Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

ĐỌC THƠ NGUYỄN THẾ HOÀNG LINH


                                                                                                           Lê Hồ Quang
Phản ứng của nhiều độc giả khi đọc (thơ) Nguyễn Thế Hoàng Linh là cười phá lên, ngay lập tức. Và cũng gần như ngay lập tức, những câu chữ ấy găm vào trí nhớ, để những lúc thích hợp (hoặc cả không thích hợp nữa), bật ra cùng những tràng cười thoải mái hết cỡ. Mà những câu/ bài như vậy thì nhiều lắm!
Nhưng khi ta gắn những bài/ câu ấy với cái nhãn trang trọng là “thơ”, phần lớn độc giả nói trên sẽ tỏ ra nghi hoặc: Thế mà là thơ ư?! Ở đây, tôi đã cố tình nhại lại một tên sách, cũng là một khái quát nổi tiếng về phản ứng của độc giả trước các tác phẩm nghệ thuật cách tân đương đại *. Thực chất, phản ứng thường gặp trước thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh này cũng là phản ứng trước nhiều hiện tượng thơ mới/ lạ khác. Và điều này đặt ra nhiều vấn đề (thực ra đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến), đó là vấn đề quan niệm về thơ và cách đọc thơ.
Thế mà là thơ ư?



Từ “thế” đã bao hàm một sự khái quát nhanh về thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh. “Thế” nghĩa là, ít nhất, mấy điểm sau đây:
- Thường nói về những đề tài “vớ vẩn”, “tầm phào”, “không đâu vào đâu”, ví dụ chim rơi, đi xe tay ga, gọi điện cho tổng đài một không tám không, thấy cô em hở sịp trên đường... (không có đề tài “nên thơ”).
- Dùng nhiều hình ảnh, từ ngữ thông thường, có khi bất nhã, pha trộn tiếng lóng, từ nước ngoài một cách lộn xộn, rất ít các biện pháp mĩ từ hóa, thường chỉ như lời nói hàng ngày, trần nghĩa (không có ngôn ngữ “nên thơ”).
- Dùng giọng điệu tếu táo, tưng tửng, trửng giỡn (không có giọng điệu “nên thơ”).
- Dùng chủ yếu thể lục bát (dễ dãi, quen thuộc, không có cách tân gì, rất gần với ca dao hoặc... thơ Bút Tre).
Như vậy, bằng phép đối ứng, chúng ta có thể khái quát nhanh về quan niệm “thơ đích thực”, thường (phải) thế này:
- Thơ phải nói về những đề tài trang trọng, quan trọng, chẳng hạn, tình yêu, đời sống nội cảm, thế sự...
- Thơ phải có ngôn ngữ giàu tính thơ, giàu biện pháp tu từ, những từ ngữ, hình ảnh phải “đẹp”, dễ gợi những xúc cảm thi vị, thường được giới hạn ở hình ảnh thiên nhiên, đời sống tinh thần và nếu có nói về cơ thể, nhất định không đi xuống... phần dưới.
- Thơ phải có giọng điệu trữ tình, nghĩa là giàu cảm xúc, thường nghiêng về giọng rưng rưng buồn thương.
- Thơ đương nhiên phải có những tìm tòi hình thức mới và... đẹp. Có thể sử dụng các thể truyền thống như lục bát nhưng phải hàm chứa một nội dung trang trọng, nên thơ chứ không phải lục bát theo kiểu vỉa hè, đường phố. 
Như vậy, đích thị (thơ) Nguyễn Thế Hoàng Linh không phải là thơ theo quan niệm này.
Nhưng nó có phải là thơ không?
Có, nó là thơ, theo một quan niệm khác. 
Là thơ, khi nó bộc lộ trực tiếp thái độ, cảm xúc, tư tưởng của cái tôi chủ thể. Đó là cảm xúc, thái độ của một con người trẻ tuổi sống và lên lên nơi đô thị, đang nhìn đời sống bằng con mắt của riêng anh ta. Một cái nhìn cởi mở, nhẹ nhõm, không kém phần tò mò và hài hước. Nên, thơ anh ta không nói về những vấn đề to tát, trầm trọng, anh ta chỉ nói về những gì trong chính đời sống trải nghiệm của cái tôi ấy, không tô vẽ, không nống lên, không trầm trọng hóa vấn đề. Tự thái độ ấy đã là thơ, nó nhẹ nhõm. Và nó cũng cho thấy một tư tưởng hiện sinh, tư tưởng thơ (hiểu theo nghĩa... nhẹ nhõm của nó).
Là thơ, khi nó thể hiện một ngôn ngữ, giọng điệu trữ tình riêng. Không phải là thứ ngôn ngữ giọng điệu theo kiểu truyền thống, lãng mạn chủ nghĩa. Một thứ ngôn ngữ của người trẻ, sống trong thời của điện thoại thông minh, internet, của chat, của attach file, của google... Tại sao thứ ngôn ngữ “bình dân” nhưng phổ biến của thời hiện tại này không được phép có mặt trong cái gọi là thơ, vốn được hình dung như “tấm gương” của đời sống, bên cạnh văn xuôi, kịch, ký? Hay thơ, để bảo lưu tính thơ (lãng mạn) của nó, cứ phải lạc hậu về mặt ngôn ngữ? Thêm nữa, là giọng điệu. Cái làm người ta thú vị nhất khi đọc thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh chính là giọng điệu. Không nên hiểu giọng điệu như là một yếu tố tách rời khỏi các yếu tố khác của thơ anh ta. Kỳ thực, nó là con đẻ của cái nhìn trữ tình tò mò, hài hước và vui vẻ đã nói trên kia. Chỉ cái nhìn ấy mới đủ khả năng phát hiện ra vô số vẻ ngộ nghĩnh, buồn cười trong đời sống phường phố xung quanh chúng ta. Một cái nhìn hồn nhiên rất gần với trẻ thơ. Hài hước nhưng vui vẻ, bất ngờ nhưng thú vị, nhạy bén nhưng không châm chọc nặng nề. Thiếu cái nhìn và giọng điệu hài hước, vui vẻ này sẽ không ra thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Do đó, chọn thể rất quen (phần lớn thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh được viết theo thể lục bát), nhưng thơ anh ta vẫn đem lại cảm giác lạ, vì sự thay đổi trong ngôn từ, giọng điệu. Và cũng do đó, vừa nối tiếp truyền thống, thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh vừa phản - truyền thống. 
Thêm nữa, là thơ, khi nó tìm được sự “đồng cảm” tự độc giả. Bây giờ hãy trở lại với cái phản ứng tức thì của độc giả khi đọc thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh. Chẳng phải là, khi đọc lên những câu của Nguyễn Thế Hoàng Linh, ta bật cười gần như ngay lập tức hay sao? Chẳng phải là chỉ khi gắn mác là thơ, ta mới có “lăn tăn” hay sao? Vậy vấn đề là gì? Vấn đề là, nếu đọc với một tâm thế hồn nhiên, cởi mở, không lệ thuộc vào những định nghĩa mang tính “định mệnh” về thơ, ta sẽ nhanh chóng nhận ra sự thú vị của thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và sự đồng cảm sẽ được thiết lập. Không chỉ do thể thơ lục bát quen thuộc hay sự bình dân trong câu chữ, hình ảnh, cái chốt là ở tính phát hiện trong những hình ảnh sự vật, trong sự kết nối bất ngờ của câu chữ và đặc biệt, trong cái hóm hỉnh, vui vẻ của giọng điệu.
Ta cười, không phải vì nó là “thơ”, mà ta cười vì nó đã đánh động một nhu cầu tự bên trong ta: nhu cầu được cười, một cách hồn nhiên, vui vẻ, không cần lý do. Nó giải phóng nguồn năng lượng sống bị kìm hãm, vây bủa, dồn nén bởi cuộc sống đô thị cuồng bức, tù hãm này. Khi đó, ta cười, bởi vì đó là cái mà ta muốn có: một đời sống nhẹ nhõm, vui vẻ.
Lẽ nào, với tất cả những điều đó, thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh không đáng gọi là Thơ?

* Cynthia Freeland (2009), Thế mà là nghệ thuật ư? Như Huy dịch, NXB Tri thức.



5 nhận xét:

  1. "Ai là người bấm Like đầu tiên
    Sẽ là người gặp nhiều may mắn
    Ai bấm Like thứ hai chắc chắn
    Sẽ là người đứng đắn, hoặc không
    Một chiếc Like trôi nhẹ trên sông
    Em vớt lấy rồi thả vào bể cá
    Anh hãy nuôi con Like này nhá
    Cho đỡ buồn những lúc không em
    Mỗi lúc buồn giở Like cũ ra xem
    Hình dung lại cách em bấm nó
    Và cảm thấy bấm Like không hề khó
    Hiểu điều này, ta đã bớt yêu em"

    Trả lờiXóa
  2. Thơ hay không thơ thì cũng vui nhỉ, Carolina!

    Trả lờiXóa
  3. đồng ý với lê Hồ Quang và thích cả bài bấm like của Carolina nữa

    Trả lờiXóa
  4. Toàn bộ phần lý giải của author thật sự hợp lý với định nghĩa của Thơ con cóc. Xin chân thành cảm ơn!

    Trả lờiXóa