Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Quả vườn ổi - Hoàng Cầm

 

 GIẤC MƠ ĐỜI NGƯỜI

                      

                                  Lê Hồ Quang

                                             




QUẢ VƯỜN ỔI


Hoàng Cầm

Nằm trên bãi cát thư tâm

Sông nước sinh thuyền Em đẩy tới

Có gió có buồm có dòng có lái

Trách gì ai xô dạt đến bờ hoang


Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
           ngày tháng lụi tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ

Cách nhau ba bước vào Vườn Ổi
Chị xoạc cành ngang
            Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
           - Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương!
           - Quả ương chim khoét thủng

Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
[1]

Hoàng Cầm cho biết ông viết Về Kinh Bắc trong khoảng từ lập thu 1959 đến giữa xuân 1960 [2], sau sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy vậy, phải đến năm 1994, nghĩa là hơn 30 năm sau, Về Kinh Bắc mới được xuất bản. Tập thơ là sự trở về với mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc, cũng là sự trở về với tâm tình thiêng liêng của tác giả, dẫu cho, như chính ông nói trong những dòng Ước nguyện: Bốn tám dáng thơ đi tám nhịp/ Tuần du chưa vợi khối ân tình. Đó là kết quả của một cuộc tuần du nội tâm lạ thường.

Quả vườn ổi nằm trong Nhịp 5 - Còn Em, trong chùm bài tập trung về chủ đề tình yêu, đặc biệt mối tình Chị - Em nổi tiếng: Cây Tam cúc, Lá Diêu Bông, Cỏ Bồng Thi, Nước sông Thương… “Cốt truyện”, dù sơ giản (vì mục tiêu của nó là trữ tình, không phải thuật sự), vẫn đóng vai trò như xương sống của bài thơ trữ tình này (và khá nhiều bài khác trong Về Kinh Bắc).

Câu chuyện tình yêu được kể lại từ điểm nhìn hồi tưởng của nhân vật trữ tình - Em. Đấy là mối tình thủa ấu thơ, khi Em mới là cậu bé “mười hai tuổi tìm theo chị”, trong không gian thôn dã đã được trữ tình hóa - Vườn Ổi. Bút pháp hư ảo của Hoàng Cầm đã bộc lộ sức mạnh ngay cả khi ông nói về những sự vật, sự việc rất đỗi bình thường:

Cách nhau ba bước vào Vườn Ổi
Chị xoạc cành ngang
            Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
           - Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương!
           - Quả ương chim khoét thủng

           Đi trước, ở thế trên, xoạc cành ngang, là Chị. Còn Em “lẽo đẽo” “tìm theo chị”, đứng gốc cây. Lời cầu xin của Em càng ngày càng giảm mức độ, từ quả chín đến quả ương. Nhưng câu trả lời của Chị, trước sau vẫn chỉ mang hàm ý chối từ: Quả chín quá tầm tay; quả ương chim khoét thủng. Những câu đối đáp ngắn gọn, tưng tửng, pha chút kịch tính. Xét về sắc thái biểu cảm, nếu lời cầu xin của Em đầy nghiêm trang, nhẫn nại thì câu trả lời của Chị luôn hàm chứa sự trêu ghẹo tinh quái. Đây là một hình huống đối thoại mang tính tượng trưng. Giữa lời trao và lời đáp luôn lấp lửng hai nghĩa - xin quả và xin tình yêu. Em đã phơi lộ hoàn toàn mối tình của mình qua lời cầu xin run rẩy. Còn Chị, thừa hiểu tâm tình của Em (có gì mà không hiểu chứ?!) nhưng cố tình không hiểu, để dày vò trêu ngươi thêm trái tim khốn khổ. Thực chất, hai nhân vật hoàn toàn không giao tiếp trên bề mặt cuộc thoại. Đúng hơn, cuộc thoại chỉ nhằm mục đích giăng lên một tình huống trữ tình, qua đó, xoáy sâu nhận thức về sự oái ăm, trái khoáy nhiều khi đắng chát của tình yêu và cuộc đời. Nên đối thoại thực chất là độc thoại. Độc thoại với tình yêu, với quá khứ, với nỗi cô độc. Chung cục chỉ là những câu hỏi hướng về khoảng trống. Bài thơ kết thúc trong dư âm buồn bã, mang sắc thái bi kịch:

Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng

Quả vườn ổi kết cấu theo lối song hành. Tứ thơ khai triển đồng thời theo hai hướng trái ngược. Cùng với bối cảnh vườn ổi, chuyện tình Chị - Em được trần thuật một cách khá cụ thể, lớp lang, theo trật tự tuyến tính, cho thấy rõ tính truyện. Kết thúc bài thơ là kết thúc một chuyện tình trẻ con. Nhưng đồng thời, câu chuyện về hành trình đời người càng ngày càng trở nên hư ảo. Hư ảo cả về không gian, thời gian, đối tượng và cái đích tìm kiếm. Càng gần đến kết thúc, tất cả càng trở nên mơ hồ, vô định, không thể kiểm soát, nắm bắt. Hiện tại thoắt trở thành quá khứ. Hiện tại chốc cũng trở thành tương lai ngàn trùng. Lớp lớp chiều kích thời gian đồng hiện trong ảo giác lẽo đẽo Em đi vườn mai sau, trong chiều mưa, cúi nhặt những quả rụng của niềm xót thương, cô quạnh. Nó mở đường cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của xúc cảm và liên tưởng. Theo hướng này, càng ngày tính thơ càng rõ nét. 

Vườn Ổi, Em và Chị (là cặp đôi biểu tượng xuyên suốt Về Kinh Bắc), cầu bà Sấm, bến cô Mưa, vườn mai sau… là những hình tượng thơ đa nghĩa. Chúng kết nối, đan dệt vào nhau, tạo nên một không gian thơ đầy hư ảo. Nhịp thơ nương theo nhịp hồi ức, vang vọng, đắm đuối, dìu dặt. Tất cả gợi nên một thế giới khác, thế giới của mơ mộng và tưởng tượng, vừa trùng khít với thực tại, vừa rộng mở hơn, mênh mông hơn.

Trở lại phần đầu bài thơ, ta sẽ thấy Quả vườn ổi cũng có lời đề từ khá đặc biệt:

Nằm trên bãi cát thư tâm

Sông nước sinh thuyền Em đẩy tới

Có gió có buồm có dòng có lái

Trách gì ai xô dạt đến bờ hoang

 Thoạt nhìn, có vẻ lời đề từ không ăn nhập gì với nội dung bài thơ. Chẳng hạn, cái không gian “sông nước” trôi dạt mênh mông trong những câu thơ. Chẳng hạn tư thế “nằm”, cảm giác “thư tâm” của chủ thể… Tất cả gợi ra tâm thế buông thả, mở ngỏ, sẵn sàng “xô dạt đến bờ hoang” theo những tác động ngẫu nhiên, tình cờ, xa lạ. Đó là cảm hứng và tâm thế sáng tạo hướng về đời sống nội tâm sâu kín u uẩn, với sự trỗi dậy không thể kiểm soát của tiếng nói trực giác, vô thức, tâm linh. Đó vừa là một hướng đi tự nhiên, vừa là một lựa chọn có chủ ý của hồn thơ mê đắm Hoàng Cầm. Nếu vậy, phải chăng lời đề từ là một “chỉ dẫn” về không khí thẩm mĩ của Quả Vườn Ổi và tâm thế đọc cần có khi bước vào không gian thơ Về Kinh Bắc nói chung?

Quả thực, Về Kinh Bắc là hành trình hướng về một không gian thơ đặc biệt. Về Kinh Bắc là về với đất mẹ Luy Lâu (Kinh Bắc), kinh đô văn hoá đầu tiên của nước Việt, về với “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Về Kinh Bắc cũng là về với những trang huyết lệ của dân tộc, những nỗi đau lịch sử; về với thân phận của Mẹ, Cha và chính số phận tác giả. Và Về Kinh Bắc cũng là về với Chị, với mối tình thơ muôn thuở. Đó là không gian thơ kết đọng nhiều ẩn ức đau đớn nhưng đồng thời đẹp đến hư ảo, dị thường. Đó là không gian của một giấc mơ siêu thực. Không ngẫu nhiên khi Về Kinh Bắc, tiếng Em gọi Chị luôn cất lên, đầy xao xuyến, u hoài:

- Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

đi đầu non cuối bể

   Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời

…ới Diêu bông…!

                      (Lá Diêu bông)

- Em đứng nhìn theo Em gọi đôi

(Cây Tam cúc)

- Ngày chị bảo em quên

Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ

             Tha cho em

             Tha Em

“Sông Thương nước chảy đôi dòng…”

                      (Nước sông Thương)

Chị chỉ là cái cớ trữ tình. Đúng hơn, Chị là một biểu tượng. Cho tình yêu chăng? Cho thơ ca chăng? Hay một giấc mơ u uẩn, đắng cay, hư ảo của dằng dặc đời người?

Thơ Hoàng Cầm dày đặc ngôn ngữ, hình ảnh trực giác. Chúng xuất hiện một cách tự nhiên, mê đắm, hoang ảo, như “tia nước trong vắt phun lên từ ruột đất khi chúng ta thăm dò mạch nước ngầm” [3] theo cách ông ví von. Đắm chìm vào thế giới nội tâm, để vô thức, tâm linh cất tiếng, Hoàng Cầm đã tạo nên tiếng nói trữ tình thực sự riêng biệt. Tiếng nói ấy đã trao cho sự vật, sự việc một đời sống và cách tồn tại mới. Quả vườn ổi giờ đây đã trở thành một không gian khác. Không gian của một giấc mơ, vĩnh viễn đẹp và u hoài.

                                                                           Vinh, 19/2/2021 


 



[1]  Hoàng Cầm (2011), Thơ, NXB Hội Nhà văn.

                 [2] Sách trên, tr. 168.

                 [3] Sách trên, tr. 169.

 

1 nhận xét: