Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo


 NGHỆ THUẬT VÀ TÂM THỨC SÁNG TẠO
(Art and the creative consciousness)
                       
Tác giả: Graham Collier
Dịch giả: Trịnh Lữ



                                                              
                                                                                        Lê Hồ Quang

 Mình đã đọc cuốn sách này với rất nhiều hứng thú. Vì sao ư? 
 Nghệ thuật, vốn luôn được hình dung như là sản phẩm của cảm hứng, nhiều khi là ngẫu hứng, bất thường và khó kiểm soát, trong cuốn sách này, đã được trình bày bởi một tay bút nhà nghề am tường những ngóc ngách nghề nghiệp (mà ở đây lại là “nghề sáng tạo”), bởi vậy, vừa đảm bảo tính chính xác trong các thông tin chuyên ngành, và đồng thời, tính thẩm mỹ trong các thông tin ấy. Nói cách khác, cuốn sách cho thấy một cái nhìn thấu tỏ về bản chất và cơ chế sáng tạo của nghệ thuật tạo hình (chủ yếu là điêu khắc và hội họa) thể hiện qua sự phân tích, so sánh, lý giải hệ thống, rành mạch. Điều này khiến một kẻ mù màu, mù hình bẩm sinh như mình có cảm giác thực sự được khai nhãn. Nó cho mình hiểu rằng, sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động quá phức tạp, rằng tâm thức sáng tạo được cấu thành và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khó xác định/ định lượng một cách thật rạch ròi như cảm xúc/ trí tuệ; cảm giác/ trực giác... nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là nó không thể nắm bắt, không thể mô tả, phân tích và lý giải. Giây phút mà nghệ thuật, qua cách mô tả, lý giải của Graham Collier, hiện lên với tất cả tính phức tạp và hợp lý của nó, thật đáng kinh ngạc. Dĩ nhiên, đó là góc nhìn và quan điểm thẩm mỹ của cá nhân tác giả, nhưng sự thuyết phục trong quan điểm và cách trình bày đó cũng đem lại khoái cảm tương đương khi ta ngộ ra vẻ đẹp đích thực của một tác phẩm nghệ thuật. Cùng với cảm giác thức tỉnh là cảm giác bị lay động sâu sắc.

Nhưng dù tập trung vào việc cắt nghĩa, lý giải chủ đề chính - nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, một vấn đề có tính lý thuyết, cuốn sách vẫn khá quan tâm đến việc mô tả, phân tích các dẫn chứng trong tư cách những đối tượng thẩm mỹ cụ thể. Cách làm này rõ ràng là hết sức cần thiết và phù hợp với nhu cầu của những độc giả phổ thông, đồng thời cũng tạo nên sức thu hút đáng kể của cuốn sách. Các dẫn chứng thường được sắp xếp theo trật tự thời gian, đảm bảo tính loại hình lịch sử, và thường xuyên được đặt trong tương quan so sánh, đối chiếu. Điều này ít nhất cũng đã khiến mình ghi nhớ thêm về một số tác phẩm hội họa tiêu biểu với những đặc điểm riêng, đáng chú ý của chúng. Số lượng tác phẩm mỹ thuật được dẫn ra trong sách không nhiều nhưng có tính tiêu chuẩn và tính mục đích rất rõ. Có những tác phẩm được dùng làm ví dụ nhiều lần (ví dụ bức tượng nhỏ hình người Ai Cập, thời tiền phong kiến (tác giả gọi theo lối ẩn dụ là “Quái thú”) và Vệ nữ thành Knidos của Praxiteles (theo cách tương tự, được gọi là “Người đẹp”). Chúng được sử dụng ở những chương khác nhau, ở những nội dung khác nhau nhưng không hề gây cảm giác thừa, lặp. Bên cạnh tính hợp lý và thuận tiện, chúng còn gợi ý rằng mỗi tác phẩm luôn có thể được nhìn và cắt nghĩa từ nhiều góc độ khác nhau, do đó, cũng có thể mang chứa những ý nghĩa/ giá trị khác nhau, thậm chí đối lập. Nhận thức này không phải đến từ sự nhắc nhở khô khan của lý trí, mà là sự nhận thức tự nhiên, đầy hứng thú, thông qua quá trình người đọc cùng tác giả thực hành thưởng lãm tác phẩm. Nhiều phần mô tả, cắt nghĩa tranh/ tượng lý thú đến mức mình không thể không tự trầm trồ. Sao “ông ấy” (tức Graham Collier) thể "đọc ra" những điều đó từ những bức tranh/ pho tượng mà với mình, trước đó, như bị bịt mắt? Và làm sao có thể "đọc" chúng một cách rành mạch và tỏ tường, tận bờ sát góc đến vậy? Mình đã nhiều lần, bất chấp vô số deadline công việc, quay trở lại với cuốn sách chỉ để nhẩn nha đọc những đoạn phân tích rành mạch và sáng tỏ ấy, kết hợp với việc ngắm nghía lại tác phẩm, để tìm kiếm thứ ánh sáng mà trước đó mình không thể nhận ra và đang dần hé lộ một cách đầy rung động. Rất nhiều đoạn không chỉ có giá trị phân tích cụ thể mà có giá trị luận điểm, tức giá trị khái quát nhận thức. Ví dụ đoạn viết về tác phẩm "Đài phun nước" (Cái bồn tiểu) của Duchamp này: "Kết luận của chúng ta là khi đã mất niềm tin vào con người và các thiết chế của nó, và khi bản thân các sự kiện đã dẫn đến một thế giới trong đó mọi triết lý và xác tín thân thuộc bỗng thành lạc lõng, thì một cách để cảnh báo về sự hư nát của các giá trị là giễu nhại chính những giá trị ấy. Đó chính là cái Duchamp đã làm... "Đài phun nước" khiến ta phải trải qua những giây phút khó chịu; nó khiến vô nghĩa thành nghệ thuật, và nghịch lý là ở chỗ nó bắt ta phải thành thực đặt câu hỏi về giá trị của nghệ thuật" (tr. 280 – 281). Đó là thứ khoái cảm khá khác thường, và dù đến từ việc đọc một tác phẩm phê bình nghệ thuật, nhưng mình cho cũng mãnh liệt không kém gì so với khoái cảm đứng trước một tác phẩm nghệ thuật. Bởi đấy là khoái cảm của sự thích/ rung động đến từ việc hiểu, trong khi (với mình) trước một tác phẩm hội họa chẳng hạn, chỉ là một sự "thích thú đau khổ"! Rõ ràng đấy chỉ có thể là năng lực của một chuyên gia bậc thầy – nó nằm trong sự am tường đối tượng, khả năng thẩm thấu, lĩnh hội vấn đề ở bề sâu, khả năng tổ chức lại vấn đề trong một cấu trúc trình bày tường minh và sự diễn đạt khúc chiết. Dĩ nhiên, về điều này không thể không nói lời cảm ơn tới dịch giả Trịnh Lữ.

Nhưng cuốn sách không chỉ dẫn dắt ta vào một hành trình khám phá lịch sử mỹ thuật ngắn gọn, kỳ thú, giàu xúc cảm mà còn cho thấy được một kiểu đọc tranh/ tượng, và rộng hơn, một kiểu tư duy và cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật trong những tương quan đa chiều, hiện đại. Nó cũng nêu/ đặt ra nhiều vấn đề về sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Chính trong sự tương thích mô hình đó, mình tìm thấy mối liên thông chặt chẽ giữa nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật ngôn từ, giữa điêu khắc, hội họa với thơ ca; từ đó, có thể tìm thấy những câu trả lời hoặc gợi ý trả lời về văn học, thơ ca từ nhiều vấn đề mỹ thuật đặt ra trong cuốn sách. Sự nối kết, liên thông này đã khiến cho mỗi bước đọc/ nhận thức/ khám phá về đối tượng này cũng là mỗi bước phát hiện, khám phá và thấu tỏ thêm về đối tượng kia. Sự đọc song song này tạo thêm sức hấp dẫn của cuốn sách. Mình nghĩ đấy cũng là thành công về phía tác giả, và cũng là thành quả đáng kể với một độc giả không chuyên như mình.
                                                                           
                                                                                                     13/4/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét