Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Thơ Vũ Hoàng Chương

 VŨ HOÀNG CHƯƠNG,

ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI?

                                                            

                                                            Lê Hồ Quang


Nhà thơ Vũ Hoàng Chương
(1915-1976)
        

Sự gặp gỡ với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đã tạo nên cơn địa chấn lay động tận gốc ý thức hệ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trong lòng xã hội Việt Nam cổ truyền. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân giúp con người phát hiện ra chính mình trong những giá trị riêng biệt, độc đáo: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất (Xuân Diệu). Song tách rời khỏi cộng đồng, tự xác định mình trong tư cách cá nhân cũng đồng nghĩa với việc anh ta phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi và lựa chọn của mình, trong khi không bao giờ có thể chắc chắn về kết quả của sự lựa chọn đó. Do vậy, tự do cá nhân đồng thời thức tỉnh nỗi âu lo về một sự hiện hữu ngắn ngủi và vô vọng, cũng đồng nghĩa với sự bất trắc và nỗi cô đơn thường trực. Tấn bi kịch tinh thần của thời đại này phản chiếu rõ trong sáng tác của Vũ Hoàng Chương, qua chân dung của một cái tôi đam mê mà khinh bạc, say đắm mà chán chường. Đó là một cái tôi ý thức sâu sắc về một thế giới thực tại bị chia cắt, và con người sống trong những giới hạn ngăn cách, vĩnh viễn đánh mất khả năng chia sẻ, hoà hợp trọn vẹn.