Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Trên quả đất mùa - Trần Dần

 

          TRẦN DẦN LÀM CHỮ TRÊN QUẢ ĐẤT MÙA

                                                                                                                                         

                                                                                                        Lê Hồ Quang

   



Ngay từ 20 tuổi, khi đặt bút viết Bản tuyên ngôn tượng trưng (1946), Trần Dần đã nói tới nỗi “chán ngắt cái thi ca nông hẹp” [1], và “thói xấu của phần đông người đọc thơ là tìm nghĩa, trước khi tìm cảm giác” [2]. Ông kêu gọi đổi mới thơ bằng ngôn ngữ tượng trưng, “tân kì”, “mang bao ý nghĩa âm u và khác lạ” [3].

Sau sự cố Nhân Văn Giai Phẩm, cách tân thơ trở thành mục đích, đồng thời, là lối thoát tinh thần với Trần Dần. Ông tuyên bố: “tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết… cái chưa biết - cái khó - thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuổi tôi”(Sổ bụi 1988). Thậm chí, cực đoan hơn, ông viết: “Nói tao biết mày VIẾT thế nào - tao sẽ nói mày SỐNG - CHẾT ra sao” (Sổ bụi 1986). Viết là hành động “phá hoại” nhằm tìm kiếm “cái chưa biết”. Viết là tự do, nhưng “Tự do là vi phạm chứ không tuân theo tất yếu” (Sổ bụi, vở bụi 1987). Đó là hành động “đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây” nhằm giải phóng con người khỏi ngục thất tinh thần và thể xác.

Chối bỏ thứ ngôn ngữ thơ nệ thực, vị lợi trực tiếp, Trần Dần ráo riết tìm kiếm một ngôn ngữ thơ mang tinh thần, tư tưởng mới. Những tìm tòi về Chữ của ông bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước, đến giờ vẫn gây ra ở phần lớn độc giả phản ứng tương tự như khi họ tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. (Về điều này, ta có thể mượn cách nói của Cynthia Freeland, trong cuốn sách nổi tiếng của bà, để diễn tả: Thế mà là Thơ ư?!)    

Những cuộc bay của linh giác - Giáng Vân

 

KHI NỖI PHIỀN MUỘN NỞ HOA

 

        NHỮNG CUỘC BAY CỦA LINH GIÁC

Giáng Vân

Trong cuộc chuyện trò không dứt

                                 của chúng ta và im lặng

Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc

Thoát đi nhẹ như một hơi thở

Nhẹ như linh hồn chúng ta

Những linh hồn gầy guộc và chết mòn

                                              bởi đời sống ồn ĩ

Đang tươi trở lại như cái cây được thở

Nó bắt đầu chạm vào nỗi phiền muộn

                                       của chúng ta

Bằng những cú hích rất nhẹ

 

Trên cánh đồng phiền muộn

Chúng ta bắt đầu nở hoa [1]

Bài thơ là một tình huống giao tiếp đặc biệt - “cuộc chuyện trò không dứt” giữa “chúng ta và im lặng”. Im lặng trong trường hợp này được hình dung như một đối tượng giao tiếp ngang hàng, bình đẳng với ta/ chúng ta. Đó là sự tự giao tiếp trong nội tâm, tư tưởng. Ở đó, Im Lặng là kẻ lắng nghe, đồng thời, bằng chính sự im lặng, nó đối thoại với con người. 

Trong cuộc chuyện trò không dứt

                                 của chúng ta và im lặng

Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc

Thoát đi nhẹ như một hơi thở

Nhẹ như linh hồn chúng ta

Những cuộc bay của linh giác thực chất là sự chuyển hóa nội tâm, khi con người biết tách khỏi cái “ồn ĩ” của đời sống bên ngoài, từ tốn đối diện với cái tôi sâu kín. Im lặng là bối cảnh, cũng là chất truyền dẫn để linh giác xuất hiện. Đó là một cảm giác siêu nghiệm:

Những linh hồn gầy guộc và chết mòn

                                              bởi đời sống ồn ĩ

Đang tươi trở lại như cái cây được thở

Nó bắt đầu chạm vào nỗi phiền muộn

                                       của chúng ta

Bằng những cú hích rất nhẹ


Trên cánh đồng phiền muộn

Chúng ta bắt đầu nở hoa

 Mô tả một cảm giác siêu nghiệm, với những biến chuyển mơ hồ và bí ẩn, bài thơ vẫn cho thấy sự áp đảo của thứ ngôn ngữ lí trí sáng tỏ, vốn rất dễ gây xâm hại sự mơ hồ, bí ẩn. Nhưng bất kể điều đó, Linh giác vẫn hiện diện như tiếng nói của một đời sống khác, đời sống của trực giác, tâm linh, song song với đời sống hàng ngày. Ở đó, trong cõi im lặng, linh giác dẫn dắt chúng ta, giúp ta thanh lọc tạp chất đời sống, gạn lắng ưu phiền, nhận ra niềm vui sống. Ở đó, ta là cái cây “đang tươi lại” trong cõi sống mà ta thuộc về, và do đó, biết cách để có thể “nở hoa” trên “cánh đồng phiền muộn” của thực tại.

Những cuộc bay của Linh giác nằm trong tập Đường gió (xuất bản năm 2013), tập thơ thứ ba của Giáng Vân, sau hai tập Năm tháng lãng quên (1990), Trên những ngày buồn (1995).  Khoảng cách thời gian hẳn cũng để lại dấu ấn trong Đường gió. Như một cảm xúc tự nhiên, không cố cưỡng cầu, không cần định danh, thơ Giáng Vân, trong Đường gió, gần với một hơi gió nội tâm nhẹ nhõm và an tịnh, mạnh mẽ và mơ hồ, “buồn và sáng”, như tên một bài thơ của chị: Chảy tuôn/ Và biến tấu không ngừng/ Không thể lường được/ Đường đi của gió/… Chảy tuôn/ Và hát/ Giọng cao của gió/… Chảy tuôn/ Cho đến khi không thể. Đó là khi con người có thể tự mình khai mở tuệ nhãn, linh giác, để có thể nhận thức thế giới theo cách khác: Một ngày/ Tôi thấy mình sáng dịu/ Như những tơ trời lắc thắc giăng giăng (Một ngày); Cơn mưa ấm và sáng/ Của một thành phố xa vời/ Ở bên ngoài những định kiến và thù hận (Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ)… và cho ta nhận ra quy luật của đời sống thật giản dị.

Linh giác là tiếng nói chỉ dẫn con người hướng tới một đời sống đơn giản, đẹp và tự nhiên, do đó - tự do. Như mùa thu, gió, những bông hoa.

Những mùa thu đẹp

chỉ để đẹp

và không vì điều gì khác

trôi trên trời cao

mây về nơi xa thẳm

rất xa

nhưng không về nơi nào

 

những bông loa kèn

nở rồi chết đúng mùa

                   (Không đề) 

Trong hiện thực “đời sống ồn ĩ” và đầy nỗi “phiền muộn” này, Những cuộc bay của linh giác là một khao khát, một hy vọng, cũng là một lựa chọn sinh tồn và sáng tạo ý nghĩa. 

                                                        Vinh, ngày 15/2/2021



[1] Giáng Vân (2013), Đường gió, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.