Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Chiếc bình gốm - Nguyễn Quang Thiều

 

GIẤC MƠ BẤT TẬN TRÊN CÁNH ĐỒNG CHÂU THỔ

                            Lê Hồ Quang

 

Cây Đời (2) - Tranh Nguyễn Quang Thiều

CHIẾC BÌNH GỐM

                    Nguyễn Quang Thiều

 Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, 

ban mai ứa đầy
mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn,

tôi nặn chiếc bình gốm

Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa

Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn
Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ [1]


         Trong Lời tựa tập Châu Thổ, khi nói về đời sống bí ẩn của thơ và cách kiến tạo đời sống ấy, Nguyễn Quang Thiều đã nói đến “trí tưởng tượng vô cùng hoang dại”, “những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính” và “sự va chạm của những đồ vật quen biết và gắn bó trong tuổi thơ của tôi” [2]. Đề cao trí tưởng  tượng, sức mạnh của trực giác và mơ mộng, Nguyễn Quang Thiều đã đem lại cho sự vật một đời sống và “một nhận biết khác” [3].

Chiếc bình gốm là một giấc mơ như vậy.    

Bài thơ viết về chiếc bình gốm, chính xác hơn, cách nhà thơ tạo ra chiếc bình gốm. Đó là chiếc bình độc đáo ngay từ nguyên liệu. Không phải đất sét, nước, bàn xoay và lửa, những nguyên liệu vật chất quen thuộc, nó được tạo nên bởi “miền nước lớn” - sông Hồng, bởi cánh đồng Châu Thổ với “phù sa nhiễu dài”, bởi máu, bóng tối, ban mai hoàng hôn. Đương nhiên, không thể thiếu nguyên liệu cốt lõi - “trí tưởng tượng hoang dại” và “những giấc mơ bất tận”.

Sông, ấy là hình ảnh xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó gắn liền những kỉ niệm riêng tư, thương cảm:

Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả

Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm

                              (Sông Đáy)

Dòng sông, dù rộng lớn và mênh mông hoang dại, ít khi được Nguyễn Quang Thiều mô tả như một sức mạnh hung hãn, thù địch với con người. Tác giả thường mô tả sông trong cảm giác gắn bó và nỗi buồn thương khi cội rễ quê hương và đời sống tự nhiên bị cắt lìa:

Ta chạy đến hai phía bờ, quỳ xuống trước dòng sông

Sông ở giữa đôi ta - một chân trời chuyển động

Những vầng mây xỉn màu vì gió

Những cánh buồm khổ đau tự xé và tự vá lại mình

                             (Dòng sông)

Trong Chiếc bình gốm, sông Hồng hiện lên với vẻ đẹp giàu tính tượng trưng. Đó là một miền nước lớn, rộng mê man với phù sa nhiễu dài. Nó tích chứa trong dòng chảy sức mạnh và vẻ đẹp của một vùng đất văn hóa. Đó là con sông chảy giữa hai bờ hư thực của giấc mơ sáng tạo. Con mắt vô thức, tâm linh của chủ thể chính là “bờ thứ ba” tạo nên những chiều kích, hình khối và chuyển động bí ẩn trong không gian thơ.

Là miền đất hình thành từ trầm tích sông Hồng, cánh đồng Châu Thổ Bắc Bộ gắn liền với những giá trị văn hóa bản địa truyền thống. Nếu dòng sông gắn với sự lưu chuyển của nước, của dòng chảy và cảm giác mát lành thì cánh đồng đem lại cảm giác ấm áp, nảy nở, sinh sôi. Nếu dòng sông gắn liền với vẻ đẹp và sức mạnh tự nhiên thì cánh đồng gắn liền với cuộc sống lao động cần cù của con người. Cánh đồng Châu Thổ, cũng như con sông Hồng, nhìn từ góc độ này, là những biểu tượng gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt. Cánh đồng, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, còn là cội nguồn cưu mang, niềm an ủi, nơi trốn chạy của những đứa con thị thành đã bị cắt đứt gốc rễ với cội nguồn thôn dã. “Trốn những lo âu về lại cánh đồng”, do vậy, cũng là cảm hứng thường gặp trong Châu Thổ.

Tuy nhiên, nếu để ý, ta sẽ thấy trong cảm quan Nguyễn Quang Thiều, cánh đồng thường hiện lên với vẻ đẹp dị thường và huyền bí. Nó gắn liền với đường cày, hạt giống, cỏ cây, mùa màng, đồng thời gắn liền với bóng tối, ngôi mộ, cái chết, hài cốt… Cánh đồng, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, quả thực là một biểu tượng ám ảnh:

- Cha ơi, cha đưa con về đâu?

Cha sẽ đưa các con về cánh đồng của bà nội

Các con sẽ tìm gom hài cốt

Của những mùa màng tàn tật

Mai táng lại trong đường cày mới

Để oan hồn của cái đói

Đêm đêm không đòi mạng cánh đồng

Và các con sẽ lấy hạt giống thần

Tổ tiên giấu vùi trong cát bát hương

Gieo bí mật xuống cánh đồng góa bụa

                             (Con bống đen đẻ trứng)

- Chúng ta sinh ra, chỉ có sinh ra

Chúng ta sinh ra miên man, phủ ngập những cánh đồng cái chết

Chúng ta gửi cả vào cỏ cây, vào đất, vào nước

Vào những đám mây, những ngôi sao, vào những dãy núi

Chúng ta gửi vào ngôi mộ, vào cả mùa cải táng

Vào bóng tối. Chúng ta gửi, vào ánh sáng

Vào chính hơi thở đã mất bởi chúng ta, đánh cắp bởi chúng ta…

                             (Nhịp điệu Châu Thổ mới)

Phù sa là yếu tố kết nối cánh đồngdòng sông thành một sinh thể. Nó được mô tả trong sắc đỏ và trong sự chuyển động. Đặc biệt, nó được đồng nhất với máu: Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ. Có lẽ không ngẫu nhiên mà ở đây từ Máu được viết hoa. Chắc chắn tác giả muốn nhấn mạnh tính chất và ý nghĩa đặc biệt của nó. Trong ý nghĩa văn hóa phổ quát, “máu được coi như là phương tiện truyền dẫn sự sống. Nói theo Kinh Thánh, máu là sự sống. Đôi khi, máu cũng được coi như là bản nguyên của sự sinh thành. Theo một truyền thuyết xứ Chaldée, máu của thần linh trộn với đất đã tạo nên cuộc sống của các sinh thể” [4]. Biểu tượng máu xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Quang Thiều và ý nghĩa của chúng tương đối nhất quán: Máu tươi non như đất mới cày (Với chiếc xe một bánh); Đất đùn lên máu chảy ròng ròng (Bài hát về cố hương); Quả đồi mới mọc trên một Châu Thổ máu vừa biến mất (Nhịp điệu Châu Thổ mới); Và trong bóng tối của máu, phun chảy địa tầng mới/… Họ hát/ Bài hát gieo trồng vĩ đại nhất/ Và bội thu trong mọi ngóc ngách bi thương trầm uất này (Nhịp điệu Châu Thổ mới)… Sắc đỏ phù sa hòa vào sắc đỏ của máu gợi liên hệ đến sức nóng, lửa và sự sống mãnh liệt, dữ dội. Chúng tuy hai mà một - biểu tượng truyền dẫn sự sống. Ở góc độ cụ thể hơn, có thể hiểu theo nghĩa khác: máu con người đã hòa vào dòng sông, cánh đồng, đất đai, để tạo nên sự sống vĩnh cửu trên quê hương xứ sở này.   

Nói đến vùng đất Châu Thổ sông Hồng là nói đến làng gốm Bát Tràng nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đa dạng, tinh tế, in đậm dấu ấn bàn tay và tâm hồn tài hoa của những nghệ nhân. Tuy nhiên, với những nguyên liệu đặc biệt nói trên, việc chế tác chiếc bình gốm đâu chỉ là công việc lao động đơn thuần? Qua con mắt nghệ sĩ, hành động tôi nặn chiếc bình gốm đã trở thành một nghi lễ:

Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ

Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.

 

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng

Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai ứa đầy

mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

 

Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn,

tôi nặn chiếc bình gốm

Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa

Nhà thơ mô tả việc chế tác chiếc bình theo một trình tự chậm rãi và chuẩn xác, tập trung vào các hành động: vục tay xuống lòng sông - tôi dâng lên - xòe rộng - trộn máu vào phù sa trộn ban mai vào hoàng hôn - tôi nặn - men hoàng hôn chảy, men ban mai chảyCó thể thấy các kĩ thuật chế tác gốm quen thuộc qua những câu thơ này: chọn và xử lí, pha chế đất; tạo dáng và hoa văn cho sản phẩm; nung sản phẩm qua lửa… Tuy nhiên, cũng qua những câu thơ ấy, những thao tác kĩ thuật nghề nghiệp của người thợ gốm đã mang ý nghĩa, tầm vóc khác.   

Hãy chú ý cách sử dụng hình ảnh trong Chiếc bình gốm. Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh mênh mông, hư ảo: Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ; và kết thúc, hình ảnh ấy xuất hiện trở lại, ở chiều ngược lại, như một đối ảnh lộng lẫy: Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ. Mê man vừa là tính từ bồi thấn cảm giác rộng của con sông, nhưng đồng thời có thể hiểu như là cảm giác chủ quan của con người. (Hãy nhớ, bài thơ chỉ có 11 dòng nhưng chữ tôi xuất hiện đến 6 lần: tôi ra sông; tôi dâng lên; tôi dâng lên; mí mắt tôi; tôi nặn chiếc bình gốm; tôi ra sông... Chủ thể tính được khẳng định mạnh mẽ trong hành trình chế tác này). Cảm giác mê man họa điệu với cảm giác mơ, mộng, nhấn mạnh tính chất hư ảo khác thường của không gian. Nhiều hình ảnh thơ đậm màu sắc siêu thực, chẳng hạn tóc réo vang như lửa; phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ; trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn; Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy... Đặc biệt, hình ảnh nước (qua những chi tiết mô tả về sông Hồng, miền nước lớn), đất (cánh đồng Châu Thổ, phù sa), lửa (tóc réo vang như lửa)… đồng thời gợi nhắc những yếu tố ngũ hành (thủy, thổ, hỏa…) và quy luật vận động bí ẩn, lớn lao của vũ trụ. Trong không gian đó, tầm vóc của con người cũng trở nên kì vĩ:  Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ; mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động… Mỗi hành động của con người được nâng tầm thành những hành động mang tầm vóc vũ trụ: Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xòe rộng, ban mai ứa đầy; Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn/ Tôi nặn chiếc bình gốm; Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớnCó thể nhận thấy ở đây kiểu tư duy huyền thoại hóa. Chiếc bình gốm không khác gì một vũ trụ thu nhỏ, nó mang chứa trong mình cả phần ánh sáng và bóng tối, sự sống và cái chết, dương bản và âm bản… Quá trình chế tác chiếc bình gốm, phải chăng, có thể hiểu theo nghĩa là quá trình chế tác cái đẹp, chế tác những giá trị văn hóa, và cao hơn, là chế tác sự sống?

Bài thơ có giọng điệu chậm rãi, trang trọng, đầy âm vang. Câu thơ thường bị cắt ra làm nhiều đoạn, ngăn cách bởi dấu phẩy hoặc dấu gạch ngang, tương ứng với các đặc điểm, hành động mang tính cao cả, thiêng liêng của đối tượng, ví dụ: Vục tay xuống lòng sông,/ tôi dâng lên,/ xoè rộng./ Phù sa nhiễu dài/ - MÁU - /chầm chậm và rên rỉ./ Vục tay xuống lòng sông,/ tôi dâng lên,/ xòe rộng,/ ban mai ứa đầy…  Cấu trúc ngôn từ âm vang của Chiếc bình gốm còn được tạo nên bởi hình thức điệp đa dạng. Chẳng hạn điệp cú pháp: Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng/ Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai ứa đầy… Điệp từ: Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn…; Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa… Việc mô tả đối tượng một cách tỉ mỉ, cặn kẽ, bằng nhiều hình ảnh, chi tiết, khiến câu thơ phải nới rộng dung lượng, khuôn khổ, trở nên rườm rà, rậm rạp. Vần là yếu tố kết nối và tạo nhạc tính quen thuộc trong thơ truyền thống cũng bị phá bỏ. Lời thơ thể hiện rõ xu hướng văn xuôi hóa. Điều này làm mất đi nhạc tính cổ điển, vốn được tạo nên nhờ sự sắp xếp ngay ngắn, đều đặn của các dòng thơ, khổ thơ và cách ngắt nhịp, gieo vần tương ứng. Tuy nhiên, thơ Nguyễn Quang Thiều hoàn toàn không thiếu nhạc tính, đó là thứ nhạc tính được xây dựng nhờ vào nhịp điệu của tư tưởng và hình ảnh. Thơ Nguyễn Quang Thiều là một cấu trúc ngôn từ đầy âm vang. Đó là giọng điệu mở vào cõi thơ cao cả, siêu nghiệm.

Không chỉ gây ấn tượng về mặt thính giác, cấu trúc ngôn từ trùng điệp này còn gợi ấn tượng thị giác khá đặc biệt. Chẳng hạn, trong câu thơ: Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa. Nó tái hiện những chuyển động màu sắc đầy hư ảo của chiếc bình gốm trong quá trình tráng men và nung lửa ở nhiệt độ cao. Đồng thời, nó gợi liên tưởng tới những thao tác tạo hình mạnh mẽ, say mê, liên tiếp trên những vật liệu khác nhau của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều. So với hội họa hay điêu khắc, thơ, với “công cụ” ngôn ngữ, rõ ràng khó có thể tạo hình chiếc bình gốm theo kiểu vật chất tương tự. Tuy nhiên, ngôn ngữ thơ, với tính chất phi vật thể của nó, có sức mạnh riêng. Nó có khả năng gợi ra một đời sống khác, với những âm thanh và chiều kích khác, đầy mênh mông hoang dại - đời sống của tâm linh và trí tưởng tượng. Chiếc bình gốm, trong những câu thơ, do vậy, không chỉ là vật thể bị cố định trên mặt toan hay bàn gốm. Nó đã trở thành biểu tượng kết tinh vẻ đẹp và sức mạnh nguyên ủy từ đất đai, sông nước, sự sống vô tận...   

Nguyễn Quang Thiều là gương mặt nổi bật của nhà thơ thế hệ Đổi mới. Nhìn từ phương diện quan điểm lẫn hoạt động thực hành nghệ thuật, thơ ông luôn “gây hấn”, “thách thức” với nhiều giá trị truyền thống. Tuy nhiên, gây hấn, thách thức không phải để đoạn tuyệt và chối bỏ quá khứ, mà để quyết liệt thay đổi, nhằm làm giàu có thêm những giá trị văn hóa, văn học của dân tộc và để tiếp tục phát triển. Đấy là một nhận thức và hành động sáng tạo cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Cách tân để phát triển và hội nhập với tiếng nói thi ca hiện đại trên thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, là hạt nhân tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Quang Thiều. Đó chính là giấc mơ bất tận trên cánh đồng Châu Thổ của tác giả! 

                                                             

  Vinh, 12/2/2021



[1]  Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu Thổ, Thơ tuyển lần thứ nhất, Nxb Hội Nhà văn.

[2] Sách đd. 16.

 [3] Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu Thổ, Thơ tuyển lần thứ nhất, Nxb Hội Nhà văn, tr.17-18.

 [4] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (nhiều người dịch),  Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, trang 566. 

  

1 nhận xét: