Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Thơ Vũ Hoàng Chương

 VŨ HOÀNG CHƯƠNG,

ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI?

                                                            

                                                            Lê Hồ Quang


Nhà thơ Vũ Hoàng Chương
(1915-1976)
        

Sự gặp gỡ với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đã tạo nên cơn địa chấn lay động tận gốc ý thức hệ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trong lòng xã hội Việt Nam cổ truyền. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân giúp con người phát hiện ra chính mình trong những giá trị riêng biệt, độc đáo: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất (Xuân Diệu). Song tách rời khỏi cộng đồng, tự xác định mình trong tư cách cá nhân cũng đồng nghĩa với việc anh ta phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi và lựa chọn của mình, trong khi không bao giờ có thể chắc chắn về kết quả của sự lựa chọn đó. Do vậy, tự do cá nhân đồng thời thức tỉnh nỗi âu lo về một sự hiện hữu ngắn ngủi và vô vọng, cũng đồng nghĩa với sự bất trắc và nỗi cô đơn thường trực. Tấn bi kịch tinh thần của thời đại này phản chiếu rõ trong sáng tác của Vũ Hoàng Chương, qua chân dung của một cái tôi đam mê mà khinh bạc, say đắm mà chán chường. Đó là một cái tôi ý thức sâu sắc về một thế giới thực tại bị chia cắt, và con người sống trong những giới hạn ngăn cách, vĩnh viễn đánh mất khả năng chia sẻ, hoà hợp trọn vẹn.

Cũng như Ch. Baudelaire khi viết: “Lúc nào cũng cần say. Tất cả là ở đấy: đó là vấn đề duy nhất. Say triền miên để khỏi cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của Thời gian đè gẫy vai anh, vít anh xuống đất. Nhưng say gì vậy? Rượu, Thơ hay Đức Hạnh, tuỳ thích. Nhưng hãy say đi”(Say đi anh); Say là một lựa chọn nghệ thuật của Vũ Hoàng Chương. Không ngẫu nhiên mà từ “say” xuất hiện với một tần số cao như vậy trong thơ ông: 61 lần xuất hiện trên 57 bài khảo sát[1]. Đi cùng với nó là trường từ ngữ chỉ các trạng thái, cảm giác say như lảo đảo, quay cuồng, say sưa, đê mê, chuếch choáng, rã rời... Vũ Hoàng Chương còn đặt tên cho cả tập thơ là Thơ say với sự xuất hiện mang dụng ý lộ liễu của từ say trong các tiểu mục: Say, Lại say... Với tác giả, say chính là một phương tiện để ông hóa giải nỗi cô đơn thực tại, hòng đạt đến trạng thái hoà hợp tuyệt đối, lí tưởng. Ông tìm kiếm trạng thái say dưới mọi hình thức: rượu, thuốc phiện, nhảy đầm, ái tình, thi ca...

Từ góc nhìn này, có thể nói, ái tình là một “nẻo say” đặc biệt để “người say muôn thuở ghé qua chơi”. Nếu rượu, thuốc phiện là chất kích thích của những cơn say sinh lí, thì tác nhân kích thích của cơn say tâm lí này này là Em - nàng thơ, người tình. Mọi cảm giác, cảm xúc của chủ thể đều khởi nguồn từ Em. Dù là một cô gái giữa đời thực hay là những bóng ma huyền hồ khói sương, Em luôn có khả năng gây ra những trạng thái say đặc biệt. Đó là những cảm giác nhục thể: say, đê mê, ngây ngất, mê man, bỡ ngỡ, da thịt cháy... Đó là những cảm giác tâm linh: Bừng thức tiền thân choàng cảm giác, Giác quan vụt cháy niềm run rẩy, Trầm luân hồn tỉnh giữa chiêm bao... Là những chập chờn ảo giác: Trăng bạn, hoa em trầm mối lái/ Đèn khuya dìu dặt bóng yêu ma; Rún rẩy hoa đèn rung ngọn bấc/ Không gian đàn mãi tiếng giày ai; Trang sách chập chùng run lửa nến/ Hài thêu nâng gọi ngắn không gian... Cũng như những trạng thái say khác, say tình nhiều khi đẩy con người vào những cảm xúc, hành động dường như không thể kiểm soát. Với thi nhân họ Vũ, đó hẳn là một cơn say dài, đầy những mộng mị mê hoảng rã rời:

- Là thế! Là thôi! Là thế đó!

Mười năm thôi thế mộng tan tành!

Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?

Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!

                                  (Mười hai tháng sáu)

- Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?

                                  (Đời vắng em rồi say với ai?)

Nhưng say tình cũng có thể đem lại cảm giác Quên lãng triệt để, như là một trạng thái ngơi nghỉ mà thi nhân hằng tìm kiếm: Hãy buông lại gần đây làn tóc rối/ Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên/ Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói/ Đưa hồn say về tận cuối trời Quên...

Với Vũ Hoàng Chương, say tình dường như là một trạng thái hiện hữu phổ biến của con người. Và có lẽ không ở đâu mà khát vọng truy tìm cái đẹp lí tưởng “toàn hương và tận mỹ” của thi sĩ lại thể hiện đặc biệt ráo riết như trong địa hạt tình cảm này. Một mặt, ông thường xuyên ý thức về tình trạng “cánh vĩ đại vướng trong lồng thực tế”; song mặt khác, “mộng yêu đương ấp ủ quá siêu trần” mới là cái đích ông tìm kiếm, đòi hỏi. Như vậy, “tình vô biên giành chứa một giai nhân” ấy hẳn không dành riêng cho một người đẹp xác thực nào dù thơ ông vẫn nhắc nhiều đến danh tính cụ thể của các cô gái. Không phải ngẫu nhiên mà trong Lí tưởng, một bài thơ có thể xem như một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn sáng tạo của tác giả, ông thường nhắc đến các cụm từ: “ý huy hoàng”, “toàn hương và tận mỹ”, “tình vô biên”, “siêu trần”, “ý cao siêu”, “suối mơ”, “nguồn tuyệt đối”... Đó là khát vọng hướng tới một cái đẹp cao siêu, tuyệt mỹ, vượt lên trên “lồng thực tế”, thoát ra ngoài “bến tục”. Điều này cũng có nghĩa là với Vũ Hoàng Chương, tình yêu cá nhân sẽ phải mang một ý nghĩa và sứ mệnh mới. Đó sẽ là những thể nghiệm của ông trên hành trình khám phá, truy tìm cái đẹp Lí tưởng, cũng là sự hoà hợp, “cảm thông” tuyệt đối. Say tình, dưới mắt Vũ Hoàng Chương, mang vẻ đẹp của một thứ tình cảm tự nhiên của con người, đồng thời thấm đẫm chất thi vị triết học.

Thế giới nghệ thuật của Vũ Hoàng Chương được kiến tạo dưới hình thức một cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ của cái tôi thi nhân với Tình yêu, cũng là với Cái đẹp lí tưởng. Vậy phải chăng cùng với việc đắm mình trong trạng thái say tình, người nghệ sĩ sẽ đạt đến trạng thái hoà hợp tinh thần tuyệt đối mà ông hằng khao khát? Xem ra đó cũng chỉ là một ảo tưởng. Ảo tưởng ấy được đánh dấu bằng hai lần thất bại. Nhà thơ đã thể nghiệm sức mạnh tình yêu qua hai hình thức khác nhau: đời thực và mơ mộng (dĩ nhiên, ta đang nói đến ý niệm thực và mộng qua con mắt Vũ Hoàng Chương). Nhưng trong bất kì thể nghiệm nào, tình yêu cũng chỉ cho con người thấy rõ hơn những giới hạn không thể vượt qua của chính nó.

Thất bại thứ nhất: tình yêu trong đời thực. Tình yêu trong đời thực là thứ tình cảm tự nhiên nẩy nở giữa hai con người khác giới, và theo cách diễn tả của Vũ Hoàng Chương, không phải không đem lại cho con người những giây phút hoan lạc ngọt ngào: Mến thương không ngỏ chàng như thiếp/ Hồn khóa then trinh lặng nhớ thầm; Em đã nao lòng anh mê man/ Đuôi mắt đầu môi tình chứa chan; Yêu mà còn nghi lòng người yêu/ Đến cả chưa tin mình đang yêu/ Hương tình - ôi, dịu nhẹ bao nhiêu!... Tuy nhiên, kết cục của tình yêu cõi thế thường chỉ là một trong hai khả năng và khả năng nào cũng chỉ đem lại những đổ vỡ, thất vọng. Khả năng thứ nhất là tan vỡ: Mong manh tình đã rụng rời/ Tơ vương còn thắt tim người chia ly. Nguyên nhân, theo quan niệm của Vũ Hoàng Chương, chủ yếu là do sự “lệch pha” giữa hai tâm hồn. Lúc thì do anh vô tình, khi thì bởi em dửng dưng; lúc thì đó chỉ là mối duyên bèo bọt của “trai lỡ phong vân gái lỡ tình”; hoặc cũng có khi cái cơ hội hàn gắn những tâm hồn đã qua, đã lỡ, đã “chậm quá rồi”... Bởi vậy, tình yêu trong thơ ông thường được mô hình hóa theo kiểu một trò đuổi bắt oái ăm. Lúc bên này nồng thắm thì bên kia lại dửng dưng, lạnh lẽo. Điều này khiến những đôi tình nhân, ngay cả khi trong trạng thái riết đôi tay, ngả đôi thân, vẫn không thể nào hóa giải được “thành sầu” sừng sững trong lòng mình. Thiếu đi một sợi dây đồng điệu, mất đi cái cơ hội cảm thông, con người mãi mãi bị chia cắt trong sự vô tình, vô cảm của chính mình. Được mô tả như một trạng thái nhân thế phổ biến, sự lệch kênh tinh thần là nguyên nhân cơ bản khiến tan vỡ trở thành một kết cục có tính quy luật trong tình yêu. Thay vì sự gắn bó, hoà hợp như khát vọng thi sĩ, tình yêu, rốt cục, chỉ đem lại sự chia lìa, đau đớn: Hôm qua tình đã chết/ Anh đã chôn nó rồi/ Anh khóc vì chôn nó/ Là chôn cả một đời!...

Khả năng thứ hai của tình yêu trần thế, một kết cục cũng thường gặp trong đời thực, là sự gắn bó thân xác. Văn hóa phương Đông và phương Tây đều có những quan niệm khá gần gũi về ý nghĩa tượng trưng của hành vi tính giao trong đời sống con người. Nó được coi như sự lặp lại của cuộc giao phối đầu tiên giữa Trời và Đất, từ đó muôn loài được sinh ra. Nó mang một sức mạnh hợp nhất và liên kết phổ quát giữa cái tiểu ngã và đại ngã, giữa bản thể cá nhân và bản thể vũ trụ. Với Vũ Hoàng Chương, vấn đề “thân xác” trong tình yêu được nhìn nhận như thế nào? Hãy chú ý những bài như Tối tân hôn, Động phòng hoa chúc, Bức khăn mừng cưới... Hai bài đầu là tâm trạng của một tân lang, còn bài sau là tâm trạng của một tân nương trước một sự kiện lớn của đời mình. Tâm trạng của vị tân lang trong tối tân hôn, quả thực nói như một nhà nghiên cứu, là tâm trạng đầy hối tiếc, do dự của một người tiên bị biếm trần. Đêm tân hôn được tường thuật bởi một kẻ trong cuộc, nhưng cách tường thuật lại là của kẻ ngoài cuộc: nó thiếu đắm đuối đam mê mà quá thừa xác thực tỉnh táo! Cho nên, “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng trăng lẫn bóng trà mi trập trùng” đầy mê đắm trong Cung oán ngâm khúc, thực ra theo Vũ Hoàng Chương chỉ là lìa cõi Mộng giong thuyền qua bến Tục, là từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian, là uống bùn nhơ, là chôn nốt chút thơ ngây còn lại... Sự gắn bó thân xác không thể khoả lấp sự cách biệt về tâm hồn, ngược lại, nó còn tầm thường hóa, dung tục hóa tình yêu. Tệ hơn, nó giết chết ảo tưởng về một tình yêu “toàn hương và tận mỹ”. Cái mà nhà thơ lãng mạn này khao khát là một sự hoà hợp, cảm thông tuyệt đối thì cái mà ông có được trong tình yêu nhục thể, trong thân xác giai nhân chỉ là “nồng cháy những men trần”. Sau những phút điên say, thi nhân luôn mang tâm trạng của kẻ trót ăn trái cấm và vĩnh viễn đánh mất thiên đường. Sau những thoáng lát “rạo rực” thân xác là cảm giác rã rời cay đắng, là sự “đoan chắc” bi đát, chán chường:

- Thôi hết nhé! Thoả đi niềm rạo rực!

Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian

Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực

Sẽ mai đây giầy xéo giấc mơ tàn

                                  (Động phòng hoa chúc)

- Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải

Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn

Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi hạ giới

Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn...

                                  (Tối tân hôn)

Người ta nói nhiều đến tâm trạng của vị “tân lang” trong hai bài thơ trước và cũng thường đồng nhất với tâm sự chán chường của chính Vũ Hoàng Chương. Theo tôi, cũng cần chú ý thêm tâm trạng của vị “tân nương” trong bài thơ sau. Khi thác lời người thiếu nữ trước khi về với nhà chồng nói với cố nhân, có thể nhà thơ chỉ muốn giãi bày hộ tấm lòng của một ai đó, an ủi, vỗ về một ai đó nữa. Nhưng cũng từ những trạng huống cụ thể này, người đọc bỗng nhận ra rằng sự bất xứng trong tình cảm lứa đôi dường như là một tình trạng nhân thế phổ biến. Chọn mô tả những giờ phút hoan lạc sung sướng nhất của đời người, cũng là thời điểm dễ hoà hợp nhất giữa linh hồn và xác thịt (theo cách nghĩ thông thường), chính là một cách để nhà thơ diễn tả sâu sắc hơn bao giờ hết tình trạng bơ vơ, cô độc, không thể chia sẻ đầy bi đát của con người. Tình yêu cũng như tình dục đã không thể hóa giải những cách ngăn tinh thần mà chính con người đã tự dựng nên cho mình trong cuộc sống. Hình tượng tân nương, thực chất, cũng chính là một hóa thân của cái tôi tác giả.

Trong thơ Huy Cận, người đọc cũng từng bắt gặp một quan niệm về tâm hồn và thân xác tương tự: Từng bước lạnh teo một mình lủi thủi/ Tin ngây thơ: hồn sẽ hiểu qua hồn/ Tôi đâu biết thịt xương là sông núi/ Chia biệt người ra từng xứ cô đơn (Trình bày)... Nhưng nếu Huy Cận chỉ dừng lại ở việc “nêu vấn đề” thì Vũ Hoàng Chương luôn có xu hướng đẩy tới cùng bản chất của vấn đề ấy. Do vậy, nếu sự phân biệt xác thân - linh hồn trong thơ Huy Cận chỉ nhằm hướng đến ca tụng một tình yêu “thuần khiết” kiểu “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong”, thì trong thơ Vũ Hoàng Chương, một mặt, sự phân biệt này cũng là biểu hiện của xu hướng “thánh hóa” tình yêu tương tự, song đồng thời, nó còn thể hiện nỗ lực ráo riết nhằm kiếm tìm một tình yêu đích thực, một tình yêu có sự hoà hợp của cả thân xác lẫn tâm hồn, đem lại sự hợp nhất không chỉ giữa hai cá thể dị biệt, mà còn đem lại sự hợp nhất giữa con người và thế giới. Nghịch lí mà nhà thơ này không thể vượt qua nằm ở chỗ: một mặt, bằng vốn tri thức văn hóa, bằng những trải nghiệm cá nhân, ông thừa nhận tình dục như bộ mặt vật chất của tình yêu, rằng không thể tách rời tình dục với tình yêu, nhưng mặt khác lại ghê sợ khía cạnh bản năng sinh lí và chỉ muốn nhìn nhận nó trong những ý nghĩa tượng trưng cao cả. Không phải ngẫu nhiên mà thơ Vũ Hoàng Chương thường nói đến những vẻ đẹp thân xác, những cảm giác nhục thể nhưng không phải với một cảm xúc thụ hưởng đầy hăm hở, đắm đuối như thường thấy trong thơ Xuân Diệu hay một số nhà Thơ mới khác. Độc giả chẳng khó khăn gì để nhận ra thái độ chán chường ghê sợ của tác giả đối với những mối tình thân xác. Nguyên nhân chính nằm ở cái quan niệm lãng mạn ít nhiều cực đoan của người nghệ sĩ về một thế giới (trong đó có tình yêu cá nhân) trọn vẹn, tuyệt đối như đã nói tới ở trên. Tuy nhiên, ngay từ thể nghiệm đầu tiên, Vũ Hoàng Chương đã thất bại: tình yêu cá nhân đã không thể có được sức mạnh cần thiết như trong tham vọng của ông. Với một đầu óc duy lí, thậm chí hai lần duy lí (ý của Đỗ Lai Thúy), thay vì sự hợp nhất tuyệt đối như mong muốn, ông chỉ luôn nhận thấy sự ly cách, phân rã trong cuộc đời lẫn tình yêu. Bởi vậy, nếu triết lí tình yêu của Huy Cận bộc lộ một tâm thế tương đối bình tĩnh, ôn hoà, thì triết lí tình yêu của Vũ Hoàng Chương chất chứa một tâm sự cay chua, chán chường, bi đát. Nói tóm lại, với Vũ Hoàng Chương, ở cả hai chiều hướng kết cục có thể diễn ra, tình yêu trần thế chỉ càng bộc lộ rõ hơn sự bất lực đáng thương của nó.

Thất bại thứ hai: tình yêu trong mộng. Thất bại trong đời, Vũ Hoàng Chương, giống như nhiều nhà thơ lãng mạn khác, đã tìm đến với cõi mộng. Giấc mộng này đặc biệt ở chỗ, thi sĩ dường như chỉ muốn tìm về hội ngộ với những... bóng ma (những bóng ma người đẹp, dĩ nhiên!). Trong một sáng tác của mình, Xuân Diệu cũng từng “mơ xưa” với Bao Tự mặt sầu bi, Ly Cơ hình nhịp nhàng, nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang... Thậm chí, trước nỗi ám ảnh của Hư vô, ông còn hùng hồn tuyên bố: Người chết rồi không cần đủ thịt da/ Khi chết rồi thì ta sẽ yêu ma. Tuy nhiên, đấy chỉ là một cách nói. Xuân Diệu rõ ràng chỉ đam mê cái thế giới trần gian huy hoàng đầy thanh sắc mà thôi. Còn với Vũ Hoàng Chương, tình yêu trong những giấc mơ xưa, với những bóng ma người đẹp, trước hết là một phương tiện để thoát khỏi những tình yêu đầy vật chất/ Mê man giả dối xót thương vờ của hiện tại. Sau nữa, đó chính là một tiếp tục thể nghiệm của thi nhân trên hành trình tìm kiếm tình yêu lí tưởng - cái đẹp siêu trần.

Với thi nhân, tình yêu lí tưởng ấy chính là sự cảm thông sâu xa giữa con người và con người, con người và thế giới. Nó tạo nên “niềm khăng khít” giữa Quỷ với Người, xoá đi sự cách trở âm dương giữa kẻ sống và người chết, đánh thức khao khát yêu đương ân ái trong lòng cây cỏ, gỗ đá vô tri... Chính tình yêu sẽ là “khúc nhạc sống” làm xao xuyến muôn loài, tạo nên “vạn dịp cầu tơ chắp ý duyên”. Đó không chỉ là sự hoà điệu, cảm thông về mặt tinh thần, mà còn là sự gắn bó, ràng rịt cả bằng thân xác. Đó là những mối tình Liêu Trai kiểu “quỷ với người chung một mái nhà” giữa một khung cảnh “trăng bạn, hoa em, trầm mối lái/ Đèn khuya dìu dặt bóng yêu ma”... Rất nhiều hình bóng người đẹp thủa xưa được “chiêu hồn” về trong những trang thơ của ông, chẳng hạn, gái Giang Nam, gái Tầm Dương, gái Liêu Trai, gái xưa Kim Lăng, công chúa, Thôi Oanh Oanh,... Thi nhân, thân xác sống trong hiện tại mà linh hồn dường như đã gửi tại cõi xa xăm nào. Ông luôn nhìn thấy mình trong hình bóng của những “tiền thân”, “kiếp xưa”, “kiếp nào”, bậc Trích tiên, chàng Giang Châu Tư Mã, kẻ Đào Nguyên lạc lối... Trong thơ, ông luôn soạn sẵn một tâm thế “mở ngỏ” để đón đợi sự thông linh từ thế giới khác. Đó là con người thường trong tư thế nằm (Gối chiếc nằm nghe sầu bốn mặt; Rượu ngấm, say nằm dưới gốc mai; Nằm hấng mưa rơi độc vận bằng...); trong trạng thái cô đơn (Cô đơn men đắng sầu trăng bến; Buồng vắng ơ hờ chăn chiếu đơn;...);say(Chén đã vơi mà ngập gió sương/ Men càng ngây ngất ý Tầm Dương; Ta lặng buông thân trời lảo đảo/ Mơ hồ sông nước choáng men say); trong cảm giác phấp phỏng chờ đợi những điều lạ lùng, linh diệu (Ta nhớ tiền thân phòng lại ngỏ/ Giấc hồ thơm tóc gái Liêu Trai; Tương tư, đốt đuốc thâu canh đợi/ Thoảng gió, trà mi động mấy bông...); trong những giấc chiêm bao chập chờn (Tuyết phủ chiêm bao mộng chập chờn; Trầm luân hồn tỉnh giữa chiêm bao; Chiêm bao giợn tuyết gối ngờ băng...); giữa một không gian, thời gian đặc biệt, ở đó, mọi ranh giới dường như nhoè lẫn: “sương lam mờ tỏ”, “rợp bóng mây”, “mưa lất phất”, “khói sương tha thiết”, sương rợp”, “sương lạnh”, “bóng trăng”... Và đó là cơ hội cho những ảo giác và ảo ảnh xuất hiện: Nao nao khói biếc hài thương nữ/ Trở gối hoa lê rụng trắng thềm...

Rõ ràng, Vũ Hoàng Chương đã rất dụng tâm khi lựa chọn sử dụng những “vật liệu”, “chất liệu” thi ca để cố gắng xoá đi những đường biên giới hạn giữa Mơ và Thực, giữa Âm và Dương, giữa Xưa và Nay. Thực chất đấy cũng là nỗ lực để xoá đi sự ly cách giữa Thi nhân và Người đẹp, hòng đạt đến sự “cảm thông” sâu xa giữa con người và con người mà ông hằng khao khát. Tuy nhiên, những nỗ lực xoá đi ngăn cách chỉ càng làm cho thi nhân nhận thức sâu sắc hơn về sự hiện hữu của những khoảng cách. Đắm mình trong “mơ xưa”, càng làm cho ông ý thức rõ hơn về thực tại. Việc thi nhân không ngừng mơ về một tình yêu sâu nặng thuở trăng mới cuồng si nụ bán khai, thật ra chỉ càng chứng tỏ rằng thuở ấy đã thực sự qua rồi. “Mơ xưa” kì thực chỉ là một giấc mơ nhân tạo. Điều này càng chứng tỏ nhà thơ đã không dám đối mặt với sự cô độc và ly cách như là bản chất của sự hiện hữu con người mà ông đã tiên lượng bằng sự tỉnh táo ráo riết của mình. Rốt cục, thể nghiệm lần thứ hai cũng lại là một thất bại:

Hỡi ơi! dâu bể mòn thương nhớ

Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi!

Lớp lớp biên cương tình chật hẹp,

Mùa xưa thông cảm đã qua rồi!

                                  (Cảm thông)

Việc dùng tình yêu cá nhân như một phương tiện để đạt đến trạng thái hợp nhất “tuyệt đối” giữa thi nhân và thế giới, cuối cùng chỉ là một ảo tưởng chua chát. Nỗ lực tìm kiếm trong tình yêu lứa đôi một cái đẹp “lí tưởng”, “siêu trần”, vượt trên cõi đời dung tục cũng chỉ đem lại cho thi nhân những thất vọng, bẽ bàng. Cả tình yêu, tình dục đều không thể giải thoát con người khỏi những bi kịch. (Thật ra, khi cứ “soát xét” tình yêu, nhất là tình yêu của đời thực, bằng một con mắt lí trí tàn nhẫn và ráo riết như Vũ Hoàng Chương, thì thất vọng cũng là một tất yếu!) Điều cần nói thêm là, xuất phát từ một quan niệm (cũng là một đòi hỏi cực đoan và đầy lãng mạn) về tình yêu như vậy, nên với Vũ Hoàng Chương, thất bại trong tình yêu cũng đồng nghĩa với thất bại trong cuộc đời. Việc nhà thơ không thể tìm thấy sự cảm thông giữa ông với người tình đồng nghĩa với việc ông không thể nào tìm thấy sự hoà hợp với cộng đồng, với nhân thế. Cảm giác xa lạ, lạc loài bắt nguồn từ đó. Cảm giác thảng thốt chán chường cũng khởi dậy từ đó. Chính vì vậy, thi nhân nhiều lần nói đến đời mình trong một mặc cảm thất bại sâu xa:

- Ôi! ta đã làm chi đời ta?

Ai đã làm chi lòng ta?

Cho đời tàn tạ lòng băng giá?

Sương mong manh quạnh chớm thu già

                                  (Đời tàn ngõ hẹp)

- Ngoài ba mươi tuổi, duyên còn hết?

Một ván cờ thua ngả bóng chiều

Ai khóc đời ai trên bấc lụi?

Đây mùa thu sớm lửa dần thiêu

                                  (Ngoài ba mươi tuổi)

Nếu tình yêu là một cơn say thì bi kịch của Vũ Hoàng Chương là đã không thể say hết mình. Luôn luôn, trong những giấc mơ nhân tạo, ông phải đối mặt với những đường biên giới hạn, những sự thật không chút nên thơ mà lí trí liên tục chỉ ra một cách vạch vòi, trần trụi. Do vậy, cứ mỗi lần say là một lần phải tỉnh, càng say lại càng tỉnh, mỗi lần tỉnh lại thêm một lần đổ vỡ, chán nản. Càng ráo riết truy tìm vẻ đẹp lí tưởng trong tình yêu đôi lứa thì sự thất vọng của ông trong địa hạt này càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Khao khát “toàn hương và tận mỹ”, luôn tìm kiếm con đường đạt đến “nguồn tuyệt đối”, rốt cục thi nhân chỉ thấy mình “hoài công bày dãi ý cao siêu”. Cái còn lại cuối cùng là nỗi đau buồn, mỏi mệt, chán chường: Có ai say để quên sầu/ Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn...

Vũ Hoàng Chương đã huy động vào thơ khá nhiều “chất liệu” của đời sống đô thị hiện đại, chẳng hạn âm nhạc, khiêu vũ, ánh sáng, đèn màu, khói thuốc, men rượu... Ông dựng nên trong thơ một không gian đô thị với những thú vui trụy lạc và nỗi chán chường, bế tắc của con người (điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu liên hệ tới Ch. Baudelaire trong Hoa ác - 1857). Không chỉ đưa vào thơ những hình ảnh “tân kì” về đời sống, Vũ Hoàng Chương còn sử dụng âm nhạc như một chất liệu đặc biệt nhằm “dẫn dụ” người đọc đi vào thế giới thi ca của mình. Thơ ông nhắc nhiều đến âm nhạc, từ các loại nhạc cụ: đàn sênh, tiêu, sênh phách, trúc ti...; cho đến các bản nhạc, các cung bậc âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu và đặc biệt là những ấn tượng, trạng thái, cảm giác được âm nhạc truyền dẫn, khêu gợi: nhịp Nghê thường, khúc nhạc hồng, điệu kèn biếc, tiếng tỳ hư ảo, mình tơ réo rắt, hồn trúc đê mê, nhịp trúc buông khoan, sóng tơ dồn chậm, đàn rưng rưng lệ, phách dồn mưa... Đọc thơ Vũ Hoàng Chương, độc giả vừa bị tác động bởi cảm xúc mạnh mẽ của chủ thể trữ tình, vừa bị “mê hoặc” bởi giai điệu, nhịp điệu đầy âm vang của lời thơ. Chẳng hạn, trong Say đi em, nhịp bước chân khiêu vũ đã hoà quyện cùng nhịp xúc cảm. Âm nhạc vừa là đối tượng mô tả vừa là hình thức mô tả, nhằm thể hiện cảm giác chuếnh choáng, đê mê của chủ thể trữ tình khi bước đi trong nhịp khiêu vũ, trong vòng tay giai nhân và những cảm xúc, cảm giác này trùng phùng hội tụ trong tâm trí người đọc khi lời thơ cất lên hoà âm dặt dìu, điêu luyện:

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm, não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ.

 

Âm ba gờn gợn nhỏ

Ánh sáng phai phai dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi tay, ngả đôi thân

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió.

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ

Hãy thêm say, còn đó, rượu chờ ta!

                                           (Say đi em)

Nhưng bên cạnh đó, Vũ Hoàng Chương cũng rất có ý thức “tái sử dụng” thi liệu cổ điển. Thơ ông xuất hiện khá phổ biến những ngôn từ, hình ảnh, điển tích quen thuộc của thơ xưa, chẳng hạn thuyền quyên, trích tiên, Tầm Dương, Liêu Trai, Hồ Ly, Thiên Thai, Giang Châu, Đào Nguyên, Nghê Thường... Dĩ nhiên, qua nhãn quan mô tả của một cá nhân hiện đại, những thi liệu cũ ấy đã được “tái cấu trúc”, mang dấu ấn riêng của cái tôi thi sĩ. Những kết hợp hình ảnh, từ ngữ theo kiểu “tính từ hóa danh từ”, chẳng hạn như: Men càng ngây ngất ý Tầm Dương; Trăng nước Đà Giang, mộng Liêu Trai; Giấc hồ thơm tóc gái Liêu Trai; Sầu ai: chuông lẻn giấc Cô Tô; Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu..., đã đem lại những sắc thái cảm xúc, ý nghĩa tươi mới cho những hình ảnh, biểu tượng thơ xưa cũ. Nhiều khi, giữa dày đặc những thi liệu cổ điển, chỉ cần “điểm” một vài từ ngữ, Vũ Hoàng Chương đã khơi dậy những xúc cảm rất mới, chẳng hạn: Xôn xao vò nậm bừng hương cúc/ Thu nhập hồn men cựa đó chăng? Những chữ như xôn xao, bừng, cựa, đã làm cho cả câu thơ sống dậy, đầy biểu cảm. Sự sáng tạo của ông còn thể hiện trong những câu chữ, hình ảnh đầy trau chuốt, tài hoa: Bồng bềnh mun chảy óng lưng son/ Nhạc tía đền vua chuyển gót son/ Yểu điệu Hương Giang mềm nếp áo/ Trầm bay sóng mỏng vạt trăng non; Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi/ Sen vàng như động phía châu liêm/ Nao nao khói biếc hài thương nữ/ Trở gối, hoa lê rụng trắng thềm; Mùa nhớ thương sang mộng nõn nà/ Tinh anh nghìn kiếp thoáng dư ba/ Hồn ai xác mới nghe thoi thóp/ Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da... Điều này góp phần tạo nên tầng sâu trầm tích văn hóa và độ mở ngữ nghĩa trong câu chữ, hình ảnh thơ.

Chân dung cái tôi trong thơ Vũ Hoàng Chương khá đặc biệt, nó cho thấy những tìm tòi cũng như những bế tắc, cực đoan trong đời sống tinh thần của các nhà Thơ mới ở thời kì cuối. Vừa duy lí vừa duy mĩ. Đầy đam mê, cũng đầy chán chường, khinh bạc. Quá ư nhạy cảm và tỉnh táo, cũng do vậy mà càng dễ tổn thương, mệt mỏi. Đó có lẽ cũng là bức chân dung tinh thần Vũ Hoàng Chương mà một hoạ sỹ từng phác họa: “Vũ cô đơn. Mọi cánh cửa đều khép chặt trước mặt. Ba chiều không gian đã đóng kín. Vũ đành đốt tâm tư để mở một chiều riêng cho mình. Ấy đó, niềm cô đơn mà Vũ đã mang trọn kiếp người bật khóc trong thơ...”[2].

                                                                                             Vinh, 7/2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Thơ mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm (1999), Lại Nguyên Ân biên soạn, Nxb Hội Nhà văn, H., tr.431 - 501.

 [2] Tạ Tỵ (1996), Mười khuôn mặt văn nghệ, Nxb Hội Nhà văn, H., tr.157.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét