CÁI CHẾT
1. Bạn thường xuyên nghĩ đến nó. Như thế
nào? Không rõ lắm. Có thể là điểm kết thúc. Một cơn đau. Một dấu hiệu bệnh tật.
Bạn không biết. Cảm giác ấy chỉ của riêng bạn, duy nhất của bạn, khi một mình trơ trọi giáp mặt với nó. Bạn không thể chia sẻ với ai. Không ai có thể chia sẻ. Tuyệt đối cá nhân, đơn độc. Nhưng đó có thể là một
khởi đầu mới? Phải vậy không? Bạn chưa sẵn sàng? Nhưng bao giờ thì bạn mới có
thể sẵn sàng để đối diện với cái chết?
2. Có quá nhiều cái chết. Liên tục.
Thường xuyên. Xung quanh bạn. Cái chết của những người trẻ, rất trẻ. Một tai
nạn vụt qua đường. Chứng ung thư bắt đầu từ một cơn đau quặn. Thùng container
lạnh cóng. Gương mặt vẫn sáng rỡ như hoa nhưng người đã ở dưới lớp đất dày. Cái
chết của những người già. Bệnh tật, mòn mỏi. Con mắt đờ đẫn. Chứng mất trí nhớ.
Bàn tay run rẩy. Những vết rạch lớn. Thân thể hoại tử lở loét. Bằng cách này hay cách khác, cái
chết đang nói với bạn.
3. Không phải cái chết, chính nỗi lo âu
về cái chết mới khiến bạn trở nên rúm ró, ảo não, sợ sệt. Một giọng nói mơ hồ
thì thào trong cổ họng, nói cho bạn hay về một cơn đau đang tượng hình đậm dần
từ một tế bào chết chóc. Đôi khi một vết xám xanh nơi cổ tay, một vệt lồi lõm
đột ngột dưới làn da hay con ruồi ảo giác vụt hiện trong nhãn quan đang mờ đi
của bạn. Bất giác bạn lùi lại. Bạn tự nói với trí nghĩ những điều an ủi, chẳng
hạn, sống đến hiện tại chẳng phải đã là quá đủ hay sao? Sự thực là chẳng phải
đến khi cúm Vũ Hán thành dịch toàn cầu, trái đất được tượng hình gương mặt trùm
kín khẩu trang, cái chết mới trở thành chủ đề tìm kiếm. Sự thực là bạn đã nghĩ
nhiều về cái chết, cách nó đến từ từ, như một hơi gió nghi ngờ, đến lúc thành
cơn bạo bệnh gọi được thành tên. Bạn nghĩ đến cơn đau hành hạ, cái cảm giác một
mình vật vã trên giường lạnh, trải nghiệm chỉ của riêng bạn, hoàn toàn cá nhân,
không thể chia sẻ. Cái chết cô độc tuyệt đối, tận cùng.
4. Nhưng chẳng lẽ cứ thế lờ đờ sống, đôi
khi mở khẩu trang trùm kín mặt chỉ để khạc nhổ hoặc kêu gào về tình yêu thương
hay cái đẹp cứu rỗi thế giới, rồi tiếp tục trùm kín mặt, tiếp tục lờ đờ trôi về
nơi đã định. Nơi Tử thần cầm lưỡi hái hoặc không, cười hoặc thản nhiên bảo bạn,
đến lúc rồi. Và bạn sẽ nắm tay người bạn đường mới, bước vào vùng mông lung
chói lòa ánh sáng. Có phải lúc nào sự thực cũng nên thơ như vậy? Hay bạn sẽ nằm
co quắp một góc giường, mũi dãi lòng thòng từ miệng xuống cằm - yết hầu - ngực
- bụng, tay chân teo tóp, không thể tự chủ, mặt mũi biến dạng còn đầu óc thì
phẳng phiu như giấy One thượng hạng vì chứng Alzheimer? Bạn sẽ lựa chọn điều
gì? Có thật là bạn được quyền lựa chọn?
5. Nỗi sợ cô độc, nỗi sợ cảm giác đau đớn,
nỗi sợ những gì chưa biết phía trước luôn là ám ảnh bi đát với bạn. Thường thì
tương lai, ít nhất trong những ngày này, không mang gương mặt tươi sáng. Nó luôn
nhắc bạn về sự ít ỏi, tủn mủn, vô nghĩa của những gì bạn đã làm. Bằng cách này
hay cách khác, nó nhắc bạn về những niềm vui chóng tàn hay những lễ hội giả
trang sặc sỡ mà bạn luôn là kẻ ngoài cuộc. Nó nhắc bạn về môt cuộc sống mà bạn
chưa bao giờ dám sống nhưng đủ vô tri để khao khát. Cả về giới hạn chết chóc đã
được tự nhiên thiết lập, dù bạn luôn cố tình hoặc vô thức tránh né. Bởi nói cho
cùng, sống thực ra là ngày càng đi đến gần hơn với cái chết đã được báo trước,
ngay khi bạn vừa được sinh ra. Mỗi khoảnh khắc bạn sống là thêm một khoảnh khắc
tiến gần hơn đến nơi con quạ đen cô độc đang co ro chờ đợi trên nấm mồ của bạn.
Nên bạn nói, sống thực chất là cái chết được kéo dài. Bạn cũng nói, sống
là cái chết được trì hoãn. Ấy là sự kết thúc mà bạn biết tất yếu sẽ đến,
ngay khi bạn mới bắt đầu. Nên cô độc, sợ hãi, đau đớn là những người đồng hành chắc
chắn tận tụy cùng bạn cho đến giây phút cuối cùng. Là đòn trừng phạt của đời sống,
bạn nói. Nhưng liệu bạn có thể nghĩ khác không? Khi bạn không còn bất kỳ ai bên
cạnh, bạn vẫn còn nỗi đau và sự cô độc. Không ai và không gì có thể làm chúng rời
bỏ bạn trên hành trình làm người của bạn. Bởi vì bạn không được lựa chọn sinh ra, nên bạn
buộc phải lựa chọn giữa hai điều: hoặc là không sống, hoặc là sống và đau khổ. Liệu bạn có thể
đủ bình tĩnh và sức mạnh để xem nỗi đau và sự cô độc như sự ân thưởng khi bị/ được
sinh ra là một con người?
6. Nhưng đôi khi, thay vì
cứ chăm chăm hướng về một tương lai vô hình đầy những ám ảnh sợ hãi, bạn có thể ngoái
nhìn lại. Chí ít, cho đến khi bạn viết (và đọc được) những dòng này, hẳn là bạn
đã có thời gian làm nhiều việc như một con người bình thường ở lứa tuổi bạn, đất nước hay
thành phố/ vùng quê bạn sống. Thay vì để những ý nghĩa rối bời và hỗn loạn
trong trí, bạn có thể cầm bút/ phím và sắp xếp chúng theo một trật tự nhất định,
một cách tập thể dục cho trí não và tâm hồn vốn nhiều chán chường và mỏi mệt của
bạn. Đó có thể là một cách để bạn nói với Kết thúc, tôi đang đi tới Kết thúc,
nhưng tôi vẫn chưa kết thúc. Giãy giụa trước cái chết là điều vô nghĩa và vô ích,
nhưng còn hơn là không giãy giụa, khoanh tay thúc thủ quá sớm. Triết học, Khoa học, Tôn giáo và Nghệ
thuật, từ góc nhìn này mà nói, cũng chỉ là một sự giãy giụa của nhân loại trước
cái chết. Kết quả của quá trình ấy là không tồi. Ít nhất trong những ngày chờ nạn
dịch Vũ Hán qua đi, bạn có thể đọc Lược sử tương lai của Yuval Noah
Harari, Lược sử vạn vật của Bill Bryson, xem một cơ số kha khá phim mà lâu
nay bạn đã nghe thiên hạ trầm trồ. Ấy là tính trong trường hợp bạn
có thể đọc/ xem được.
Hoặc đơn giản hơn, bạn ngồi xuống, ngắm
con mèo đang nằm sóng soãi trên cái ghế con để sưởi nắng, đuôi thả lỏng sát đất, chân
cao chân thấp, trông thật vô tư lự. Rồi bạn cầm một cái bay nhỏ, cạy nhổ đám cỏ
cứng đầu nơi góc vườn, trồng thêm một đám rau thơm, một túm ngải cứu, mấy dây mơ
lông lòa xòa, rau húng chó, húng quế, bạc hà, kinh giới, tía tô. Đám lá lốt xanh mỡ màng góc vườn bên bụi sả
lá sắc như dao. Chúng sẽ bén rễ và lên rất nhanh nếu ngày mai có mưa. Bạn sẽ ngắt
một cái lá chanh bánh tẻ, vò nát trong tay, đôi khi thử nhấm, hít hà mùi vị thơm
tho của nó. Rồi bạn đi xuống nhà và bắt đầu
chuẩn bị bữa tối.
Vinh,19/3/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét