Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Một chỗ trong đời

MỘT CHỖ TRONG ĐỜI


Tác giả: Annie Ernaux
Người dịch: Nguyễn Thị Thúy An
Nxb Nhã Nam, Hội Nhà văn, 2016


Người cha là trung tâm câu chuyện. Cuộc đời ông được tái hiện những nét cơ bản, theo diễn trình tiểu sử giản lược, khô khan: thời ấu thơ khốn khó, tuổi thanh niên vật lộn để kiếm sống, tuổi trung niên ít nhiều thảnh thơi, cuối cùng - tuổi già và cái chết. Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của người con gái, bắt đầu từ việc chứng kiến cái chết của cha mình, song song với việc chuẩn bị tang lễ, hồi nhớ về cuộc đời ông. Cuốn sách là sự quan sát, ghi chép, tái hiện khách quan, đôi khi nhát gừng, thờ ơ. Nó gợi nhớ đến Người xa lạ (Albert Camus)  với giọng kể trung tính, lãnh đạm, tước bỏ mĩ từ, ẩn dụ, chỉ còn lõi quan sát - ghi chép - tái hiện.
Bắt đầu từ cảm giác khó chịu, cuốn truyện càng ngày càng gây xúc động cho người đọc, là mình. Có gì đáng kể về cuộc đời người cha qua những chi tiết vặt vãnh? Một đứa trẻ nông thôn lam lũ, thất học, một công nhân nghèo túng, một ông chủ tiệm cafe nhỏ cần kiệm, chắt bóp. Một người ở tầng lớp thấp, cố gắng vật lộn để kiếm sống và tìm một chỗ đứng trong đời. Một người lao động bình dân, mang trong lòng nhiều tổn thương, mặc cảm. Tất cả tình thương, khao khát dồn vào đứa con gái duy nhất, hy vọng nó có được học thức, bằng cấp, địa vị, để có thể sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời đáng sống. Nhưng đứa con, khi đã lớn lên, trở thành “người thành đạt”, đạt đến cái đích người cha  mong muốn - lọt vào tầng lớp trên, sống đời sống thượng lưu dư dả - lại trở nên thờ ơ, xa cách, như một kẻ lạ với chính cha mẹ mình. Bởi con người ấy cũng nếm trải đầy đủ sự thờ ơ, lạnh nhạt của người chồng, của thế giới thượng lưu mà mình đã bước chân vào nhưng biết chắc là không thuộc về. Vị trí bên trong, cũng là bên ngoài ấy cho phép tác giả - người kể chuyện tái hiện những dữ kiện về cuộc đời người cha của mình theo cách khác. Sâu hơn. Như  là sự cách biệt về học vấn, nhận thức, trình độ văn hóa, những mâu thuẫn trong thói quen sống, ngôn ngữ, ứng xử, giao tiếp, những trải nghiệm cá nhân khép kín, đơn độc. Như là tính cách của người cha, những thói quen thường nhật, sự bất ổn, cả những thói xấu, sự thô lỗ, gàn dở, thất thường… Ở vị trí “lưng chừng babel”, đứa con hiểu cha mình hơn ai hết. Cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Cả điều bình thường lẫn bất thường. Những giằng xé, dằn vặt, định kiến. Tình thương, nỗi chua xót, bất lực, mặc cảm nghèo hèn, thô lậu… Bởi vì, thực chất cha cũng là con và ngược lại. Họ giống nhau: những kẻ cô độc, lạc loài, luôn nhầm chỗ, luôn khát khao “một chỗ trong đời”.
Giọng văn lạnh, khô khan nhưng không đem lại vẻ kìm nén nhằm tạo kịch tính hời hợt. Nó không cố tình. Nó thản nhiên. Như mọi thứ vốn là thế, không có gì cần thiết phải cường điệu, phải nống lên. Nhưng từ những chi tiết nhỏ nhặt, như không đáng kể, cho thấy người con đã không quên. Không có gì bị quên lãng. Một sự đối chiếu tự nhiên, san sẻ tự nhiên, kín đáo, cho thấy sự thấu hiểu bên trong. Câu chuyện kể về một cuộc đời không đáng kể, cho đến khi chết. Nhưng có thực là cuộc đời ấy không đáng kể? Cuốn sách được viết ra là để nói điều ngược lại.  
                                                        
                              Vinh, 12/10/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét