“HỒI KÍ SONG ĐÔI” – MỘT
HƯỚNG MỞ CỦA KÍ ỨC
Lê Hồ Quang
1. Trong Hồi kí song đôi, tư cách tác giả - nhà
thơ, người nghệ sĩ sáng tạo Huy Cận được bộc lộ rất đậm nét. Đây là một đặc
điểm đáng chú ý. Bởi lẽ, là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị với cuộc
đời trải dài gần hết một thế kỉ, nhưng Huy Cận không triển khai hồi kí theo
hướng lịch sử - chính trị, dù vẫn bám khá sát những sự kiện, biến cố lớn của
dân tộc mà ông tham gia như một nhân chứng, đồng thời như một kẻ tham dự tích
cực. Ông cũng không đi theo hướng khai thác đời tư với những tình tiết éo le,
gây sốc, nhằm thỏa mãn tính hiếu kì của độc giả, dù cho bản thân cuộc đời với
những trải nghiệm phong phú ấy, tự nó quả có nhiều điều đáng để người đọc chờ
đợi. Việc mô tả, tái hiện kí ức với tư cách một cá nhân, một nghệ sỹ có thể giúp
tác giả tránh được cái nhìn chính trị quan phương, chỉ thấy được sự kiện mà
không thấy được con người, mặt khác giúp ông bộc lộ một cách tự nhiên đời sống
nội tâm, tình cảm, vốn là “sở trường” của một nhà thơ lãng mạn. Có thể nói đây
là một sự lựa chọn có chủ ý và với sự lựa chọn ấy, kí ức dường như đã được cấu trúc lại. Từ giã tính chất một tập
hợp tư liệu khách quan và dửng dưng, chúng được “lựa chọn” và “sắp xếp” theo
một trật tự mới – trật tự của cảm xúc, của nội tâm chủ thể. Dĩ nhiên, điều đó
không chỉ được tạo nên bởi những thao tác hữu thức mà còn có cả sự tham dự của vô
thức nghệ sỹ. Như nam châm hút sắt, những “chất liệu”, “vật liệu” hỗn tạp, xô
bồ của quá khứ đã được hội tụ, lắng lọc một cách tự nhiên dưới trường nhìn đầy
rung cảm của cái tôi tác giả. Một mặt, chúng vẫn đảm bảo tính khách quan của sự
kiện lịch sử, nhưng mặt khác, được đan bện vào những suy ngẫm, phân tích, lí
giải đậm tính cá thể, chúng trở thành một dòng hồi ức đậm tính cảm xúc và trải
nghiệm. Từ đây, bắt vào mạch nội tâm, quá khứ sẽ mở ra nhiều chiều tâm hồn và
đời sống. Tính văn học đậm đà của cuốn hồi kí có lẽ
cũng bắt nguồn trước hết từ điều này.
2. Nếu nhìn qua trên
logic bề mặt, Hồi kí song đôi có cách
tổ chức tương tự nhiều hồi kí khác, đó là theo trật tự tuyến tính với những mốc
thời gian cụ thể. Có thể điểm qua những nét chính tiểu sử tác giả như sau: sinh
1919, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; 1927, rời quê vào Huế sống với cậu mợ, học tiểu
học và bậc thành chung ở trường Quốc học, bắt đầu làm thơ; 1939, thi đậu cao
đẳng Nông Lâm và chuyển ra Hà Nội tiếp tục học và sáng tác; 1941, tham gia hoạt
động cách mạng trong Việt Minh; sau 1945, tham gia nhiều chức vụ quan trọng
trong bộ máy chính quyền nhà nước và có nhiều đóng góp trên cả phương diện hoạt
động xã hội và nghệ thuật… Phần tiểu sử giản ước này đóng vai trò như cái
“khung cứng”, khá thống nhất với những thông tin về tác giả trong các tài liệu
khoa học như Từ điển văn học và các
cuốn giáo trình, sách giáo khoa phổ thông, nhằm đảm bảo tính thông tin xác thực
vốn là một yêu cầu quan trọng đối với thể loại kí.
Song, đời sống nội tâm, tinh
thần của con người vốn dĩ là một cái gì đó bí ẩn, phức tạp, đầy “ngoan cố” và
không dễ gì khuôn vào trong một vài dòng tiểu sử. Sự thật là vì rất nhiều lẽ, hoặc
có khi cũng chẳng vì một lí do nào thật rõ ràng, đôi khi một hình ảnh gặp gỡ
thoáng qua lại hằn vết rất sâu trong kí ức, thậm chí là vĩnh viễn, nhưng ngược
lại, ta có thể lãng quên rất nhanh nhiều sự kiện (chừng như) trọng đại đang xảy
ra ngay trước mắt. Tóm lại, đời sống tinh thần con người có “cơ chế vận hành”
riêng của nó. Nói như vậy để hiểu “cái lí” của việc vì sao bên cạnh cách tổ
chức tuyến tính nói trên, Hồi kí song đôi
còn được tổ chức theo một trật tự khác – trật tự của nội tâm, của xúc cảm. Điều
này khiến cấu trúc tác phẩm trở nên khá linh hoạt.
Ta sẽ nói cụ thể hơn về
điều này. Trước hết, như chính cái tên của nó, Hồi kí song đôi thể hiện khá rõ tính chất song đôi trên nhiều yếu tố nội dung, hình thức cấu thành tác phẩm.
Đặc biệt cuốn sách đã tạo nên một sự song hành hồi ức với nhiều điểm gặp gỡ và
giao thoa trong cuộc đời và tình bạn Huy Cận – Xuân Diệu. Không chỉ vậy, Huy
Cận còn dành hẳn một phần cuốn sách (ở tập hai) cho hồi kí của Xuân Diệu và một
phụ lục gồm những bài ông viết về người bạn thân thiết của mình. Sự “thiên vị”
hiển nhiên này không chỉ cho thấy sự gắn bó sâu nặng của hai nhà thơ nổi danh
mà hơn thế, còn tạo nên một kiểu cấu trúc văn bản khá đặc biệt. Tất nhiên,
“mạch chủ” ở đây vẫn là hồi ức của Huy Cận. Điểm nhìn trần thuật của cái tôi
Huy Cận chi phối trên hầu khắp các yếu tố nghệ thuật của cuốn hồi kí, tạo nên
sự liên kết nội tại khá chặt chẽ. Khi đó, hồi kí Xuân Diệu vừa là một bộ phận
tồn tại tương đối độc lập, song hành với hồi kí Huy Cận, với một cái nhìn và giọng
điệu riêng, song đồng thời với vị trí và ý nghĩa đặc biệt của nó, phần nội dung
này đã trở thành một yếu tố không thể tách rời trong chỉnh thể Hồi kí song đôi.
Cùng với điều đó, nhà thơ
cũng phân chia nội dung hồi kí thành từng phần ngắn, có tiêu đề riêng, gắn với
những chủ đề và hình tượng cụ thể. Cách viết “phân mảnh” ấy có tác dụng rất rõ,
nó tạo nên sự gọn gàng, khúc chiết, dễ theo dõi, đặc biệt hợp lí với cái “đối
tượng” mô tả đặc thù này. Độc giả có thể đọc luôn một mạch hoặc nhẩn nha lựa
chọn những phần, đoạn ưa thích để đọc đi đọc lại như những tản văn có tính độc
lập tương đối. Nó cũng cho phép tác giả linh hoạt loại bỏ những “phần dư” trí
nhớ và tập trung vào những phần kỉ niệm đằm thắm nhất, gợi thương nhớ nhất và
nhiều khi, cả những ẩn ức thầm kín. Điều này được thể hiện ngay trong cách đặt
tiêu đề khá phóng túng, như nhớ gì ghi nấy dù trên thực tế không phải vậy: Tổ ong “trại”, Vườn cau còi, Bà đốt nhà,
Hầu đẻ, Đi kiện nhau, Bàn tay của mẹ tôi, Lần đầu tiên nói láo, Xóm Mang Cá,
Lụt vào nhà vẫn ngồi học, Suýt nữa tôi bị tảo hôn, Những đêm rét ngủ chung ở
trường Quốc học, Tìm gặp Thế Lữ ở hội chợ Huế, Một nỗi thương tâm lớn của anh
Xuân Diệu,… Ta thấy ở đây, đằng sau những mô tả bao giờ cũng là một cái
nhìn và lối diễn đạt bình tĩnh, nhỏ nhẹ nhưng thấu đáo. Bởi vậy, nhiều nhân vật
trong hồi kí của Huy Cận hiện lên khá sinh động, sắc nét, với những cá tính,
những nỗi đau thân phận, những nét đẹp nội tâm riêng biệt. Huy Cận viết rất
hay, rất thấm thía, tình cảm về mẹ mình (Con
cá ngựa, Tóc ngứa của mẹ, Bàn tay của mẹ tôi, Tướng số…) , song cha ông (Cha con) cũng là một hình tượng được mô
tả rất đặc sắc. Nó thể hiện mong muốn “công
bằng” của một người con đã trưởng thành, vượt lên những oán giận ấu thơ, để
có thể “thương mẹ mà không oán bố”. Nhiều
chân dung bạn văn cũng được Huy Cận mô tả với một cái nhìn điềm tĩnh và giàu
tính phân tích như vậy. Bằng lối viết ngắn gọn, mang tính chấm phá, ông đã làm
hiện lên những nét tính cách văn nhân rất đời thường, dung dị song cũng khá đa
chiều, chẳng hạn Hoài Thanh, Thế Lữ, Xuân Diệu, Phạm Hầu, Nguyễn Nhược Pháp,
Thanh Tịnh, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo…
Đời sống quá khứ, qua
ngòi bút của Huy Cận, thường hiện lên với những chi tiết rất đỗi bình thường,
thậm chí nhỏ bé, vụn vặt. Nhưng biệt tài của Huy Cận là ngay trong những sự
vật, sự bình thường, nhỏ bé ấy, ông vẫn có thể nhìn thấy và chỉ ra cho ta thấy
biết bao vẻ tươi tắn và thi vị riêng. Như chính ông đã nói: “Bao nhiêu vật nhỏ nhẻ, vụn vặt mà đã gom góp
cho tôi những cảm giác đầu tiên, những cái nhìn ngó đầu tiên vào ý nghĩa cuộc
đời và vũ trụ. Và ý thơ cuộc đời, ý thơ vũ trụ, cái xa xôi vắng vẻ sau này ám
ảnh tôi, ngày thơ bé tôi đã nghe rồi, mỗi lần ong “trại”” (Tổ ong “trại”). Đặc điểm này thể hiện
rất rõ trong tập một của cuốn hồi kí, (ở đây, nhiều trang viết cứ khiến tôi nhớ
đến Duy Khán trong Tuổi thơ im lặng). Song cũng cần phải nói thêm rằng, dù
rất coi trọng quá khứ và không ngần ngại “hiện tại hóa” quá khứ, nhằm đem lại
cho chúng một vẻ sinh động riêng biệt, Huy Cận không có thói quen “nhấm nháp”
kỉ niệm. Bằng chứng là ông thường kể, tả rất gọn, ngôn ngữ giản dị, đi thẳng
vào những thông tin chính. Nhưng những câu chuyện quá khứ qua ngòi bút của ông
vẫn hiện lên rất đẹp, không phải là cái đẹp của sự thêm thắt, tô vẽ, mà có lẽ
đó là cái đẹp toát ra từ một tấm lòng đầy trân trọng với quá khứ, và nói rộng
ra, là với sự sống.
Thể hiện trực tiếp tiếng
nói của cái tôi chủ thể; tôn trọng sự thành thực trong những cảm xúc nội tâm;
coi trọng óc phân tích và suy ngẫm…,
dường như đó là định hướng quan trọng cho cách nhà thơ tái hiện kí ức.
Điều này giải thích vì sao được trình bày chủ yếu theo trật tự tuyến tính song
hồi kí của Huy Cận vẫn có một vẻ “phóng túng” nhất định, thậm chí đôi khi còn
hơi lỏng lẻo xét về mặt bố cục, cấu trúc. Có điều, chính nó lại tạo nên một độ
mở, một sự khơi gợi đầy dư vang mà kiểu cấu trúc khép kín, chặt chẽ khó lòng
đạt tới.
3. Trên một phương diện
khác, Hồi kí song đôi còn cho ta thấy
sự nhạy cảm đặc biệt của tác giả đối với thiên nhiên và không gian sông nước, vũ
trụ - tất cả những điều đã được thể hiện rất rõ và hết sức độc đáo trong thơ ông,
khiến ông được mệnh danh là “thi sĩ thiên nhiên”. Tuy vậy, nếu với thơ, yêu cầu
thể loại buộc ông phải diễn tả một cách hàm súc, ngắn gọn, thì hồi kí, với ưu
thế thể loại của nó, sẽ giúp ông có nhiều “đất” hơn để diễn tả về những suy
nghĩ, cảm nhận của mình. Nhiều trang hồi kí mang đậm chất thơ không chỉ vì viết
về những tứ thơ, bài thơ quen thuộc của Huy Cận mà còn bởi thứ ngôn ngữ diễn
đạt đầy rung động trong đó. Hãy đọc lại một đoạn ông viết về miền quê sơn cước
của mình: “Đầu xuân, khi ngô mới nhú mầm,
lá non mịn tơ như lông tuyết, xanh sáng như ngọc bích, cả cánh đồng ánh lên như
một thảm nhung rất đẹp, mát mắt, tưởng như có thể xén từng mẩu đất mà nhai nuốt
được. Buổi chiều về, gió sông mát, bóng núi Mồng Ga lan
dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên làng xóm. Chính cái buổi chiều
về sớm ấy ở làng sơn cước đã gợi lên một nỗi buồn man mác. Ngày bị rút ngắn
lại, sông núi ở ngay bên cạnh nhà mà đượm màu xa vắng…” (Quê hương). Ai đã đọc thơ Huy Cận rồi
đọc hồi kí của ông, dễ dàng nhận ra nét quen thuộc trong cách cảm nhận về cảnh
thiên nhiên, sông nước đẹp nhưng xa vắng và đượm màu hiu quạnh ấy. Chẳng hạn
trong những câu thơ nổi tiếng này:
- Lơ thơ cồn nhỏ
gió đìu hiu
Đâu
tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng
xuống, trời lên sâu chót vót
Sông
dài, trời rộng, bến cô liêu
(Tràng
giang)
- Nắng
đã xế về bên xứ bạn
Chiều
mưa trên bãi nước sông đầy
Trông về bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay…
(Vạn
lí tình)
Quả thực, không những
tinh nhạy trong cảm nhận, Huy Cận có khả năng mô tả và lí giải những cảm nhận
trực giác ấy một cách chính xác thông qua một thứ ngôn ngữ đơn giản, chắt lọc
mà vẫn hết sức uyển chuyển, tinh tế.
Là hồi kí của một nhà
thơ, cuốn sách cũng ghi lại nhiều hồi ức sáng tạo của tác giả, chẳng hạn về
hoàn cảnh sáng tác của những bài thơ nổi tiếng như Tràng giang, Lượng vui, Triều nhạc, Hồn xa, Tựu trường, Các vị La Hán
chùa Tây Phương… Nhà thơ rất chú ý đến việc cắt nghĩa nguồn gốc hình thành
những tứ thơ của mình, vừa như một sự chia sẻ nghề nghiệp cụ thể, vừa như một
hành động nhằm lí giải ý nghĩa của sự tồn tại thơ ca cũng như những giá trị
tinh thần trong đời sống con người. Cho dù nói về quê hương, gia đình, tình
yêu, thiên nhiên, cách mạng…, hay chủ đề gì đi nữa, ông vẫn luôn tìm thấy mối
liên hệ gần gũi giữa chúng với thơ ca. Có điều đấy không phải là một sự lí giải
tư biện, thuần lí mà là sự lí giải trong tư cách người sáng tác, xuất phát từ
những kinh nghiệm thực tiễn. Tác giả thường kể, tả bằng một thứ ngôn ngữ giản
dị mà duyên dáng, và qua đó làm sáng rõ thêm nhiều khía cạnh ý nghĩa của tác
phẩm. Đây rõ ràng là một phương diện nội dung đáng lưu ý của cuốn hồi kí, nó có
ích một cách thiết thực đối với những ai quan tâm đến thơ Huy Cận cũng như nghề
thơ nói chung. Xen giữa dòng hồi ức về quê hương, gia đình, bạn bè, đôi khi ta
cũng bắt gặp một số bài thơ khá… lạ, bởi tính chất sơ giản, mộc mạc thậm chí
hơi nôm na của nó (chẳng hạn bài O Trà,
em gái tôi). Điều này có thể gây ngạc nhiên bởi Huy Cận vốn nổi danh bởi
những bài thơ tinh tế, điêu luyện, thấm đẫm một vẻ đẹp vô cùng của thiên nhiên,
vũ trụ. Song khi đặt những bài thơ này vào hoàn cảnh ra đời cụ thể, với những
mối quan hệ tình nghĩa anh em, gia đình, bè bạn của tác giả, ta sẽ hiểu thêm về
sự tồn tại hợp lí của chúng. Kì thực, những bài thơ chân chất này cũng cho thấy
một khía cạnh khác, rất đỗi bình thường và gần gũi trong tâm hồn và cuộc sống
riêng tư của nhà thơ.
4. Rõ ràng,
việc chọn điểm nhìn của cái tôi nghệ sĩ để tái hiện kí ức đã tạo điều kiện cho
tác giả mở rộng hệ chủ đề của cuốn hồi kí. Dĩ nhiên, lựa chọn điểm nhìn trần
thuật này hoàn toàn không có nghĩa là tác giả khước từ hoặc đoạn tuyệt với phần
con người chính trị trong ông. Ngược lại, sự thống nhất giữa cái tôi cá nhân nghệ sĩ và cái tôi chính
trị trong ngòi bút tác giả đã khiến nhiều
trang hồi kí vượt ra khỏi tính “thông tin sự kiện” để trở thành những
“thông tin tâm hồn”. Quả thực, sẽ là một hướng rất hay nếu tác giả xuất phát từ
góc nhìn đó để nhận thức, đánh giá về các vấn đề lịch sử, xã hội, chính trị. Chẳng
phải nhiều hồi kí của những chính trị gia nổi tiếng cũng rất lôi cuốn độc giả
trên tư cách và hướng khai thác này đấy sao? Không hẳn chỉ bởi hiếu kì, đơn
giản là người ta muốn biết sự thật sau những gì mà giới truyền thông chính
thống vẫn thường nói, những sự thật nhiều khi vì lí do này khác mà bị che khuất
đi, thậm chí bị phủ nhận, đặc biệt là những sự thật bi kịch gắn liền với những
thăng trầm lịch sử, với những thân phận con người. Chính bởi vậy, bản thân cái
tên của những nhân vật lỗi lạc ấy đã có sức thu hút mạnh mẽ và độc giả mong
muốn với tư cách xã hội của họ, có thể “bảo chứng” cho những sự thật được nói
ra. Điều này ta dễ dàng nhận thấy trong nội dung phần
đầu của tập 2 cuốn hồi kí, thuật lại những hoạt động của tác giả ở thời
kì sau 1945, khi đã trở thành một nhà thơ Cách mạng, một nhà hoạt động chính
trị cùng với nhiều mối quan hệ xã hội rộng rãi. Xét về mặt lịch sử, có thể
khẳng định nhiều phần trong tập sách này đem lại thông tin thực sự có giá trị,
chẳng hạn Những ngày tháng Việt Minh,
Những ngày đầu của chính phủ lâm thời, Kỉ niệm về Quốc hội khóa I, Những ngày
tiêu thổ kháng chiến… Tuy nhiên cũng trong tập này, có một số phần viết khá
mờ nhạt. Chúng chủ yếu tường thuật lại những kỉ niệm hoặc những cuộc giao đãi, gặp
gỡ của tác giả với một số nhân vật lịch sử, chính trị, những người đồng nghiệp
hay những chuyến công du của ông tới nhiều nước trên thế giới với tư cách người
đại diện chính phủ… Nội dung giản lược, giọng điệu trần thuật tỉnh táo và chừng
mực, đôi khi mang tính xã giao khiến câu chuyện được kể dừng lại trên những thông
tin mang tính sự vụ. Chúng thiếu hẳn đi một cái nhìn, một cách lí giải và diễn
đạt mang đậm tính cá nhân và xúc cảm, vốn đậm đà ở những trang viết trước đó. Có
thể nói, khi đối tượng mô tả thay đổi, trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi một sự
phân tích, lí giải trực diện, đa chiều hơn thì việc “trung thành” với cái nhìn thuần trữ tình sẽ khiến lối viết trở nên sơ giản, có phần công thức. Hoặc
là, điều này cũng thể hiện sự mâu thuẫn nào đó giữa con người chính trường và
con người nghệ sĩ trong tác giả.
Mặt khác, cũng trong tập
này, tính chất “tập hợp" của một số bài viết là khá rõ. Chẳng hạn tiểu
luận về phong trào Thơ mới, một bài viết rất có giá trị nghiên cứu nếu đứng
riêng ra, nhưng khi đặt trong tổng thể cuốn hồi kí, điều đó lại khiến nó trở
nên hơi “lạc giọng”. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi nghĩ, một phần có thể do
tác giả muốn bộc lộ chủ yếu trong tư cách một nhà thơ, một người nghệ sỹ. Việc ông
tập hợp trong hồi kí khá nhiều bài viết/tham luận/ nghiên cứu về thơ được viết trong
những thời gian và hoàn cảnh khác nhau có lẽ cũng xuất phát từ mục đích và dụng
ý đó. Điều này cũng có mặt hạn chế: nội dung tập hai có phần ôm đồm; nhưng bù
lại, nó khiến Hồi kí song đôi trở nên
dồi dào và phong phú hơn, nhất là về mặt tư liệu.
Một nội dung quan trọng
trong tập 2 của cuốn sách là phần hồi kí Xuân Diệu. Như đã nói ở phần trên, một
điểm nhấn quan trọng tạo nên nét đặc sắc của Hồi kí song đôi chính là sự tồn tại sóng đôi của hồi kí Huy Cận và
Xuân Diệu. Phần hồi kí Xuân Diệu chủ yếu viết về quãng đời ấu thơ của tác giả,
khi ông sống ở Vạn Gò Bồi (Quy Nhơn) cùng má và em trai. Nội dung này được ghi
lại theo lời kể của Xuân Diệu và được Huy Cận và Tịnh Hà (em trai Xuân Diệu)
ghi lại. Tuổi thơ với nhiều đau đớn, thiệt thòi và mặc cảm đã để lại trong hồi
ức tác giả một dấu ấn nặng trĩu nghẹn ngào, thương cảm. Đọc những trang viết ấy,
ta thấy gai người bởi, nói theo cách của Thạch Lam về hồi kí Nguyên Hồng, nó
cho thấy “những rung động cực điểm của
một linh hồn trẻ dại”. Điều đó không chỉ do nhà thơ có tâm hồn đa cảm, sống
nhiều bằng nội tâm, nặng lòng với quá khứ, với quê hương, tuổi thơ mà còn bởi
nó xuất phát từ quan niệm của ông: “Tôi
nghĩ rằng mỗi con người có nhiệm vụ phải đào sâu vào kỉ niệm của mình, vào quá
khứ tình cảm của mình để làm thêm cái vốn nhân đạo trong mỗi con cháu chúng ta”;
và: “Chính nội tâm mới đẻ ra tình cảm, mà
tình cảm mới làm hậu thuẫn cho tư tưởng” (Tuổi nhỏ Xuân Diệu). Cho dù chưa kịp chính thức cầm bút viết hồi
kí, nhưng có thể nói Xuân Diệu đã thực hiện hồi kí theo cách mà ông muốn, đó là
đi sâu vào xúc cảm, “đào sâu từng li từng
tí vào các kỉ niệm”, và không phải chỉ chìm đắm trong cảm xúc và kỉ niệm mà
còn để làm “một công cụ để phân tích đời”.
Điều đáng nói là dù phần hồi kí của Xuân Diệu được Huy Cận và Tịnh Hà ghi lại,
song ta vẫn nhận thấy một thứ ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật khá đặc thù, thứ
ngôn ngữ, giọng điệu hàm chứa những xúc cảm nồng nàn, say đắm, mãnh liệt quen
thuộc của “ông vua thơ tình”. (Có thể xem đây như một “bằng chứng” của sự đồng
cảm và hiểu biết sâu sắc giữa hai thi sĩ, hai người bạn tri kỉ này). Bởi vậy,
dù cùng tồn tại dưới hình thức một cuốn hồi kí, và là những bộ phận khó tách
rời, song nhìn từ góc độ sáng tạo, Hồi kí
song đôi còn là sự song hành của hai cá tính nghệ thuật riêng, độc đáo, không
trộn lẫn.
5. Có thể khẳng định, điểm
nhìn của cái tôi nghệ sĩ, cái tôi nhà thơ đã đem lại nhiều nét độc đáo cho Hồi kí song đôi. Với tư cách “kẻ dự
phần”, Huy Cận không chỉ đơn thuần “ghi chép” mà còn mô tả, lí giải một cách sâu
sắc về đời sống nội tâm, về thơ ca và hoạt động sáng tạo trên chính những trải
nghiệm sống và viết của chính ông. Xuyên suốt trong tác phẩm là chân dung tinh
thần của tác giả, một nhà thơ Việt Nam hiện đại nổi bật đồng thời cũng
là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Đời sống cá nhân ấy cũng
phản chiếu một cách khá sắc nét đời sống của dân tộc, của đất nước qua nhiều
chặng đường lịch sử. Thật ra, có thể có người chờ đợi một hướng tiếp cận, triển
khai khác nhưng đó không phải là hướng Huy Cận lựa chọn trong hồi kí này. Ở
đây, về cơ bản ông đã lựa chọn điểm nhìn trần thuật của cái tôi nghệ sỹ. Điểm
nhìn này có thể hạn chế sự mở rộng hồi ức và những phân tích và lí giải về
nhiều vấn đề của hiện thực đời sống lịch sử, xã hội, chính trị mà ông vốn rất
am hiểu. Song, đây cũng là một sự lựa chọn trần thuật có nhiều ưu thế, nó không
chỉ giúp tác giả có thể tái hiện và bao quát nhiều mảng hiện thực và sáng tạo
mà hơn thế, nó tạo ra một hướng mở của kí
ức, để nhà thơ có thể sống trọn vẹn trong nhiều trạng thái của nội tâm, mà
cũng là - như Xuân Diệu đã nói – của “tư
tưởng”.
Nhìn một cách bao quát, Hồi kí song đôi đã đem lại cho độc giả một
lượng thông tin khá dồi dào về những sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn học trải
dài qua nhiều giai đoạn, từ trước cách mạng tháng 8/ 1945 đến cuối thế kỉ XX. Nó
cũng bộc lộ một cách sâu sắc, thành thực những khía cạnh riêng tư trong đời
sống song đôi thi sĩ nổi tiếng: Huy Cận và Xuân Diệu. Lượng thông tin ấy được
chuyển tải qua một cách viết nhẹ nhàng, tinh tế, giàu tính phân tích. Đấy là
cách viết của một con người từng trải, lịch duyệt và thấy không cần thiết phải nghĩ
khác đi, nói khác đi. Một thái độ chân thành, cởi mở và giản dị. Đó cũng là
tinh thần và sức sống đích thực của cuốn hồi kí này.
Vinh, 10/11/2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huy Cận (2011), Hồi kí song đôi, tình bạn trong sáng, tập 1, tái bản có bổ sung,
Nxb Hội Nhà văn.
2. Huy Cận (2012), Hồi kí song đôi, Đổi thay và kiên định, tập 2, Nxb Hội Nhà văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét