Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Thơ Inrasara

THƠ INRASARA “NHẬP CUỘC VỀ HƯỚNG MỞ”

                                                      Lê Hồ Quang


1. Trong tác phẩm của mình, Inrasara thường xuyên nói đến sự “nhập cuộc”, “chuyển hướng”, cái Mới, cái Khác… Nhiều tên sách của ông đọc lên như tuyên ngôn: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Nhập cuộc về hướng mở, Song thoại với cái mới, Thơ Việt hành trình chuyển hướng say… Đó là những tín hiệu ngôn ngữ rất đáng chú ý. Nó cho ta nhận thấy mối quan tâm cũng như sự tập trung và nhất quán trong tư tưởng của tác giả về những vấn đề ấy. Trong tư cách người cầm bút, mối quan tâm hàng đầu của Inrasara, cũng là chủ đề trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông, ấy là vị trí/ tình thế của người viết/ sự viết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại. Với ông, người nghệ sỹ hôm nay phải hiện diện vừa với tư cách “công dân toàn cầu”, vừa với tư cách một vùng/ địa phương văn hóa cá biệt. Một mặt, anh ta phải hướng ra thế giới bên ngoài để tìm kiếm, khám phá những giá trị chung, phổ quát của nhân loại, mặt khác, phải biết bảo lưu, gìn giữ những giá trị bản địa riêng biệt. Tất nhiên, những nhận thức, tư tưởng đó phải được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ hình tượng độc đáo, kết đọng những tìm tòi, khám phá của tác giả trên hành trình hướng ra thế giới.

Thơ Hoàng Hưng

BIỂU TƯỢNG THƠ HOÀNG HƯNG

                                                                                               Lê Hồ Quang

   Khi nói về thơ Hoàng Hưng, nhiều người thường sử dụng ngay những biểu tượng trong thơ ông để khái quát hóa cảm nhận của mình, chẳng hạn Hoàng Hưng đi tìm mặt (Hoàng Cầm); Người chỉ đếm đến một (Thanh Thảo); Người đi tìm mặt, người đi tìm... thơ (Nguyễn Thị Minh Thái); Hành trình Hoàng Hưng (Vân Long), Hành trình” đến giấc mơ “tràn ánh sáng” (Nhật Lệ), v.v. Điều đó không phải ngẫu nhiên. Quả thực, nhà thơ này đã tạo nên trong các sáng tác của mình một hệ biểu tượng khá đặc biệt, vừa giàu cảm giác trực tiếp vừa giàu khả năng khêu gợi liên tưởng, tưởng tượng. Được cấu trúc như một thứ “ngôn ngữ”, ý nghĩa và giá trị của những biểu tượng ấy, nói theo ý của Gilbert Durand, không phải nằm ở chỗ “những sao chép thực dụng do tri giác cung cấp” mà là khả năng làm “biến dạng” chúng, nhằm đánh thức xúc cảm và trí tưởng tượng, và làm lộ ra, theo một cách thức bí ẩn nào đó, một thực tại khác, ẩn tàng sau cái hiện thực bề mặt.




Nếu tập thơ đầu tay của Hoàng Hưng - Đất nắng (1970, in chung với Trang Nghị) vẫn nghiêng về một lối diễn tả trực tiếp, mộc mạc, như phần lớn thơ cùng thời, thì từ Ngựa biển (1988), cách “nói” bằng những hình ảnh giàu tính biểu trưng trở nên nổi bật. Đó là kết quả của một quá trình tìm tòi và thử nghiệm nghệ thuật, sự trầm tích vốn sống, vốn đọc, đồng thời là sự tích chứa và bùng vỡ của những dồn nén, ẩn ức thông qua sáng tạo. Như một dấu hiệu đã được mã hóa bằng ngôn từ, ngay trong tên của các tập như Ngựa biển, Người đi tìm mặt, Hành trình đã báo trước cái thông điệp thẩm mĩ mà rồi sẽ được biểu lộ một cách khá đậm nét trong những hình ảnh và câu chữ phía sau. Bản thân mỗi tiêu đề ấy cũng chính là một biểu tượng, chúng “tiết lộ mà che giấu, che giấu mà tiết lộ” một ý nghĩa nào đó rộng lớn hơn chính bản thân chúng. Những biểu tượng này tồn tại trong sự liên kết với vô số hình tượng, hình ảnh khác, tạo nên một ấn tượng đa dạng nhưng khá thống nhất của bầu sinh quyển thơ Hoàng Hưng.

Thơ Thanh Tâm Tuyền

LUẬN ĐỀ TỰ DO 
TRONG SÁNG TẠO THƠ THANH TÂM TUYỀN


           

                                                                                                      
                                                                                                                    
                                                                                                                   Lê Hồ Quang
Khi cho rằng nghệ thuật “là sự tiêu hủy để sáng tạo, là sự tiêu hủy quy định bởi sự sáng tạo” [1], Thanh Tâm Tuyền đã thực sự biến tự do, từ một motip chủ đề quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn, trở thành một phạm trù mĩ học mới, khác biệt. Khi Xuân Diệu viết: Lòng rộng quá, chẳng khung nào chịu hết/ Chân tự do đạp phăng cả hàng rào (Mênh mông)thì với tác giả này, tự do nghĩa là được suy nghĩ và hành động theo tiếng nói của nội tâm, cảm xúc, vượt ra khỏi sự kiểm soát của khuôn khổ luân lý xã hội vốn hẹp hòi, khắc nghiệt. Xuất phát từ xung đột mang tính lãng mạn chủ nghĩa giữa cá nhân với xã hội, khát vọng tự do này đồng nghĩa với khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân, cá thể. Còn với Thanh Tâm Tuyền, tự do là hành động tư tưởng nhằm khẳng định bản vị và nhân vị. Nó xuất phát từ sự tự ý thức, phản tỉnh, suy tư thường xuyên của cá nhân. Cá nhân tìm kiếm tự do, trước hết, bằng cách đấu tranh với chính mình nhằm loại trừ sự tồn tại vô ý thức, vô nghĩa, phi lý, để hướng tới một đời sống có ý thức, có ý nghĩa, có lý tưởng. Bằng hành động ấy, con người tự do lựa chọn là mình và đó mới là tự do đích thực. Tự do, do đó, là giá trị tinh thần cốt tủy của cá nhân, nhân loại: “Mỗi người đã chính một tự do” (Tôi không còn cô độc).

Thơ Nguyễn Quang Thiều


ÂM THANH CỦA TƯỞNG TƯỢNG
(Đọc tuyển thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều,
Nxb Hội Nhà văn, 2010)

                                                                                                           Lê Hồ Quang




  1. Ấn tượng đầu tiên của nhiều độc giả về thơ Nguyễn Quang Thiều có lẽ là... dài. Những bài thơ văn xuôi lê thê. Câu chữ rậm rạp, rườm rà như vườn hoang lâu ngày thiếu bàn tay chăm chút, xén tỉa. Các động thái trữ tình cường điệu thái quá (chẳng hạn có người từng nhận xét cái tôi trữ tình này quá là hay... khóc!). Hình ảnh nhiều khi rất “tù mù siêu thực” nhưng có khi lại vẫn rất “ướt át” kiểu lãng mạn chủ nghĩa điển hình... Đấy quả thực là những rào cản tiếp nhận dễ khiến người đọc nản chí. Nhưng nếu “chọc thủng” được cái ấn tượng bất lợi ban đầu để dấn sâu hơn vào thế giới nghệ thuật ấy, ta sẽ hiểu lý do vì sao Nguyễn Quang Thiều được xem là một gương mặt nổi trội và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xu hướng cách tân thi pháp trong thơ Việt đương đại. Trên thực tế, ông đã xây dựng nên một quan niệm về thơ rất khác, thậm chí đối lập so với nền thơ đồng hành mà ở đó thống ngự vẫn là những quan niệm truyền thống. Quan trọng hơn, bằng lối viết của mình, ông đã tạo nên một không gian thơ đặc trưng. Ở đó, nhà thơ vừa là kiến trúc sư, người thiết kế - kiến tạo, đồng thời cũng là người đồng hành mê đắm cùng ta trong một cuộc phiêu lưu nội tâm bất tận, dữ dội và mê hoặc.