Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Thơ Đinh Thị Như Thúy

NGÀY LINH HƯƠNG NỞ SÁNG 

(Thơ Đinh Thị Như Thúy, Nxb Hội Nhà văn, 2011) 
                                                  
 Lê Hồ Quang

Bao trùm Ngày linh hương nở sáng là một trạng thái nội tâm đầy u uất. Có tình cờ không, khi dày đặc trong tập thơ là những từ/ cụm từ mô tả này (tôi dẫn ngẫu nhiên): héo hon, úa tàn, đau khổ, hoảng loạn mê sảng, bất lực, bế tắc, tả tơi, u mê mệt mỏi, bất an, bất ổn, hoang mang, đắng cay, mệt nhoài, cô quạnh, tuyệt vọng… Nhạy cảm, đơn độc, dễ thương tổn đến lạ lùng, người phụ nữ ấy khép mình lại trong vỏ bọc im lặng, để lặng lẽ “lắng nghe lắng nghe và lắng nghe và tôi biết sự nằm vùi nhừ mỏi rũ liệt này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới trong nhiều tháng tới trong nhiều năm tới cơ thể tôi đang khóc than đang gào thét đang đòi biết sự thật” (Trận cảm cúm và sự im lặng).
Thơ Như Thúy nói nhiều đến những cơn đau. Những cơn đau không còn mơ hồ/ Những cơn đau cứ nhói lên nặng nề/ Như một nhắc nhớ (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)… Những linh cảm u ám: Đã buồn trước cho những ngày chưa đến/ Những chia xa đang sum họp/ Những mỏi mệt đang hân hoan… /Đã nhìn thấy vết chém/ Ròng ròng máu đỏ tươi trên da thịt (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)… Và cái chết:
- Đã chết rồi trơ trọi tôi ngày tôi vào thăm núi
Là ngày khủng hoảng tìm khắp trời không ra lý do để sống
Lý do để thở
Lý do để yêu
Lý do để tồn tại
                (Hoa mồ côi trong núi)
- Em thích ý nghĩ nằm xuống và tan vào đất… Em biết, có thể em sẽ không làm được điều gì cả, em biết trong buổi sáng này góc vườn này không đủ rộng để giấu che những đau đớn của em, em biết, em đang quá mệt, em đang chết, bắt đầu từ đôi chân
                (Những hoảng loạn của con chim sa lưới)
- Mơ chết đi chính mình
làm một cái cây ròng ròng nước
Đẫm trong gió lạnh
                (Những bài mùa đông)


Luôn trở đi trở lại trên những dòng viết là cảm giác nặng trĩu u uất, bất lực. Căn nguyên của nó có lẽ không chỉ do một thể chất yếu đuối, dễ tổn thương, mệt mỏi mà còn do một thể trạng tinh thần quá ư nhạy cảm, đặc biệt trước trạng thái sống đang bị hủy hoại. Và sự bất ổn của đời sống thì hiện diện khắp nơi qua con mắt của cái tôi ấy, ví như trận cảm cúm kéo dài, sự rũ liệt của cơ thể, cảm giác hoảng loạn của con chim sa lưới, sự bất thường của thời tiết, vòm cây xác xơ, những khối bê tông bất ổn, những “chuyển động hỗn loạn chói gắt” của bầu trời… Một đời sống đang bị nhiễm độc. Và tâm hồn con người cũng đang bị nhiễm độc bởi sự “giả trá”, “nịnh nọt”, “ngụy trang”, bởi sự “uể oải chảy trôi lười nhác chảy trôi đờ đẫn chảy trôi”, sự “u mê mệt mỏi”, “lòng trắc ẩn mỏi mòn/ lương tâm rọ mõm”…
Không gian thơ Đinh Thị Như Thúy bị chia cắt bởi “những bức tường/ cách ly cuộc sống”, “khu vườn/ mắt lá bất động”, phố huyện ngột ngạt”, “thị trấn ướt át”, “lầy lội”. Trong không gian “ngột ngạt” ấy, thời gian cũng thành “bất động”: Ngày bất động ghim chặt thế giới vào khung tranh cũ nát. Điều duy nhất con người có thể làm trong không gian ấy là “tận hưởng đến giọt sau cùng của sự cô quạnh”. Nhưng món quà của cảnh ngộ chỉ càng làm dấy lên mạnh mẽ hơn nỗi khát khao về một trận cuồng phong dữ dội, đủ sức phá hủy tất cả và (đồng thời) tái sinh tất cả. Và trong khi “đợi gió”, con người không ngừng mơ giấc mơ “là bướm hoang là ong rừng là bước chân bồn chồn của những người đàn bà luôn mơ những giấc mơ bất ổn”.
Điệp (từ/ ngữ/ cú pháp) trong thơ Đinh Thị Như Thúy là một cách phổ biến để giãi bày nội tâm, xây dựng hình tượng, tạo nhạc tính. Điều này cũng góp phần tạo nên một giọng điệu trùng điệp, dồn dập, dư ba, rất thích hợp với việc giãi bày, thổ lộ tâm trạng cá nhân. Hình thức câu thơ thường trải dài theo lối văn xuôi hóa, không bị ngăn cách bởi các dấu câu. Có thể xem đấy là một cách “giải phóng” tiếng nói nội tâm đầy những cung bậc hụt hẫng, rối bời, đổ vỡ, bấn loạn, cuồng nộ… Sự tương phản chói gắt trong nội tâm này tạo nên sự tương phản dị thường, siêu thực trong bức tranh đời sống được mô tả:
Trong không gian đầy ắp âm thanh có gì như vui tươi có gì như cuồng nộ. Trong công viên đầy ắp những dây leo từ dưới đất vẹo vọ mọc lên, từ trên vòm lá xanh ùn ùn tràn xuống lắc lư vặn xoắn như rắn cuộn.
Trong lồng ngực khối u đã được kích hoạt, từ vị trí ba giờ bên ngực trái những chiếc rễ bắt đầu bò lan, cái chết lạnh toát đang nở ra trương phình ra như rong tảo khô ngấm nước
Mũi tên đã rời cánh cung đang vẽ vào cát bụi một đường cong lộng lẫy.
                         (Cái gì đã xảy ra giữa chúng ta)
Rốt cục, thơ là nơi (duy nhất) để nhà thơ tìm về nương náu, sau những giãy dụa để vượt thoát khỏi một hiện thực đời sống mà sự tàn nhẫn của nó dường như đã vượt quá sức chịu đựng của một trái tim mẫn cảm. Nhưng lại chính ở trong thơ, vẫn tồn tại nguyên vẹn, thậm chí còn dữ dội và mãnh liệt hơn, một nội tâm đầy giằng xé, bất ổn, liên tục bị chấn thương bởi những cảm xúc va đập với đời sống.
Sự thực là thơ Đinh Thị Như Thúy không chỉ giãi bày, thổ lộ xúc cảm. Những cụm từ đóng vai trò chú thích để trong ngoặc đơn, những câu thơ giàu tính phân tích về tình huống thực tại, những lời tự giễu… là bằng chứng tồn tại của một lý tính tỉnh táo, mạnh mẽ. Tuy vậy, tính chất cái tôi “tự ăn mình” vẫn cho thấy căn tính lãng mạn chủ nghĩa của ngòi bút. Ngày linh hương nở sáng, do vậy, xét đến cùng, vẫn là một ẩn dụ mang tính tượng trưng hơn là một biểu tượng trùng phức.
Sự giăng trải miên man của ngôn ngữ là điểm hay, khi nó giúp giải thoát con người khỏi trạng thái tinh thần trầm nhược, song đôi khi, chính là điểm bất lợi cho thơ.
Vinh, 15/11/2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét