CẦN THAY ĐỔI QUAN NIỆM VỀ DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở NGÀNH SƯ PHẠM
ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO GIÁO
VIÊN TRONG BỐI CẢNH MỚI
Đặng Lưu – Lê Hồ Quang
Khoa
SP Ngữ văn, Đại học Vinh
TÓM TẮT
Lâu nay, giảng viên Ngữ văn ở các khoa/trường sư phạm
thường dạy học theo hướng nghiên cứu, nặng tính hàn lâm, ít gắn với thực tế ở
phổ thông, dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu
đổi mới nền giáo dục. Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ gây những áp lực
không nhỏ, buộc giảng viên phải thay đổi. Bài viết này đề xuất một số giải
pháp. Thứ nhất, cần đặt ngành sư phạm Ngữ văn trong chuyển động chung của đào tạo đại
học theo yêu cầu mới. Thứ hai, thay đổi
quan niệm về mục tiêu, đối tượng, nội dung đào tạo giáo viên Ngữ văn ở khoa/trường
đại học sư phạm. Thứ ba, cần thay đổi
quan niệm về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Thứ tư, gia tăng mối quan hệ giữa
khoa/trường đại học sư phạm với trường phổ thông để thay đổi cách thức dạy học.
Những giải pháp này phải được tiến hành đồng bộ thì mới có hiệu quả tích cực.
TO
CHANGE THE PERSPECTIVE
ABOUT
TEACHING LITERATURE IN PEDAGOGY FIELD
TO MEET
THE TEACHER TRAINING REQUIREMENTS IN NEW CONTEXT
SUMMARY
So far, literature teachers in the pedagogy faculties/schools have
usually taught in direction of researching, in academic way, less associated
with the reality in high schools, resulting in the status that training
teachers does not meet the requirements of education reform. New curriculum and
textbooks will put pressure on teachers, force them to change. This article
proposes some solutions. Firstly, it
is necessary to place the Literature education in the general movement of
higher education training according to new requirements. Secondly, to change the concept of objectives, objects, contents of
training Literature teachers in the pedagogy faculties/universities. Thirdly, it is necessary to change the
concept of methodology, form of teaching and testing, evaluation. Finally, to enhance the relationship
between pedagogy faculties/universities and high school to change the form of
teaching. These solutions must be carried out synchronously for positive
effect.
I.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Chất lượng đào tạo giáo viên ở các
trường/khoa Sư phạm ở nước ta hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm. Không thể
lảng tránh một thực tế: số đông sinh viên tốt nghiệp đại học, nếu được tuyển dụng
vào làm giáo viên ở trường trung học, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.
Sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn cũng không phải là ngoại lệ. Có thể chỉ ra nhiều
nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, chẳng hạn: chất lượng đầu vào thấp; chương
trình đào tạo còn rất hàn lâm, thiếu tính thực tế; khâu rèn nghề cho sinh viên
chưa được chú trọng đúng mức; sinh viên thiếu động cơ học tập do không được đảm
bảo một tương lai chắc chắn về nghề nghiệp... Trên các diễn đàn, người ta đã
phân tích từng khâu khá kỹ. Theo chúng tôi, bên cạnh những gì vừa nêu, cũng cần
thấy thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng: cách dạy học các bộ môn
chuyên ngành thuộc sư phạm Ngữ văn dường như chưa theo kịp những yêu cầu về đào
tạo giáo viên trong thời đại mới. Điều này là hệ quả của một quan niệm dạy học ở
đại học đã hình thành từ lâu, duy trì bền vững qua nhiều thế hệ giảng viên, ít
chịu áp lực thay đổi so với môi trường phổ thông. Trong bối cảnh hiện nay, một
quan niệm dạy học nào đó nếu đã trở nên bất cập thì rất cần phải xem xét lại thật
nghiêm túc để có hướng khắc phục.
II.
NỘI DUNG
1.
Về quan niệm về dạy học Ngữ văn ở ngành sư phạm thời gian qua
Đối với các học phần khoa học cơ bản
như Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, ở các
trường đại học sư phạm có bề dày lịch sử, chúng ta có một đội ngũ các nhà khoa
học hùng hậu. Các công trình nghiên cứu của họ thực sự là những thành tựu khoa
học chuyên ngành đáng trân trọng. Không ít nhà nghiên cứu đầu ngành đồng thời
là giảng viên đại học sư phạm. Các thế hệ học trò của họ đã lần lượt trưởng
thành, khẳng định vị trí trên nhiều lĩnh vực, trong số đó, nhiều người tiếp nối
con đường thầy mình đã đi: trở thành những nhà sư phạm đứng trên bục giảng trường
đại học.
Trong quan niệm từ trước đến nay, dạy
đại học là truyền thụ những tri thức bậc cao, hướng tới tinh thần nghiên cứu.
Theo GS. Trần Đình Sử: “Môn văn ở đại học là bộ môn dạy nghiên cứu văn học. Thầy
không phải là người công bố kết quả, mà là người bày ra trạng thái chưa giải
quyết của vấn đề, dẫn dụ học sinh vào đấy để họ tham gia giải quyết. Trình bày
các cách hiểu và đánh giá, những ưu và khuyết của các cách hiểu ấy, hướng tới
một cách giải quyết hoàn thiện hơn, hợp lí hơn. Dạy văn học ở đại học về căn
bản là dạy nghiên cứu văn học, chỉ ra những vấn đề chưa giải quyết, những chỗ
khó chưa thể vượt qua, giống như dạy toán là dạy các bài toán chưa giải được” [8].
Dù GS. Trần Đình Sử chỉ đề cập đến việc dạy Văn (trong phạm vi Văn học Việt
Nam, Văn học nước ngoài), nhưng ta hiểu, các bộ môn khác (chẳng hạn Ngôn ngữ
học) cũng phải được giảng dạy theo tinh thần ấy.
Do
đặt yêu cầu cao vấn đề nghiên cứu, cho nên, trong quan niệm vừa nêu, ta không
thấy có sự phân biệt dạy Văn ở đại học sư phạm với dạy Văn ở những ngành khác,
chẳng hạn ngành Cử nhân trường Khoa học xã hội và nhân văn. Có một thực tế, lâu
nay, khoa Ngữ văn ở các trường sư phạm cũng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy
học theo hướng đó. Giảng viên nỗ lực nghiên cứu, và dù giảng đường không phải
là nơi công bố kết quả, nhưng nội dung bài học chủ yếu vẫn theo hướng nghiên
cứu của thầy. Xin hãy đọc lại những giáo trình lưu hành trong các trường sư
phạm, cả các bộ môn văn học và ngôn ngữ, ta sẽ thấy đại bộ phận đều theo hướng
nghiên cứu cơ bản. Nếu đối sánh giáo trình Văn học hoặc ngôn ngữ của trường sư
phạm với những trường đào tạo cử nhân, nếu có khác nhau chỉ là ở quan niệm của
người nghiên cứu về các vấn đề được đề cập chứ không phải ở tính hướng nghiệp.
Do vậy, trong đào tạo giáo viên, nhiều trường vẫn sử dụng cả giáo trình của các
giáo sư ngoài ngành sư phạm làm học liệu cho sinh viên. Người ta không thấy có
bất cập gì ở đây, vì tất cả đều nhắm tới mục đích hình thành tri thức chuyên
sâu và định hướng nghiên cứu cho sinh viên. Nhiều lúc sinh viên được dẫn dụ vào
những vấn đề rất hóc búa, chẳng hạn: những quan niệm khác nhau về cách phân kỳ
lịch sử văn học Việt Nam; những đánh giá trái ngược nhau về tư tưởng, sự nghiệp
sáng tác của một tác gia nào đó; những tranh cãi bất tận về chuyện có hiện
tượng hình vị tiếng Việt nhỏ hơn hoặc lớn hơn âm tiết hay không; các quan điểm
không thống nhất về từ, về câu tiếng Việt... Những vấn đề đỏi hỏi tiếng nói của
các chuyên gia như thế đều đã có mặt trong bài giảng của giảng viên đại học sư
phạm. Các khoa sư phạm Ngữ văn xem những tri thức có tính hàn lâm như vậy là
tri thức cơ sở ngành mà mỗi giáo viên phổ thông tương lai cần được trang bị.
Thời
gian vừa qua một số khoa Ngữ văn không chỉ đào tạo ngành sư phạm mà còn có cả
ngành cử nhân. Khung chương trình của hai ngành này có một số học phần trùng
nhau (những học phần cung cấp tri thức cơ sở ngành). Đối với những học phần
giao thoa giữa hai chương trình như thế, người ta không ngần ngại cho sinh viên
sư phạm và sinh viên cử nhân được đăng ký học chung lớp. Như vậy, việc định
hướng nghề nghiệp không hề được đặt ra trong dạy học. Người dạy chỉ có nhiệm vụ
truyền thụ tri thức, kích thích tinh thần nghiên cứu văn học và ngôn ngữ. Thành
công của giờ dạy được “đo” ở mức độ hứng thú của sinh viên, độ sâu sắc, uyên
bác của tri thức, còn khả năng người học vận dụng những tri thức ấy như thế nào
trong nghề nghiệp tương lai thì chưa được giảng viên tính đến. Do chưa phân
biệt thật rạch ròi giữa đào tạo khoa học cơ bản với đào tạo khoa học ứng dụng,
cho nên dù kiến thức mà giảng viên truyền dạy cho sinh viên có mới mẻ đến đâu,
tính thiết thực của nó vẫn rất hạn chế. Rõ ràng đó là những bất cập.
Trên
thế giới, có một số nước đào tạo sư phạm theo hình thức tiếp nối, có nghĩa sinh
viên phải tốt nghiệp một trường đại học mới được dự tuyển vào trường sư phạm,
đào tạo bậc cao học, lấy bằng thạc sĩ giáo dục để được tuyển dụng làm giáo
viên. Ở giai đoạn đại học, các trường rất rộng đường trong việc trang bị tri
thức khoa học cơ bản cho sinh viên. Khả năng nghiên cứu chuyên ngành của sinh
viên được hình thành và phát triển ở bậc học này. Đến bậc cao học, học viên
được định hướng nghiên cứu chuyên sâu khoa học giáo dục, với thời gian thực tập
nghề chiếm một tỉ lệ rất lớn trong chương trình (ở Phần Lan là 40 tín chỉ, khoảng
một phần ba chương trình học [7]. Ngược lại, các trường/khoa sư phạm ở nước ta
vẫn đào tạo giáo viên theo hình thức đồng thời. Cụ thể, trong 4 năm học sư phạm
Ngữ văn, sinh viên vừa học các học phần chung, vừa học các học phần cơ sở ngành
và tri thức ngành. Vì đào tạo đồng thời, cho nên thời gian dành cho việc rèn
nghề của sinh viên rất eo hẹp. Với một thời lượng eo hẹp như thế, nếu giảng
viên nhất mực đề cao yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu về văn học và ngôn ngữ, thì
người học rất khó đáp ứng. Và dù có đáp ứng được, khi ra trường, sinh viên cũng
không có “đất dụng võ”, vì môi trường phổ thông đòi hỏi gắt gao những năng lực
của nghề dạy học chứ không phải khả năng nghiên cứu.
Trước
đây có một thời đã từng tồn tại khái niệm “giáo học pháp chương mục” trong
trường đại học sư phạm. Bản chất của vấn đề là: khi dạy bất cứ một môn nào
thuộc khoa học Ngữ văn, giảng viên phải quan tâm những nội dung có liên quan
đến các bài học ở phổ thông. Không những thế, giảng viên còn hướng dẫn sinh
viên cách dạy những bài học cụ thể. Một chuyên gia văn học trung đại chẳng hạn,
có thể nêu cách dạy Bình Ngô đại cáo,
Truyện Kiều,... một nhà nghiên cứu
Việt ngữ thì hướng dẫn cách dạy những bài về từ, về câu, về tu từ, phong cách
học... Dù sự hướng dẫn của giảng viên chủ yếu liên quan đến nội dung các bài
trong sách giáo khoa, chưa phải là phương pháp dạy học đúng nghĩa, nhưng dẫu
sao cách làm đó của “giáo học pháp chương mục” vẫn có ích nhất định trong việc
rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên. Tiếc rằng, chút quan hệ ít ỏi đó giữa dạy
Ngữ văn ở đại học sư phạm với dạy phổ thông đã không còn được duy trì.
Không
chỉ ở phần kiến thức cơ sở ngành, mà cả phần kiến thức ngành, tức là các học phần
phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay cũng bộc lộ những bất cập. Thời lượng dành
cho phần phương pháp dạy học còn quá ít đã đành, nhưng điều đáng bàn ở đây là
cách dạy của giảng viên. Dạy phương pháp mà chủ yếu truyền thụ lý thuyết trên
lớp, thực hành chỉ vỏn vẹn mấy tiết tập giảng, thì sinh viên khó mà thuần thục
các kỹ năng sư phạm. Từng theo dõi không ít tiết thi giảng của sinh viên năm
cuối trước khi các em được đến trường phổ thông thực tập, chúng tôi nhận thấy,
phần lớn chỉ quan tâm đến nội dung bài học, còn phương pháp dạy học thì chưa
được chú ý đúng mức. Cách lên lớp vẫn rất cũ xưa, thiếu sự tìm tòi, đột phá.
Sự
bất cập còn lộ rõ ở một phương diện khác: các giáo trình phương pháp hiện nay,
phần lớn được soạn đã khá lâu, không theo kịp những thay đổi của chương trình,
sách giáo khoa phổ thông. Xin lấy ví dụ: trước đây ở bậc trung học, có giờ
Giảng văn, giờ Phân tích văn học, thì nay được gọi là giờ Đọc hiểu. Đây không
chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà quan trọng hơn là một bước hiện đại hóa quan niệm
dạy học. Nếu Giảng văn đề cao vai trò của thầy, thì Đọc hiểu lại trao quyền chủ
động, tích cực cho trò. Thế nhưng, trừ bài giảng do giảng viên tự soạn (mức độ
cập nhật thế nào chỉ có người soạn biết), các giáo trình về đọc hiểu rất hiếm
hoi. Một ví dụ khác: chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành được biên
soạn theo quan điểm tích hợp, nhưng giáo trình đại học đào tạo cách dạy tích
hợp Tiếng Việt – Đọc hiểu – Làm văn thì vẫn còn vắng bóng. Tình trạng “tuổi
thọ” của giáo trình đại học dài hơn rất nhiều so với “vòng đời” của chương
trình và sách giáo khoa phổ thông đã gây nên sự “lệch pha”, và kết quả đào tạo
giáo viên luôn “hụt hơi” so với đòi hỏi của thực tế.
2. Áp lực thay đổi quan niệm về dạy
học Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay
Có lẽ chưa bao giờ, chất lượng đào tạo sư phạm thu
hút sự quan tâm sâu sắc của xã hội như lúc này. Với các trường đại học, đây là
chuyện sống còn, bởi không thể lấy bất cứ lý do gì để biện minh cho việc đào tạo
không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, mỗi trường tự biết mình đứng ở vị trí nào
trong bức tranh chung của đại học cả nước. Muốn khẳng định và phát triển, trong
rất nhiều khâu cần giải quyết, các trường nhất thiết phải thay đổi chương trình
đào tạo. Chương trình theo hướng tiếp cận nội dung tồn tại đã khá lâu, nay bộc
lộ rõ ràng sự bất cập, đòi hỏi phải được thay thế bằng chương trình theo hướng
tiếp cận năng lực.
Sự thay đổi ấy trước hết gây áp lực
rất lớn đối với giảng viên đại học sư phạm. Vẫn trình độ ấy, tri thức ấy, nhưng
không thể dạy như cũ. Nếu trước đây, thầy dạy những gì mình có, càng uyên bác,
sâu sắc càng tốt, thì nay, phải điều chỉnh theo hướng tập trung dạy những gì thực
sự cần thiết cho nghề giáo viên. Nói cách khác, thầy phải biết đào tạo nghề dạy
học, để sinh viên ra trường có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao của ngành và
thích ứng với thị trường lao động khắc nghiệt. Muốn đáp ứng được những yêu cầu ấy,
nội dung dạy học tất yếu phải thay đổi, kéo theo sự thay đổi về quan niệm dạy học.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về chương
trình và sách giáo khoa ở phổ thông cũng tạo nên một áp lực không nhỏ. Lần đầu
tiên, giáo dục phổ thông ở Việt Nam có một chương trình tổng thể, xuyên suốt cả
ba cấp học. Điều quan trọng nhất, chương trình đó cũng lấy việc hình thành và
phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh làm mục tiêu. Vì điều này, giáo
viên phổ thông hiện nay đang đứng trước những đòi hỏi rất cao, những thách thức
rất lớn. Có một lô gic đơn giản: muốn phát triển năng lực học sinh thì người dạy
phải thực sự có năng lực. Năng lực ấy không tự nhiên có được, mà phải là kết quả
của một quá trình đào tạo bài bản, khoa học. Nhưng thế nào là bài bản, khoa học?
Cách dạy như bấy lâu nay đã ổn chưa? Nếu chưa ổn, thì phải thay đổi như thế
nào? Làm sao để đào tạo được những giáo viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà như nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết
29 của Trung ương? Trước những câu hỏi bức thiết đó, giảng viên đại học sư phạm
không thể không suy nghĩ.
3.
Đề xuất hướng thay đổi quan niệm dạy học Ngữ văn ở các ngành sư phạm nhằm đáp ứng
yêu cầu đổi mới đào tạo giáo viên
Từ những gì đã phân tích ở trên, rõ ràng việc thay đổi
về quan niệm cách thức dạy học ở ngành Ngữ văn các khoa/trường sư phạm hiện nay
là câu chuyện không thể né tránh. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì không phải
mọi người đều nhận thức giống nhau. Theo chúng tôi, những bất cập đã nêu là một
“âm bản”, qua đó, phần “dương bản” (những giải pháp) sẽ được nhận diện. Từ góc
nhìn của mình, chúng tôi xin nêu mấy luận điểm sau đây:
3.1. Cần đặt ngành sư phạm Ngữ
văn trong chuyển động chung của đào tạo đại học theo yêu cầu mới
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập thị
trường, việc giáo dục đại học chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại
chúng đã tạo nên những thay đổi căn bản trong triết lý, quan niệm giáo dục, cơ
cấu tổ chức và vận hành hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học. Giáo dục đại học
giờ đây không chỉ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực “tinh hoa”, mà phải đào tạo
ra nguồn lực lao động có trình độ, năng lực nghề nghiệp cho xã hội. Đầu ra của
đào tạo đại học không còn được bao cấp, sinh viên phải cạnh tranh khốc liệt
trong thị trường lao động để có việc làm và thu nhập. Giáo dục đại học gắn liền
với việc đáp ứng thị trường lao động, chịu sự “giám sát”, “đòi hỏi” ngặt nghèo
của cơ sở tuyển dụng nhân lực, do đó, có những thay đổi rất cơ bản trong triết
lý giáo dục và cơ cấu đào tạo, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đại học Sư phạm cũng không nằm ngoài xu thế giáo dục đại
học nói chung đó.
Trong dạy học Ngữ văn ở trường/khoa Sư phạm, do đó, bên
cạnh việc hình thành và rèn luyện các tri thức khoa học cơ bản, cần chú trọng
việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Dĩ nhiên, chú trọng việc rèn nghề không
có nghĩa chỉ tập trung vào các thao tác thuần túy kỹ thuật. Cần chú ý cung cấp
và hình thành các tri thức phương pháp luận – nguồn tri thức được hình thành từ
nhiều bộ môn khoa học cơ bản. Có điều các tri thức lý thuyết này cũng phải được
thực hành hóa, phương pháp hóa, biến thành các tri thức công nghệ, tri thức
phương pháp, để các giáo viên sư phạm tương lai có thể vận dụng nhuần nhuyễn
trong dạy học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Điều này cũng còn dẫn đến những
thay đổi rất căn bản trong quan niệm về người dạy và người học ở trường đại học
Sư phạm. Giảng viên giờ đây đóng vai trò người hướng dẫn, cố vấn, gợi mở, trọng
tài chứ không phải người độc quyền chân lý. Còn người học phải là người chủ động,
tích cực trong việc kiến tạo tri thức.
Đây là điều đã được nói tới rất nhiều trên phương diện lý thuyết. Sự thật thì
giảng viên ở trường đại học chưa được trao quyền tự chủ nhiều như vậy. Và cũng
trên thực tế, sự chủ động, tích cực của sinh viên trong hoạt động học tập, khám
phá ở một số cơ sở đào tạo Sư phạm cũng còn khá là hạn chế.
3.2. Thay đổi quan niệm về mục
tiêu, đối tượng, nội dung đào tạo giáo viên Ngữ văn ở trường đại học sư phạm
Việc đổi mới mục tiêu giáo dục từ cung cấp tri thức sang hình thành
và phát triển năng lực, phẩm chất người học cũng dẫn đến yêu cầu thay đổi căn bản
trong quan niệm dạy học Ngữ văn ở ngành sư phạm hiện nay. Dạy học Ngữ văn, như
vậy, thay vì chỉ là việc cung cấp những nội dung tri thức lý thuyết của chuyên
ngành đào tạo (tri thức về văn học Việt Nam, văn học thế giới, ngôn ngữ, tri thức
về phương pháp dạy học…) mà còn phải hướng tới việc tổ chức vận dụng những tri
thức đó vào những tình huống học tập thực tiễn để hình thành và phát triển các
kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi
mang tính tổng thể, trên nhiều phương diện của cơ sở đào tạo sư phạm: thay đổi
trong quan niệm về mục tiêu đào tạo, đối tượng (sản phẩm) đào tạo, chương trình
dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các hình thức kiểm tra, đánh
giá…
Về mục tiêu đào tạo, phải có sự thiết kế nhất quán, đồng bộ từ mục
tiêu tổng thể của chương trình đến mục tiêu cụ thể của các học phần, và phải
bám sát theo định hướng hình thành và phát triển năng lực cho sinh viên sư phạm
ngành Ngữ văn. Muốn vậy, đương nhiên, chương trình đào tạo ở trường đại học Sư
phạm phải được thiết kế, xây dựng trên cơ sở xác định rõ đặc trưng, triết lý và
nội dung và phương pháp giảng dạy môn học này ở cấp phổ thông. Chương trình đào
tạo nhất thiết phải thay đổi theo hướng gắn với thực tiễn dạy học ở trường phổ
thông. Chỉ trong sự gắn kết chặt chẽ này, chương trình đào tạo ở trường đại học
Sư phạm mới có thể vận hành một cách hiệu quả, sản phẩm đào tạo (là các sinh
viên ngành sư phạm) mới có chất lượng, mới đủ tri thức và năng lực để thực hiện
chương trình giáo dục phổ thông mới. Căn cứ trên các năng lực chung, năng lực đặc
thù và năng lực cốt lõi của môn Ngữ văn, việc thiết kế và xây dựng chương trình
đào tạo giáo viên ở các học phần văn học, ngôn ngữ, phương pháp dạy học đều phải
được xây dựng theo chuẩn đầu ra, với cái đích hình thành những tri thực và năng
lực sư phạm cần thiết cho các giáo viên tương lai. Trường đại học Sư phạm cũng
cần phân công giảng viên (không chỉ các giảng viên của chuyên ngành Phương pháp
dạy học) đi thực tế phổ thông. Mục đích của công việc này là để giảng viên cập
nhật tình hình giảng dạy, chương trình, nội dung, phương pháp, nắm bắt những điểm
“nghẽn” mà giáo viên phổ thông thường gặp để giúp sinh viên có hướng giải quyết
sau này… Trong quá trình đi thực tế, giảng viên điều tra, khảo sát ý kiến các
đơn vị tuyển dụng giáo viên về chất lượng và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Hoạt động này cần được chuẩn bị theo kế hoạch và nên được tiến hành thường xuyên,
với những hình thức, phương pháp điều tra, khảo sát chính xác, khách quan.
3.3. Thay đổi quan niệm về phương
pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá
Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu bức thiết trong giáo dục
đại học hiện nay. Nhìn chung, các phương pháp dạy học hiện đại đều xuất phát từ
mục tiêu hình thành năng lực của người học. Trong quan niệm dạy học truyền thống,
người thầy được hình dung như người có quyền uy tối thượng trong việc ban phát
chân lý, điều này dẫn đến phương pháp giảng dạy chủ đạo là thuyết giảng. Trong
mối quan hệ với người thầy, người học chỉ thụ động tiếp thu tri thức được thầy
cung cấp và thao tác chiếm lĩnh tri thức chủ yếu là ghi nhớ và tái hiện. Tuy
nhiên, trong quan niệm giáo dục hiện đại, người thầy chỉ là người hướng dẫn, cố
vấn, gợi ý, tham dự, còn người học phải chủ động kiến tạo tri thức và hình
thành kỹ năng cá nhân trong quá trình học tập. Như vậy, việc của người thầy là
phải tổ chức, thiết kế những tình huống hoạt động học tập phù hợp, tích cực để
học sinh có thể hình thành và phát triển tối đa năng lực của mình.
Để đảm bảo mục tiêu đào tạo theo hướng hình thành và phát triển
năng lực người học trong giáo dục hiện nay, giảng viên đại học cần có những
thay đổi căn bản trong quan niệm về mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ và phương
pháp dạy học. Trước hết, cần phải thấy rằng, việc đổi mới mục tiêu giáo dục
theo hướng hình thành và phát triển năng lực hoàn toàn không phải là việc riêng
của các giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy mà là nhiệm vụ chung của tất cả
các giảng viên đại học Sư phạm. Do đó, việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy
học phải được tiến hành ở tất cả các bộ môn. Tri thức phương pháp giảng dạy
cũng cần phải được tích hợp trong tất cả các bộ môn khoa học cơ bản. Hoạt động
rèn nghề cho sinh viên không thể phó mặc cho giảng viên dạy các học phần nghiệp
vụ sư phạm như trước đây, mà mỗi giảng viên, dù dạy bất cứ mảng kiến thức cơ bản
nào đều phải đồng thời là một nhà giáo học pháp. Phải luôn đặt ra câu hỏi: những
tri thức trong học phần này liên quan thế nào đến chương trình phổ thông? Với học
phần này, những kỹ năng, năng lực nào cần phát triển cho sinh viên để họ biết
cách xử lý trong giờ dạy ở phổ thông sau này? Muốn trả lời những câu hỏi đó, giảng
viên dạy khoa học cơ bản ở ngành sư phạm cần bớt lý thuyết, bớt hàn lâm. Phải
nghiên cứu kỹ chương trình phổ thông, thâm nhập thực tế phổ thông bằng mọi cách
mới thấy được những chỗ nan giải của giáo viên khi dạy những nội dung liên quan
đến học phần mà mình đảm trách. Giảng viên đại học nhất thiết phải thường xuyên
theo dõi những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa, về phương pháp dạy học
ở phổ thông để có hướng điều chỉnh cách dạy của mình cho thiết thực.
Cũng cần phải thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra,
đánh giá theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học cũng phải được
tiến hành đồng bộ trên cơ sở các thang chuẩn năng lực đã được xác định trong
quá trình đào tạo. Sản phẩm để đánh giá không nhất thiết phải là một bài kiểm
tra lý thuyết theo bộ đề như lâu nay, mà có thể là một tiểu luận do sinh viên
nghiên cứu về chương trình, SGK, giáo án giảng dạy, hoặc một hoạt động trải
nghiệm dạy học qua thâm nhập thực tế...
3.4. Gia tăng mối quan hệ giữa trường
đại học sư phạm với trường phổ thông để thay đổi cách thức dạy học
Việc gắn kết giữa trường/khoa đại học sư phạm với trường phổ thông
cần phải được tiến hành thường xuyên trong mọi công đoạn của quá trình đào tạo
chứ không chỉ có tính mùa vụ (các đợt kiến tập, thực tập) như hiện nay. Không
những thế, mối quan hệ này phải được quán triệt
đối với giảng viên dạy tất cả các bộ môn. Giảng
viên phải luôn đặt ra câu hỏi: những tri thức trong học phần này liên quan thế
nào đến chương trình phổ thông? Với học phần này, những kỹ năng, năng lực nào cần
phát triển cho sinh viên để họ biết cách xử lý trong giờ dạy ở phổ thông sau
này? Muốn trả lời những câu hỏi đó, giảng viên dạy khoa học cơ bản ở ngành sư
phạm cần bớt lý thuyết, bớt hàn lâm. Phải nghiên cứu kỹ chương trình phổ thông,
thâm nhập thực tế phổ thông bằng mọi cách mới thấy được những chỗ nan giải, vướng
mắc khi giáo viên dạy những nội dung liên quan đến kiến thức trong học phần của
mình. Giảng viên đại học nhất thiết phải thường xuyên theo dõi những thay đổi về
chương trình, sách giáo khoa, về phương pháp dạy học ở phổ thông để có hướng điều
chỉnh cách dạy của mình cho thiết thực.
Đối với giảng viên đảm trách các học phần phương pháp dạy học, việc
gắn kết với phổ thông đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Nội dung và cách thức tổ chức dạy
học cần luôn bám sát những yêu cầu đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới. Tính
hiệu quả của những phương pháp dạy học mà giảng viên đề xuất phải được kiểm
nghiệm không chỉ qua thực hành trên giảng đường, mà còn qua kết quả thực tập của
sinh viên ở trường phổ thông. Những thông tin về năng lực thực tế của sinh viên
trong các đợt thực tập phải được nhà giáo học pháp đón nhận và xử lý. Đó chính
là một kênh thông tin hết sức quan trọng giúp giảng viên tự soát xét lại cách
đào tạo của mình. Hơn thế nữa, giảng viên phương pháp phải thường xuyên có mặt
tại địa điểm thực tập, không chỉ giúp đỡ sinh viên về chuyên môn, mà còn phối hợp
với trường sở tại trong việc đánh giá. Một cách làm rất đáng học tập từ Phần
Lan: mọi giai đoạn trong quá trình thực tập của sinh viên, “tất cả đều phải qua
đánh giá của giáo viên hướng dẫn cùng giáo sư và giảng viên của khoa đào tạo
giáo viên” [7, tr. 238].
Phát huy lợi thế từ trường phổ thông thực hành, giảng viên phương
pháp có thể mạnh dạn thay đổi hình thức dạy học. Bên cạnh những giờ dạy trên giảng
đường, cần có những giờ cùng sinh viên thâm nhập thực tế. Các tiết dạy ở trường
thực hành mà thầy trò cùng được tham dự là những “tư liệu sống” vô cùng quý
giá, qua đó, giảng viên nêu lên nhiều vấn đề cho sinh viên phân tích, thảo luận,
tìm kiếm cách thức dạy học phù hợp với các kiểu bài cụ thể. Chỗ này, ngành sư
phạm có thể tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các trường đại học Y khoa. Ở
nhiều trường Y, buổi sáng sinh viên học trên lớp, buổi chiều thực tập tại bệnh
viện. Hoạt động kiểu này diễn ra thường xuyên. Cao hơn, giảng viên dạy trên lớp
có thể đồng thời là bác sĩ điều trị ở một khoa. Sinh viên được chỉ dẫn thực
hành thăm khám, lập bệnh án cho những bệnh nhân mà thầy mình đang điều trị, sau
đó chứng kiến cách khám bệnh, hội chẩn, điều trị của thầy. Từ cách làm của thầy,
sinh viên nhận ra những non nớt, thiếu hụt của bản thân để có cách tu tập, rèn
luyện nghề nghiệp. Vận dụng cách đào tạo của ngành Y, giảng viên phương pháp sư
phạm cần bước qua những rào cản tâm lý, tránh giữ kẽ không cần thiết, sẵn sàng
dạy mẫu một số tiết ở trường thực hành để sinh viên dự giờ, học tập. Một nhà
phương pháp có bản lĩnh thì không sợ bị phân tích, mổ xẻ cách dạy của mình. Ở
phương diện là “tư liệu sống”, những bất cập trong giờ dạy của thầy cũng hữu
ích không kém sự thành công.
Cuối cùng, công việc rèn nghề cho sinh viên sư phạm không nên chỉ tập
trung vào học kỳ cuối khóa mà cần được tiến hành sớm hơn, song song với hoạt động
học tập các môn lý thuyết. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng trường Đại
học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nên cho sinh viên thực hành ngay từ năm thứ nhất
và thực tập từ năm thứ ba [2]. Chúng tôi tán đồng đề xuất này. Không những thế,
phải điều chỉnh chương trình, tăng thời lượng cũng như cách tổ chức hoạt động
thực tập. Cần tập huấn cho sinh viên trước khi đi TTSP với sự tham gia của các
giáo viên phổ thông có kinh nghiệm. Việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ thực tập
với bộ công cụ đánh giá kết quả kiến tập/ thực tập sư phạm của sinh viên nên có
sự tham gia của cả trường đại học và trường phổ thông (giáo viên, giảng viên hướng
dẫn, giáo sinh…). Mặt khác, trường đại học cần tăng cường việc kiểm tra, đánh
giá hoạt động thực tập sư phạm của sinh viên. Việc đi kiểm tra không chỉ nhằm mục
đích đôn đốc, nhắc nhở sinh viên về nề nếp, ý thức kỷ luật, trách nhiệm công việc…
mà quan trọng hơn là để thu thập, sử dụng những thông tin phản hồi đó vào việc
đào tạo sư phạm trong trường đại học một cách kịp thời, hiệu quả
III.
KẾT LUẬN
Khác với phổ thông, ở đại học, tính
tự chủ của giảng viên – nhà khoa học – trong lĩnh vực chuyên môn luôn được đề
cao. Mỗi giảng viên phải là một người có khả năng làm việc độc lập, đảm nhiệm mọi
công đoạn từ tham gia xây dựng chương trình, soạn đề cương chi tiết, viết bài
giảng, giáo trình, nghiên cứu khoa học chuyên sâu, đánh giá sinh viên. Mọi hoạt
động chuyên môn của giảng viên được kiểm định chính xác nhất qua các sản phẩm.
Sản phẩm đó là các giáo trình, bài báo, các đề tài khoa học công nghệ... Và
quan trọng nhất là sản phẩm đào tạo. Mục tiêu hướng tới là phải cung cấp cho xã
hội nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường
lao động trong bối cảnh hội nhập. Ở các ngành kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, cuộc
cách mạng khoa học 4.0 đang đặt ra những thách thức rất gay gắt. Đối với các
trường/ khoa sư phạm, nhiệm vụ đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản
toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng không kém nặng nề. Vì thế, sự thay đổi đồng
bộ từ tầm nhìn chiến lược cho đến chương trình đào tạo, và nhất là thay đổi
quan niệm “làm chuyên môn” của nhà sư phạm đóng vai trò quyết định. Sản phẩm
đào tạo đang liên tục cho “ra lò”, bài toán chất lượng và nhu cầu thực tế của nền
giáo dục đang hiện diện hàng ngày, đang “treo trước mắt” như một sự thách đố. Ý
thức được sứ mệnh và trách nhiệm, mỗi nhà sư phạm không thể không tự thay đổi bản
thân, từ cách tư duy, nhận thức, quan niệm về chuyên môn ngành sư phạm cho đến
thực tế giảng dạy. Mỗi giảng viên, dù dạy bất cứ bộ môn nào ở trường/khoa đại học
sư phạm phải là một nhà giáo học pháp hiện
đại trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu được như vậy, chất lượng đào tạo
giáo viên chắc chắn sẽ được nâng lên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán
(2009), Phương pháp dạy học tiếng Việt,
tái bản lần thứ 12, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2] “Gắn kết trường sư phạm và cơ sở sử dụng giáo
viên”, (2014), Giáo dục và Đào tạo.
[3] Nguyễn
Thanh Hùng, Lê Thị Diệu Hoa (2006), Phương
pháp dạy học Ngữ văn trung học phổ thông - những vấn đề cập nhật, Nxb Đại học
Sư phạm, Hà Nội.
[4] Phan Trọng Luận chủ biên, Trương
Dĩnh, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Thế Phiệt (1999), Phương pháp giảng dạy học văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5] Nguyễn Huy Phòng (2017), “Những
thách thức trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở nước ta hiện nay”, in trong Phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu
đổi mới giáo dục và đào tạo, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 60
năm thành lập trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Nxb Thông tin và truyền
thông, tr. 373 – 379.
[6] Lê Anh Phương, Trần Kiêm Minh (2017), “Một số mô hình
đào tạo giáo viên trên thế giới và giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên ở Việt
Nam”, in trong Phát triển đội ngũ nhà
giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, Kỷ yếu Hội thảo khoa học
quốc gia kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Nxb
Thông tin và truyền thông, tr. 380 – 389.
[7] Pasi Sahlberg (2016), Bài học Phần Lan 2.0, Nxb Thế giới.
[8] Trần Đình Sử (2017), Môn Văn dạy gì? Trần Đình Sử blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét