Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Đọc thơ Nguyễn Bình Phương

 

ĐỌC THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

                                                                                          Lê Hồ Quang

Đọc thơ Nguyễn Bình Phương không dễ. Có thể nói, thơ ông có một thứ “ngôn ngữ” khác thường: thứ ngôn ngữ của mộng mị, của những ảo giác chập chờn, phi thực, hư ảo... Ngôn ngữ ấy đòi hỏi ta phải bớt đi cái tỉnh táo ráo riết của lí trí, gia tăng sự phiêu lưu của trí tưởng tượng, sự buông bắt xa lạ và ngẫu hứng của trực giác. Nó buộc ta phải “buông thả” thật hoàn toàn trong tầng tầng liên tưởng và sự mơ hồ bất định. Bởi vậy, việc “đọc” thơ Nguyễn Bình Phương là một hành trình tìm đường vào cõi lạ đầy nhọc nhằn, với nhiều cảm giác bất an, nghi hoặc. 

Hãy bắt đầu từ những ấn tượng và cảm nhận chung nhất về thơ Nguyễn Bình Phương. Đó là một thi giới đầy những sự vật, hình ảnh lạ lùng, thậm chí kì dị. Nó xuất phát từ nhu cầu cảm nhận và lí giải khác về hiện thực:

Qua con mắt khép hờ

Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ

Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc

 

... Người đeo kính hết mọi nhớ mong

Những quên lãng lại hồi về trí nhớ

Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ

 

Trong giấc ngủ đầy mộng mị

Trăng không thể bay ra...

                                           (Mắt)

Trong khoảnh khắc, "con mắt khép hờ” (hay “con mắt khép nửa vời”) ấy đã  phá hủy và kiến tạo, kết hợp và xếp đặt lại tất cả hình ảnh hiện thực, biến chúng thành một “thực tại mộng mị”, bị/ được chế ngự bởi một sức mạnh nội tâm mãnh liệt và dị thường. Giữa chủ - thể - của - cái - nhìn và thế giới - được - nhìn - thấy ấy không tồn tại tách biệt, đối lập mà tồn tại trong sự giao hòa và chuyển hóa. Ở đây, nội tâm và ngoại giới được kết nối trong một trạng thái đặc biệt, rất khó để nhận ra những dấu vết của đời thực, nói đúng hơn, những dấu vết cụ thể của đời thực trở nên mờ nhòe, mung lung, chỉ còn lại những đường nét tượng trưng mơ hồ.