Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật



Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật 
(Seven Days in The Art world)


Tác giả: Sarah Thornton

Người dịch: Nguyễn Như Huy


Sách gồm 385 trang, gồm cả lời giới thiệu gọn, sáng của dịch giả Như Huy. Nội dung cuốn sách được cấu trúc theo 7 chương, ứng với 7 ngày (có lẽ, là một ẩn dụ về bảy ngày làm nên thế giới của Đức Chúa Trời, theo kinh Cựu ước?). Đó là một công trình khảo cứu, ghi chép và mô tả thực địa về đời sống nghệ thuật đương đại với những đặc thù bối cảnh, định chế và các yếu tố tạo nên nhưng không ôm đồm, khô khan. Ngược lại, nó được cấu trúc dưới dạng một chuyến du khảo vào về thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu với mỗi chương là một điểm đến nổi bật.  
Các chương bao gồm:
1. Buổi bán đấu giá:
2. Buổi phê bình nhóm
3. Hội chợ nghệ thuật
4. Giải thưởng nghệ thuật
5. Tạp chí nghệ thuật
6. Thăm xưởng nghệ sỹ
7. Triển lãm thường niên
Đọc cuốn sách này, mình nhận thức rõ thêm mấy điểm sau:
- Sự thay đổi của cái gọi là “nghệ thuật”: Một “tổ hợp lai ghép”, phức tạp, “khó nắm bắt hơn bao giờ hết”. “Tác phẩm nghệ thuật không còn là một vật thể thị giác đơn thuần” mà đã trở thành, “về mặt nội dung, một dạng “bùng binh” của các mối quan tâm, thậm chí trái nghịch về xã hội, văn hóa, chính trị. Còn về mặt kỹ thuật, là tập hợp của mọi khả năng kỹ thuật. Việc thực hiện tác phẩm dựa trên công nghệ và là những công nghệ đỉnh cao, có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng phi thường và “điên rồ” nhất. Không gian trình bày của tác phẩm không dừng lại ở các không gian bó hẹp truyền thống mà được số hóa, được đại chúng hóa, thậm chí được tiếp cận như một không gian showbiz...


- Sự thay đổi của cái gọi là "nghệ sỹ": không còn chỉ là những “người làm nghệ thuật”, kẻ săn tìm cái đẹp thuần túy, mà cũng là một “hợp thể”: một “nhà kỹ thuật, công nghệ, một chuyên gia truyền thông, một chủ doanh nghiệp”...  Nghệ sỹ là người thực hành nghệ thuật, thực hành văn hóa. Đấy còn là một nghệ sỹ kiểu “toàn cầu”, am hiểu triết học, văn hóa, lý thuyết nghệ thuật. Nghệ sỹ cũng có thể là phê bình gia/ khách du lịch...
- Sự xuất hiện của một loạt yếu tố mới trong thế giới nghệ thuật đương đại, tạo nên định chế của nó. Nếu trong định chế thế giới nghệ thuật truyền thống, đó là Nghệ sỹ - Tác phẩm – Người tiếp nhận, thì bây giờ các yếu tố của hệ thống ấy đã mở ra rất rộng với nhiều yếu tố khác: “Nghiên cứu của tôi gợi ý rằng các tác phẩm vĩ đại không tự nhiên sinh ra. Chúng được chế tạo ra, không chỉ bởi các nghệ sỹ và trợ lý của họ, mà còn bởi các nhà môi giới, giám tuyển, nhà phê bình và nhà sưu tập, tức những “ủng hộ viên” của tác phẩm ấy” (tr.31). Như vậy là, trong cách nhìn của một nhà xã hội học, “tự thân các tác phẩm nghệ thuật không đủ sức quyết định cách nó tạo nghĩa trong thế giới” (tr. 360).
- Nguyên nhân: a) Sự thay đổi của cấu trúc kinh tế, chính trị xã hội của thế giới cuối thế kỉ XX, đầu XXI, b) Sự phát triển của công nghệ truyền thông đại chúng, c) xu hướng toàn cầu hóa, tri thức hóa, dịch vụ hóa...
- Và đương nhiên, sự cần thiết phải thay đổi trong quan niệm, nhận thức và cách ứng xử cần thiết đối với nghệ thuật đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại. Ít nhất, từ nhận thức về định chế sáng tạo/ tiếp nhận về nghệ thuật đương đại được mô tả trong cuốn sách này, việc đặt tác phẩm vào bối cảnh văn hóa, kinh tế toàn cầu để tiếp cận/ lý giải là một gợi ý/ cách làm cần thiết.
-  Cuốn sách chỉ tập trung bàn về nghệ thuật tạo hình. Dĩ nhiên, qua đó cũng có thể liên hệ tới các loại hình nghệ thuật khác, như văn học chẳng hạn. Có điều trong định chế này, văn học có vẻ cũng khó có đất để tồn tại hơn. Liệu với sự tham gia của nhiều yếu tố công nghệ, kỹ thuật trình diễn, quảng bá..., sáng tạo văn học/ thơ ca có thể trở thành một dịch vụ và là thứ hàng hóa có giá trị kinh tế (như thế các tác phẩm tạo hình)? Điều này có lẽ chỉ là ảo tưởng. Vậy thì ý nghĩa, bản chất giá trị của thơ hôm nay? Giá trị của nó đến đâu? Với ai? Rốt cục thì đọc xong những ghi chép, mô tả của Sarah Thornton, mình vẫn thấy sự định giá tác phẩm nghệ thuật rốt cục vẫn là một cái gì quá mơ hồ, phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố cá nhân và sự ngẫu nhiên. Nhầm lẫn là điều thường xuyên xảy ra. Những tiêu chuẩn giá trị không phải cho tất cả. Giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế lại càng khác nhau.  
Tạm kết luận: Một cuốn sách hay, có ích. Sẽ mở mang thêm được nhiều điều về sự tồn tại của nghệ thuật đương đại (chủ yếu là nghệ thuật tạo hình). Nên đọc cùng cuốn “Thế mà là nghệ thuật ư” (của Cynthia Freeland, 2009, NXB Tri thức, cũng do Như Huy dịch).







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét