Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Đọc - Viết - Nói - Nghe (2)

 

VIẾT

Câu hỏi thường được đặt ra là, tại sao bạn viết? Nhưng bạn nghĩ, câu hỏi đáng ra phải là thế này - tại sao bạn không viết?

Đúng thế chứ: tại sao bạn không viết?

Ý nghĩ luôn tuôn chảy trong bạn. Ào ạt chồng lấn lên nhau, chèn đẩy nhau, tức khắc bật ra, và cũng nhanh như vậy, biến mất. Óc bạn bị xóa trắng. Trong một phút trước, bạn thấy mình đầy năng lượng. Ngay sau đó, bạn thấy mình chỉ một chiếc lá khô, bị giẫm nát dưới chân người. Những mảnh vỡ khô giòn, nâu và vàng, đen xỉn. Bay chấp chới trong gió vừa chao đến. Không hồ nghi gì nữa. Bạn đã biến mất. Hoàn toàn.

Nhưng bạn không thể không nghĩ. Cũng như bạn không thể không sống. Là sự đầy ải chăng? Bạn không biết. Thực ra, bạn chưa bao giờ có thể đi đến điểm chót cùng của sống và nghĩ. Bạn trôi dạt trong nó. Lênh đênh trong nó. Lắc lư và mụ mị. Bao giờ trạng thái mụ mị này dừng lại?

Đời sống này. Những va đập này. Trạng thái thống khổ triền miên. Bạn quay mặt đi, nhìn sâu vào nội tâm, hình nhân sầu khổ đang đăm đắm nhìn bạn. Bạn trốn chạy đi đâu? Nỗi đau này nằm ngay trong chính bạn. Con người mắc chứng không thể hạnh phúc. 

Bạn muốn trốn chạy chứng thần kinh quá mẫn. Sự nhạy bén cảm giác không cần thiết. Cảm giác dễ dàng tổn thương (lạ thật, cùng tuổi tác, da sẽ dày thêm, cả da mặt lẫn lớp màng bọc dây thần kinh, phải thế chứ?). Nhưng rốt cục, càng ngày bạn càng cảm thấy thần kinh cảm giác của bạn đang quá ngưỡng. 

Như một cái bình, đầy quá sẽ tràn. Một cành cây, cong quá sẽ gẫy. Hình ảnh ẩn dụ đơn giản bạn dùng để nói với con gái nhỏ rất nhiều lần. Bạn là bình nước đã tràn, cành cây đã gẫy. Cầm bút hay gõ phím, tất cả chỉ là một. 


ĐỌC

Đã có thời bạn đọc tất cả những gì rơi vào tay, tiểu thuyết, truyện tranh, vật lí phổ thông, sách dạy nấu ăn… Ăn sống nuốt tươi. Tất cả. Sau này thì bạn biết rằng tất cả là từ dùng để chỉ một số lượng sách vở thật nghèo nàn. Tiếc là thời não bạn có thể nghiến ngấu như một cái dạ dày phàm ăn qua quá nhanh.

Nhiều khi bạn đứng thơ thẩn giữa những chồng sách bụi bám vàng ố, có cuốn còn nguyên màng bọc, không nhớ ra mình phải bắt đầu từ đâu. Phải làm gì? Não bạn nhất quyết phản đối sự đọc bằng cách trơ ì ra, nhất định không chịu nạp thêm bất kì thông tin nào mà nó tự cho là không cần thiết. Cơ chế kiểm duyệt tự động của nó rất mạnh. Bạn cảm thấy não không xem trọng bạn. Đúng hơn, có lẽ nó xem cái thằng tôi đang đi vất vưởng quanh giá sách bụi bám đầy không đáng một đồng xu mẻ. Bạn làm gì được, nếu nó không cho phép bạn đọc cho dù bạn có thể ghép vần như bất kì một kẻ đã qua tuổi lên sáu nào?

Giá sách là nơi trú nấp cuối cùng của bạn. Nơi bạn tin vẫn còn có một gia tài đợi bạn. Ở đó, bụi, mùi ẩm mốc, khổ giấy nặng trĩu tay, những con chữ to nhỏ, khung hình màu sắc, tiếng giấy khô sột soạt… gợi niềm sung sướng âm ỉ. Niềm vui của sự sở hữu. Cảm giác nhấm nháp an toàn. Sự chậm rãi làm tim bạn se lại. Kẻ đi săn thú vui trong khu rừng đơn độc của trí tưởng tượng.

Nhưng giờ đây. Tuổi tác. Sự mệt mỏi. Cảm giác vô ích. Tất cả đồng thanh phản đối bạn. Đối diện với sách là đối diện với một món nợ. Một nỗi bất an. Bạn là một con mọt, bạn có thể làm gì nếu không - đọc? Câu hỏi có thể khác đi. Khi là một con mọt, bạn còn có thể làm gì nếu không - thể - đọc?

Bạn cảm thấy bạn đang chết. Cùng với sách vở ố vàng. Không thể cưỡng lại.

 

NÓI - NGHE

Ngôn ngữ không phải để thể hiện ý nghĩ. Ngôn ngữ là để che giấu ý nghĩ. Một thứ ngôn ngữ lưỡi gỗ trơ mòn tươi vui - lễ phép - ngọt ngào - xót xa - cảm phục - chia sẻ - buồn thương thản nhiên trâng tráo. Thứ ngôn ngữ đồng phục, khuôn phép, không để bộc lộ bất cứ một điều gì, về chính bạn. Như một thứ màng nhện, mỏng và nhẹ, ngôn ngữ ấy bao quanh đời sống của bạn, bạn cười rõ tươi, trong từng vòng từng vòng thít chặt êm ái. Một ngày, mắt đờ dại, bạn nhận ra mình là con ruồi tận số trên tấm mạng nhện mỏng mảnh như sương sa.  

Những ê a đầu tiên đích thực là của bạn. Bạn nói vì bạn đói. Bạn nói vì bạn buồn ị. Bạn nói vì bạn muốn chạy và bạn muốn hát lên. Ngôn ngữ của nhu cầu cá nhân được cất lời. Một ngày, bạn thấy lời nói không còn của bạn. Ngôn ngữ bị biến dạng, một thứ ngôn ngữ mù lòa của đám đông. Thứ âm thanh đĩ thõa đang trượt đi trên vòm họng. Bạn nói và lời nói đang rời bỏ bạn. Lời chỉ còn xác lời.  

Bạn nghe và bạn không nghe. Phản ứng của bạn chẳng khác gì tiếng kêu cứu của con ruồi trên mạng nhện. Âm thanh của tai họa. Nghe được chính xác thứ ngôn ngữ ấy, có lẽ chỉ là con nhện khổng lồ đang tiến về phía bạn.

Bạn vẫn còn khả năng nói. Bạn vẫn còn khả năng nghe.

Nhưng cuối cùng bạn chỉ có thể lựa chọn im lặng.

 

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Thơ Phan Huy Dũng

 

VỀ MỘT FILE THƠ TRONG MÁY TÍNH

  (vài ý nghĩ về thơ Phan Huy Dũng)

                                                                                                       

                                            

Bàn ăn, 1890, Paul Cézanne

                                                                                 
                                                                                                 
Lê Hồ Quang

Trong máy tính của tôi có một file thơ của Phan Huy Dũng, một phần do tác giả tập hợp và một phần tôi tải về trên trang cá nhân của ông, phần lớn viết từ năm 2015 đến nay. Trước đó ông đã làm thơ, nhiều là đằng khác. Chúng chủ yếu được viết theo thi pháp truyền thống, thể hiện khá rõ sự nhạy bén của tác giả với các vấn đề của đời sống, ngôn ngữ giản dị, cấu tứ chắc chắn. Mặc dù cái mốc 2015 là có tính quy ước (khoảng sau 1995, tác giả ngừng lại khá lâu), nhưng sự khác biệt trong cách viết của ông trước và sau thời điểm này hoàn toàn dễ nhận thấy. Sau 20 năm bỏ bẵng, giữa lúc áp lực công việc nặng nề nhất, ông viết lại, mạnh mẽ, dồn dập. Viết rất nhanh, xong bài nào là bài nấy đã mang hình hài hoàn chỉnh tự thân, sự sửa chữa, nếu có, thường rất ít. Điều này rất khác trước kia, khi mỗi bài là một sự “tu sức” công phu từ ý tưởng, hình tượng đến cấu tứ, cũng vì vậy mà dấu ấn gò gẫm khá rõ. Còn bây giờ, viết xong là xong. Viết xong là để đấy. Mọi sự cứ như không. Hoặc giả chính vì sự tự nhiên, “vô cầu” mà mọi sự thành ra thong dong. Thong dong ngay chính trong cái hoàn cảnh đời thực bộn bề khiến người viết dẫu muốn cũng không thể nào thong dong nổi. Tinh thần thơ ở giai đoạn sau, tự nó, đã mang một diện mạo khác hẳn.

Thế nhưng, khi đang viết theo một nhiệt hứng tuôn trào, giống như “ma nhập”, ngày nào độc giả FB cũng có thể thấy thơ Phan Huy Dũng (nickname Sấu Mã) với những hình ảnh minh họa (thường là các tác phẩm hội họa có tiếng) đặc biệt thích hợp, có tính gợi ý, dẫn dụ, như một phần không tách rời của tác phẩm, đột ngột, ông xóa hết tất cả những gì đã viết, ngay cả trong máy tính lẫn trên FB cá nhân. Có thể là một cơn giận dữ kịch phát sau rất nhiều kiên nhẫn, kiềm chế. Ai biết bên trong con người này là một khối nham thạch cuồng nộ, bỏng rẫy? Ẩn sau vẻ ngoài nghiêm cẩn, từ tốn, khiêm nhẫn, phải chăng là một tính cách quyết liệt đến cực đoan?... Hoặc có khi rất đơn giản. Với ông, thơ không phải điều gì quá quan trọng, viết hay xóa trắng cũng không mấy khác biệt. Nhưng đó cũng chỉ là muôn một hình dung không trùng khít về người thơ này. Sự suy diễn chắc chắn còn đi xa (và tệ hại hơn) khi lấy thơ để đọc người và ngược lại.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Trì trệ


TRÌ TRỆ

Mọi thứ giống như cái ổ cắm nguồn không thể tiếp điện. Bạn không thể kết thúc, cũng không thể bắt đầu. Công tắc tập trung của bạn vẫn tiếp tục quay, nhưng bạn không thể nghĩ, không thể viết. Đầu bạn là một đống rối bời vô nghĩa. Bạn muốn bật chế độ phân tán, nhưng não bộ đã bão hòa. Nó cứ xoay tít trong động hình tiến thoái lưỡng nan. Bạn muốn vứt tất cả sang một bên, thật dứt khoát. Đống lộn xộn này. Công việc của bạn. Cuộc đời bạn. Bạn nghĩ đến biển. Sóng thật mạnh, nước thật sâu, cát thật vàng và bao la xanh. Mênh mông xanh. Bạn nghĩ đến núi. Đồi thông. Những đường hoang dã quỳ. Hương thơm ngai ngái ngây ngất của buổi chiều muộn sương la đà vệ cỏ. Vách núi dựng đứng. Hoa nở trắng trên triền núi. Bạn mở mắt, cái bóng của núi, của biển chập chờn trong bức tranh treo trên vách.   

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Biến tấu con quạ - Mai Văn Phấn


                 BIẾN TẤU CON QUẠ,

                                        KHI BÓNG ĐÊM CẤT LỜI…  

                                                                                      
Tranh của họa sĩ Silja Erg


                                                                                                                                      
                                                                                                             Lê Hồ Quang                                                                                                                          

Con quạ, không nghi ngờ gì nữa, là một biểu tượng đặc biệt - nó là một cổ mẫu (archetype) trong đời sống văn hóa nhân loại.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [2], “con chim đen” này là một biểu tượng đa nghĩa. Một mặt, quạ là tượng trưng cho điềm dữ, là sứ giả cái chết, nỗi bất hạnh. Mặt khác, quạ là đại diện cho điều chưa biết tới, cõi Khác, thế giới thần linh. Nó còn được xem là con vật thiêng, kẻ tiên tri, tiên báo; tượng trưng cho sự sáng suốt. Ngoài ra, quạ còn là biểu tượng của nỗi cô đơn cao cả, siêu hình, thần bí… Trong văn học dân gian, con quạ (con ác) xuất hiện với bộ lông đen, thường đại diện cho cái xấu, các ác, sự chết chóc…  Trong văn học thành văn, quạ gắn với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Con quạ của Edgar Allan Poe; Từ ô dạ đề (Lý Bạch), Đêm thu nghe tiếng quạ kêu (Quách Tấn), Nấm mộ (Bích Khê), Tiếng quạ trên sông Chu (Yến Lan)...

 Chắc chắn Mai Văn Phấn không xa lạ gì với ý nghĩa tượng trưng của quạ. Mục tiêu của ông cũng không dừng lại ở những nét nghĩa có tính ổn định của “mẫu gốc”. Điều này thể hiện ngay trên tên của bài thơ - Biến tấu con quạ. Nhất định con quạ của ông sẽ phải khác, dẫu từ “biến tấu” cho thấy một thái độ cân nhắc và chừng mực.

Với 101 dòng thơ, tập trung vào hình tượng quạ, Biến tấu con quạ chứa đựng nhiều lớp nghĩa đối lập. Ý nghĩa thứ nhất, khá quen thuộc - nó là sứ giả của cái chết: Tử khí kéo ngọn bấc đến đỉnh trời/ Con quạ rực sáng. Cái chết này bao trùm phạm vi khá rộng. Đó không chỉ là cái chết về mặt thân xác của một cá thể. Đó còn là sự “băng hoại” của nhiều giá trị đời sống, những thiết chế tín điều tưởng đặc định, bất tử, chi phối lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo… Và đương nhiên, cả văn học nghệ thuật. Đó là cái chết của những giá trị tinh thần: Sau tiếng quạ kêu/ Ra đi không cưỡng được/ Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu… Con quạ là sự hủy diệt không khoan nhượng đối với mọi “xác chết”. Không xác chết nào thoát khỏi móng vuốt tàn bạo của nó:

Bổ nhào từ đỉnh cao

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó

 

Móc từ hốc mắt

những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Tự do


                              TỰ DO

Đấy là điều bạn vẫn làm hàng ngày: ăn/ ngủ/ đi lại/ mua sắm/ nói nhảm… Bỗng nhiên, vào một ngày đẹp trời, chúng bất thần bị giới hạn. Bạn nhận ra ăn/ ngủ/ đi / đi lại… vốn là quyền tối thiểu. Nhưng cũng là quyền tối thượng. Không có chúng, bạn cảm thấy mình không còn là mình. Tệ hơn. Bạn không tồn tại. Nên bạn khát khao tự quyết. Bạn muốn được tự do sống, suy nghĩ, hành động. Nói cách khác, bạn muốn có Tự do.
Nhưng bạn nghĩ lại đi. Có thật bạn có Tự do?
Làm sao bạn có tự do khi cạnh bạn luôn là Kẻ khác với quyền tự do tối thiểu và tối thượng của họ? Trong không gian giao tiếp, hoặc nhỏ hẹp như một căn bếp, hoặc rộng lớn như xã hội, tự do của bạn chấm dứt khi tự do của người bên cạnh bạn bắt đầu. Bởi thực tế là tự do của một cá nhân luôn chỉ được đánh dấu/ xác định bằng sự xâm phạm lãnh địa tự do của tha nhân. Một tiếng ho, một tia nước bọt bắn ra, tự do của bạn sẽ lập tức ngừng lại. Bạn chỉ tự do khi bạn ngừng kết nối, ngừng giao tiếp. Nói tóm gọn là bạn ngừng tồn tại. Bạn sẽ có tự do khi nằm trong một cái bao. Nhưng khi đó, bạn có thực có tự do hay tự do của bạn đã bị bức tử, như bạn? Và khi đó, liệu bạn còn muốn tự do, hay bạn chỉ muốn trốn thoát khỏi tự do?
Được phép/ không được phép? Bạn luôn phải đối mặt với câu hỏi này. Từ khi bạn còn là một đứa trẻ lo lắng vì trót tè dầm lên ga giường và bây giờ, khi là một con người ở tuổi trung niên, có vẻ ngoài đạo mạo và đứng đắn. Làm sao bạn có tự do khi luôn phải đối mặt với dày đặc các thiết chế đạo đức - xã hội? Làm sao bạn có tự do khi ý chí của bạn luôn phải đầu hàng trước lí trí. Rằng, điều giá trị bạn hướng tới, coi trọng và tìm kiếm không phù hợp với hệ thống chuẩn mực giá trị xã hội đã đề ra. Để tồn tại và “thăng tiến”, lí  trí sẽ tạo nên một cơ chế tự điều chỉnh tinh vi và nham hiểm. Nó buộc bạn phải phục tùng và vận hành theo cấu trúc và quỹ đạo xã hội mà bạn đang là thuộc về, vì mục địch vị lợi. Bạn vẫn muốn tự do? Bạn chỉ còn cách văng ra khỏi quỹ đạo, như một mảnh sao lạc bơ vơ giữa thiên hà.  
Và nữa. Có thực bạn có quyền tự quyết? Bạn đã không thể tự quyết việc bạn được/ bị sinh ra. Bạn có thể tự quyết được việc ốm đau, bệnh tật của bạn? Ngay cả cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn tự quyết được mấy phần, hay cha mẹ/ vợ (chồng)/ con cái/ họ hàng/ lãnh đạo/ đồng nghiệp… của bạn sẽ ghé vai dự phần quyết hộ? May chi bạn có thể tự quyết về cái chết của mình. Nhưng điều ấy đòi hỏi rất nhiều can đảm.
Thật buồn, rốt cục, những nổi loạn tư tưởng và cảm xúc vô phương hướng không đẩy bạn đến với tự do. Chúng đã kịp chết rũ trong chiếc lồng kiểm duyệt sắt đá của lý trí trước khi kịp biến thành hành động. Điều an ủi là, ít nhất, chúng đem lại ảo tưởng rằng bạn đang có được đôi chút tự do tinh thần. Sự thực hiếm hoi, đôi khi những cuộc phiêu lưu tinh thần ấy cũng kịp biến thành một vài hành động thực tế. Nhưng đời thực luôn tát vào mặt bạn đau điếng, với mục đích tốt là nhắc bạn cần phải quay về đứng hai chân trên mặt đất, thay vì cứ loay hoay trong mớ tư tưởng triết học nửa mùa rối rắm vô nghĩa. Nên rốt cục, trước khi kịp đặt câu hỏi, kiểu như tự do hay là chết?, bạn đã kịp sắm ngay một chục khẩu trang để dành cách ly với toàn bộ thế giới. Trở về nhà sau cuộc chiến quyết liệt để có được chục khẩu trang sát khuẩn, bạn bèn nghĩ rằng, nó hoàn toàn nằm trong quyền và khả năng tự quyết của bạn.
                                                                                 1/4/2020, ngày cách ly thứ nhất.

Vô danh


                                  VÔ DANH

Bạn là người kém cỏi. Kẻ tụt hậu. Mọi người luôn tiến lên, còn bạn cứ mãi mãi lẽo đẽo phía sau. Bạn bè của bạn đứng trên bục rạng rỡ cờ hoa, ngực đeo đủ loại huân huy chương, tay ôm bằng khen, nách cắp phần thưởng. Kèn trống cờ xí phất phới tưng bừng giữa vùng lộ sáng. Và bạn đứng trong bóng tối, quần ống cao ống thấp, buổi mai nghĩ đến buổi chiều. Bạn không bao giờ nghĩ đến cái gì cao hơn mâm cơm bạn phải chuẩn bị. Đúng hơn bạn không có khả năng. Nếu buộc phải nói/ nghĩ/ viết về cái gì đấy cao cả/ tầm vóc/ quan trọng v.v., bạn luôn phải rướn người, kiễng chân, dặm thêm phấn sáp cho phù hợp với lễ hội giả trang mà bạn buộc lòng tham dự. Rồi bạn sẽ tháo ra, nhanh như lúc đội vào và lập tức gọn gàng đứng vào góc tối. Bạn thấy thật dễ dàng và dễ chịu khi lẩn vào bóng tối và sự vô danh. Đó là nơi bạn muốn thuộc về. Không, đó là nơi bạn thuộc về. Nơi bạn không phải cố gắng diễn vai giỏi giang, thông minh, thành đạt. Nơi bạn nhận ra việc biết chấp nhận giới hạn bản thân là một năng lực giá trị. Nó không buộc bạn phải gồng lên. Nó không kiểm soát bạn. Nó cho bạn quyền đơn giản và tối thượng là một con người bình thường. Một con người không nhất thiết phải viết hoa.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Tình yêu


                                                    TÌNH YÊU

Nếu chủ đề này đặt ra với bạn khoảng 20 năm trước, chắc chắn bạn sẽ nghĩ và nói/ viết khác bây giờ. Điều đó không quan trọng. Vì thật ra, dù trước hay sau, điều duy nhất không thay đổi, đó là việc bạn nghĩ về tình yêu và việc bạn nói (viết) công khai về nó sẽ luôn luôn khác. Nghĩa là, điều bạn thực nghĩ và điều đã/ sẽ được trình bày hoàn toàn không phải là một. Vậy có nhất thiết phải viết ra điều bạn (không) nghĩ về tình yêu?
Thay vì tìm kiếm câu trả lời mà ta biết là vô ích/ vô nghĩa ngay từ đầu, bạn hãy thử làm việc khác, chẳng hạn như tìm kiếm một vài lý do để giải thích. Tại sao bạn làm điều đó? Điều gì đã khiến bạn tránh né trả lời trong khi bạn có thể? Hoặc trực diện hơn là thế này: Tại sao bạn không nói như bạn nghĩ?
Những câu hỏi đôi khi đã dẫn bạn đi xa hơn dự định.
Chẳng hạn, ý nghĩ cựa quậy đầu tiên.
Bạn có chắc trên đời có một thứ gọi là Tình Yêu? Nó có thực hay chỉ là kết quả của trí tưởng tượng? Một xúc cảm bịa đặt đơn thuần chỉ để vuốt ve tự ái cá nhân?
Tình yêu là xúc cảm thiêng liêng giữa hai con người, thuần túy vô vụ lợi hay chỉ là sự sắp đặt và diễn? Hay nữa, là trò lừa dối vĩ đại và hoàn hảo của Tự nhiên, chỉ để duy trì nòi giống người, như Arthur Schopenhauer nói?
Bạn đã bao giờ yêu và được yêu chưa?
Bao giờ thì kết thúc, thứ men nồng say ngắn ngủi của cảm xúc, cảm giác và bắt đầu của lỉnh kỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm? Bao giờ, những trơ khấc bẽ bàng của sự tan vỡ sẽ cất lời?  
 Những câu hỏi dẫn bạn đến một sự thật.
Bạn nhận ra. Sâu trong vô thức của bạn, tình yêu luôn mang bộ mặt bất trắc và đe dọa. Nó làm bạn khiếp hãi. Không có gì đảm bảo rằng bạn đã đi đúng đường. Rằng người bạn lựạ chọn sẽ chấp nhận đi cùng bạn đến chặng cuối cùng. Hoặc trước khi nhận ra người ấy muốn chuyển hướng thì chính bạn đã thấy cần phải nghĩ lại.
Sách vở vẽ ra những chân trời viễn mộng. Những tình yêu bất diệt chói ngời thổn thức. Nhưng sách vở cũng dạy bạn, những tình yêu đẹp nhất thường kết thúc bằng chết chóc, đương nhiên của các nhân vật chính. Điển hình là Romeo và Juliet. Nếu có đơm hoa kết quả thì hậu duệ cũng khá tầm thường. Theo ý Vladimir Soloviev, việc tốt nhất các vị con cái này có thể làm là viết tiểu sử về cha mẹ họ.  
Trên thực tế, bạn chỉ thấy những gì người ta vẽ ra về tình yêu. Chưa bao giờ bạn thấy tình yêu.
Trên thực tế, bạn chỉ thấy những gì bẽ bàng tủi hổ rơi rớt lạị. Chưa bao giờ bạn thấy tình yêu.
Bạn sợ hãi tình yêu. Bạn sợ bộ mặt đe dọa và bất trắc của nó.
Bạn không tin tình yêu. Bạn tin vào sự kết thúc của nó.
Nên bạn không chọn tình yêu. Bạn chọn sự an toàn.
Và bạn đóng ngay một cái lồng thật chắc chắn, nhỏ thì nan tre, lớn thì nan sắt, chui vào ngồi, ngay khi có dịp. Cái lồng chụp lên cuộc đời bạn, nó là phục trang bản ngã mà bạn lựa chọn trình bày. Lâu dần, bạn không có thói quen đi ra khỏi lồng. Bạn không còn nhớ cách người ta sống khi không có lồng. Nhưng bạn chỉ sống theo cách của bạn, và bạn muốn thế giới cũng phải theo cách của bạn. Cách của cái lồng.
Có phải đấy là hành trình của bạn?
Nhưng bạn có thỉnh thoảng nghĩ đến mùi vị của bánh vẽ? Chẳng phải là trong mơ, đôi khi vị thính cũng thật đượm đà và tiếng cá quẫy cũng rất sinh động?
Và vì người ta không sống hai cuộc đời nên đôi khi hoặc thường xuyên, thầm lén hoặc công khai, bạn oán trách. Thậm chí, bạn thấy thật khó để sống mãi với/ trong sự an toàn.
Chỉ có điều, bạn quên rằng, lỗi không đến từ sự lựa chọn an toàn - đó có khi là sự lựa chọn thông minh duy nhất trong đời của bạn. Lỗi đến từ cái lồng mà bạn khư khư chụp xuống cuộc đời mình và khăng khăng bắt mọi thứ xung quanh bạn, ngay cả sự an toàn, cũng phải được sắp đặt và diễn trong lồng.  
Bạn đã quên cách nhìn mọi thứ từ một đôi mắt bình thường.
Bạn cần mở lòng để định vị lại sự vật, sự việc, và con người.
Dĩ nhiên, với một tình yêu viết bình thường.
Học lại từ đầu thật khó. Nhưng bạn có thể bắt đầu từ một lời cảm ơn. Với tình yêu không viết hoa của bạn.

Hạnh phúc


                                               HẠNH PHÚC

Dù đã cố gắng vượt qua thói quen định nghĩa, hoặc nói cách khác - thói quen gắn mác cho mọi thứ, nỗ lực tránh xa những đại tự sự nghiêm trọng, không mấy dính dáng đến cuộc đời bé mọn của bạn, nhưng chắc do tác động xa gần của Ngày Hạnh Phúc Thế Giới và mạng xã hội, vào một phút ngẫu nhiên nào đó, bạn bỗng tò mò tự hỏi, ừ thì, thế nào là hạnh phúc?
 Cách khởi đầu này sẽ khiến bạn sa ngay vào mê hồn trận định nghĩa. Lập tức óc bạn khởi động, loang loáng trên timelines trí não ù lì, những gương mặt hoặc là rạng rỡ hân hoan thắm thiết tươi cười hoặc là rưng rưng lắp bắp nghẹn ngào cảm động, đủ các tư thế, hành động, mức độ ghì - ôm - hôn - riết - vồ vập, vô số những lời ghi nhận hoặc cảm ơn hoặc tỏ bày nguồn cơn xúc động… Hạnh phúc quả đã khơi nguồn cho không - thể - kiểm - soát bão giông ngôn từ và hình ảnh diễm lệ. “Không bút nào tả xiết", như một văn nhân thi sỹ đã khẩu quyết.
Xem ra, Hạnh phúc hoàn toàn không phải là một ý niệm mông lung và mơ hồ. Hạnh phúc là cái hoàn toàn có thể sắp đặt và trình bày. Bạn vốn thông minh và nhạy cảm. Bạn lại có trí tưởng tượng cao. Ngoài ra, bạn có con mắt chi tiết sắc sảo chết người bên cạnh kỹ năng khái quát hóa vấn đề nhanh gọn, rành rẽ. Tóm lại, bạn hoàn toàn có năng lực để trình bày cuộc đời hạnh phúc của mình theo cách cũng nghẹn ngào và diễm lệ không kém.
Nhưng bạn không phải kẻ tầm thường. Bạn nhất quyết không đi theo lối mòn mà nhân loại đã giẫm đạp hỗn loạn lên nhau. Bạn kiên quyết sẽ không trình bày Hạnh phúc theo cách dễ dàng, quen thuộc. Thay vì trình bày hình ảnh, bạn sẽ trình bày tư tưởng. Thay vì chưng lên những câu cách ngôn sáo rỗng hoặc những lời có cánh gửi X. Y. Z., bạn sẽ đặt nền móng cho Triết học Hạnh Phúc. Nhân loại sẽ phải biết ơn bạn vì những gì bạn đã/ đang/ sẽ thực hiên… Ngây ngất vì những ý tưởng cao cả, nhưng bạn vẫn hết sức tỉnh táo và sáng suốt. Bạn biết bạn thật vĩ đại, nhưng bạn vẫn phải trình bày ra với thế giới một vẻ ngoài thật giản dị và nhẫn nại, bao dung. Chỉ sự giản dị và nhẫn nai, bao dung mới làm cho sự cao cả và vĩ đại thêm vĩ đại và cao cả.
Bị thúc đẩy bởi dòng nham thạch tư tưởng và xúc cảm cuồn cuộn nóng bỏng, bạn mở máy và bắt đầu gõ những chữ đầu tiên về Hạnh phúc. Rồi bạn mở album. Mất cả một buổi chiều để lục tìm ảnh minh họa phù hợp. Cuối cùng bạn cũng chọn được tấm như ý. Đấy là một tấm ảnh gia đình thật đẹp, trong đó bạn đứng trung tâm, tay ôm hoa, mắt nhìn rõi về phía trước, miệng cười không quá hẹp cũng không quá rộng, trông thật đằm thắm và viên mãn. Chồng và con bạn đều nghiêng đầu về phía bạn, như thể gió đã thổi bạt họ theo một góc nghiêng cố định.

Giấc ngủ


                                                GIẤC NGỦ

Một giấc ngủ sâu. Không trở mình. Không mộng mị. Bạn quên đi những bất an hằng ngày. Nỗi lo lắng vì công việc. Vì con cái, gia đình. Những vọng tưởng lo âu vô nguyên cớ dằng dặc triền miên xao xuyến. Giấc ngủ là sự tưởng thưởng giá trị nhất mà bạn có thể tự có. Đóng cửa, buông rèm, nhắm mắt lại. Đóng lại tất cả ngũ quan. Đóng lại cả thế giới. Bạn chìm thật an lành vào bóng tối và sự tịch mịch.

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Cái chết


                       CÁI CHẾT

1. Bạn thường xuyên nghĩ đến nó. Như thế nào? Không rõ lắm. Có thể là điểm kết thúc. Một cơn đau. Một dấu hiệu bệnh tật. Bạn không biết. Cảm giác ấy chỉ của riêng bạn, duy nhất của bạn, khi một mình trơ trọi giáp mặt với nó. Bạn không thể chia sẻ với ai. Không ai có thể chia sẻ. Tuyệt đối cá nhân, đơn độc. Nhưng đó có thể là một khởi đầu mới? Phải vậy không? Bạn chưa sẵn sàng? Nhưng bao giờ thì bạn mới có thể sẵn sàng để đối diện với cái chết?
2. Có quá nhiều cái chết. Liên tục. Thường xuyên. Xung quanh bạn. Cái chết của những người trẻ, rất trẻ. Một tai nạn vụt qua đường. Chứng ung thư bắt đầu từ một cơn đau quặn. Thùng container lạnh cóng. Gương mặt vẫn sáng rỡ như hoa nhưng người đã ở dưới lớp đất dày. Cái chết của những người già. Bệnh tật, mòn mỏi. Con mắt đờ đẫn. Chứng mất trí nhớ. Bàn tay run rẩy. Những vết rạch lớn. Thân thể hoại tử lở loét. Bằng cách này hay cách khác, cái chết đang nói với bạn.
3. Không phải cái chết, chính nỗi lo âu về cái chết mới khiến bạn trở nên rúm ró, ảo não, sợ sệt. Một giọng nói mơ hồ thì thào trong cổ họng, nói cho bạn hay về một cơn đau đang tượng hình đậm dần từ một tế bào chết chóc. Đôi khi một vết xám xanh nơi cổ tay, một vệt lồi lõm đột ngột dưới làn da hay con ruồi ảo giác vụt hiện trong nhãn quan đang mờ đi của bạn. Bất giác bạn lùi lại. Bạn tự nói với trí nghĩ những điều an ủi, chẳng hạn, sống đến hiện tại chẳng phải đã là quá đủ hay sao? Sự thực là chẳng phải đến khi cúm Vũ Hán thành dịch toàn cầu, trái đất được tượng hình gương mặt trùm kín khẩu trang, cái chết mới trở thành chủ đề tìm kiếm. Sự thực là bạn đã nghĩ nhiều về cái chết, cách nó đến từ từ, như một hơi gió nghi ngờ, đến lúc thành cơn bạo bệnh gọi được thành tên. Bạn nghĩ đến cơn đau hành hạ, cái cảm giác một mình vật vã trên giường lạnh, trải nghiệm chỉ của riêng bạn, hoàn toàn cá nhân, không thể chia sẻ. Cái chết cô độc tuyệt đối, tận cùng.