Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Thơ Trần Hùng

TIẾNG VƯỜN KHUYA
(Về tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng,
Nxb Hội Nhà văn, 2015)
                                                                            
                                              Lê Hồ Quang
Ngay từ cái tên, Vườn khuya đã ngầm gợi ý cho người đọc cách bước vào không gian thơ Trần Hùng. Đấy là không gian tượng trưng được xây dựng bởi nhiều hình ảnh - biểu tượng mà trong đó, vườn khuya là biểu tượng trung tâm, đóng vai trò tập hợp và liên kết các yếu tố riêng lẻ vào một chỉnh thể nghệ thuật khá trọn vẹn. Đọc Vườn khuya, với tôi, thực chất là đọc” biểu tượng trung tâm này.
Thực ra, vườn là biểu tượng không mới trong văn hóa, văn học phương Đông. Gắn liền với hệ thực vật (cây lá, cỏ hoa…), cùng với ánh sáng và sắc xanh, vườn là tượng trưng của sức sống thiên nhiên thuần khiết, yên bình, nơi bao bọc, chở che tâm hồn con người. Vườn, trong một ý nghĩa phổ biến khác, còn tượng trưng cho không gian tâm hồn và tình yêu lứa đôi mà nổi tiếng trong thơ xưa là Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ; Truyện Kiều của Nguyễn Du; sang thời hiện đại, ta có “vườn thơm ngát của hồn tôi” của Xuân Diệu; “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử; gần hơn chút nữa là “vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ; là khu vườn với “những hạt trong ngần nước mắt” của Ý Nhi… Tôi nhắc hơi nhiều (mà vẫn hoàn toàn không đủ) để nói rằng Vườn khuya của Trần Hùng là sự tiếp nối rất tự nhiên của cảm hứng thơ quen thuộc ấy. Tuy nhiên, khi chọn tính từ “khuya” làm định ngữ cho “vườn”, có lẽ Trần Hùng đã ngầm định hướng tính chất riêng của khu vườn này - tính chất của bóng đêm, của góc tối u uẩn, sự riêng tư.

Là vườn khuya nên dĩ nhiên gắn với hình ảnh bóng tối, đêm, lá, sương, lối mòn… Là vườn khuya nên dĩ nhiên gắn với cảm giác lặng lẽ, trống, vắng, mòn, lạnh,… Nhưng vườn khuya của Trần Hùng còn đem lại ấn tượng khác biệt  bởi những hình ảnh  rừng trăng”, “cây trăng”, “cây đêm”, “ong đêm không cánh”, “gương mặt đá lạnh như môi”… Những chi tiết nói trên đã chỉ dẫn độc giả dấn tới những hàm nghĩa sâu hơn của vườn khuya, mà trước hết là lớp nghĩa “vườn tình”, nói đúng hơn là khu vườn của một mối u/ ẩn tình. 
Ta hãy chú ý đến cái đối tượng trữ tình Em trong thơ Trần Hùng (mà tác giả thường gọi một cách phiếm chỉ là “Người”). Hình ảnh người đàn bà này luôn được bao phủ bởi không gian bóng đêm, đêm tốiNgười ở đây một đêm tóc dài/ một đêm mắt mắt/ môi cay và nóng (quỳ vàng dâng trổ [1]); đêm tôi mơ em/ bông hoa nở vườn nhà người (lời đêm); Tôi muốn nhìn em thật lâu rồi thả ánh nhìn vào trong đêm/ tôi muốn ôm em thật lâu rồi thả tay mình vào thẳm  sâu/ nhưng giờ đây tôi như hạt cát biển rung lên dưới sao đêm dưới san hô thiêm thiếp (ánh lên gương mặt); lối nhớ từng đêm xanh/ từng đêm xanh nỗi nhớ/ xe đạp bên tường cũ/ người bỏ đi đâu (nảy một vì sao); nếu em còn mơ thấy anh/ hãy cầm sợi tóc vương trên gối/ gieo xuống/ cây đêm sẽ mọc lên (trong vườn khuya); chúng mình xa nhau - một tiếng thở dài/ chúng mình xa nhau - một đêm sâu lắm (trong cơn đau)… Rất đáng chú ý là lời cái tôi trữ tình nói với “Người”, ấy cũng là lời đoan quyết vượt qua “trùng trùng bóng tối” vây phủ mối tình hai người: Những con đường có sẵn tới em tôi không chọn đường nào/ tôi muốn đi qua đá và gai qua trùng trùng bóng tối/ tôi muốn bay cùng những cánh ong đêm (ong đêm không cánh)… Vườn khuya là sự trộn lẫn của ham muốn nhục cảm, nỗi buồn thương và cảm giác bất an. Khác với hình ảnh vườn gắn liền với ánh sáng, sắc xanh và xôn xao cỏ hoa, thường gợi cảm giác bình yên trong thơ của nhiều tác giả khác, vườn khuya, với những tính chất đi kèm đặc thù nói trên gợi nhiều linh cảm âu lo, thắc thỏm. Hơn thế, vườn khuya là cái đẹp ẩn chứa bất trắc: chồi xuân ngực em/ gai xuân môi anh/ giọt giọt xuân đỏ thắm và mặn/ em khóc (lưng hoa bóng đòng); em ngực gầy khăn mỏng/ môi nảy một vì sao/ vì sao đỏ thắm/ vút lên đêm (nảy một vì sao); và em - bông xuân nụ nhung cuống tuyết/ giọt giọt sương đen vừa buông lại cất lên/ thành những vì sao găm vào trời đêm (mùa vân tay); ơi mũi tên nâu/ hãy bay đi bay đi/ bay về nơi thênh sáng/ nơi có loài hoa tử kinh chưa thức/ nơi lưu trữ nỗi buồn/ và mái tóc thon sổ tung báo động (mũi tên nâu)… Nhưng sau tất cả, vườn khuya cũng chỉ còn là một giấc mơ đầy mơ hồ của đời người: Xa cách ngân lên/ đêm tôi  em (lời đêm); ta  về em bàn tay gân xanh/ ta  về em ngực gầy khăn mỏng (nảy một vì sao);  vết thương không liền da, mơ cánh chim ngày ẩm ướt/ mơ đêm trăng không còn vòm cây ẩn nấp/  mùa không tên (trong cơn đau)… Những miêu tả về khu vườn nội tâm này gợi nhớ một câu thơ xuất thần của Lê Đạt: Vườn thức một mùi hoa đi vắng (Bóng chữ). Và cả những ca từ của Trịnh Công Sơn:
Thôi về đi đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa…
                             (Phôi pha)
Tất cả đã mất mà (dường như) tất cả vẫn còn. Quá khứ và hiện tại song song đồng hiện. Trong mênh mông.
Em là một biểu tượng (gần như) trùng khít với vườn khuya, là biểu hiện tập trung “tính nữ” của vườn khuya. Nói cách khác, vườn khuya hé lộ một góc tâm sự cá biệt, rất mực riêng tư, sâu kín của tác giả.
Nhưng có phải vườn khuya chỉ là biểu tượng của một nỗi u/ ẩn tình? Tôi nghĩ không hẳn. Hãy đọc Nghe máu. Bài thơ cho thấy một chiều kích khác của diện mạo thơ Trần Hùng, bình thản mà dữ dội:
Tôi không ngạc nhiên cách anh chết
một đường dao lam
máu dịu dàng
lắng nghe lời máu từ biệt
là kiệt cùng khám phá
phải không 
Hình ảnh đường dao lam dịu dàng đến lạnh người này còn xuất hiện trong một bài thơ khác: rã cánh. Nó cho thấy ít nhất hai đặc điểm ở ngòi bút tác giả: thứ nhất, ấy là năng lực trực giác nhạy bén; thứ hai, ấy là khả năng diễn tả chính xác sự khốc liệt của đời sống bằng giọng điệu hết sức bình thản. Sự tương phản giữa giọng điệu (kìm nén hết mực) và hình ảnh (rất dữ dội) đem lại ấn tượng khác thường, gần như sự kỳ dị. Sức bùng nổ của cách diễn tả này là rất lớn, chỉ tiếc là những bài kiểu này rất ít trong tập thơ. 
nghe máu là bài thơ có vẻ khác nhất (về cảm hứng, về cách viết) so với những bài trong tập. Chính nó đã gợi ý tôi nghĩ thêm về một đặc điểm khác của ngòi bút Trần Hùng, ấy là sự sắc sảo, tỉnh táo trong cách nhìn, cách diễn tả về hiện thực đời sống. Có điều, do tính chất tập trung đề tài của Vườn khuya (là một tập thơ tình, chủ yếu viết về đề tài tình cảm cá nhân) mà đặc điểm ấy chưa được bộc lộ rõ trong tập.
Từ đây, có thể thấy vườn khuya là một không gian tượng trưng đa nghĩa. Nó có khả năng đan lồng/ phản chiếu nhiều vùng không gian khác của đời sống. Nhưng bao giờ cũng vậy, nó luôn “cải biến” mạnh mẽ những vùng ngoại giới, biến chúng thành không gian của cảm xúc, tâm tưởng. Bởi vậy, vườn khuya có khi chính là vùng đất Cao Bằng nơi nhà thơ sinh sống, với những địa danh có tên và không tên: phố Thầu, cà phê Thanh, rừng ngun ngút, đèo ngun ngút, khu rừng không có nấm… Có khi là những vùng đất tác giả từng đặt chân qua và đã thành một phần đời trong ông: cao nguyên rưng rưng, vút lên những ngọn rừng, dòng sông im mơ mơ cánh đồng, biển sâu trước nắng… Thời gian hóa không gian, biến chúng thành vĩnh viễn trong tâm khảm, đấy là cách làm của Trần Hùng: một đêm tóc dài, ngày cao nguyên rưng rưng, từng đêm xanh nỗi nhớ, một đêm hồng kông (tác giả không viết hoa tên địa danh)… Đặc biệt, để mô tả không gian của đêm tối, tác giả đã sử dụng khá nhiều màu sắc, chủ yếu là màu nguyên bản: quỳ vàng, hoa cải vàng, đèn vàng, tóc xanh, đêm xanh, nến trắng, mưa trắng, gối trắng, sương đen, chim nâu, mũi tên nâu, vì sao đỏ thắm, giọt giọt xuân đỏ thắm… Sự tương phản giữa một bên là cái nền tối, lạnh của không gian vườn khuya và những sắc màu tươi, mạnh của sự vật tạo nên ấn tượng đặc biệt. Chính “ngôn ngữ” của màu sắc đã ngầm phát lộ vẻ đẹp đầy sức nóng tiềm tàng sau “gương mặt đá lạnh như môi” của vườn khuya. 
Vườn khuya, xét đến cùng, xuất phát từ nhu cầu giãi bày nội tâm của chủ thể, do đó, giọng điệu chủ đạo vẫn là giọng thầm thì riêng tư. Con người, mơ hồ như chính tiếng nói bên trong của mình, lưng chừng và rối rắm, tở mở mà ngại ngùng:
Có thể ban mai trong tôi sắp tắt
có thể dòng hồng cầu mảnh mai trong tôi sắp ngừng
đừng thấy tóc tôi còn xanh mắt tôi còn vui mà hoài nghi
tôi cảm thấy một điều gì đang đến rất gần rất gần…
                                                (Ánh lên gương mặt)
Mỗi bài thơ là một nỗi hụt hẫng. Những bâng quơ không thể trút cạn, không thể lấp đầy. Mỗi kết thúc là một dang dở.
Chú trọng việc tổ chức câu chữ theo nhịp điệu cảm xúc, thơ Trần Hùng khá giàu nhạc tính. Đi cùng thể thơ tự do với cách ngắt nhịp linh hoạt, điệp (từ, ngữ, hình ảnh, cấu trúc…) được sử dụng như một biện pháp phổ biến nhằm tạo nhạc tính:
vút lên những ngọn rừng
vút lên lời yêu buốt ngực
người về
lá vỡ
                   (Quỳ vàng dâng trổ)
Mùa xuân nói lời mạ non nước trong
Mùa xuân gọi lưng hoa bóng đòng
Đồng xuân thăm thẳm
Đường xuân thăm thẳm
Đồng hồ xuân tý tách nảy mầm
                   (Lưng hoa bóng đòng)
… Ta mơ về em bàn tay gân xanh
Ta mơ về em ngực gầy khăn mỏng
                   (nảy một vì sao)
Tác giả cũng sử dụng khá nhiều ẩn dụ chuyển đổi cảm giác nhằm gợi nên cái thế giới tưởng chừng chỉ còn trong hoài niệm mà vẫn sống động lạ lùng với những cảm giác “diễm tình” khó diễn đạt trực tiếp bằng lời. Ta hãy chú ý tới tên một số bài thơ của ông, chẳng hạn quỳ vàng dâng trổ, lưng hoa bóng đòng, nghe máu, mùa vân tay…, chúng cho thấy những sáng tạo ngôn từ đầy tinh tế. Và từ láy cũng xuất hiện phổ biến như một biện pháp hiệu quả để gợi cảm giác, những cảm giác rất đỗi mông lung, mơ hồ: mảnh mai, thiêm thiếp, rưng rưng, thăm thẳm, tý tách, lặng lẽ, ngun ngút, râm ran, vun vút, ngơ ngác, nhì nhạch, loe hoe, nồng nàn, râm ran, lách tách, cay cay, thảm thiết, dịu dàng, đầm đìa, thon thót, âm u,… Tuy nhiên, đây đó trong tập thơ, ta vẫn thấy dấu vết của cách diễn đạt khá “sến” và sáo cũ, chẳng hạn: “vườn yêu xưa”“niêm phong tình em”, “dấu xuân hôm nào sương đã bay/ Lá vàng muôn nẻo đã đầy tay”; hoặc “anh yêu em như mưa trên sông/ anh không em như gió hoang trên đồng”…
Thuộc thế hệ cầm bút sau 1986 (giai đoạn Đổi mới), cùng thời với Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều…, Trần Hùng viết không nhiều. Ông cũng lựa chọn lối đi riêng, chú trọng đề tài trữ tình cá nhân. Đó là lý do vì sao Vườn khuya vẫn mang dáng dấp của một thi phẩm lãng mạn, trong đó, cái tôi không ngại ngần nói ra những tình cảm riêng biệt mà người đời thường hay dấu diếm. Như chính ông đã nói rất tỉnh táo trong nghe máungười đọc thời gian lặng lẽ và tinh khôn/ nào cần sự cảm thông thương tiếc/ nhưng đây là máu chứ không phải nước. Cách giãi bày tình cảm tinh tế và chân thành là một nguyên nhân tạo nên sức hút của thơ tình Trần Hùng (dĩ nhiên, không phủ nhận là “mối u tình” này cũng có phần được thi vị hóa!). Tôn trọng tiếng nói của cảm xúc tự nhiên, thơ ông giàu khả năng truyền cảm. Chọn cách nói nghiêng về tượng trưng, thơ ông đem lại những biểu tượng đẹp, đa nghĩa. Nhiều bài thơ của ông rất gợi cảm giác, đặc biệt những cảm giác mơ hồ, thi vị. Tuy nhiên, chính điều này khiến một số bài bị nhòe lẫn vào nhau, không “đứng” được như một đơn vị thẩm mĩ độc lập. Bên cạnh đó, do kết cấu bài thơ theo mạch cảm xúc (chủ yếu là những cảm xúc lửng lơ, chưa hoàn kết) nên thơ ông thường đem lại ấn tượng về sự dang dở (lưu ý đây là sự dang dở do sự dừng lại của xúc cảm hơn là do ý thức đầy đủ về một kết thúc “mở”). Do đó, cái hay của thơ ông nhiều khi nằm ở các phiến đoạn riêng lẻ chứ chưa phải ở đơn vị bài. Mặt khác, việc nhà thơ chỉ tập trung “thâm canh” đề tài tình yêu cá nhân dù sao cũng đem lại cảm giác hơi hẹp (về mặt đề tài) và hơi đơn điệu (về giọng). Trong những vần thơ tình tinh tế và không thiếu tài hoa này vẫn thiếu vắng âm vang của một đời sống đa diện và rộng rãi, phản chiếu cái thời đại nhiều gai góc, biến động mà tác giả sống và viết, điều mà tôi vẫn thực sự muốn tìm thấy trong thơ của ông.
Nương náu vào nội tâm, lắng nghe diễn biến của nội tâm bằng nỗi “thảm thắc”, Trần Hùng đã gọi tên những linh cảm bất an của tâm hồn mình theo cách riêng. Vườn khuya của ông, bởi vậy, dẫu bắt đầu từ một không gian cụ thể của đời sống, đã sớm từ giã những ý nghĩa tả thực để trở thành một biểu tượng thơ đa nghĩa.
                                                                                                               Vinh, 9/1/2017
                                                                                                                  L.H.Q




[1] Tên các bài thơ và tên riêng một vài địa danh trong tập thơ tác giả không viết hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét