Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Ẩn ngữ - Hoàng Vũ Thuật

 

 ẨN NGỮ

Hoàng Vũ Thuật

                      Tặng họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi

 

mắt cô gái sau vòm lá trong veo  

miên man giọng buồn

nghe mà không được thấy

 

bức tranh đính lên tường vôi

mái tóc cô xoay xoay chòm sao nước

chảy qua vai mềm đồng quê

thời hai tám năm tuổi

 

biển trẻ trung hơn ngày tôi cập bến

đôi cánh trái tim nóng hổi đợi chờ

ngôi sao mỏ neo thao thức 

 

là ẩn ngữ

của một bài thơ vừa mới tượng hình

                                                                      28/2/2019

Lời đề tặng của Ẩn ngữ cho ta biết bài thơ được gợi hứng từ tranh của Nguyễn Lương Sáng, một họa sĩ trẻ cùng quê với Hoàng Vũ Thuật. Bài thơ thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với những tìm tòi, sáng tạo cá nhân của họa sĩ. Từ ẩn ngữ - tranh, những thao thức suy tưởng đã hướng ông tới chân trời xa hơn -  ẩn ngữ của/ trong sáng tạo.

Hãy chú ý cách Hoàng Vũ Thuật dùng ngôn từ để “vẽ lại” tranh của Nguyễn Lương Sáng. Có ba đối tượng tạo hình nổi bật trong bức tranh thơ của ông, đó là giọt cà phê, cô gái, biển. Chúng vừa tồn tại biệt lập, riêng rẽ, đồng thời vẫn kết nối với nhau theo mối liên hệ bí ẩn nào đó, tạo nên một hình dung mang tính tổng thể về Biển đời.

Tâm điểm mô tả thứ nhất:

trên trang giấy đêm dài

tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng

con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén

 

gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì

lần đầu rong ruổi

Giọt cà phê là trung tâm trên “trang giấy đêm dài”, cũng là tâm điểm hướng đến của con mắt nghệ sĩ. Tác giả viết: Tôi đọc giọt cà phê màu bồ hóng… chứ không phải ngắm (giọt cà phê). Nhu cầu thưởng lãm thị giác gắn liền nhu cầu cắt nghĩa, lí giải. Màu bồ hóng” là màu thực. Nhưng trong mạch liên tưởng, nó trở thành những hình ảnh trôi dạt lạ lùng, hư huyễn - con sóng từ biển đen dạt vào miệng chén/ gió hoang vu nơi sa mạc dậy thì. Tổ hợp hình ảnh đêm - giọt cà phê màu bồ hóng - biển đen - gió hoang vu - sa mạc gợi liên tưởng tới những bức tranh nền tối, với những đường nét, hình khối phóng túng, siêu thực.

Tâm điểm mô tả thứ hai:

mắt cô gái sau vòm lá trong veo  

miên man giọng buồn

nghe mà không được thấy

 

bức tranh đính lên tường vôi

mái tóc cô xoay xoay chòm sao nước

chảy qua vai mềm đồng quê

thời hai tám năm tuổi

Chân dung cô gái được phác thảo bằng một vài chi tiết, hình ảnh mà nếu tách riêng, có vẻ khá trung tính: mắt “trong veo”, “giọng buồn”, mái tóc “chảy qua vai mềm”… Tuy nhiên, đặt trong phối cảnh tổng thể, chân dung ấy đã bộc lộ dáng vẻ hư ảo, khác thường: mắt/ miên man giọng buồn/ nghe mà không được thấy; bức tranh đính trên tường vôi/ mái tóc cô xoay xoay chòm sao nước/ chảy qua vai mềm đồng quê… Phải chăng đó là tác phẩm được nhìnnghe từ chiều kích khác của tư duy và tâm cảm? Chỉ trong chiều kích đó, cô gái trong tranh mới có thể thoát xác và sống dậy, đầy nỗi niềm “trẻ trung”, “nóng hổi”, “thao thức”. “Bức tranh đính trên tường vôi” là mặc định vật chất của tác phẩm hội họa. Nó được xác định và cố định “trên tường vôi”. Nhưng ta không thể cố định bức tranh tinh thần, cảm xúc đã bước xuống từ trên bức tường vôi để nhân bản điệp trùng trong trí tưởng tượng của người thưởng thức, tiếp nhận.

Tâm điểm mô tả thứ ba:

biển trẻ trung hơn ngày tôi cập bến

đôi cánh trái tim nóng hổi đợi chờ

ngôi sao mỏ neo thao thức 

Biển - trong - tranh đã hóa thân thành Biển khác trong liên tưởng, tưởng tượng của người xem. Nó vừa giống vừa không giống với cảnh tượng tranh vẽ. Dĩ nhiên, biển trong tranh rất khác với biển ngoài đời. Nó đã khúc xạ, biến đổi qua mắt họa sĩ (về vấn đề phản ánh luận của nghệ thuật, có lẽ ta không cần nói thêm). Sang đến người xem/ người đọc tranh, nó còn tiếp tục được khúc xạ vô số lần nữa. Biển trong Ẩn ngữ của Hoàng Vũ Thuật là một trong số n lần khúc xạ đó, nó in dấu ấn những trải nghiệm riêng của người tiếp nhận đặc biệt này. Đó là lí do khiến biển trong thơ ông, được dù được gợi cảm hứng từ tranh của Nguyễn Lương Sáng, vẫn mang dáng vẻ khác lạ, “trẻ trung hơn ngày tôi cập bến” và đầy những cảm giác “nóng hổi”, “đợi chờ”, “thao thức”.

Giọt cà phê, cô gái, biển - hay tất cả hình ảnh, sự vật trong tranh kia - không phải là toàn bộ bức tranh, dù chúng hiện diện như những thực thể, trên mặt toan, giấy, bằng hình khối, đường nét, màu sắc sống động. Là đối tượng được mô tả, phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật, chúng đồng thời là phương tiện để chuyên chở, chuyển tải điều gì đó khác, nhiều khi không nằm trong trong ý thức của người viết/ vẽ. Đó là một tiếng nói khác, một đời sống khác, sâu kín, mơ hồ - đời sống của vô thức, trực giác. Bởi vậy, dù được thể hiện bằng các phương tiện, công cụ như đường nét, màu sắc, hình khối (hội họa), âm thanh, giai điệu (âm nhạc), ngôn ngữ (văn học, thơ ca)…, biểu tượng nghệ thuật luôn là những ẩn ngữ. Để sáng tạo nên chúng, bên cạnh quan niệm mĩ học hiện đại, nghệ sĩ cần đến một trực giác mạnh mẽ, trí tưởng tượng trẻ thơ, bay bổng.

Trong bài thơ mang tên Trí tưởng tượng, Hoàng Vũ Thuật đã viết rất hay về phẩm chất tâm hồn này:

từ biển mọc lên mặt trời nước

ánh sáng rơi từng sợi

làm anh nhớ phố tuyết đã xa

những con đường lạnh buốt ký ức

em lung linh ngọn nến trong cung điện mùa đông

khoác áo màu dạ thảo

chiếc lông chim trên mũ kiêu hãnh

như lá cờ vẫy gọi

Quả thực, tưởng tượng là một phẩm chất, cũng là một năng lực không thể thiếu trong sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hiện đại. (Dĩ nhiên, chỉ tưởng tượng không thôi thì chưa đủ).

Những hình ảnh, góc nhìn lập thể đã kết nối với nhau, tạo nên những chuyển động nghệ thuật mới. Kết thúc bài thơ là lời khẳng định về một sự khởi đầu bí ẩn và đẹp đẽ trong nội tâm nghệ sĩ, khi anh ta biết buông mình khỏi sự kiểm soát của lí trí để đến gần hơn với tiếng nói của trực giác, tưởng tượng và mơ mộng. Ấy là khi:

… ẩn ngữ

của một bài thơ vừa mới tượng hình

Ẩn ngữ trước hết là cảm nhận của Hoàng Vũ Thuật về tranh Nguyễn Lương Sáng, thường tạo hình theo bút pháp tượng trưng, siêu thực, và do đó, không dễ cắt nghĩa, lí giải. Đấy là cách nhà thơ bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ với những tìm tòi nghệ thuật mới, theo hướng hiện đại chủ nghĩa của người họa sĩ trẻ. Đồng thời, đấy cũng là cách ông thể hiện quan điểm về hoạt động sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Dù vẽ hay viết, hoạt động sáng tạo không phải là sao chép hiện thực, để đem lại một hiện thực “như thực”. Sáng tạo là tìm ra con đường riêng, ngôn ngữ nghệ thuật riêng, không phổ biến với số đông, và do đó, không dễ dàng được chấp nhận. Đấy cũng là một hành trình phiêu lưu nội tâm đầy bất ngờ, bí ẩn. Đọc tranh hay đọc thơ, do vậy, là cách để chúng ta đọc một tiếng nói tinh thần, tư tưởng bằng/ thông qua hình tượng, qua “ẩn ngữ”. Đọc đồng thời là hoạt động liên tưởng, tưởng tượng, kiến tạo tác phẩm chủ động, tích cực. Đọc, như vậy, cũng chính là hoạt động sáng tạo.

Thông qua câu chuyện về hội họa, Ẩn ngữ đã đề cập đến nhiều vấn đề của hoạt động sáng tạo và tiếp nhận. Điều thú vị là, khi nói về vẻ đẹp và sức gợi của ngôn ngữ nghệ thuật, Ẩn ngữ đã tự trình bày mình bằng chính ngôn ngữ đó, bí ẩn và đầy chất thơ.


                                                                        Vinh, 5/3/2021                                 

             

 

 

 

 



[1] Hoàng Vũ Thuật (2019), Một mai gió chở tôi về, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét