Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Vấn đề dạy học thơ Việt Nam đương đại

VẤN ĐỀ DẠY HỌC THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 
TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN NGỮ VĂN
                            
                                                                              Lê Hồ Quang



I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đây xin gọi tắt là Chương trình môn Ngữ văn 2018) có nhiều đổi mới so với chương trình Ngữ văn hiện hành.  hướng tới mục tiêu rèn luyện, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Tính mở, tính linh hoạt cũng là một  điểm mới hết sức quan trọng của nó. Những đặc điểm này sẽ dẫn đến vấn đề phát triển chương trình, vừa như một định hướng, vừa như một yêu cầu tất yếu. Nhưng làm sao trên cơ sở của Chương trình giáo dục phổ thông, đã được Nhà nước ban hành theo những quy định chặt chẽ, nghiêm nhặt về mặt chính trị, pháp lý, thực tiễn, khoa học, chúng ta, cụ thể là những người tổ chức quản lý và thực hiện việc dạy học ở trường phổ thông có thể mở rộng, phát triển chương trình một cách hiệu quả, thiết thực? Đó chắc chắn là một công việc hết sức đồ sộ và khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý, giảng viên, giáo viên... trong thời gian tới. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xác định nhiệm vụ đề xuất và trình bày giản lược về một nội dung phát triển chương trình cụ thể, đó là dạy học thơ Việt Nam đương đại ở trường THPT

  
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Tính mở -  điểm mới nổi bật của Chương trình môn Ngữ văn 2018
Trong Chương trình môn Ngữ văn 2018, ở phần Quan điểm xây dựng Chương trình, mục 3, đã nêu rõ: “Chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học một số văn bản  vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc  nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc” [8;4].
Theo tài liệu Hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới - môn Ngữ văn, tính mở của Chương trình thể hiện ở các điểm sau đây:
Một là không quy định chi tiết về nội dung dạy học, nhất là các văn bản - tác phẩm (VB-TP) cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số VB-TP có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc. Đây là nội dung thống nhất, bắt buộc đối với HS toàn quốc.
Hai là những VB-TP khác được CT nêu lên trong phần cuối văn bản chỉ là sự gợi ý về ngữ liệu, minh họa về thể loại, kiểu loại VB.
Ba là cho phép các tác giả sách giáo khoa (SGK) căn cứ vào các yêu cầu bắt buộc của CT, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển CT.
Bốn là cho phép GV được lựa chọn SGK, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của CT.
Năm là yêu cầu việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn SGK Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản CT môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá.” [9;7-8].
Rõ ràng, tính mở, tính linh hoạt là điểm mới nổi bật của Chương trình môn Ngữ văn 2018. Đặc điểm này hướng tới mục tiêu cung cấp cho học sinh nền tảng học vấn cốt lõi, đồng thời, linh hoạt đáp ứng với sự thay đổi của thực tiễn. Mặt khác, nó tạo điều kiện cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy quyền tự chủ, sáng tạo, đa dạng hóa các nguồn thông tin trong dạy học. Nó cũng cho phép chúng ta thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo xu thế của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, muốn phát triển Chương trình môn Ngữ văn 2018, chúng ta không thể không nắm vững đặc điểm này.
4. Dạy học thơ Việt Nam đương đại  trong Chương trình môn Ngữ văn 2018 - thực trạng và đề xuất
4.1. Thơ Việt Nam đương đại trong Chương trình môn Ngữ văn THPT hiện hành
Trong Chương trình môn Ngữ văn THPT hiện hành, phần thơ Việt Nam đương đại, nếu tính từ mốc 1975 đến nay chỉ có hai đại diện. Một là bài Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo, viết năm 1979, in trong tập Khối vuông rubích, NXB Tác phẩm mới, 1985, được học chính khóa trong chương trình lớp 12. Bài thứ hai là Đò Lèn của Nguyễn Duy, được viết năm 1983, in trong tập Ánh trăng, Nxb Tác phẩm mới, 1984, được đưa vào phần đọc thêm, cũng của chương trình lớp 12. So với phần thơ Việt Nam trung đại (25 bài), thơ Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỉ XX đến 1975 (17 bài), số lượng thơ Việt Nam đương đại quá thật quá ít ỏi. Mặt khác, ngay cả đối với việc dạy học Đàn ghi ta của Lorca, một bài thơ viết theo bút pháp tượng trưng, siêu thực, vẫn là thách thức không nhỏ đối với người dạy, người học. Nhìn rộng ra, mảng thơ Việt Nam đương đại, với những tác giả, tác phẩm có xu hướng đổi mới, cách tân trong quan niệm và lối viết, vẫn là đối tượng xa lạ với chương trình dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Việc nắm và vận dụng được phương pháp đọc thơ Việt Nam đương đại với những đặc điểm thi pháp khác với thơ trung đại, thơ lãng mạn, thơ Cách mạng… dĩ nhiên, là điều khó với học sinh phổ thông. Điều này càng khiến cho việc các em tiếp xúc và đánh giá giá trị của những tìm tòi, đổi mới ở các tác giả, tác phẩm đương đại dường như là điều bất khả. Trong khi đó, nghịch lý thay, các em đang sống đúng vào thời đại và bối cảnh của thơ đương đại. Do đó, chúng tôi nghĩ, rất cần thiết đưa nội dung này vào Chương trình môn Ngữ văn 2018. Mục tiêu được xác định ở đây là nhằm mở rộng kiến văn và diện đọc của học sinh, qua đó, đưa các em tiệm cận với những xu hướng tìm tòi mới của thơ ca, từ đó, hình thành nên một phương pháp đọc khoa học, hiệu quả, giúp các em biết cách lý giải, đánh giá khách quan về các hiện tượng thơ cách tân nói riêng, văn học đổi mới nói chung. Nói cách khác, đây cũng là một nội dung cụ thể để hình thành, phát triển các năng lực chuyên biệt của bộ môn Ngữ văn. Từ đó, hình thành nên một nhãn quan và lý tưởng thẩm mỹ, nhân sinh dân chủ, đa dạng, cởi mở. Dĩ nhiên, điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm và cách phát triển, thiết kế và tổ chức chương trình môn học trong nhà trường một cách khoa học, thiết thực, tránh sự nhồi nhét, quá tải.
 4.2. Định hướng dạy học tác giả, tác phẩm mới trong trong Chương trình môn Ngữ văn 2018 theo chuyên đề văn học
Theo Chương trình môn Ngữ văn, nội dung dạy học được xác định dựa trên các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp, gồm:
- Hoạt động đọc, viết, nói và nghe;
- Kiến thức (tiếng Việt, văn học);
- Ngữ liệu.
Văn bản lựa chọn phải đáp ứng những tiêu chí và yêu cầu cần thiết như  đáp ứng các mục tiêu giáo dục, năng lực, phẩm chất; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia;… Như vậy, gọi là mở, nhưng hệ thống ngữ liệu lựa chọn vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc và định hướng rất rõ ràng, chặt chẽ. Trong Chương trình môn Ngữ văn 2018, ở cấp THPT, các tác giả còn đề xuất hệ thống Chuyên đề văn học, nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp tri thức và hình thành, phát triển những năng lực đặc thù của bộ môn một cách hệ thống, chuyên sâu hơn. Mỗi lớp ở cấp THPT (10, 11, 12) đều có 3 chuyên đề với những chủ đề riêng. Tổng số tiết chuyên đề mỗi năm là 35 tiết/ 01 lớp. Cụ thể như sau:

Lớp
Tên chuyên đề
Số tiết
10
1. Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian
10
2. Sân khấu hóa tác phẩm văn học
15
3. Đọc, viết và giới thiệu một tập thơ, một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết
10
11
1. Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam
10
2. Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại
15
3. Đọc, viết và giới thiệu một tác giả văn học
10
12
1. Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học hiện đại và hậu hiện đại
10
2. Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học
15
3. Tìm hiểu phong cách sáng tác của một trường phái văn học: cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn
10

Mỗi chuyên đề đều có định hướng về nội dung và yêu cầu cần đạt. Ở chương trình lớp 10, chuyên đề 3. Đọc, viết giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết  nội dung và yêu cầu cần đạt được định hướng như sau:

ĐỌC, VIẾT GIỚI THIỆU
MỘT TẬP THƠ, MỘT TẬP TRUYỆN NGẮN HOẶC MỘT TIỂU THUYẾT

Yêu cầu cần đạt
Nội dung
– Biết cách đọc một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết.
1. Phương pháp đọc một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết
– Biết cách viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết.
2. Cách viết bài giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết
– Biết cách trình bày, giới thiệu một tập thơ, tập truyện  ngắn, một tiểu thuyết
3. Yêu cầu của việc trình bày, giới thiệu một tập thơ, tập truyện ngắn, một tiểu thuyết

Nhìn vào định hướng này, chúng tôi thấy, việc thiết kế chủ đề học tập về thơ Việt Nam đương đại trong chương trình môn Ngữ văn 2018 là hoàn toàn có tính khả thi. Chúng ta có thể thiết kế cho học sinh nội dung tìm hiểu về một tác giả, tác phẩm (tập thơ, bài thơ…) tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại ngay ở lớp đầu cấp THPT, dưới hình thức chuyên đề văn học.
4.3. Một số đề xuất về nội dung, phương pháp dạy học chủ đề thơ Việt Nam đương đại trong Chương trình môn Ngữ văn 2018
4.3.1. Về nội dung dạy học
Thơ Việt Nam đương đại là một thuật ngữ mang tính quy ước, nhằm chỉ những sáng tác thơ Việt Nam được viết và công bố chủ yếu trong khoảng thời gian từ sau 1986 đến nay. Thơ Việt Nam đương đại có nhiều khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo khác nhau, bao gồm cả những khuynh hướng đã xuất hiện trước đó và cả khuynh hướng tìm tòi, cách tân mới về mặt quan niệm, thi pháp. Trong bài viết này, chúng tôi muốn lưu ý tới khuynh hướng thơ cách tân, đổi mới về mặt thi pháp. Đây là một khuynh hướng sáng tác hội tụ khá nhiều cá tính nghệ thuật riêng biệt, độc đáo, như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Inrasara, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Tiến Dũng, Giáng Vân, Dư Thị Hoàn, Trương Đăng Dung, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly Trong giới hạn tham luận, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu ba tác giả, mà theo quan điểm cá nhân, có những đóng góp thi pháp nổi bật hơn cả  trong giai đoạn này, đó là Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasara.
 Nguyễn Quang Thiều
Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, tại làng Chùa, thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Hiện nay ông sống ở thị xã Hà Đông, Hà Nội. Nguyễn Quang Thiều thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì hậu chiến và khẳng định mạnh mẽ ở thời Đổi mới. Bắt đầu sáng tác từ năm 1983, sức sáng tạo dồi dào mãnh liệt của ông đã được khẳng định bằng 10 tập thơ, hơn 20 tập văn xuôi cùng nhiều tác phẩm dịch. Ngoài giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 dành cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa, ông còn sở hữu nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Với 10 tập thơ đã xuất bản, Nguyễn Quang Thiều luôn thể hiện mình là một cây bút có ý thức và quan điểm cách tân nghệ thuật mạnh mẽ. Năm 1990, Nguyễn Quang Thiều trình làng tập thơ đầu tay Ngôi nhà 17 tuổi. Đây là tập thơ gây nhiều cảm xúc đồng cảm bởi vẻ đẹp trong sáng, nhuần nhị. Không dừng lại đó, năm 1992, tập thơ Sự mất ngủ của lửa của ông ra đời. Tập thơ thể hiện một sự cách tân thi pháp táo bạo và bởi vậy, ngay từ khi ra đời đã trở thành tâm điểm của những tranh luận gay gắt, đặc biệt sau khi nó nhận giải thưởng của Hội Nhà văn vào năm 1993. Tiếp theo là Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Những người lính của làng (1996), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), Cây ánh sáng (2009), Châu thổ (2010)… Những tập thơ ấy đã thể hiện những tìm tòi mãnh liệt, không ngừng của Nguyễn Quang Thiều trong hành trình cách tân với những quan niệm mới mẻ và độc đáo. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều, nhìn chung, không tách rời quá trình trăn trở, vận động để đổi mới của cả một nền thơ, một thế hệ nhà thơ. Thơ ông phản ánh rất rõ những bước chuyển quan trọng của thơ Việt Nam sau 1986. Nguyễn Quang Thiều là gương mặt thi ca nổi bật của thơ Việt Nam đương đại.
Mai Văn Phấn
Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hiện sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng. Mai Văn Phấn được biết đến với tư cách một nhà thơ có khả năng lao động nghệ thuật bền bỉ và sức sáng tạo thơ ca dồi dào của thơ Việt Nam thời Đổi mới. Tính đến năm 2019, ở Việt Nam, Mai Văn Phấn đã xuất bản 16 tập thơ và một cuốn sách phê bình - tiểu luận; 17 cuốn thơ xuất bản ở nước ngoài. Thơ của ông đã được dịch ra 27 thứ tiếng; xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế. Năm 2014, ba tập thơ song ngữ của ông lọt vào top 10 tập thơ Châu Á bán chạy nhất trên mạng Amazon. Mai Văn Phấn cũng gặt hái được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Người Hà Nội (1994), giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ (1995), giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995 và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập thơ Bầu trời không mái che. Đặc biệt, năm 2017, Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển. Cho đến nay, rất ít nhà thơ Việt Nam có được thành công lớn như vậy. Với quan niệm “sáng tạo đồng nghĩa với việc khai sinh một thế giới riêng biệt”, hành trình viết và tìm tòi, cách tân ở Mai Văn Phấn diễn ra liên tục và ráo riết. Do đó, đọc thơ Mai Văn Phấn là “đọc”  một thế giới nghệ thuật khá đặc thù, được kiến tạo theo những nguyên tắc và phương tiện thể hiện không quen thuộc, gay gắt đòi hỏi người đọc một ý thức, một quan niệm tiếp cận mới. Mai Văn Phấn là một gương mặt cách tân xuất sắc của thơ Việt Nam đương đại
Inrasara
Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại làng Chăm Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Inrasara nghiên cứu văn hóa Chăm, làm thơ, viết văn, dịch và viết tiểu luận - phê bình văn học. Ông đã dành được nhiều giải thưởng về thơ và nghiên cứu, phê bình trong và ngoài nước. Inrasara là tác giả của 5 tập thơ  nổi tiếng: Tháp nắng (1996), Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em(1999), Lễ tẩy trần tháng Tư (1996), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (2006). Tháp nắng nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1997. Năm 1997 tập Sinh nhật cây xương rồng - thơ song ngữ Việt - Chăm ra đời cũng đã nhận được của Hội Văn học - Nghệ thuật của các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Cùng với đó là sự xuất hiện của Hành hương em, tập thơ là tiếng nói của người con xứ sở Chăm pa đang trên con đường tìm về với cội nguồn dân tộc mình. Năm 2002, Lễ tẩy trần tháng Tư ra đời, tiếp đó, vào 2006, là Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức, đã khẳng định vị trí cách tân thơ của Inrasara trong lòng độc giả, không chỉ trong nước mà ở tầm khu vực. Trong tư cách người cầm bút, mối quan tâm hàng đầu của Inrasara, cũng là chủ đề trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông, ấy là vị trí/ tình thế của người viết/ sự viết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại. Với ông, người nghệ sỹ hôm nay phải hiện diện vừa với tư cách “công dân toàn cầu”, vừa với tư cách một vùng/ địa phương văn hóa cá biệt. Một mặt, anh ta phải hướng ra thế giới bên ngoài để tìm kiếm, khám phá những giá trị chung, phổ quát của nhân loại, mặt khác, phải biết bảo lưu, gìn giữ những giá trị bản địa riêng biệt. Tất nhiên, những nhận thức, tư tưởng đó phải được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ hình tượng độc đáo, kết đọng những tìm tòi, khám phá táo bạo của tác giả trên hành trình hướng ra thế giới. Những cách tân trong quan niệm, tư tưởng và lối viết đã đưa Inrasara trở thành một gương mặt độc đáo của thơ Việt Nam đương đại.  
4.3.2. Về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến phương diện nội dung dạy học chủ đề thơ Việt Nam đương đại, bao gồm phần khái niệm, đặc điểm sơ giản và một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu có thể đưa vào dạy học trong chương trình môn Ngữ văn 2018, ở lớp 10. Tuy nhiên, để có thể dạy học chủ đề này trong nhà trường phổ thông, chúng ta còn phải chú ý đến nhiều phương diện khác, cụ thể là nguyên tắc thực hiện, phương pháp, hình thức, kỹ thuật tổ chức dạy học. Sau đây, chúng tôi xin đề xuất một số định hướng bước đầu.
 a. Phân tích chương trình quốc gia môn Ngữ văn, cụ thể hoá những nội dung trong chủ đề thơ Việt Nam đương đại sẽ đưa vào dạy học (tác giả, tác phẩm, dung lượng, số tiết dạy, thời điểm…)
b. Phân tích tình hình thực tiễn địa phương; trường học (ví dụ: bối cảnh trường học, đặc điểm năng lực, trình độ, sở thích… của giáo viên và học sinh); chuẩn bị các điều kiện thực hiện
c. Xác định, lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với thực tiễn nhà trường
d. Lập kế hoạch dạy học chủ đề thơ Việt Nam đương đại
Trên cơ sở những định hướng vừa nêu, chúng tôi xin mô tả một mô hình kế hoạch dạy học giản lược về chủ đề Thơ Việt Nam đương đại trong Chương trình môn Ngữ văn ở lớp 10 THPT. Dạy học chủ đề này, chúng ta có thể lựa chọn dạy học về tác giả, dạy học về tác phẩm (tập thơ hoặc bài thơ…). Để có một cái nhìn tương đối bao quát, ở đây, chúng tôi đề xuất phương án dạy học chủ đề về tác giả, cụ thể là về Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasara. Dĩ nhiên, yêu cầu tìm hiểu bao gồm về cả tác giả, tác phẩm (tập thơ, bài thơ). Ở trình độ học sinh lớp 10, giáo viên có thể định hướng học sinh tập trung tìm hiểu về một bài thơ nổi bật ở mỗi tác giả (chẳng hạn, với Nguyễn Quang Thiều có thể là bài thơ Lễ tạ, Nghe tiếng con chim cuốc, Sông Đáy, Những người đàn bà gánh nước sông, Cái đẹp, Những con cá ướp, Hồi tưởng… Với Mai Văn Phấn có thể là Mười nén nhang ở Ngã ba Đồng Lộc, Thuốc đắng, Dàn ý, Mười bài tập mùa xuân, Biến tấu con quạ, Từ nhà mình, Nơi cội nguồn thế giới… Với Inrasara có thể là Tháp nắng, Tháp hoang, Những dấu chân ơn nghĩa, Hành hương về bên kia đêm tối, Trong khoảng tối của gió mùa,… Xin lưu ý, đây mới chỉ là đề xuất của tác giả tham luận. Trên thực tế, tùy địa phương, nhà trường, đặc điểm năng lực, thị hiếu, sở thích, trải nghiệm nghệ thuật của giáo viên và học sinh, chúng ta hoàn toàn có quyền chủ động, linh hoạt lựa chọn những hiện tượng, vấn đề hoặc tác giả, tác phẩm khác nhau để tổ chức dạy học, không nhất thiết phải là các hiện tượng mà chúng tôi đề xuất.

THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI – MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU
(Chuyên đề dành cho học sinh lớp 10 THPT - 10 tiết)

I. Mục tiêu chủ đề
Rèn luyện cho học sinh:
1. Năng lực chung:
- Năng lực tự chủ và tự học: đọc, tìm hiểu văn bản (bao gồm văn bản thơ; văn bản thông tin, văn bản nghị luận có liên quan đến chủ đề); tìm kiếm các nguồn tư liệu liên quan (tranh ảnh, video, bài viết,... ); huy động những trải nghiệm của bản thân (nếu có) về thơ Việt Nam đương đại và các tác giả tiêu biểu (Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasara).
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: chia sẻ nguồn tư liệu và trải nghiệm của cá nhân; thảo luận nhóm; thuyết trình; đối thoại với giáo viên và bạn học về các vấn đề của bài học.
 - Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: xử lí các tình huống được đặt ra trong bài học; thiết kế được một văn bản thuyết trình về một tác giả thơ Việt Nam đương đại tiêu biểu; đề xuất phương pháp đọc một tác giả, tác phẩm thơ Việt Nam đương đại.
2. Năng lực chuyên biệt:
Năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, cụ thể:
* Kĩ năng đọc - hiểu: biết đọc hiểu một tác giả thơ Việt Nam đương đại, đọc hiểu về một tác phẩm tiêu biểu của tác giả ấy.
* Kĩ năng viết: viết văn bản thuyết minh (về một tác giả, tác phẩm thơ Việt Nam đương đại, sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ).
* Kĩ năng nói và nghe:
- Thuyết minh, trình bày về đặc điểm của một tác giả thơ Việt Nam đương đại, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.
3. Phẩm chất, thái độ:
Giáo dục học sinh có ý thức tiếp cận, lý giải, đánh giá các hiện tượng thơ Việt Nam đương đại với tinh thần cởi mở, khách quan, khoa học.

II. Chuẩn bị
2.1. Giáo viên:
a. Phương tiện dạy học:
- Máy tính/điện thoại có kết nối internet, máy chiếu, loa.
- Phiếu học tập
- Kế hoạch dạy học
- Các trang web liên quan đến các tác giả dạy học, các văn bản thơ
- Video giới thiệu về các tác giả, tác phẩm có liên quan
* Công cụ đánh giá:
- Bảng tiêu chí đánh giá/yêu cầu cần đạt
- Phiếu đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh đạt được sau bài học.
2.2. Học sinh:
- Biết tìm kiếm, phân loại, tổng hợp được thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau trên văn bản và mạng internet
- Hiểu được vị trí, đặc điểm của tác giả thơ Việt Nam đương đại được phân công tìm hiểu
- Nêu được nhận xét, đánh giá bước đầu về giá trị, ý nghĩa của hiện tượng tác giả, tác phẩm tìm hiểu
- Trình bày được các nội dung trên qua hình thức thuyết trình và trình chiếu, vẽ sơ đồ tư duy…
- Xác định thái độ nghiêm túc, cởi mở, khoa học

III. Tiến trình tổ chức các hoạt động dạy học
Tên/ thời gian
Mục tiêu
Nội dung
Phương pháp, công cụ
Yêu cầu cần đạt




Chuẩn bị
(4 tuần)
- Giúp HS có ý thức,  tâm thế học tập tích cực
- Giúp HS có được kiến thức nền, phương tiện, công cụ để tiếp cận chủ đề
- Hình thành năng lực nghiên cứu văn học
- Phát triển năng lực giao tiếp,  hợp tác, làm việc nhóm

Hoạt động 1: GV nêu yêu cầu và định hướng tìm hiểu về tác giả, tác phẩm
- Có thể phân lớp thành 03 nhóm, phân công mỗi nhóm tìm hiểu 01 tác giả: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasara
- Nêu các yêu cầu cần thực hiện (mục tiêu cần đạt, nội dung, dung lượng, thời gian, sản phẩm phải hoàn thành…)
- Cung cấp các tài liệu, văn bản, đường link, trang web có liên quan đến các tác giả, ví dụ maivanphan.vn, inrasara.com…) 
- Hướng dẫn các phương pháp, hình thức thực hiện (nghiên cứu tài liệu, viết báo cáo, trình chiếu, làm việc nhóm…)
Hoạt động 2: HS hoạt động theo nhóm, thực hiện các yêu cầu của GV
- Phương pháp làm việc nhóm, dự án, sơ đồ tư duy, sử dụng bảng hỏi…

 - Thực hiện các yêu cầu của giáo viên
- Có sản phẩm trước buổi báo cáo + 01 văn bản báo cáo sơ lược về vị trí, đặc điểm tác giả nghiên cứu (3 trang đánh máy)
+ 01 văn bản trình bày cảm nhận về một tác phẩm tiêu biểu của tác giả tìm hiểu (1 bài thơ, do học sinh tự chọn).
- 01 bản trình bày powerpoint (khoảng 10 - 15 slide) nội dung trình bày đặc điểm của tác giả và một số văn bản thơ tiêu biểu
- 01 sơ đồ tư duy (mô tả tiểu sử, hành trình sáng tạo, tác phẩm nổi bật, nội dung, hình thức thơ) của tác giả


Báo cáo kết quả
(3 tiết/01 nhóm)

- Hình thành năng lực văn học  và ngôn ngữ (trình bày vấn đề, trao đổi, tranh luận, đọc – hiểu văn bản thơ)
- Phát triển năng lực làm việc nhóm, giai tiếp và hợp tác
Hoạt động 3. Các nhóm HS tiến hành báo cáo độc lập. Mỗi nhóm có thể có nhiều thành viên báo cáo. Mỗi thành viên phụ trách một nội dung. Nhóm có thể trình bày về một tác giả theo trình tự nội dung:
- Tiểu sử - hành trình sáng tác - những tác phẩm tiêu biểu - đặc điểm nội dung - đặc điểm hình thức
- Những điểm đáng lưu ý trong phong cách tác giả
- Trình bày cảm nhận, đánh giá về 01 bài thơ tiêu biểu của mỗi tác giả
- Phương pháp làm việc nhóm, dự án, sơ đồ tư duy, thuyết trình, kỹ thuật khăn trải bàn, tranh luận - phản đối…

- HS phải trình bày kết quả sản phẩm trước lớp theo yêu cầu
- Phải tiến hành thuyết trình, thảo luận theo nội dung, thời gian, quy định
- Làm rõ được vị trí, đặc điểm của tác giả mà nhóm tìm hiểu
Hoạt động 4. Các nhóm tiến hành trao đổi, thảo luận, nhận xét về sản phẩm và phần trình bày của nhau

- Phương pháp phát vấn, thuyết trình, Nêu vấn đề…

Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
(1 tiết)
- Chốt lại nội dung chủ đề
- Giúp HS nắm vững vấn đề
- Giúp HS nắm được phương pháp luận nghiên cứu một tác giả thơ đương đại
Hoạt động 5:
- GV đánh giá kết quả làm việc của HS
- Chốt lại đặc điểm cần nắm của các tác giả thơ Việt Nam được trình bày
- Nêu một số điểm cần chú ý về nội dung, phương pháp tiếp cận, lý giải tác giả thơ Việt Nam đương đại  
- Thuyết trình giản lược, trình chiếu, sơ đồ tư duy
- Bảng hỏi, bảng đánh giá (Rubric)
- GV trình bày gọn, rõ vấn đề
- Nhấn mạnh phương pháp tiếp cận một tác giả thơ Việt Nam đương đại


III. KẾT LUẬN
Trên đây, chúng tôi đã trình bày một số nội dung cơ bản về vấn đề dạy học  thơ Việt Nam đương đại trong Chương trình môn Ngữ văn 2018. Xét trên nhiều phương diện thực tiễn cũng như lý luận, chúng tôi thấy rằng việc đưa nội dung dạy thơ Việt Nam đương đại vào Chương trình Ngữ văn THPT 2018 là một điều cần thiết và hoàn toàn có cơ sở để thực hiện được ở nhiều địa phương, nhà trường. Nếu làm tốt điều này, nó sẽ góp phần mở rộng kiến văn của học sinh, đưa các em tiệm cận với những xu hướng tìm tòi mới của thơ ca Việt Nam đương đại; cùng với điều đó, góp phần hình thành nên một phương pháp đọc khoa học, giúp các em biết cách lý giải, đánh giá khách quan về các hiện tượng thơ cách tân nói riêng, văn học đổi mới nói chung. Nhìn rộng ra, chủ đề dạy học này cũng sẽ góp phần hình thành, phát triển các năng lực chuyên biệt của bộ môn Ngữ văn - năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Tất nhiên, chúng tôi cũng ý thức rất rõ rằng, từ những đề xuất phát triển chương trình mang tính lý thuyết trên đây đến thực tiễn tổ chức, thiết kế chủ đề học tập này ở từng địa phương, nhà trường, trong các bối cảnh, môi trường quản lý và dạy học riêng biệt, cụ thể còn đặt ra rất nhiều vấn đề, đòi hỏi phải được giải quyết. Mặt khác, như đã nói ở trên, bài viết cũng mới chỉ tạm phác qua một mô hình dạy học chủ đề theo hướng phát triển năng lực học sinh sơ giản. Hy vọng, trong tương lai, mô hình này sẽ được bổ sung, phát triển và được hiện thực hóa trong nhà trường phổ thông.  
Vinh, ngày 19/8/2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông, Chương trình Tổng thể.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông, Môn Ngữ văn.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2019), Hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Ngữ văn (Tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí), https://taphuan.csdl.edu.vn
10. Nguyễn Việt Chiến (2007), Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (1975-2000), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
11. Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng, Nxb Văn học, Hà Nội.
12. Nhiều tác giả (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
13. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
14. Lê Hồ Quang (2015), Âm thanh của tưởng tượng (Phê bình thơ Việt Nam hiện đại), Nxb Đại học Vinh.
15. Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu thổ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét