Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Biến tấu con quạ - Mai Văn Phấn


                 BIẾN TẤU CON QUẠ,

                                        KHI BÓNG ĐÊM CẤT LỜI…  

                                                                                      
Tranh của họa sĩ Silja Erg


                                                                                                                                      
                                                                                                             Lê Hồ Quang                                                                                                                          

Con quạ, không nghi ngờ gì nữa, là một biểu tượng đặc biệt - nó là một cổ mẫu (archetype) trong đời sống văn hóa nhân loại.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [2], “con chim đen” này là một biểu tượng đa nghĩa. Một mặt, quạ là tượng trưng cho điềm dữ, là sứ giả cái chết, nỗi bất hạnh. Mặt khác, quạ là đại diện cho điều chưa biết tới, cõi Khác, thế giới thần linh. Nó còn được xem là con vật thiêng, kẻ tiên tri, tiên báo; tượng trưng cho sự sáng suốt. Ngoài ra, quạ còn là biểu tượng của nỗi cô đơn cao cả, siêu hình, thần bí… Trong văn học dân gian, con quạ (con ác) xuất hiện với bộ lông đen, thường đại diện cho cái xấu, các ác, sự chết chóc…  Trong văn học thành văn, quạ gắn với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Con quạ của Edgar Allan Poe; Từ ô dạ đề (Lý Bạch), Đêm thu nghe tiếng quạ kêu (Quách Tấn), Nấm mộ (Bích Khê), Tiếng quạ trên sông Chu (Yến Lan)...

 Chắc chắn Mai Văn Phấn không xa lạ gì với ý nghĩa tượng trưng của quạ. Mục tiêu của ông cũng không dừng lại ở những nét nghĩa có tính ổn định của “mẫu gốc”. Điều này thể hiện ngay trên tên của bài thơ - Biến tấu con quạ. Nhất định con quạ của ông sẽ phải khác, dẫu từ “biến tấu” cho thấy một thái độ cân nhắc và chừng mực.

Với 101 dòng thơ, tập trung vào hình tượng quạ, Biến tấu con quạ chứa đựng nhiều lớp nghĩa đối lập. Ý nghĩa thứ nhất, khá quen thuộc - nó là sứ giả của cái chết: Tử khí kéo ngọn bấc đến đỉnh trời/ Con quạ rực sáng. Cái chết này bao trùm phạm vi khá rộng. Đó không chỉ là cái chết về mặt thân xác của một cá thể. Đó còn là sự “băng hoại” của nhiều giá trị đời sống, những thiết chế tín điều tưởng đặc định, bất tử, chi phối lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo… Và đương nhiên, cả văn học nghệ thuật. Đó là cái chết của những giá trị tinh thần: Sau tiếng quạ kêu/ Ra đi không cưỡng được/ Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu… Con quạ là sự hủy diệt không khoan nhượng đối với mọi “xác chết”. Không xác chết nào thoát khỏi móng vuốt tàn bạo của nó:

Bổ nhào từ đỉnh cao

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó

 

Móc từ hốc mắt

những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng