện việc dạy học ở trường phổ thông có thể mở rộng, phát triển chương trình một cách hiệu quả, thiết thực? Đó chắc chắn là một công việc hết sức đồ sộ và khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý, giảng viên, giáo viên... trong thời gian tới. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xác định nhiệm vụ đề xuất và trình bày giản lược về một nội dung phát triển chương trình cụ thể, đó là dạy học thơ Việt Nam đương đại ở trường THPT

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Đói sáng

ĐÓI SÁNG

Trong một ngày nắng rực rỡ, nhưng bạn lại ở trong một căn phòng tối om và chỉ có thể ngóc cổ nhìn qua một ô cửa nhỏ xíu ở tầng 2, ở đó, cái cành cây xanh mướt cứ lòa xòa buông lá như cợt nhả, như trêu ghẹo, đương nhiên bạn đói sáng. Bạn đói cái cảm giác nắng ấm áp phủ lên hai bàn chân, rồi dâng cao dần, ôm ấp, bao bọc, vuốt ve cơ thể buồn bã. Bạn đói một bầu trời thật xanh, mây thật trắng, lá cây tươi tắn rì rào. Bạn đói cảm giác nằm lăn trên cỏ xanh tin cậy, cỏ may cù vào bắp chân bạn ngai ngái buồn buồn, hoa dại lẫn vào trong cỏ dại. Bạn đói một không gian khoáng đạt mênh mông xa rộng tràn trề ánh sáng mà một lần trong mơ bạn đã nhìn thấy và đã co lại vì nỗi bất an, sợ hãi. 


Bạn từng có nhiều giấc mơ. Những giấc mơ sinh động, biến ảo, lấp lánh sắc màu. Trí tưởng tượng cho phép bạn có khả năng sống trong giấc mơ thật hơn cả đời thực. Những giấc mơ cho bạn thấy những tính từ hóa ra cũng có thể trở thành những câu chuyện là, những con người là. Trong mơ, một đám cánh hồng tàn úa rơi xuống từ tầng trên của khu tập thể cũ nát cũng có thể trở thành tín hiệu thơm ngát của tình yêu. Bao sắc thái tuyệt vời của cuộc đời được mở ra từ những cánh cửa mơ mộng.

Bạn từng mơ. Quá nhiều. Cũng bởi vì bạn biết đời bạn không có gì hơn ngoài những giấc mơ. Không gì rẻ mạt hơn những giấc mơ.

Nhớ ốm

NHỚ ỐM

           Tại vì bạn cứ thấy thiu thỉu ngầy ngật. Bạn thấy người gây gấy sốt. Trán mưng mưng đau. Bạn muốn nhắm mắt nằm nghỉ nhưng hai con mắt cứ tráo trưng nhìn lên trần nhà. Bạn nhớ ra rằng, vẫn còn việc này kia nọ chưa xong, vẫn còn mấy chỗ sót, vẫn chưa hợp lý. Thế là bạn lại lọ mọ phết chỗ nọ phẩy chỗ kia. Mắt bạn lồi ra, tay bạn mổ cò tận lực. Tai bạn căng lên, nghe o o như điện thoại để loa ngoài. Đứng lên rồi ngồi xuống. Nắn nót sai sót. Mà sai sót cứ liên tục. Bạn lẩm bẩm nói một mình, phải cẩn thận. Uống thêm tí nước cho tỉnh táo. Nhưng bộ não quá đát ầm ừ phản đối. Cơ thể cũng góp lời theo kiểu của nó. Bạn đi lại ngật ngưỡng lao lư giữa đống giấy tờ và cốc cafe cỡ đại. Rồi bạn quyết định buông. Nhưng nằm xuống mà không nhắm được mắt hoặc nhắm được mắt rồi mà không sao chợp được mắt thật là khốn khổ. Bạn không thể định tâm vào bất cứ việc gì hay cái gì. Bạn nhớ hơn 6 năm về trước, khi phải mổ thoát vị đĩa đệm. Bạn nằm chung chiếc giường bệnh viện với một bệnh nhân khác, cũng vừa mổ xong, song song thõng thượt, như hai xác ướp quấn băng trắng toát và nẹp lưng thẳng đừ. Bạn đã quên hết tất cả, chỉ nhớ mỗi cơn đau của mình. Gần nửa năm sau đó, trí não bạn gần như không hướng về trước, nó luôn quặt về đằng sau, ở giữa đốt sống L4 - L5, nơi khối đĩa đệm bị lệch và chèn vào những sợi thần kinh khốn khổ. Trong một thời điểm, bạn đã có thể triệt để quên tất cả đống lộn xộn gọi là đời sống này và chỉ tập trung vào mỗi việc, đấy là cơn đau của bạn. Đấy là ý nghĩ đầy ghen tỵ khi bạn vật vờ giữa 3h sáng hệt một xác sống say cafe.

Tiêu thời gian



TIÊU THỜI GIAN

Vừa quay lưng đi, quay mặt lại, bạn ngẩn ngơ nhận ra đã tiêu hết một buổi sáng. Hết một buổi chiều. Hết một ngày. Lại ngày nữa. Bạn không biết, thật ra đơn vị tính đời mình là gì? Ngày, tháng, năm hay là những đầu việc nối tiếp không ngừng? Như những đầu sóng cứ thế lừng lững lao tới, bạn vừa nhao qua đỉnh sóng này đã thấy đối mặt với đỉnh sóng khác. Bạn quay cuồng trong những đầu việc sự vụ bé mọn tẹp nhẹp như chính đời bạn. Nhưng bạn không thể dừng, cho dù bạn luôn tự nhủ, mình sẽ dừng, lúc nào đó. Sẽ làm lại, một khởi đầu thật nhẹ nhõm. Đã đến lúc phải sống vui vẻ. Những cái thời điểm bạn định mãi không thấy tới. Và bạn luôn thấy đời mình quay cuồng trong những lo âu, ức chế, cáu giận, bẳn gắt. Bạn thấy đời đúng là một tấm thảm đan dệt rối ren. Chỉ tiếc là bạn không có khả năng để diễn tả điều này. Nhưng thế biết đâu lại may. Bởi thế thì lại thêm một đầu việc tiêu tốn thời gian nữa. Chỉ riêng việc phải nghĩ đến điều đó đã là một khoản chi thời gian đáng kể trong cuộc đời không đáng kể của bạn rồi. 

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Thơ Pháp Hoan

 TRONG IM LẶNG DIỆU KỲ
         (Về tập Lịch mùa của Pháp Hoan, 2016, AJAR Press/ Fish Eyes Series)



                                                                                               Lê Hồ Quang



         
     Cảm nhận trong im lặng diệu kỳ” là một ý trong bài Tĩnh tọa của Pháp Hoan và cũng chính là tứ xuyên suốt Lịch mùa - tập thơ đầu tay của tác giả này. Trong tập thơ, “im lặng” trước hết là một trạng thái chủ thể:

Đóng mọi giác quan lại

trong căn phòng bóng tối

đêm xanh hơi thở

sâu lắng, rung động tiếng chuông ngân

 

Một dòng sông chảy trên một dòng sông

một ý tưởng tràn trên một ý tưởng

 

… Đóng mọi giác quan lại

Và cảm nhận trong im lặng diệu kỳ

Những chu kỳ của diệt và sinh

Luân chuyển trong mê đồ của thực tại

Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ở đây, “im lặng” chính là một hình thức quán tưởng tâm ý, để thân tâm an trú trong thanh tịnh, và từ đó mà bản chất của vạn pháp được hiển lộ. Trong im lặng, không có sự phân biệt nhị nguyên. Ở đó, tốt/xấu, cao/thấp, trắng/đen, sống/chết, tôi/ta, cá nhân/vũ trụ... đều là Một, trong cõi thanh tịnh. Cho nên, im lặng là Không, nhưng im lặng cũng là Có, là Đầy đủ. Khi ta hiểu theo cách đó, im lặng đã mang một ý nghĩa khác. Đó là đặc tính chủ thể nhưng nó đã phản chiếu và bao hàm trạng thái, đặc tính khách thể - thế giới thiên nhiên, con người và thơ ca mà cái tôi tìm kiếm, hướng về. “Im lặng diệu kỳ”, do đó, vừa là xuất phát điểm của hành trình nội tâm, vừa là phương cách diễn tả, đồng thời, cũng là đối tượng và đích đến. Bởi vậy, như một nghịch lý dễ hiểu, Lịch mùa, dù được mô tả trong/ bằng im lặng, nhưng đã cho thấy cả một thế giới xôn xao cảm giác và rung động. Đó không chỉ là rung động của giác quan vật chất mà còn là những rung động tâm linh xuất phát tự thân tâm vị thiền sinh trẻ tuổi, người dường như luôn biết tìm thấy nỗi hân hoan trong từng khoảnh khắc sống.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Thơ Vũ Lập Nhật


 TỪ SỰ IM LẶNG BỊ GỌI SAI TÊN

                    (VỀ THƠ VŨ LẬP NHẬT)


                                                                                                                                                                                                                                                                Lê Hồ Quang

Đọc thơ, tôi thường bắt đầu từ đơn vị bài. So với câu, khổ, tập, ở đơn vị bài, thơ cho thấy tính chỉnh thể trọn vẹn hơn cả. Có thể hình dung đơn vị bài như vị trí bàn đạp để ta lùi lại, soi ngắm kỹ càng hơn các chi tiết, và để tiến tới, trong mục tiêu quan sát tổng thể. Đọc thơ Vũ Lập Nhật, tôi chọn bắt đầu với Bầy cá nhỏ bơi qua sự im lặng. Bài thơ có những đặc điểm đáng chú ý, kích thích hứng thú tiếp nhận, lý giải, và có lẽ, dễ tiếp cận hơn cả trong số những sáng tác đã công bố của tác giả, dẫu vẫn bảo lưu một tinh thần thơ khá khác biệt. Nhưng trước tiên, hãy đọc nó:
Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc
            những con cá đã không còn uống nước
không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại
            trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng
những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước
            tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa

Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __  ___    ____  _   _ ___   __
____  __   ____   _ _  _  _____ __
__  ___     __   ____   ___    ___  _  _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất

Khi sự im lặng của tôi hấp hối
chúng mới hiểu rằng
từ lâu mình đã bị gọi sai tên.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Đêm


ĐÊM 

Bóng đêm phủ xuống căn phòng của bạn. Trong đêm bạn nghe tiếng quạt chạy rù rù. Tiếng đồng hồ tíc tắc. Tiếng xe hơi vẳng lại từ xa lộ. Tiếng con mèo rón rén đi lại gần và cọ cọ cái mũi ươn ướt vào bắp chân bạn. Tiếng thìa va lanh canh trong cốc nước. Tiếng trẻ con nói mớ. Và tiếng lách cách của bàn phím máy tính. Đêm tối cho bạn tất cả những gì bạn cần. Sự dịu dàng. Sự im lặng cảm thông. Niềm chia sẻ độ lượng. Bạn ngồi trong đêm. Bóng tối bao bọc bạn. Nó nói với bạn về sự cô độc.

Khóc


KHÓC

Bạn nhớ từng khóc rất nhiều khi ba mất. Khóc như thể bạn là một cái khăn sũng nước và vắt đến đâu nước mắt chan chan đến đó. Cho đến khi cạn kiệt, trống rỗng.
Khi còn tuổi trẻ, bạn cũng có đôi lần khóc trong giận hờn. Để được cuống quít dỗ dành nựng nịu ve vuốt. Đấy là tiếng khóc có khán giả nên thường đi cùng âm thanh và cả trò diễn. Khóc ấy thật là vui.
Nhưng rồi cũng đến ngày. Nước mắt lẳng lặng ứa ra rồi cũng lặng lặng lụi. Nước mắt chỉ là trò diễn. Ừ, sự thật là cảnh khóc trong im lặng đã bị show hàng quá nhiều. Việc chảy ngược vào trong cũng chỉ là một scene rẻ tiền. Chẳng để làm gì. Chẳng ích gì.
Và thế là bạn cúi đầu, ngắm nghía mãi hai bàn tay, hít một hơi thật sâu. Rồi đứng dậy. 


Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Tổn thương


TỔN THƯƠNG

Bạn có thể dễ dàng bị tổn thương bởi vô số lý do. Một ánh mắt nghi ngờ. Một cái cười nhẹ. Một câu nói sau lưng không được kiểm chứng. Bạn ôm khối tổn thương vào lòng, sợ cái cảm giác chia sẻ, bởi mỗi chia sẻ là mỗi lần đụng chạm, phải khơi lại chuyện cũ, vết thương lòng thêm sưng tấy.
Tổn thương giống như một chứng trời hành. Như thể trời hành khi da bạn quá nhạy cảm, tóc bạn quá mỏng còn tay chân bạn quá mảnh khảnh. Nên điều là bình thường, là đương nhiên với người này người kia thì lại làm bạn lo âu đến mất ăn mất ngủ. Với người này người kia chuyện đã là quá vãng thì bạn cứ mãi loay hoay không biết bắt đầu từ đầu và làm thế nào để kết thúc. Mọi sự cứ như cuộn len rối mà nội tâm bất an của bạn chính là khởi đầu. Sự nhạy cảm thái quá  biến bạn thành một con dúi tự ti. Hoặc nhiều khi, ngược lại, là một con nhím giận giữ chỉ nhăm nhăm xù lông tự vệ. Nhưng trong sâu xa, con dúi tự ti hay con nhím giận giữ ấy luôn biết mình là một kẻ dễ tổn thương. Và yếu đuối. Thâm tâm bạn luôn cần sự dịu dàng và ân cần trong khi bạn luôn tỏ ra là một kẻ thô bạo, cộc cằn. Và bạn ngày càng lún sâu hơn vào sa mạc cô độc bởi thật khó để giải thích nghịch lý này cho những kẻ vốn sẵn ác cảm về bạn. Đôi khi bạn thèm ước vẻ thản nhiên của người bên cạnh, bạn không biết đó là vẻ thản nhiên của kẻ trưởng thành, đã đủ bản lĩnh vượt qua thương tổn hay đơn giản chỉ là một sức mạnh vô tâm tăm tối. Nhưng sống lâu trong vỏ ốc thương tổn, bạn mệt quá rồi, bạn chỉ muốn một lần khác đi, dù chỉ ở vẻ ngoài.
Nhưng tổn thương đâu có phải chỉ là chuyện của riêng bạn? Làm sao tránh được tổn thương khi ta sống trên đời? Không ai muốn, nhưng rồi tất cả đều phải trải qua. Bạn cũng vậy. Bạn không nhất thiết phải trở thành anh hùng cũng như phải trở thành tấm gương cho ai đó. Điều này thật nực cười. Bạn chỉ cần mở lòng mình ra, như thể mở rộng đôi bàn tay bạn dưới ánh trăng khuya, gọi tên điều làm mình đau đớn, thì thầm trò chuyện. Nếu có thể thì bạn hãy viết ra. Viết là cách rất tốt để tự chữa thương cho mình.
Khi bạn đã có thể nói/ viết/ chuyện trò về nó, ấy là khi bạn đã chấp nhận tổn thương như một phần tất yếu trong con người bạn. Ấy là khi bạn đang từng bước vượt qua những xúc cảm tiêu cực và dần trở nên mạnh mẽ hơn. Như bạn mong muốn. Khi đó, tổn thương không chỉ là nước mắt, nỗi đau đớn hay niềm tuyệt vọng, nó cho bạn cả khả năng tái sinh và sức mạnh để bước tiếp.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Lo âu


LO ÂU

Giống như một thứ hành trang, dù không muốn mang theo, nó vẫn lặng lẽ nằm trong góc valy đời bạn. Lo âu là một cảm giác không rõ hình hài, đôi khi rất nhẹ, như thể màu sắc u ám trong buổi chiều muộn, hoặc đột ngột như cảm giác quặn thắt ở vùng thượng vị do chứng đau dạ dày mãn tính. Bạn không biết nỗi lo âu bắt đầu từ đâu, vì sao lại thế, hoặc, làm sao để cất nó sang một bên, như thể khi ta dọn dẹp đáy valy sau một chuyến đi xa. Như một chiếc bàn chải, một chiếc khăn vừa để quàng cổ vừa để trùm chân phòng lạnh, một cái xạc pin cũ kỹ để lâu ngày không dùng đến… Đại loại vậy. Cũng có thể hình dung lo âu như một chứng bệnh, khi mọi chuyện không đáng lo, hoặc không đáng lo đến thế, nhưng trái tim bạn vẫn bị bóp nghẹt bởi linh cảm xấu, nỗi sợ hãi đen tối, như thể mọi nỗi bất hạnh trong bụi rậm hoặc từ tứ phía không che chắn, sẽ bất thần nhảy xổ ra và nghiền bạn nát tan thành tro bụi. Trong cảm giác lo âu, mọi thứ luôn toát ra một vẻ u tối đáng nghi ngại và bạn luôn cảm thấy bất trắc rình rập. Có thể do thần kinh bạn hơi quá nhạy cảm, trí tưởng tượng của bạn quá phóng túng và điên rồ, da bạn không tự cấu cũng đau. Hoặc giả, do chính đời sống này, đầy rẫy mối nguy hiểm và đe dọa. Và khi bạn được sinh ra, khi bạn đã là, bạn đã mang theo mình nỗi lo âu, mầm mống sự tự hủy. Nó sẽ làm bạn khô héo trong từng giây phút sống bởi cảm giác bất ổn và bất trắc. Cuộc sống của bạn bị nhiễm xạ.
Bạn làm thế nào ư? Bạn cứ sống tiếp thôi, sống và không thôi tự dày vò. Cho đến một ngày, bạn nhận ra, bạn phải đối mặt và chấp nhận nỗi lo âu của mình. Như một đứa trẻ trước đám bong bóng ngũ sắc tự tạo từ bọt xà phòng lấp lánh dưới nắng, bạn ngắm nhìn nỗi lo âu của mình, thì thầm gọi tên nó, chuyện trò với nó. Bạn nhận ra, dù không mong muốn, lo âu đã cùng bạn đi một chặng đường khá dài. Đã đến lúc bạn biết chấp nhận nỗi lo âu như một phần nhân dạng của bạn. Như bạn đã bắt đầu biết chấp nhận con người đầy bất toàn của bạn, sau một thời gian dài, rất dài.

Thời gian


THỜI GIAN

Bạn sẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về thời gian khi có một chiếc đồng hồ đeo tay bé xíu. Cảm giác thời gian chuyển động trong từng âm thanh tích tắc thật mơ hồ nhưng bền bỉ, ráo riết. Bạn sẽ cảm nhận về thời gian rõ hơn nữa khi ngắm những cây kim bé nhỏ trên mặt đồng hồ. Kim giờ ù lì nhất. Kim phút năng động hơn. Và kim giây miệt mài không ngừng nghỉ tíc - tắc - tíc - tắc.
Có bao giờ bạn nghĩ đời mình đang trôi đi cùng tiếng tích tắc đồng hồ? Hẳn là không, điều đó quá ư trừu tượng. Bạn chỉ nghĩ đến cái gì đó gần hơn, thiết thực hơn, ví dụ, 1h30 chiều nay vào tiết dạy đầu tiên, dạy xong, là quãng 4h rưỡi, sẽ tạt qua chợ kiếm món tươi cuối tuần, sau đó rẽ vào nhà trẻ đón con. 7h tối thì xong bữa tối, sẽ tranh thủ bỏ đồ vào máy giặt, rửa dọn sắp xếp linh ta linh tinh. 10h30 đêm thì mắt nhắm mắt mở đọc sách cho con nghe, bụng bảo dạ phải dỗ nó ngủ sớm vì giáo trình còn dang dở... Những tờ giấy nhắc việc của bạn luôn đầy những ghi chú về con số thời gian, rất cụ thể, chẳng hạn, giờ ngày tháng năm…, phải xong… Bạn sống và quay cuồng trong giới hạn ngày 24 giờ. Nhưng bạn cũng không có hoài hơi mà ước ngày có 25 giờ vì thế thì quá mệt. Đôi khi thì bạn ước được ngủ nhiều hơn và giá ngủ mà không phải mơ thì tốt quá. Bởi dường như ngay cả giấc mơ cũng tuyến tính, nghĩa là nó vẫn tự động chạy theo trật tự thời gian. Nên nhiều lần đang mơ, bạn lại giật thót bởi một âm thanh hay hình ảnh nhắc nhở vẫn còn dở việc. Và bạn choàng tỉnh, nghe thấy từ trong thăm thẳm lặng im tiếng tích tắc bền gan, kiên trì.
 Bạn quen với việc thiết kế đời mình theo thời gian biểu. Một thời gian biểu giản đơn, rõ ràng, theo nhịp tuần hoàn ngày ngày tháng tháng năm năm. Bạn quên rằng, thời gian luôn trôi đi, nhưng đời bạn, một lúc nào đó, sẽ dừng lại.



Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Già


GIÀ

Khi nào thì bạn biết mình đã già?
Hình như sách vở thường nói đến sợi tóc bạc đầu tiên, vết nám má đầu tiên, cơn đau cột sống đầu tiên… Vô số những đầu tiên.
Bạn biết mình đã già lần đầu tiên khi đang ngồi phơi nắng trên ghế, bạn khoan khoái duỗi chân rồi xoay xoay cổ chân làm mấy động tác thể dục tại chỗ. Đột nhiên bạn phát hiện ra mắt cá chân bên phải thâm hẳn đi, còn phần da phía dưới thì u sần lên thành một hình đồng xu be bé. Bạn ngắm thật là kỹ. Mắt cá bên trái thì vẫn màu hồng nhạt, chỉ có ở cổ chân bên phải là rõ ra một làn da đã lão hóa.
Bạn chưa bao giờ nghĩ mình già, dù biết rằng đương nhiên sẽ già. Nhưng bạn không biết đến cái đương nhiên ấy đến sớm hơn bạn nghĩ. Bạn chỉ mải mốt làm việc, kiếm tiền, nuôi con, cơm nước, chợ búa rồi lại tiếp tục làm việc. Một vòng quay khép kín bất tận. Trong vòng tuần hoàn ấy bạn chưa bao giờ nghĩ mình già. Đơn giản bạn không nghĩ. Bạn bận sống. Hoặc cũng có thể ngược lại. Bạn bận đến quên sống. Bởi vì bạn đâu nghĩ gì về việc bạn sống và bạn đang già đi, rất nhanh.
Bạn ngắm lại mình trong tấm gương lớn. Một hình nhân thô kệch đang nặng nề nhìn bạn. Đôi mắt sụp mí đang cố nhếch lên đầy vẻ ngạc nhiên. Chưa bao giờ bạn chứng kiến trọn vẹn nhân dạng tuổi tác đến thế.
Bỗng dưng bạn đi lại chậm chạp hơn. Nói năng lừng khừng uể oải hơn, như thể mọi năng lượng nhiệt tình đột nhiên bay biến đâu mất. Bạn thấy mình mệt mỏi, muốn than van. Mọi việc đều làm bạn bực mình, nhất là cảm giác bất lực, bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau, trong khi thiên hạ cứ băng băng tiến lên phía trước. Và bạn buồn hết một buổi chiều.
Mà chẳng nhẽ tất cả chỉ do một vết lão hóa trên mắt cá chân có hình đồng xu tim tím?




Trò chuyện



TRÒ CHUYỆN


Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

                (Thời gian – Văn Cao)

Trò chuyện là mật ngọt kết dính những mối quan hệ. Đời sống cần những câu chuyện, những lời nói lúc vui vẻ, hài hước, lúc phóng túng suồng sã, lúc âu yếm dịu dàng. Bạn lắng nghe những câu chuyện của Đời, lắng nghe sự thèm ước sẻ chia, hình ảnh một bàn tay nắm lấy bàn tay bạn khi đang chới với bên mép vực của nỗi nghi ngại và cô độc. Thật ấm áp, thật dịu dàng.

Không, đời sống cần được trao lời. Cần được hồi đáp. Làm sao cho viên sỏi ném xuống lòng giếng không chỉ vang lên tiếng cạch khô khốc rồi tan vào trong im. Mạch nước ngầm kia, thực ra, chỉ cần được khơi nguồn. Bằng những chuyện trò tin cậy. Bằng lời, và đôi khi, bằng im lặng. 
Nên là, trong thâm tâm, bạn vẫn luôn tìm cách chuyện trò. Dù thường khi, chỉ theo cách của viên sỏi ném xuống lòng giếng cạn.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Quên


QUÊN 

Bạn đi họp và quên điện thoại. Chuyện thường. Vì tính bạn vốn hay quên. Không quên không phải là bạn. Nhưng thực ra chuyện này không bình thường. Bởi vì biết mình hay quên nên bạn luôn tìm cách bắt bộ não khốn khổ của bạn không được phép quên. Bạn ghi việc vào giấy nhớ, dán tím xanh vàng đỏ gắp sổ, vở, túi xách, tường nhà. Bạn ghi đầu việc thành danh sách, cặp lên giá hẳn hoi, chưng ngay phía đối diện bàn làm việc, nơi ngẩng mặt lên là đập mắt vào. Bạn để chuông nhắc giờ, đồng hồ đặt chế độ nhanh hẳn mười phút. Bạn tính đếm đầu việc, tỉ mẩn gạch từng đầu việc một mỗi khi hoàn thành. Thật không sung sướng nào bằng khi ấn mạnh ngòi bút đánh roẹt một cái trên tờ giấy nhắc việc, nghe mát lạnh chạy lên tận chân tóc, hỉ hả tự thưởng bằng việc cho phép quên phắt nó trong vòng vài giờ tiếp theo. Thế nên não bạn luôn căng như dây đàn. Đến một ngày, não cũng biết thân phận mà tự đưa mình vào khuôn phép, kiểu như 5h30 sáng không chuông không mõ cũng tự động bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh, quên mất rằng đó là ngày mình đã được lên lịch quên.
Thế mà bạn đi họp và lại quên điện thoại.
Trong năm phút đầu khi phát hiện ra sự cố, bạn cuống hết cả lên. Ối giời ơi, việc ABCZ còn làm chưa xong. Á, với cả là làm sao để gọi về nhà đây? Lúc nãy vội nhao đi họp, còn bày bừa lanh tanh bành ra cả. Thôi chết, lại còn con bé đang chơi một mình trên gác tối nữa, làm sao mà gọi để nhắc bố nó kia chứ? Lửa cháy đến nơi. Nước ngập đến nơi. Đùng đùng. Nhao nhác. En nờ việc đang dở, mà việc nào cũng nguy cấp. Thế có nhớ điện thoại ai không? Không. Số con gái lớn? Không. Số chồng? Không. Số hàng xóm? Không. Hay gọi fb, có nhớ tài khoản với mật khẩu không? Không, đương nhiên rồi, làm sao nhớ, nhớ chết liền.
Sau năm phút, mọi phương án đưa ra đều vô khả thi. Não cá vàng nhất định không hợp tác. Không một câu thần chú nào có thể làm nó há mồm ngáp ngáp như thể vừng ơi mở ra. Mười phút tiếp theo, bạn ngồi và hình dung ra việc thế giới sẽ hoảng loạn như thế nào khi thiếu bàn tay sắp xếp và chỉ đạo của bạn. Cuối cùng, mệt mỏi với trí tưởng tượng, bạn thúc thủ. Hai tiếng tiếp theo bạn ngồi trên ghế, tay buông thõng, óc im trơ, không máy tính, không ipad, không điện thoại.
Bạn quên. Và bạn được quên. Hoàn toàn.
Và đó là hai tiếng thiên đường trong đời bạn.

Sáng tạo



SÁNG TẠO






Con gái nhỏ viết/ vẽ truyện tranh. Chưa biết chữ nên lên ý tưởng bằng miệng, sau đó nhờ mẹ viết lời và tiếp đến là tự vẽ tranh minh họa. Hì hục cả buổi. Mẹ vừa làm việc nhà vừa tranh thủ hỗ trợ phần lời. Tuy nhiên, trưa quá rồi mà các sự kiện vẫn còn quá nhiều.  Đã đến giờ ăn cơm, mẹ đề nghị kết thúc truyện. Ok, em gật. Và câu chuyện buộc phải kết thúc sớm hơn hơn dự kiến, đơn giản chỉ vì đã đến bữa trưa. Nhân vật chính - Thỏ Ra bít - rốt cục đã phải tạm biệt thế giới của diệu kỳ của Gián và rời nhà tắm sớm hơn ý định ban đầu chỉ vì tác giả không thể nhịn đói lâu hơn được nữa. Chưa bao giờ mình thấy quyền năng của người sáng tạo lớn đến vậy. Muốn cho nhân vật sống là sống, chết là chết. Dừng nghỉ bất kỳ chỗ nào cô ta/ anh ta muốn. Mà câu chuyện cũng không vì thế mà kém bất ngờ hay hấp dẫn. Sáng tạo, xét đến cùng, chỉ là một trò - chơi - tự - mình. Chẳng có gì nghiêm trọng. 


Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Trẻ con


TRẺ CON





Bạn stress vì công việc. Công việc chất đống như núi, và bạn, loay hoay trong núi việc vô nghĩa đó, thấy đời mình là bỏ đi.
Bạn bèn mắng trẻ con.
Bạn giận chồng. Vì đã bỏ lại trẻ con và núi việc nhà cho bạn. Vì cả cái gánh cơm áo gạo tiền nặng trĩu mà anh ta phải gánh, nên cũng y như bạn, anh ta thấy đời mình vô nghĩa.
Bạn bèn mắng trẻ con.
Bạn giận hàng xóm không cho bạn để nhờ xe. Bạn giận đồng nghiệp đã quên không chào bạn. Bạn giận bà bán cá ngoài chợ vì đã không bán cá tươi như hôm kia hôm kìa. Bạn giận cả con mèo, nằm phơi thây trên bậc cầu thang khi bạn đi làm về, trông mà ngứa cả mắt. Đời bạn luôn có cái gì đó để giận. Luôn có lý do để giận.
Bạn bèn mắng trẻ con.
Đơn giản vì trẻ con yếu ớt hơn, không thế đánh lại bạn hay trả treo cùng bạn. Vì trẻ con tốt bụng nữa. Bạn biết là trẻ con yêu bạn và sẽ tiếp tục bỏ qua sự thô bạo của bạn, kể cả lần này, lần này nữa.
Bạn mắng trẻ con, nói rằng đã không để cho bạn ngủ, rằng giấc ngủ với bạn rất cần thiết sau cả ngày làm việc vất vả, rằng giống như cốc nước đầy thì sẽ tràn, cái cây bị đè cong sẽ gãy, rằng tivi thì vớ vẩn, máy tính hại mắt và mẹ thì không thể chơi cùng con, ai sẽ làm việc, phải tự biết chăm sóc mình bla bla bla… Giọng bạn lên đến tone cao nhất, rung lên, trở nên the thé, trộn lẫn cả kim thủy hỏa thổ. Những bài học đạo đức trở nên lộn xộn, thiếu mạch lạc. Rồi bạn nói bạn ghét trẻ con, sau đó đến tiết mục phạt, sẽ không nhìn mặt trong cả buổi chiều. Và bạn bỏ đi, khệnh khạng như con gấu già, còn nghe tiếng trẻ con nức nở trong hai bàn tay nhỏ xíu úp vào mặt. 
Nhưng bạn gào lên thế thôi. Vì thực ra bạn yêu trẻ con. Và bạn cũng chỉ là một đứa trẻ. Một đứa trẻ loay hoay không biết làm gì với đời mình cho đến tận bây giờ. Một đứa trẻ với gương mặt cau có già nua. Nên chỉ một lúc sau, không cầm lòng được, bạn đã quay trở lại. Trẻ con đang nằm trên giường, không tivi không máy tính không ipad như bạn muốn, bức tranh đã hoàn thành, một ngôi nhà hạnh phúc với rất nhiều chi tiết kỹ lưỡng, chỗ nhảy dây, chỗ tưới cây, chỗ dắt cún đi dạo. Và đôi mắt to thật là to đang mở ra chờ đợi, hai lúm đồng tiền hằn một nụ cười hớn hở và đôi tay trần bé xíu ôm chặt cổ bạn. 
Tim bạn rung lên. Bạn đã hứa sẽ sống tốt hơn, quan tâm hơn đến người khác và cũng biết thương yêu bản thân hơn khi có trẻ con. Nhưng cho đến giờ, bạn vẫn chưa làm được điều đó.
Và tim bạn tràn ngập niềm ân hận.
Niềm thương cảm.