Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật



Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật 
(Seven Days in The Art world)


Tác giả: Sarah Thornton

Người dịch: Nguyễn Như Huy


Sách gồm 385 trang, gồm cả lời giới thiệu gọn, sáng của dịch giả Như Huy. Nội dung cuốn sách được cấu trúc theo 7 chương, ứng với 7 ngày (có lẽ, là một ẩn dụ về bảy ngày làm nên thế giới của Đức Chúa Trời, theo kinh Cựu ước?). Đó là một công trình khảo cứu, ghi chép và mô tả thực địa về đời sống nghệ thuật đương đại với những đặc thù bối cảnh, định chế và các yếu tố tạo nên nhưng không ôm đồm, khô khan. Ngược lại, nó được cấu trúc dưới dạng một chuyến du khảo vào về thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu với mỗi chương là một điểm đến nổi bật.  
Các chương bao gồm:
1. Buổi bán đấu giá:
2. Buổi phê bình nhóm
3. Hội chợ nghệ thuật
4. Giải thưởng nghệ thuật
5. Tạp chí nghệ thuật
6. Thăm xưởng nghệ sỹ
7. Triển lãm thường niên
Đọc cuốn sách này, mình nhận thức rõ thêm mấy điểm sau:
- Sự thay đổi của cái gọi là “nghệ thuật”: Một “tổ hợp lai ghép”, phức tạp, “khó nắm bắt hơn bao giờ hết”. “Tác phẩm nghệ thuật không còn là một vật thể thị giác đơn thuần” mà đã trở thành, “về mặt nội dung, một dạng “bùng binh” của các mối quan tâm, thậm chí trái nghịch về xã hội, văn hóa, chính trị. Còn về mặt kỹ thuật, là tập hợp của mọi khả năng kỹ thuật. Việc thực hiện tác phẩm dựa trên công nghệ và là những công nghệ đỉnh cao, có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng phi thường và “điên rồ” nhất. Không gian trình bày của tác phẩm không dừng lại ở các không gian bó hẹp truyền thống mà được số hóa, được đại chúng hóa, thậm chí được tiếp cận như một không gian showbiz...

Thơ Trương Đăng Dung



VẬT CHỨNG TRƯỚC THỜI GIAN
(Về tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung,
Nxb Thế giới, 2011)

                                                                   Lê Hồ Quang
1. Tiêu đề Những kỉ niệm tưởng tượng không hẳn là một cách chơi chữ. Đó là  phúng dụ về hiện thực qua một cách nhìn khác. Ở đó, thế giới được thiết lập nên bởi nhiều chiều kích của kí ức và sự tưởng tượng, chúng tạo nên tính chất mơ hồ, bất định và đôi khi nghịch dị trong “những ý nghĩa thỏa thuận” của ngôn từ. Ở đó, thời gian không trôi theo trật tự tuyến tính, nó bị đảo ngược, xâm thực, chồng lấn, xóa nhòa những ranh giới hiển nhiên, tạo nên những tương tác huyễn tưởng, phi thực - đó là thời gian để bắt đầu những suy niệm trừu tượng. Cũng ở đó, quá khứ và hiện tại, hiện thực và tưởng tượng, điều đã có và cái chưa từng diễn ra…, tất cả đều có thể đồng hiện và đan cài vào nhau trên cùng một mặt cắt thời gian. Tồn tại trong thơ Trương Đăng Dung là một đời sống đã được gián cách hóa. Nhà thơ biết giữ khoảng cách để cái hiện thực sự kiện “sống sít” được lắng lại, và thông qua màng lọc tâm hồn, biến chúng thành cái hiện thực ưu tư. Chính khoảng cách này cho phép ông nhìn về thế giới không phải như nó là, mà nó trong sự hình dung là. Và bởi vậy, Những kỉ niệm tưởng tượng không chỉ là cái tên gọi, nó còn là chìa khóa để mở ra một hiện thực khác – hiện thực của thi ca.

Thơ Lưu Quang Vũ

TÂM HỒN ANH DẰN VẶT CUỘC ĐỜI ANH
(Đọc Tuyển thơ Lưu Quang Vũ - Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôiNhã Nam và Nxb Hội Nhà văn, 2010)

Lê Hồ Quang

Lưu Quang Vũ thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Đó là nền thơ mang âm hưởng hào hùng của cảm hứng sử thi và chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Tuy nhiên, ông đã sớm bứt khỏi từ trường của “dàn đồng ca thế hệ” để xác lập một giọng thơ riêng với nhiều trở trăn, khắc khoải về nhân sinh, thế sự. Thơ ông, ngay từ những năm 70 của thế kỉ XX, đã thể hiện những nhận thức mới, đầy táo bạo về những “chủ đề lớn” của thời đại như chiến tranh, Tổ quốc, Nhân dân... Đi cùng với một lí tưởng xã hội mạnh mẽ, tích cực, ông cũng khao khát khẳng định mình trong tư cách “con người đời thường” với tất cả mọi biểu hiện chân thực, nhân bản. Dĩ nhiên, điều này cần được lí giải từ nhiều nguyên nhân.
Hãy bắt đầu từ cái nhìn mang tính “phi sử thi” của tác giả này về chiến tranh, đất nước và dân tộc. Thực ra, trong các sáng tác đầu tay của ông, âm hưởng sử thi của thời đại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu) vẫn rất đậm nét. Chi phối thơ ông thời kỳ này là cái nhìn lạc quan, trong trẻo, chất chứa một niềm tin “sâu thẳm” về cuộc đời: Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình (Gửi tới các anh); Ôi tâm hồn thẳm sâu/ Là những ngày đánh giặc (Chiều)...Cuộc sống chiến đấu được cảm nhận qua con mắt nhà thơ trẻ đầy thi vị, với những đêm “hành quân qua phố huyện”, với “hương đất hương cây bồi hồi”, với “đường làng có hương rơm hương cỏ”, và “thôn xóm đôi bờ xanh biếc”... Nhưng chỉ vài năm sau đó, cái nhìn về chiến tranh trong thơ ông đã khác hẳn. Đấy là một cái nhìn trực diện, chân thực và đau đớn. Viết về chiến tranh, nhà thơ không chỉ nhằm mục đích ca ngợi hay lên án. Ông tìm cách lí giải nó từ trải nghiệm của chính ông - một nhà thơ, một người lính. Chiến tranh, trước hết gắn liền với chết chóc và bi kịch. Hình tượng chiến tranh được dựng lên trong Khâm Thiên, Ghi vội một đêm 1972, Cơn bão, Những đứa trẻ buồn, Hồ sơ mùa hạ 1972... là “tiếng trẻ gào dưới tầng nhà đổ sập”, là “mùi thịt cháy rợn mình”, là “bãi thây người”, là “những chiến hào máu đẫm”, là “những xác chết cháy đen”, là “những phố làng đổ sụp”... Nhận thức về chiến tranh trước hết là nhận thức về nỗi đau thương tột cùng mà dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam phải gánh chịu. Nhận thức về chiến tranh còn là nhận thức về tội ác man rợ của kẻ thù. Nhưng hơn thế, nó còn được nhận thức như một sức mạnh tàn bạo của cái Ác, của sự Thù hận. Nhà thơ mô tả chiến tranh như một cỗ máy hủy diệt kinh rợn, và bị cuốn theo guồng quay của nó, nhân tính, tình yêu, hạnh phúc, cái Đẹp... tất thảy đều bị nghiền nát. Chính vì vậy, trong Khâm Thiên, trong nỗi đau nghẹn uất, ông viết:
Nhân danh cuộc sống, nói về cái chết
Nhân danh niềm vui, nói về nước mắt
Nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Truyện ngắn Nguyễn Khải


NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI SAU 1980

                                                                                                                                       Lê Hồ Quang
                                                                                      
 Tôi luôn có cái cảm giác rằng, bước vào truyện ngắn Nguyễn Khải, đặc biệt là những truyện được viết  sau 1980, là bước vào những góc đời ngẫu nhiên đâu đó, vặt vãnh và dễ nhoà lẫn. Thế rồi bỗng nhiên, lại thấy hình như mình đã nhầm: chính ở sự ngẫu nhiên không định trước ấy, loé sáng bất ngờ những nhân cách con người. Tác giả này rất có tài phát hiện ra trong các tình huống ngày thường những ẩn ý thâm trầm của đời sống và vì vậy, có thể hình dung truyện của ông như những trạng thái nghiền ngẫm về nhân thế. Đó là những tổng kết  mang sức nặng trải nghiệm, nhưng thường  mang vẻ “phản ứng tức  thời” của một đầu óc tỉnh táo và bén nhạy đến riết róng trước mọi trạng huống đời sống. Song với ông, viết nhiều khi còn là cách để chứng minh cho một cái mô hình luận thuyết có sẵn nào đó. Bị tính mục đích chi phối, những triết lý đôi khi bị “phô” hơi lộ liễu và không phải bao giờ cũng đạt đến độ thuyết phục như tác giả mong muốn. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả ở những thiên truyện ấy, người đọc vẫn bị cuốn hút bởi một thứ ngôn ngữ trần thuật hấp dẫn, đầy ma lực. Truyện của Nguyễn Khải, đặc biệt là những truyện được viết trong thời gian sau 1980, tìm kiếm độc giả của mình theo cách đó: điều quan trọng không phải ở chỗ tôi nói về cái gì, mà ở cách tôi nói như thế nào. Ngôn ngữ trần thuật nổi bật lên trong vai trò “chủ âm” của truyện ngắn Nguyễn Khải. Đó chính là cái “yếu tố tiêu điểm của một tác phẩm nghệ thuật: nó  thống trị, quy định và cải biến những yếu tố khác. Chính nó đảm bảo sự mạch lạc nội tại của cấu trúc” [1, 196].

"Hồi ký song đôi" của Huy Cận


“HỒI KÍ SONG ĐÔI” – MỘT HƯỚNG MỞ CỦA KÍ ỨC            
                                                                 

                                                                                                               Lê Hồ Quang

1. Trong Hồi kí song đôi, tư cách tác giả - nhà thơ, người nghệ sĩ sáng tạo Huy Cận được bộc lộ rất đậm nét. Đây là một đặc điểm đáng chú ý. Bởi lẽ, là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị với cuộc đời trải dài gần hết một thế kỉ, nhưng Huy Cận không triển khai hồi kí theo hướng lịch sử - chính trị, dù vẫn bám khá sát những sự kiện, biến cố lớn của dân tộc mà ông tham gia như một nhân chứng, đồng thời như một kẻ tham dự tích cực. Ông cũng không đi theo hướng khai thác đời tư với những tình tiết éo le, gây sốc, nhằm thỏa mãn tính hiếu kì của độc giả, dù cho bản thân cuộc đời với những trải nghiệm phong phú ấy, tự nó quả có nhiều điều đáng để người đọc chờ đợi. Việc mô tả, tái hiện kí ức với tư cách một cá nhân, một nghệ sỹ có thể giúp tác giả tránh được cái nhìn chính trị quan phương, chỉ thấy được sự kiện mà không thấy được con người, mặt khác giúp ông bộc lộ một cách tự nhiên đời sống nội tâm, tình cảm, vốn là “sở trường” của một nhà thơ lãng mạn. Có thể nói đây là một sự lựa chọn có chủ ý và với sự lựa chọn ấy, kí ức dường như đã được cấu trúc lại. Từ giã tính chất một tập hợp tư liệu khách quan và dửng dưng, chúng được “lựa chọn” và “sắp xếp” theo một trật tự mới – trật tự của cảm xúc, của nội tâm chủ thể. Dĩ nhiên, điều đó không chỉ được tạo nên bởi những thao tác hữu thức mà còn có cả sự tham dự của vô thức nghệ sỹ. Như nam châm hút sắt, những “chất liệu”, “vật liệu” hỗn tạp, xô bồ của quá khứ đã được hội tụ, lắng lọc một cách tự nhiên dưới trường nhìn đầy rung cảm của cái tôi tác giả. Một mặt, chúng vẫn đảm bảo tính khách quan của sự kiện lịch sử, nhưng mặt khác, được đan bện vào những suy ngẫm, phân tích, lí giải đậm tính cá thể, chúng trở thành một dòng hồi ức đậm tính cảm xúc và trải nghiệm. Từ đây, bắt vào mạch nội tâm, quá khứ sẽ mở ra nhiều chiều tâm hồn và đời sống. Tính văn học đậm đà của cuốn hồi kí có lẽ cũng bắt nguồn trước hết từ điều này.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm


NỖI BUỒN ĐÁNH THỨC HY VỌNG
(Về thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 1975)


                                                                                              Lê Hồ Quang
Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm viết sau 1975, ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ nói về nỗi buồn (và cả những trạng thái biến thể như sợ hãi, bơ vơ, xót xa, cay đắng, trống vắng, xa lạ...). Tuy nhiên, dù xuất hiện khá dày, đấy hoàn toàn không phải là một trạng thái xúc cảm bi đát, kéo ghì con người xuống vực thẳm tuyệt vọng. Ngược lại, đấy là một nỗi buồn tích cực, có khả năng và sức mạnh hồi sinh niềm tin, niềm hy vọng. Chính nhà thơ đã viết: Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng...Bởi vậy, không hề ngẫu nhiên khi cùng với nỗi buồn, trong thơ ông, niềm hy vọng cũng bền bỉ xuất hiện, dù đôi khi thật “khắc khổ”. Thực chất nỗi buồn cũng như niềm hy vọng này là những trạng thái nhân sinh - thẩm mĩ khá đặc biệt, chúng đánh dấu sự đổi mới căn bản của thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 1975 so với chính ông (và rộng ra là thế hệ nhà thơ chống Mỹ) trước đó. Đấy là một cảm hứng nghệ thuật gắn liền với những nhận thức và cách lý giải mới của nhà thơ về con người, đời sống cũng như bản thân sự sáng tạo.
Thật ra, dù nhiều nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tiếng cười và niềm vui, niềm lạc quan như một xu hướng thẩm mĩ có tính độc tôn của thơ Cách mạng (nói theo Chế Lan Viên, ở đó “mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười”) thì cũng không hẳn thơ thời ấy hoàn toàn vắng bặt nỗi buồn. Chẳng hạn hình ảnh vùng đất ngoại ô và người mẹ nghèo vẫn hiện lên trong thăm thẳm thơ Nguyễn Khoa Điềm như “tiếng nấc dài cuối ngã ba sâu”. Song về cơ bản, mục đích của nó không nhằm giãi bày những tâm tình riêng tư mà chỉ để nhằm làm nổi bật lý tưởng và ý chí sắt đá chống quân thù. Nó gắn liền với cảm hứng anh hùng và niềm tin không lay chuyển về tương lai trong niềm vui tất thắng. Về bản chất, nỗi buồn sử thi này khác xa nỗi buồn thế sự trong chính thơ ông về sau.

Về quan niệm dạy học Ngữ văn


CẦN THAY ĐỔI QUAN NIỆM
VỀ DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở NGÀNH SƯ PHẠM
ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN 
TRONG BỐI CẢNH MỚI
                                                                                  
                                                                                               Đặng Lưu –  Lê Hồ Quang
                                                                                             Khoa SP Ngữ văn, Đại học Vinh

TÓM TẮT
Lâu nay, giảng viên Ngữ văn ở các khoa/trường sư phạm thường dạy học theo hướng nghiên cứu, nặng tính hàn lâm, ít gắn với thực tế ở phổ thông, dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nền giáo dục. Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ gây những áp lực không nhỏ, buộc giảng viên phải thay đổi. Bài viết này đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, cần đặt ngành sư phạm Ngữ văn trong chuyển động chung của đào tạo đại học theo yêu cầu mới. Thứ hai, thay đổi quan niệm về mục tiêu, đối tượng, nội dung đào tạo giáo viên Ngữ văn ở khoa/trường đại học sư phạm. Thứ ba, cần thay đổi quan niệm về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Thứ tư, gia tăng mối quan hệ giữa khoa/trường đại học sư phạm với trường phổ thông để thay đổi cách thức dạy học. Những giải pháp này phải được tiến hành đồng bộ thì mới có hiệu quả tích cực.

Vấn đề gắn kết trường đại học với trường phổ thông


TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG
ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN
                                                                                     
                                                                                                    Đặng Lưu –  Lê Hồ Quang
Khoa SP Ngữ văn, Trường Đại học Vinh

TÓM TẮT
Hiện nay, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó, có khâu đào tạo ở các trường, khoa sư phạm. Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, các trường, khoa sư phạm cần tăng cường gắn kết với trường phổ thông. Mặc dù từ trước đến nay, trường, khoa sư phạm thường gửi sinh viên về kiến tập, thực tập, nhưng mối quan hệ như vậy vẫn mang tính đơn tuyến, một chiều, thiếu sự tương tác, do vậy, tác dụng chưa được như mong muốn.
            Để tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học và trường phổ thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cần khẩn trương thực hiện một số biện pháp. Thứ nhất, cơ quan chủ quản ngành giáo dục phải có văn bản quy định trách nhiệm, quyền lợi của các bên, đề xuất chế độ kinh phí hợp lý cho giáo viên phổ thông tham gia hướng dẫn sinh viên. Thứ hai, thời gian thực tế, thực tập nghề của sinh viên cần sớm hơn, dài hơn, sinh viên có mặt ở trường phổ thông thường xuyên hơn. Thứ ba, giảng viên bộ môn phương pháp phải đến các trường để cùng giáo viên phổ thông đánh giá kết quả thực tập của sinh viên. Thứ tư, trường, khoa sư phạm phải thường xuyên cập nhật những thay đổi chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học ở phổ thông để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Cuối cùng, giảng viên phải thực sự đổi mới quan niệm, cách thức dạy học, cách kiểm tra đánh giá, chú trọng khâu thực hành, gắn với thực tiễn dạy học ở phổ thông. Các biện pháp trên đây phải được tiến hành đồng bộ thì mới có tác dụng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Thơ Ý Nhi


THƠ Ý NHI, HÀNH TRÌNH TRONG LẶNG LẼ

                                                                                                                Lê Hồ Quang     
Xuất hiện từ trong giai đoạn chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và Đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút  xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại. Có thể hình dung về thơ chị như một hành trình truy vấn tinh thần mà trong đó, cái tôi nhà thơ, lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tự ý thức nhằm tìm kiếm cái “bản lai diện mục” của tâm hồn. Với Ý Nhi, ý thức cá nhân tỉnh táo này vừa là một nhu cầu nội tâm tự nhiên, vừa là một nỗ lực tinh thần nghiêm nhặt. Dĩ nhiên, đi cùng óc phân tích tỉnh táo ấy còn là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn. Chính điều này đã tạo nên chất “duy lí” độc đáo của thơ Ý Nhi giữa một nền thơ Việt hiện đại (nhất là thơ nữ) vốn nặng chất “duy tình”, “duy cảm”. Chất triết lí ấy cũng tạo nên nét riêng của thơ chị: không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình. 

Thơ Khánh Phương


HAI BẦU TRỜI
(Thơ Khánh Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2010)


                                                                                                                Lê Hồ Quang

 Thơ Khánh Phương, về căn bản, gợi một cảm giác tươi tắn và hiện đại dù đôi khi vẫn hiện diện trong vẻ bí ẩn khó nắm bắt. Tươi tắn và hiện đại, một phần, có lẽ do “chất liệu” của đời sống thị dân theo hướng Tây phương hóa được “huy động” vào thơ: những hàng người đứng/ trên xe bus; đồng hồ đếm ngược, kem M” c Donald; mì Ý, dân chơi bi - da; trên bàn ăn/ dao và nĩa xẻ từng miếng; món bit - tết cháy dở; Mẹc bóng loáng biển số; container mười sáu bánh khủng bố; Sony Ericson 903I mở trò chơi, khu đèn đỏ… Còn vẻ bí ẩn có lẽ chủ yếu nằm trong cách soi ngắm và bút pháp mô tả đời sống. Ở đó, những vấn đề của hiện thực, tình yêu, bản thể… được tác giả đề cập chủ yếu theo lối tượng trưng hóa, vừa đủ để gợi lên những ấn tượng, cảm giác, thức nhận cần thiết, đồng thời vẫn giúp chị khép mình lại trước nguy cơ tỏ bày quá lộ liễu.

Thơ Nguyễn Ngọc Tư


CHẤM
(Thơ Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Hội Nhà văn, 2013)

                                                                                                                 Lê Hồ Quang

chấm là một cái tên dễ gây thắc mắc nhưng nó cũng cho phép/ gợi nên nhiều cách diễn giải. Một dấu chấm (.) trên trang giấy thật là trắng, đấy phải chăng là cách hình dung riêng về thơ của Nguyễn Ngọc Tư? Câu thơ này (cũng trong tập) có lẽ là một gợi ý:
Em thấy chữ vươn cao sau dấu chấm
thấy chưa anh mọi thứ lại bắt đầu
(Dự cảm)
Dẫu sao, thơ Nguyễn Ngọc Tư vẫn cho thấy chân dung một cái tôi không hề xa lạ với văn xuôi của chị. Một cái tôi có thói quen quan sát đời sống thật gần, và bằng những tiểu tiết, khiến người đọc phải giật mình bởi khả năng phát hiện của nó.

Thơ Đinh Thị Như Thúy

NGÀY LINH HƯƠNG NỞ SÁNG 

(Thơ Đinh Thị Như Thúy, Nxb Hội Nhà văn, 2011) 
                                                  
 Lê Hồ Quang

Bao trùm Ngày linh hương nở sáng là một trạng thái nội tâm đầy u uất. Có tình cờ không, khi dày đặc trong tập thơ là những từ/ cụm từ mô tả này (tôi dẫn ngẫu nhiên): héo hon, úa tàn, đau khổ, hoảng loạn mê sảng, bất lực, bế tắc, tả tơi, u mê mệt mỏi, bất an, bất ổn, hoang mang, đắng cay, mệt nhoài, cô quạnh, tuyệt vọng… Nhạy cảm, đơn độc, dễ thương tổn đến lạ lùng, người phụ nữ ấy khép mình lại trong vỏ bọc im lặng, để lặng lẽ “lắng nghe lắng nghe và lắng nghe và tôi biết sự nằm vùi nhừ mỏi rũ liệt này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới trong nhiều tháng tới trong nhiều năm tới cơ thể tôi đang khóc than đang gào thét đang đòi biết sự thật” (Trận cảm cúm và sự im lặng).
Thơ Như Thúy nói nhiều đến những cơn đau. Những cơn đau không còn mơ hồ/ Những cơn đau cứ nhói lên nặng nề/ Như một nhắc nhớ (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)… Những linh cảm u ám: Đã buồn trước cho những ngày chưa đến/ Những chia xa đang sum họp/ Những mỏi mệt đang hân hoan… /Đã nhìn thấy vết chém/ Ròng ròng máu đỏ tươi trên da thịt (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)… Và cái chết:
- Đã chết rồi trơ trọi tôi ngày tôi vào thăm núi
Là ngày khủng hoảng tìm khắp trời không ra lý do để sống
Lý do để thở
Lý do để yêu
Lý do để tồn tại
                (Hoa mồ côi trong núi)
- Em thích ý nghĩ nằm xuống và tan vào đất… Em biết, có thể em sẽ không làm được điều gì cả, em biết trong buổi sáng này góc vườn này không đủ rộng để giấu che những đau đớn của em, em biết, em đang quá mệt, em đang chết, bắt đầu từ đôi chân
                (Những hoảng loạn của con chim sa lưới)
- Mơ chết đi chính mình
làm một cái cây ròng ròng nước
Đẫm trong gió lạnh
                (Những bài mùa đông)

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh

THÔNG ĐIỆP CỦA TRANG VIẾT



(Về truyện Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh,
Nxb Trẻ, 2017)
                                                            
                                                                           Phương Đông
Cây chuối non đi giày xanh là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Tên truyện, giống như nhiều tác phẩm khác của ông, là một hình ảnh đầy chất thơ, nó khơi gợi cảm hứng “kể chuyện” và đồng thời “dựng tứ” cho toàn bộ câu chuyện. Xét trên nhiều phương diện, truyện dài này hoàn toàn nằm trong “trường viết” quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh. Về đề tài, Cây chuối non đi giày xanh cũng viết về tuổi thơ với tất cả vẻ êm đềm, ngọt ngào mà dường như ai cũng từng có (hoặc mong muốn có). Về cách kể, câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính, từ điểm nhìn của người trong cuộc; ngôn ngữ giản dị, tự nhiên; giọng kể gần gũi, pha chút hài hước, dí dỏm; nhiều chi tiết ngộ nghĩnh, tươi tắn. Thế nhưng, sức hút của tác phẩm lại bắt đầu từ chính những điều tưởng chừng hết sức quen thuộc ấy.
Có thể nói Cây chuối non đi giày xanh đã tạo nên một thế giới tuổi thơ trong trẻo, đầy tình thương mến. Ở đó, các mối quan hệ bạn bè, thầy trò, gia đình, xóm làng… luôn tỏa ra những vẻ đẹp chân thành, thắm thiết. Mối tình trẻ con của nhân vật Đăng - người kể chuyện xưng tôi - với “cái Thắm”, nội dung chủ yếu của câu chuyện, được mô tả qua nhiều tình tiết ngộ nghĩnh. Tính chất thi vị hóa - điều dường như khó tránh khi viết về ký ức tuổi thơ - được pha trộn một cách khéo léo, tự nhiên với những sự kiện, chi tiết đời thường, bình dị. Các chi tiết vui vui được “cài cắm” khá hợp lý, thu hút sự theo dõi, chẳng hạn nỗi ám ảnh của Đăng về cái miệng tô son của cô Sa, sự “nổi loạn” của Thắm để chống lại cuộc hôn nhân định sẵn, cùng với sự “tiếp tay” của nhóm bạn là Phan, chú tiểu Khôi và mẹ Thắm….

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Truyện ngắn Lê Minh Khuê


CẢM HỨNG THẾ SỰ 

TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ                                                                                     

                                                                             Lê Hồ Quang


1. Trên thực tế, đến những năm 80 của thế kỉ XX, sau những lúng túng tìm đường, nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ đã nhanh chóng bứt ra khỏi từ trường của “khoảng chân không văn học” (Nguyên Ngọc) để tiếp tục dấn bước sáng tạo. Không hẹn mà gặp, trong sáng tác của nhiều tác giả này, chẳng hạn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Chu Lai…, cảm hứng sử thi dần được thay thế bằng cảm hứng nhân sinh, thế sự. Với nhu cầu nhận thức lại hiện thực, thay cho cái nhìn đơn tuyến và đậm tính lí tưởng trước đây là một cái nhìn đa chiều, gai góc, đậm tính phê phán. Cảm hứng này sẽ còn được tiếp tục đậm nét hơn, đa dạng hơn trong sáng tác của thế hệ các nhà văn thế hệ sau như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ…  Đặt trong dòng chảy đó, ta dễ dàng thấy sự xuất hiện của cảm hứng thế sự trong sáng tác của Lê Minh Khuê là một tất yếu logic – lịch sử. Như nhiều cây bút cùng thế hệ, Lê Minh Khuê không ngần ngại bám sát vào những ngõ ngách của hiện thực thời hậu chiến, nhất là ở những mặt trái, góc khuất của nó. Trong truyện ngắn của bà, ta bắt gặp rất nhiều tin tức, sự kiện như được “cắt” ra từ các mẩu tin trên báo chí hàng ngày. Nhưng từ những “chất liệu thô” của thời cuộc, nhà văn biết cách gạn lọc và “nâng cấp” lên thành những vấn đề nhân sinh đáng suy ngẫm. Đằng sau những thông tin sự vụ, bà nhìn thấy những câu chuyện về cuộc sống con người, những chuẩn mực đạo đức của một xã hội, văn hóa của một thời đại. 

Thơ Dương Kiều Minh

DƯƠNG KIỀU MINH, RA ĐI ĐỂ TRỞ VỀ



Lê Hồ Quang
Ngay từ tập thơ đầu tay - Củi lửa (1989), Dương Kiều Minh đã gây chú ý dư luận bởi những cách tân, tìm tòi mạnh mẽ. Liên tục những tập thơ của ông ra đời sau đó như Dâng mẹ (1990), Những thời đại thanh xuân (1991), Ngày xuống núi (1995), Tôi ngắm mãi những ngày thu tận (2008)..., đều tạo ấn tượng với người đọc bởi một phong vị và cốt cách riêng biệt. Hướng về cội nguồn phương Đông, kết hợp với một tinh thần sáng tạo tích cực, ông đã tạo nên trong thơ một diện mạo gần gũi mà vẫn hết sức mới lạ. 
               Đọc thơ Dương Kiều Minh trước hết là “đọc” một tiếng nói nội tâm khá đặc biệt. Thơ ông tràn ngập nỗi buồn. Không chỉ dừng lại ở những tín hiệu ngôn ngữ buồn, sầu (với nhiều biến thể như đau thương, muộn phiền, trống vắng, sầu muộn, lẻ loi, cô độc...), mà hơn thế, nó đã trở thành một trạng thái tinh thần thống ngự. Từ Củi lửa qua Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, đến Khúc chuyển mùa, nỗi buồn, sầu ấy ngày càng đậm đặc và ngả sang sắc thái bi thương, bởi sự “trơ trọi và đơn độc”, bởi “bệnh tật và nỗi đời dày vò”. Đấy là trạng thái nội tâm diễn tả tập trung nhất, sắc nét nhất diện mạo tinh thần tác giả. Một con người dường như đã già ngay khi còn trẻ; sống trong hiện tại mà dường như luôn đắm chìm trong những hoài niệm quá khứ; giữa xô bồ tục lụy mà vẫn luôn giữ một sự gián cách thiêng liêng cho những suy tưởng trừu tượng và đơn độc... Bởi vậy, thế giới trong thơ ông là hồi quang của một cái nhìn nội tâm đầy khắc khoải, như từ một cõi xa nào, nó vừa phản chiếu cái tức thời của đời sống cá nhân trong những thời khắc cụ thể, vừa có khả năng trừu xuất khỏi chính nó, vượt thoát ra ngoài nó, để nghiệm sinh thấm thía hơn, thương cảm hơn về thân phận con người.