Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Yêu nhau ba thì - Inrasara

 

THƠ VÀ TÌNH YÊU
TRONG THỜI ĐẠI ĐÁNH MẤT SỰ NGÂY THƠ

         

YÊU NHAU BA THÌ

                            Inrasara

1. Thì Lãng mạn hậu thời

Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ
sự vắng mặt em khởi động nhớ trong anh
nhớ vào mùa gieo hạt

Nhớ
sáng tạo điệu bước em & ánh mắt em
môi hé em & vùng ngực nõn em. Sáng tạo
bàn tay móng ngắn em & vòng ôm nhiệt tình em

Nhớ mọc ngang tầm im lặng
nhớ huỷ thiêu trùng trùng khoảng rỗng

Ở thành phố khi ý thức đã đi ngủ
anh bay bằng triệu cánh tình yêu về làng quê phương Bắc
nơi
em đang xoã vùng tóc lạnh run rẩy thân mai trong rét
chờ anh phủ hơi ấm phương Nam

Ở một thành phố
da em thơm như niềm vắng mặt


2. Thì H[ậu h]iện đại

& chúng ta yêu nhau bằng thứ tình yêu đã lỗi thời
tình yêu từng xảy ra trong tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn chẳng hạn. Cũng có thể gần hơn

Lối hôn này cóp của Bardot, Fonda - ai biết
thứ vuốt ve tối qua từa tựa The Pretty Woman
& chúng ta
yêu nhau như lặp lại

Như là bản sao
chán quá đi mất, em nói
hay mình lao bừa vào nhau đi anh

Nhớ anh da diết - bọn làm thơ chập cheng đã viết nát
yêu em mê mệt - Barbara Cartland đã nói rồi
điệu nghệ hơn cả anh, có lẽ

Hay ta chia tay đi em
lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc
na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích

& thì
đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!


3. Thì Cổ điển mới

Đất màu ngô
em & anh xe hơn một giờ
chúng ta ngược về lãng mạn lạc thời, em nói

Đất Cao Lan hẹp mà lòng em rộng
đồi Cao Lan cằn làm hồn anh phì nhiêu
quành xe vào hiện thực
Trời đang rét mà mắt em ấm
tay anh buốt cho da em thơm
người không dài lời về nghèo khổ

Đất màu ngô
tình yêu màu gì không biết
môtô lạnh cóng hơn một giờ
anh cứ giàu lên từng cây số. [1]


             Giễu nhại là thủ pháp được sử dụng phổ biến trong các sáng tác hậu hiện đại. Nó được xem là một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại. Theo Nguyễn Hưng Quốc, “dù nhìn từ góc cạnh nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại; trong văn bản, có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau[2]. Đây cũng là thủ pháp được sử dụng khá thường xuyên trong sáng tác của Inrasasa ở giai đoạn sau, đặc biệt từ Lễ tẩy trần tháng tư, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ Tân hình thức…

Yêu nhau ba thì (nằm trong tập Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ Tân hình thức) là “bài thơ” (nói chính xác là một cụm bài) được viết bằng thủ pháp giễu nhại. “Bài thơ” này “nhại” lại các phong cách thơ khác nhau, từ lãng mạn hậu thời, hậu hiện đại, cổ điển mới

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Ẩn ngữ - Hoàng Vũ Thuật

 

 ẨN NGỮ

Hoàng Vũ Thuật

                      Tặng họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi

 

mắt cô gái sau vòm lá trong veo  

miên man giọng buồn

nghe mà không được thấy

 

bức tranh đính lên tường vôi

mái tóc cô xoay xoay chòm sao nước

chảy qua vai mềm đồng quê

thời hai tám năm tuổi

 

biển trẻ trung hơn ngày tôi cập bến

đôi cánh trái tim nóng hổi đợi chờ

ngôi sao mỏ neo thao thức 

 

là ẩn ngữ

của một bài thơ vừa mới tượng hình

                                                                      28/2/2019

Lời đề tặng của Ẩn ngữ cho ta biết bài thơ được gợi hứng từ tranh của Nguyễn Lương Sáng, một họa sĩ trẻ cùng quê với Hoàng Vũ Thuật. Bài thơ thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với những tìm tòi, sáng tạo cá nhân của họa sĩ. Từ ẩn ngữ - tranh, những thao thức suy tưởng đã hướng ông tới chân trời xa hơn -  ẩn ngữ của/ trong sáng tạo.

Hãy chú ý cách Hoàng Vũ Thuật dùng ngôn từ để “vẽ lại” tranh của Nguyễn Lương Sáng. Có ba đối tượng tạo hình nổi bật trong bức tranh thơ của ông, đó là giọt cà phê, cô gái, biển. Chúng vừa tồn tại biệt lập, riêng rẽ, đồng thời vẫn kết nối với nhau theo mối liên hệ bí ẩn nào đó, tạo nên một hình dung mang tính tổng thể về Biển đời.

Tâm điểm mô tả thứ nhất:

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi