Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Tôi thích mình là một cái cây - Thanh Thảo

 

KHI NHÀ THƠ THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

 


Cây và bụi cây, 1887, Van Gogh 

TÔI THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

Thanh Thảo

“rồi trong mơ ta hóa thành cây

cây nho nhỏ lá xanh cành gầy

đi lang thang trong thành phố hừng đông

khe khẽ rung như một chiếc chuông con”

một cái cây sống

nhỏ to không quan trọng

một cái cây

không bị ai bán đứng

dù cổ thụ hay tơ non

một cái cây trầm ngâm

nói chuyện gì không ai nghe rõ

bạn bè quanh năm gió

cười một mình xanh chút nắng chút mây

 

tôi ước mình là một cái cây

thi thoảng có chim tới hót

con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

 

một cái cây xanh đến từng chiếc lá

buổi sớm tỏa dưỡng khí

ban đêm hứng ánh trăng

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ

 

những ngày rồi qua những người rồi xa

cái cây rung khẽ từng chiếc lá

chúng ta là ai chúng ta về đâu

chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

 

nắng gay gắt cứ như cáu gắt

cây lá nhỏ nép mình chật vật

chúng ta là ai xanh được bao lâu

lặng im lá vàng rơi chạm đất [1]

7/2017

Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ là tuyển thơ mới nhất của Thanh Thảo, gồm các sáng tác ngắn, chủ yếu viết trong khoảng thời gian từ sau 1986 đến nay. Mở đầu tập thơ là lời đề từ ngắn gọn, đề cập đến sắc xanh cây lá và mong ước cơn mưa:

xanh rất xanh một ngày tất cả cây

                                     bừng trên mặt đất

những tìm tòi không mỏi mệt suốt đời anh

là vươn tới màu xanh này rất thật

báo trước cơn mưa từ một thoáng rung cành

Lời đề từ kết nối một cách tự nhiên, ý nhị với hình ảnh chồi non, rễ cây, góc vườn lục bình/ xanh buồn bã, quả ổi rụng thơm khoảnh khắc nào, bóng tiếng chuông loáng thoáng… rải rác trong tập thơ, như lời nhắc có mặt của thiên nhiên trong trẻo, mát lành, đang dần mai một đi trước đời sống thực dụng xô bồ.

Trong tâm thức Thanh Thảo, giữa ông và cây lá thiên nhiên có sự đồng cảm, gắn kết thầm lặng nhưng mãnh liệt, nói theo cách của ông, “như thể anh cùng họ với cây”:

một ngày nào đó

cây xanh chìa cho anh chiếc lá

viết mấy chữ lờ mờ

như thể anh cùng họ với cây

buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày

chiếc lá có gì muốn nói

một ngày nào đó 

(Thông điệp)

Ở cây lá, ông nhận ra một sức mạnh lặng thầm, bình thản, một thái độ và cách sống đáng ngưỡng mộ:

không cưỡng lại mùa đông

không vồ vập mùa xuân

bình tĩnh qua mùa hạ

cô độc suốt mùa thu

 

những chiếc lá

âm thầm

hy vọng

không hy vọng

(Những chiếc lá)

 Nhìn từ đây, ta thấy bài thơ Tôi thích mình là một cái cây là sự kết nối rất tự nhiên trong mạch thơ viết về thiên nhiên của Thanh Thảo.    

 Mong muốn của nhân vật trữ tình được bày tỏ ngay trong cái tên bài thơ, một cách trực tiếp, hồn nhiên, không màu mè: Tôi thích mình là một cái cây. Một lời bộc bạch. Như trong một cuộc tán gẫu của những người bạn, không có gì to tát, nghiêm trọng. Hoặc có khi, là một lời nói thầm với chính mình. Dần dà tự trong tâm, ý muốn hiện hình thành lời, từ lời nói thầm, nó được nói to lên, thành thơ.

Vậy “tôi thích mình là một cái cây” như thế nào?

Từ mở đầu cho đến câu một cái cây lang thang/ dù đứng im một chỗ, tức hết đoạn thứ ba, ta có thể hiểu như là phần mô tả về đặc tính loại cây mà tôi thích mình là. Đó là:

- một cái cây sống/ nhỏ to không quan trọng. 

- một cái cây không bị ai bán đứng

- một cái cây trầm ngâm…/ bạn bè quanh năm gió…

- thi thoảng có chim tới hót/ con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

- một cái cây xanh đến từng chiếc lá/ buổi sớm tỏa dưỡng khí/ ban đêm hứng ánh trăng…

Và đúng chất Thanh Thảo, Tôi thích mình là một cái cây, nhưng nhất định phải là một cái cây mơ mộng. Không gì ngăn cản được cái cây Thanh Thảo nghĩ suy và mơ mộng và lang thang/ dù chỉ đứng im một chỗ. Nghĩa là một cái cây tự do, trong bất kì hoàn cảnh nào.

Bằng lời thơ, cái tôi trữ tình say sưa “tạo hình” cái cây mơ ước. Những hình dung đầu tiên khá sơ giản, đôi khi ám chỉ hơi lộ liễu, chẳng hạn, một cái cây sống/ không bị ai bán đứng… Dần dà, cái cây ấy chuyển thành cái cây của xúc cảm, ước mong nội tâm thầm kín: một cái cây trầm ngâm…/ bạn bè quanh năm gió…/ thi thoảng có chim tới hót/ con chim sâu bé bỏng nhảy nhót/ một cái cây xanh đến từng chiếc lá… Càng ngày tính chất ám thị càng mạnh. Nhân vật trữ tình dần cảm như cây, nghĩ theo cách của cây, nghĩa là biết rung khẽ từng chiếc lá, biết chờ mãi cơn mưa rào rất lạ, thấm thía nỗi niềm chúng ta là ai xanh được bao lâu/ Lặng im lá vàng rơi chạm đất…

Ở phần đầu, cái tôi nhà thơ và cái cây là hai đối tượng tách biệt. Cái cây là khách thể, ở bên ngoài, đối lập với nhà thơ. Nhưng càng nói, người càng nhập thân, nhập tâm. Càng nói, người càng cây hóa. Đó là quá trình chuyển hóa từ ngoài vào trong, từ khách thể thành chủ thể. Khi những câu thơ cuối vang lên, thật khó biết đó là nhà thơ Thanh Thảo hay Cây - Thanh Thảo đang cất lời:

những ngày rồi qua những người rồi xa

cái cây rung khẽ từng chiếc lá

chúng ta là ai chúng ta về đâu

chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

 

nắng gay gắt cứ như cáu gắt

cây lá nhỏ nép mình chật vật

chúng ta là ai xanh được bao lâu

lặng im lá vàng rơi chạm đất

 Tôi thích mình là một cái cây. Bắt đầu tiêu đề như lời buột thốt cũng là lúc bắt đầu một tứ thơ cựa quậy, nảy mầm, duỗi dài cành nhánh, bung nở những đóa hoa và hương thơm trong trí tưởng thi sĩ. Là cây, anh biết sống tự do ngay trong sự trói buộc. Là cây, anh nằm trong một hệ sinh thái tự nhiên, bản thân anh cũng là một hệ sinh thái thu nhỏ. Lựa chọn là một cái cây, anh đồng thời lựa chọn một căn tính tồn tại khác con người, không phải như hiện tại anh đang - là, một trải nghiệm sống - khác đáng mơ ước. Dẫu sao, nó vẫn không ngừng nhắc nhở anh nhớ đến tình trạng tồn tại thực tế, nhiều khi tàn nhẫn và cay đắng, qua so sánh, đối chiếu. Như cây, mọi thứ có thể thật nhẹ nhõm…

Thơ Thanh Thảo giản dị và tự nhiên. Sự giản dị và tự nhiên đến từ niềm tin rằng cái đẹp luôn bắt đầu từ những gì sống thật. Thơ ông thường bắt đầu từ những ý tưởng như ngẫu hứng, không đáng kể. Nhưng khi ý tưởng “gặp” được hình ảnh/ sự việc, là ý biến thành tứ, thành hình hài bài thơ. Tôi thích mình là một cái cây chính là ví dụ tiêu biểu cho quan niệm và lối viết này.

Cảm hứng sống hướng về thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên là một truyền thống của thơ phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Tình yêu với vẻ đẹp thiên nhiên, khát khao tìm về với thiên nhiên để tìm thấy sự an tĩnh tâm hồn, để di dưỡng, gột rửa tinh thần, để chống lại đời sống thế sự nhiêu khê, phồn tạp…, thực chất vẫn nằm trong mạch nguồn quen thuộc.

Nhưng Tôi thích mình là một cái cây không chỉ là một bản tụng ca thiên nhiên với hàm nghĩa mòn sáo. Hình tượng cây có lẽ đã khiến Thanh Thảo nghĩ nhiều hơn đến cách sống và ứng xử của con người. Tôi thích mình là một cái cây nhưng phải là một cái cây tự do. Tự do xanh đến từng chiếc lá. Tự do tỏa dưỡng khí, hứng ánh trăng. Sự tự do về mặt tinh thần, tư tưởng cho phép một cái cây lang thang/ dù đứng im một chỗ. Đó là sự tự do trong ý thức đầy đủ về tình thế tồn tại đầy ràng buộc của thực tế. Khát vọng tự do, như vậy, cũng gắn liền với sự giải ảo tưởng về một sự tồn tại phi thực tế, vượt ra khỏi ngoài mọi thiết chế chính trị, xã hội. Lựa chọn tự do, do đó, là tự nguyện sống/ tự nguyện chết/ những chiếc lá không hèn nhát (Những chiếc lá). Lựa chọn tự do, do đó, cũng là lựa chọn “cô độc”: không cưỡng lại mùa đông/ không vồ vập mùa xuân/ bình tĩnh qua mùa hạ/ cô độc suốt mùa thu (Những chiếc lá). Giống như một cái cây, bị trói buộc bởi chính mảnh đất mà hạt giống đã rơi xuống và mọc lên thành cây, trụ lại/ xanh/ là việc của anh (trụ lại, xanh).

Khởi sinh từ một ý tưởng chừng như ngẫu hứng, Tôi thích mình mình là một cái cây là một triết lí đáng suy ngẫm về thái độ và cách sống cần có của con người.

 Vinh, 18/3/2021                                                                                                                 




[1] Thanh Thảo (2019), Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ, Nxb Hội Nhà văn.

 


4 nhận xét:

  1. Mỗi trang viết của bạn cứ quấn lấy tôi khiến mỗi lúc đọc thơ là tôi nghĩ đến bạn.😀😄😄😁

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Cẩm. Thật vui vì có người đọc như em!

    Trả lờiXóa
  3. Rât thích đọc các bài của tác giả Lê Hồ Quang ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn bạn Nguyễn Thị Thuyền!

    Trả lờiXóa