Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Làm thế nào để đọc một bài thơ... - Lê Vĩnh Tài

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỌC MỘT BÀI THƠ

CỦA /THEO KIỂU LÊ VĨNH TÀI…

                                                                 Lê Hồ Quang

 Cách đọc một bài thơ - đó có phải là điều đang làm bạn bối rối? Nếu vậy, bạn sẽ không đơn độc khi đọc bài (thơ) này. Bởi Làm thế nào để đọc một bài thơ… đích thực là bài hướng dẫn sự/ cách đọc thơ. Một sự chỉ dẫn cặn kẽ, lớp lang và đầy thấu hiểu, cảm thông với nỗi bối rối/ rối bời của bạn!

PHẦN 1. CHỈ DẪN LÍ THUYẾT VỀ CÁCH ĐỌC THƠ

Tác giả đã chia nội dung bài (thơ) này thành hai phần. Ta tạm gọi phần 1 là phần hướng dẫn lí thuyết, với tiêu đề dưới dạng một câu hỏi tu từ giàu sức gợi dẫn (hoặc cũng có thể hiểu như một lời cảm thán, do kết thúc không phải dấu hỏi mà là dấu ba chấm) - Làm thế nào để đọc một bài thơ… Phần 2 là phần dành để thực hành - Một ví dụ để bạn thực hành. Thật trực quan, sinh động!

Sau đây là một số chỉ dẫn quan trọng về cách đọc thơ do tác giả đề xuất.

Chỉ dẫn thứ nhất - soạn lại tâm thế đọc

đầu tiên, hãy quên đi mọi thứ bạn đã học

rằng thơ là khó hiểu

rằng nó không dành cho những người như bạn

Cái biết của lý trí đôi khi làm hại bạn, nó làm bạn trở nên cứng nhắc, giáo điều. Bạn chỉ tin vào những mô hình đã được công nhận, những con đường đã được vạch sẵn. Bạn đánh mất khả năng hồn nhiên. Khi đứng trước một bông hoa, tư duy nệ phân tích khiến bạn chỉ nhìn thấy hỗn hợp thân - cánh - nhụy - hương, bạn không biết bông hoa đích thực như - nó - là, đã mất (Vườn thức một mùi hoa đi vắng - Lê Đạt). Đấy là một cảnh báo nghiêm túc khi bạn chỉ chực cầm cây kéo giáo điều để cắt/ đọc một bài thơ: hãy quên đi mọi thứ bạn đã học… Không phải quên đi kiến thức mà quên đi định kiến. Những định kiến phổ biến, chẳng hạn “thơ khó hiểu” (thực ra, thơ nào chẳng khó hiểu với người đọc mang sẵn tâm thế không dành cho thơ?), định kiến phân loại/ phân biệt thơ (cao nhã/ dung tục; trí thức/ bình dân; lãng mạn/ hiện đại/ hậu hiện đại…), chẳng hạn định kiến giới hạn đọc (loại thơ này không dành cho tôi, hoặc, nói cách khác, cao ngạo hơn, tôi không đọc dạng - gọi - là - thơ này)…