Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Truyện ngắn Nguyễn Khải


NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI SAU 1980

                                                                                                                                       Lê Hồ Quang
                                                                                      
 Tôi luôn có cái cảm giác rằng, bước vào truyện ngắn Nguyễn Khải, đặc biệt là những truyện được viết  sau 1980, là bước vào những góc đời ngẫu nhiên đâu đó, vặt vãnh và dễ nhoà lẫn. Thế rồi bỗng nhiên, lại thấy hình như mình đã nhầm: chính ở sự ngẫu nhiên không định trước ấy, loé sáng bất ngờ những nhân cách con người. Tác giả này rất có tài phát hiện ra trong các tình huống ngày thường những ẩn ý thâm trầm của đời sống và vì vậy, có thể hình dung truyện của ông như những trạng thái nghiền ngẫm về nhân thế. Đó là những tổng kết  mang sức nặng trải nghiệm, nhưng thường  mang vẻ “phản ứng tức  thời” của một đầu óc tỉnh táo và bén nhạy đến riết róng trước mọi trạng huống đời sống. Song với ông, viết nhiều khi còn là cách để chứng minh cho một cái mô hình luận thuyết có sẵn nào đó. Bị tính mục đích chi phối, những triết lý đôi khi bị “phô” hơi lộ liễu và không phải bao giờ cũng đạt đến độ thuyết phục như tác giả mong muốn. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả ở những thiên truyện ấy, người đọc vẫn bị cuốn hút bởi một thứ ngôn ngữ trần thuật hấp dẫn, đầy ma lực. Truyện của Nguyễn Khải, đặc biệt là những truyện được viết trong thời gian sau 1980, tìm kiếm độc giả của mình theo cách đó: điều quan trọng không phải ở chỗ tôi nói về cái gì, mà ở cách tôi nói như thế nào. Ngôn ngữ trần thuật nổi bật lên trong vai trò “chủ âm” của truyện ngắn Nguyễn Khải. Đó chính là cái “yếu tố tiêu điểm của một tác phẩm nghệ thuật: nó  thống trị, quy định và cải biến những yếu tố khác. Chính nó đảm bảo sự mạch lạc nội tại của cấu trúc” [1, 196].


Nói đến ngôn ngữ trần thuật, trước hết phải nói đến hình tượng người trần thuật. Phổ biến trong truyện ngắn Nguyễn Khải là hình tượng người kể chuyện Tôi, cũng là người trong cuộc, người tận mắt chứng kiến, trực tiếp tham gia vào mọi biến cố của truyện và đứng ra đánh giá, bình luận, châm biếm, mỉa mai, hay tán thưởng. Những đặc điểm về tên tuổi, cá tính, nghề nghiệp… của nhân vật này khá thống nhất phần lớn  truyện của Nguyễn Khải và theo tôi, điểm gây “sốc” đầu tiên cho độc giả  bắt đầu ở đó. Tôi ở đây là một hình dung không mấy khác với chính Nguyễn  Khải ngoài đời (thậm chí còn thực hơn ngoài đời  nữa, nhất là  đối với những độc giả chỉ được tiếp xúc với nhà văn qua tác phẩm. Với họ, cái ông già nhà văn luôn tự nhận mình là ngây ngô, ngờ nghệch, thậm chí là ngu, rất ngu nhưng kỳ thực lại tinh quái một cách trẻ trung trong những trang sách ấy mới đích thực là Nguyễn Khải!) Nhưng hẳn là, khi cố tình tạo ra một ông Khải, chú Khải – một hình tượng tác giả với những chi tiết tiểu sử chân xác xâu chuỗi qua một loạt tác phẩm, mục đích của nhà văn không nhằm tự tô vẽ, mà là để tạo nên một cảm giác chân thực cao nhất trong những câu chuyện ông sắp kể. Việc Tôi xuất hiện trong hầu khắp tác phẩm Nguyễn Khải, trong mọi cảnh ngộ, tình huống, quan hệ… khiến  ngay cả người đọc dễ tính nhất cũng ngờ ngợ trước vai trò của người kể chuyện đặc biệt này. Cảm giác ấy ngày càng được khẳng định khi người ta tiếp xúc nhiều hơn với truyện Nguyễn Khải. Hoá ra, Tôi quan trọng hơn nhiều so với công việc dẫn chuyện: không chỉ là một phương tiện trần thuật, mà hơn thế, Tôi (đúng hơn là những suy ngẫm của Tôi ) mới là mục đích chính của sự trần thuật. Kể về những số phận con người nhưng cũng chính là để những suy ngẫm của Tôi về họ có dịp được bộc lộ, để Tôi khẳng định thêm cái niềm tin vốn có, hoặc điều chỉnh lại cách đánh giá cực đoan phiến diện trong một lúc nào đấy về  cuộc đời. Tác giả dùng cái lăng kính cá nhân này để nhìn ra thế giới, song quan trọng hơn là để từ đó ông soi vào mình, vào cái đời sống ý thức của bản thân. Và ông cũng rất biết cách  để khai thác chính mình! Những thiên truyện nối tiếp nhau tạo dựng nên dòng ý thức tỉnh táo đặc biệt của một con người đang đối mặt và suy ngẫm trước muôn chiều cuộc sống. Thêm một trang viết  là thêm một khắc hoạ về cái chân dung tinh thần này. Nói như vậy cũng có nghĩa là, thực ra chính ý thức của nhân vật Tôi mới là xuất phát điểm quan trọng chi phối  thế giới nghệ thuật xung quanh. Giống như một thanh nam châm hút sắt cực nhạy, nó liên kết tất cả các phương tiện ngôn ngữ hết sức đa dạng trong tác phẩm thành một chỉnh thể lời nói nghệ thuật, và hơn thế nữa, tạo nên một dòng chảy ngầm xuyên suốt các truyện ngắn Nguyễn Khải, tạo nên tính liên hoàn trong cả chùm truyện Nguyễn Khải, ngay cả khi trong truyện không hề có sự xuất hiện của nhân vật Tôi, hoặc khi người kể chuyện không đội tên tác giả đi nữa. Ở đây, có thể xem nhân vật Tôi như một thủ pháp nghệ thuật độc đáo và hiệu quả.
Điểm nhìn của người trong cuộc đã định hướng cho một đề tài với phạm vi vừa rất hẹp lại vừa có thể triển khai rất rộng rãi: truyện về những người sống quanh Tôi. Những người ấy, thân hoặc sơ, gần gũi họăc xa cách, có tên hay không  tên…, thảy đều có một mối liên hệ xa gần nào đấy với  cái “ông Khải” ,“chú Khải” dẫn chuyện kia. Có khi đấy là những người trong họ hàng thân tộc (chị Bơ, chị Đại, cô  Hiền …) có khi là những người đồng nghiệp (anh Q, anh L. M, Trần Dần, anh Hạnh…) nhưng nhiều hơn cả là những con người mà nhân vật kể chuyện  đã từng gặp đâu đó trên những ngóc ngách tình cờ của con đường số phận và đã để lại trong anh ta, khi là nỗi cảm phục không dấu diếm, lúc lại là những dư vị ngùi ngẫm thương cảm (chị Vách, ông Trắc, Tú, bà Tuất, nghệ sỹ Xuân Nội, cặp vợ chồng dưới chân động Từ thức, ông cháu người ăn mày…). Cũng như với nhân vật Tôi, Nguyễn Khải đã rất có ý thức biệt hóa các nhân vật này bằng những đặc điểm tiểu sử  (chẳng hạn như tên, tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn… ) Đặc biệt ông rất thích nói đến những địa danh có thực (Hà Nội, Hưng Yên v.v…), những con số thời gian cụ thể, rõ ràng. Từ điểm nhìn hiện tại của nhân vật Tôi, diễn biến câu chuyện thường được triển khai theo những mốc thời gian xác định của khoảng vài chục năm trở lại đây với những biến cố lịch sử  - cụ thể gắn liền những bước ngoặt cuộc đời nhân vật. Cách  mô tả này đem lại ấn tượng nhà văn bê thẳng nguyên mẫu thô ráp ngoài đời lên trang giấy. Điều này xuất phát từ mục đích và quan niệm sáng tạo của tác giả. Thứ nhất, như trên đã nói, nó nhằm tạo ra ảo tưởng cao nhất về một thế giới như thật tồn tại trong tác phẩm (từ ảo tưởng ở đây xin hiểu như là một cảm xúc thẩm mỹ, nảy sinh khi độc giả tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật); thứ hai, việc đưa vào truyện những khía cạnh cụ thể của đời sống, những sự việc bình thường, hàng ngày, những số  phận con người ngẫu nhiên gặp trong đời, dường như cũng là một cách nhà văn triết lý về cuộc đời: ừ, nó vốn là thế đấy, luôn làm ta ngạc nhiên vì những chuyện không ngờ. Triết lý ấy bao trùm lên tất cả truyện ngắn Nguyễn Khải và vì vậy, câu chuyện về các nhân vật của ông luôn đem lại cảm giác rằng chúng là những minh chứng chân thực cất lên từ cuộc đời. Từ góc độ nào đó, có thể xem điều này như là một "bằng chứng" về sự  cao tay nghệ thuật  của Nguyễn Khải.
 Đặt con người trong những điều kiện và hoàn cảnh sống có tính lịch sử- cụ thể, nhưng cái mà Nguyễn Khải quan tâm nhất không phải là cái dáng vẻ bên ngoài của nhân vật mà là cái diện mạo tinh thần của anh ta bộc lộ qua những hành vi ứng xử, những thái độ lựa chọn, những phản ứng tâm lý trước những bước ngoặt đời sống. Ông không mấy mặn mà với việc mô tả ngoại hình của nhân vật. Thường thì đó là những giới thiệu rất vắn tắt theo kiểu nhập một loạt những chi tiết, sự vật, sự việc vào một  hai câu khiến những câu văn ấy chi chít thông tin, chẳng hạn như: “Con bé không được xinh, da đen, chân tay lòng khòng, cả ngày không nghe nó nói một câu, cứ lầm lì làm, hết làm thì lầm lì đứng một góc giương mắt nhìn xung quanh”, “ông ta mặc cái áo  dạ bộ đội cũ, cổ quấn một vòng khăn len đã bạc màu, tay bưng bát cơm run rẩy, và miếng nào cũng rơi vãi, nuốt miếng nào cũng nấc nghẹn”, “Cô này không đẹp, người thấp và mập, mặt vuông, trước kia đã nhuộm răng đen, nay đã cạo trắng, là gái quê nhưng được hoạt động sớm trong phong trào phụ nữ  nên mạnh dạn tháo vát, nói năng tự nhiên như nam giới"  v.v.
Lời kể xen lẫn lời tả, lời tả đi kèm lời đánh giá, bình luận. Có cảm giác đó là  kết quả của một kiểu nhìn “chụp ảnh” sắc sảo, lia mắt là nắm ngay được hình vẻ, thần thái của đối tượng. Dường như sợ những mô tả rườm rà có thể ngáng trở lối kể chuyện trực tiếp của mình, vì vậy ông sẵn sàng lược bỏ lược bỏ triệt để các từ ngữ miêu tả cụ thể nếu không cần thiết. Thay vào việc tả, ông chỉ nhận xét chung: rất xinh, không đẹp, không được xinh, rất dịu rất nhã, duyên dáng lạ lùng… Truyện của ông cũng  hiếm những biện pháp mĩ từ hoá, những cung cách làm văn  thường gặp trong trang viết của các tác giả khác. Bên cạnh thói quen mô tả nhân vật ấy, nhà văn cũng sẵn sàng tỉnh lược không thương tiếc những bức tranh thiên nhiên “sống động gợi cảm” như thường thấy. Ngay cả trong cốt truyện, dường như ông cũng cố gắng gạt bỏ hầu hết những tình tiết có thể gây ra cảm giác hồi hộp li kì cho độc giả. Truyện của ông dường như chỉ là những mảnh đời ngẫu nhiên được tách ra khỏi dòng đời vẫn đang cuộn chảy ngoài kia. Nếu có thể ví truyện của ông là  tranh thì đường nét và màu sắc của những bức tranh ấy hết sức đơn và đạm. Ở đây, phép tỉnh lược được Nguyễn Khải sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật đầy hiệu quả.
Gạt bỏ đi phần lớn những yếu tố thông thường tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm văn chương và trực tiếp đứng ra kể, tả, đó hoặc là hành động của một người trẻ tuổi đầy ý thức về cái tôi của mình, hoặc là hành động của một người rất mực từng trải, biết bình thản bước qua những kiểu cách vờn vẽ và chọn cách trực diện đối thoại với cuộc đời như một cách xử thế vừa lịch lãm vừa tự nhiên, như không thể khác. Tuy nhiên, việc kể nhiều hơn tả, và thói quen ưa triết lý khiến cho văn phong của Nguyễn Khải trở nên khô khan đối với những ai ưa cách mô tả trữ tình (có lẽ vì vậy mà có người từng cho văn Nguyễn Khải  văn thông tấn chăng?)  Song điều đó đã tạo nên tạng văn Nguyễn Khải: luôn luôn đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề mà nhà văn (và ở đây là cả độc giả nữa) đang quan tâm, đó là những lối hành xử gắn liền với nềm tin và bản lĩnh sống của từng nhân vật trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của đời sống. Con người trong văn Nguyễn Khải chủ yếu được khắc hoạ trong hành động và suy nghĩ. Đúng hơn, ông luôn chú ý biệt hoá con người ở phương diện tinh thần, nhận thức (hành động của các nhân vật thực chất là biểu hiện cụ thể của sự nhận thức). Điều này đem lại một đặc điểm nổi bật ở kiểu nhân vật Nguyễn Khải: mờ và nhạt về mặt diện mạo, ngọai hình, nhưng lại sâu và sắc về mặt ý thức, nhận thức. Say mê tìm kiếm những quá trình ý thức của con người, nhà văn sẵn sàng đặt nhân vật của mình trong những khoảng thời gian dài rộng để họ có cơ hội  thể hiện  mình rõ hơn và tạo cho cả chính ông nữa, cơ hội để đưa ra những đánh giá chính xác hơn, thấu lý đạt tình hơn về họ. Vì vậy, truyện của ông thường nói đến những quãng thời gian “nhiều năm", “một quãng thời gian đủ dài để gói trọn một cuộc chiến tranh,nhiều đời người, nhiều buồn vui và bao nhiêu là thay đổi”... Đó cũng là thời gian trong sự chiêm nghiệm với bao nhiêu tiếc nuối, để  con người  tự nhìn nhận lại chính mình, ngẫm ngợi, tự thú, sám hối …Và  đó cũng là cơ hội cho ngòi bút Nguyễn Khải bộc lộ  giọng điệu trữ tình riêng của ông, những trữ tình mang hình thức triết lý về cuộc đời, về con người .
Điều này cũng góp phần tạo ra những nét khác biệt trong lời văn trần thuật của Nguyễn Khải. Đó là kiểu lời văn mang đậm tính khẩu ngữ. Tác giả sử dụng khá thường xuyên kiểu cấu trúc lặp, hoặc lặp lại một số từ ngữ, hoặc  một bộ phận  trong câu, hoặc lặp lại cả một cụm chủ ngữ/ vị ngữ (C/ V) trong cả đoạn văn dài. Câu trước nối liền câu sau, ý sau nhằng vào ý trước. Vì vậy, ngay cả khi bị ngăn cách bởi những dấu chấm câu, cấu trúc trùng lặp này vẫn tạo nên cảm giác “liền hơi”, “liền mạch” trong chuỗi lời văn. Bên cạnh những câu văn có xu hướng dài hoá để có thể bao chứa được một lượng thông tin lớn nhất, dày đặc những thành phần cú pháp, chi chít những hành động, sự kiện lại là những kiểu câu cực ngắn, bị tỉnh lược hầu hết các bộ phận chính (có khi toàn bộ kết cấu C/V), hoặc thậm chí chỉ là những bộ phận cú pháp bị tách ra thành biến thể dưới bậc của câu trước, phụ thuộc chặt chẽ vào câu trước, nhằm mục đích láy lại ý hoặc để giải thích, mở rộng thêm nghĩa cho câu trước. Cách nói láy lại, “đay lại” này khiến cho độc giả, ngay trong một hai câu đã có thể “đóng đinh” được những đặc điểm, tính chất  nổi bật nhất của đối tượng. Đồng thời nó cũng bộc lộ rất rõ một nét cá tính của nhân vật Tôi (mà thực ra cũng là của Nguyễn Khải), đó là ưa nói đến cùng, cho “thoả chí”, cho “bõ hờn”, nói đến rốt ráo, đến cạn kiệt ấn tượng, vấn đề. Nó tạo nên một giọng điệu đưa đẩy riết róng khá quen thuộc trong văn phong của ông.
Ví dụ:
- Người bán nói cười luôn miệng, nói rất to, nói rất tục, câu nào cũng văng tục, văng tục bất chấp, văng tục đến vô lý, tục tĩu còn hơn đàn ông, mặt mũi thì dễ coi mà ăn nói quá quân trộm cướp.
- Rồi chị khóc oà lên, chị gục đầu lên gối mà khóc, khóc tấm tức, khóc ai oán. Chị đã yếu thật rồi, đã nản thật rồi, đã muốn buông xuôi tất cả.
- Chuyện đàn bà không đầu không cuối nhưng chị Vách đã lên tiếng, mình lại chót dại để tai nghe, là cứ phải nghe đến cùng. Hết cả đọc, hết cả viết. Vì nó vui lắm, buồn cười lắm, cười đến đau cả ruột, đến não lòng.
Truyện của tác giả này cũng thường xuyên xuất hiện kiểu nói trống không (Vô lý, ai mà tin được, lại thế nữa …), kiểu hỏi láy lại (Thật vậy hả? Cũng lạ nhỉ? Vì sao thế?) ...  Cái cách  một mình mình nói một mình nghe này cũng là cơ hội để nhân vật bộc lộ bản thân (dường như trong con người tỉnh táo này luôn có những phản xạ hết sức nhanh nhạy về tất cả những gì đang diễn ra) mà cũng là để dắt dẫn cảm xúc, suy nghĩ của mình. Mặt khác, nó biểu hiện sự chú ý của người kể đến sự có mặt của những nhân vật, những diễn biến sự việc, đi sâu hơn vào mô tả tâm lý, gây ra độ căng xúc cảm cần thiết, tạo nên  tính liền mạch của câu chuyện. Ông thường sử dụng kiểu câu có liên từ đứng đầu như nên, vì, lại còn, lại thêm, dẫu sao, tức là, bởi vậy…, những ngữ khí từ à, ư, nhỉ, nhé… Ông ưa dùng tục ngữ, thành ngữ, những cách đánh giá có sắc thái đánh giá cực đại như cười thắt ruột, ăn nói quá quân trộm cướp, ngồi với nhau là dứt không ra… Điều này đem lại tính biểu cảm cho giọng điệu người kể chuyện. Đó là giọng điệu suồng sã của người trong cuộc, nói mà như đang tranh cãi, xen lẫn giải thích, phân trần, bình luận… Những hình thức cú pháp linh hoạt đem lại tính chất uyển chuyển, phóng túng của những chuỗi lời nói sống động, của những hiện tượng ngôn ngữ vẫn tồn tại trong thực tế đời sống chứ không chỉ đơn thuần là một phương tiện kể chuyện.
Nguyễn Khải cũng thường xuyên tái hiện những đoạn đối thoại, hội thoại giữa các nhân vật truyện. Đặc biệt, bên cạnh những đoạn thoại truyền thống, trình bày theo kiểu “hai chấm xuống dòng, gạch ngang đầu dòng”, văn của ông cũng khá phổ biến kiểu hội thoại mà lời trao và lời đáp lẫn vào nhau. Nhiều khi tác giả tước bỏ  hết các dấu câu theo quy cách hội thoại thông thường, lược bỏ cả lời dẫn thoại. Lời hỏi và lời đáp lẫn vào nhau và chỉ có thể phân biệt nhờ sự cụ thể hoá của hoàn cảnh phát ngôn và tính cá thể hoá trong ngôn ngữ nhân vật.
Ví dụ: Ăn chả ra thế nào, ở chẳng ra thế nào, tương lai là một cuộc viễn chinh đi tới những phương trời vô định. Chị bằng lòng sống một cuộc đời thế sao? Chị tự nguyện hy sinh đến thế sao? Không, em có hy sinh gì đâu, dược làm bạn với nhà em một đời là em may mắn lắm. Bao nhiêu người xin được làm vợ mà ông ấy cứ gạt đi, chỉ nhăm nhắm có em thôi (…) Em chỉ sợ…Chị sợ gì? Sợ lão ấy bỏ đi với người đàn bà khác chăng? Tài hoa như thế, còn trẻ trai như thế, đi đâu chả có người tình nguyện nâng khăn sửa túi. Chị biết giá trị ông ấy, dễ thường người khác không nhận ra sao? Chuyện ấy thì khỏi lo bác ạ…
Cách làm này không nhằm mục đích “tung hoả mù” vào sự chú ý của người đọc, cũng không nhằm tạo nên mạch đi dứt khoát dồn dập của truyện như ở một số tác giả khác (Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn). Đó cũng không phải là cách tân gì quá táo bạo, mới mẻ, nhưng điều quan trọng là ở chỗ, nó góp phần bộc lộ một quan niệm quen thuộc của Nguyền Khải  về con người, rằng, mỗi cá nhân là một ý thức độc lập và rằng giá trị nhân cách của anh ta được xác định trước hết ở ý thức tỉnh táo của bản thân trước cuộc đời. Lời thoại ở đây không chỉ nhằm khắc hoạ cá tính nhân vật mà còn nhằm diễn tả ý thức tỉnh táo đó. Sự tỉnh lược những ngoặc đơn, ngoặc kép, những dấu hai chấm, hay gạch ngang đầu dòng, như vậy, đã thể hiện cố gắng của  tác giả trong nỗ lực nắm bắt dòng ý thức của con người, trong mạch diễn biến và tồn tại tự thân của nó, vốn dàn trải, miên man và tiếp diễn liên tục không ngừng. Đồng thời, cách làm này còn tạo cho những cuộc đối đáp trong tác phẩm mang tính chất đối thoại  giữa những ý thức song song ngang hàng, trong đó mỗi ý thức đều có quyền nói lên tiếng nói riêng của mình. Trần Đình Sử nhận xét: “Đấy là sự miêu tả tư tưởng, tư tưởng như một hiện tượng sống, một sự thật khách quan. Đời sống - đó là tư tưởng. Những tư tưởng sống trong đầu óc những người đang sống hôm nay”[2, 59].        
Sự hiện diện phổ biến của nhân vật Tôi trong hầu khắp các truyện, sự trùng lặp khá đặc biệt trong chân dung hình tượng  nhân vật người kể chuyện, sự đa dạng mà thống nhất trong ý thức và  giọng điệu kể chuyện…, tất cả tạo nên một ngôn ngữ trần thuật (hiểu theo nghĩa rộng) rất độc đáo trong truyện ngắn sau 1980 của Nguyễn Khải. Chính ngôn ngữ trần thuật này đã xác lập nên cái tinh thần chung trong tác phẩm của ông: mỗi câu chuyện là một nhận thức mới về cuộc đời trong cái dòng chảy “ngổn ngang bề bộn” của nó. Chúng  là bằng chứng cho nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi cái “sự thật về lòng người” ở Nguyễn Khải và đồng thời cũng là nỗ lực phát hiện lại chính mình của nhà văn này trong  thời kỳ văn học Đổi mới.
(T/C Văn nghệ quân đội, số 545, tháng 3/ 2002)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đỗ Lai Thuý biên soạn (2001), Nghệ thuật như là thủ pháp, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (1997), Sống với văn học cùng thời, Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Những dẫn chứng trong bài được trích từ Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải (1999), Nxb Văn học, Hà Nội.

                                            

 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét