Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Tôi thích mình là một cái cây - Thanh Thảo

 

KHI NHÀ THƠ THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

 


Cây và bụi cây, 1887, Van Gogh 

TÔI THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY

Thanh Thảo

“rồi trong mơ ta hóa thành cây

cây nho nhỏ lá xanh cành gầy

đi lang thang trong thành phố hừng đông

khe khẽ rung như một chiếc chuông con”

một cái cây sống

nhỏ to không quan trọng

một cái cây

không bị ai bán đứng

dù cổ thụ hay tơ non

một cái cây trầm ngâm

nói chuyện gì không ai nghe rõ

bạn bè quanh năm gió

cười một mình xanh chút nắng chút mây

 

tôi ước mình là một cái cây

thi thoảng có chim tới hót

con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

 

một cái cây xanh đến từng chiếc lá

buổi sớm tỏa dưỡng khí

ban đêm hứng ánh trăng

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ

 

những ngày rồi qua những người rồi xa

cái cây rung khẽ từng chiếc lá

chúng ta là ai chúng ta về đâu

chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

 

nắng gay gắt cứ như cáu gắt

cây lá nhỏ nép mình chật vật

chúng ta là ai xanh được bao lâu

lặng im lá vàng rơi chạm đất [1]

7/2017

Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ là tuyển thơ mới nhất của Thanh Thảo, gồm các sáng tác ngắn, chủ yếu viết trong khoảng thời gian từ sau 1986 đến nay. Mở đầu tập thơ là lời đề từ ngắn gọn, đề cập đến sắc xanh cây lá và mong ước cơn mưa:

xanh rất xanh một ngày tất cả cây

                                     bừng trên mặt đất

những tìm tòi không mỏi mệt suốt đời anh

là vươn tới màu xanh này rất thật

báo trước cơn mưa từ một thoáng rung cành

Lời đề từ kết nối một cách tự nhiên, ý nhị với hình ảnh chồi non, rễ cây, góc vườn lục bình/ xanh buồn bã, quả ổi rụng thơm khoảnh khắc nào, bóng tiếng chuông loáng thoáng… rải rác trong tập thơ, như lời nhắc có mặt của thiên nhiên trong trẻo, mát lành, đang dần mai một đi trước đời sống thực dụng xô bồ.

Trong tâm thức Thanh Thảo, giữa ông và cây lá thiên nhiên có sự đồng cảm, gắn kết thầm lặng nhưng mãnh liệt, nói theo cách của ông, “như thể anh cùng họ với cây”:

một ngày nào đó

cây xanh chìa cho anh chiếc lá

viết mấy chữ lờ mờ

như thể anh cùng họ với cây

buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày

chiếc lá có gì muốn nói

một ngày nào đó 

(Thông điệp)

Ở cây lá, ông nhận ra một sức mạnh lặng thầm, bình thản, một thái độ và cách sống đáng ngưỡng mộ:

không cưỡng lại mùa đông

không vồ vập mùa xuân

bình tĩnh qua mùa hạ

cô độc suốt mùa thu

 

những chiếc lá

âm thầm

hy vọng

không hy vọng

(Những chiếc lá)

 Nhìn từ đây, ta thấy bài thơ Tôi thích mình là một cái cây là sự kết nối rất tự nhiên trong mạch thơ viết về thiên nhiên của Thanh Thảo.    

 Mong muốn của nhân vật trữ tình được bày tỏ ngay trong cái tên bài thơ, một cách trực tiếp, hồn nhiên, không màu mè: Tôi thích mình là một cái cây. Một lời bộc bạch. Như trong một cuộc tán gẫu của những người bạn, không có gì to tát, nghiêm trọng. Hoặc có khi, là một lời nói thầm với chính mình. Dần dà tự trong tâm, ý muốn hiện hình thành lời, từ lời nói thầm, nó được nói to lên, thành thơ.

Vậy “tôi thích mình là một cái cây” như thế nào?