HAI
BẦU TRỜI
(Thơ Khánh Phương, Nxb Hội Nhà văn,
2010)
Thơ Khánh Phương, về căn bản, gợi một cảm giác
tươi tắn và hiện đại dù đôi khi vẫn hiện diện trong vẻ bí ẩn khó nắm bắt. Tươi
tắn và hiện đại, một phần, có lẽ do “chất liệu” của đời sống thị dân theo hướng
Tây phương hóa được “huy động” vào thơ: những
hàng người đứng/ trên xe bus; đồng hồ đếm ngược, kem M” c Donald; mì Ý, dân
chơi bi - da; trên bàn ăn/ dao và nĩa xẻ từng miếng; món bit - tết cháy dở; Mẹc
bóng loáng biển số; container mười sáu bánh khủng bố; Sony Ericson 903I mở trò
chơi, khu đèn đỏ… Còn vẻ bí ẩn có lẽ chủ yếu nằm trong cách soi ngắm và bút
pháp mô tả đời sống. Ở đó, những vấn đề của hiện thực, tình yêu, bản thể… được
tác giả đề cập chủ yếu theo lối tượng trưng hóa, vừa đủ để gợi lên những ấn tượng,
cảm giác, thức nhận cần thiết, đồng thời vẫn giúp chị khép mình lại trước nguy
cơ tỏ bày quá lộ liễu.
Là
thơ của một tác giả nữ, hiển nhiên, cái tôi nữ tính là một phần nội dung thẩm
mĩ không thể thiếu. Ta thấy ở đây những phẩm chất cá nhân khá đặc biệt: mềm mại,
duyên dáng, nữ tính song không kém phần tỉnh táo, cứng cỏi, rạch ròi. Dẫu rất
biết buộc mình vào “cái tạp dề” và “nếm anh không ngừng, không ngừng/ trong những
món ăn em vừa nấu”, “minh bạch” vẫn
là nguyên tắc đầu tiên cần được xác lập giữa “em” và “anh”, bởi:
Món ngon nào cũng đến
lúc sẽ nguội, tốt nhất là phải giữ riêng mình chút thức ăn cho trái tim nóng.
Chỉ đêm mới ràng buộc
ta, lại đến ngày rời rụng, hãy nhìn em trong ánh sáng ban ngày.
Nếu từ chối nấu cho
mình bữa trưa, hãy trở về nấu lại cuộc đời anh.
(Minh bạch)
Tất
nhiên, nói vậy không có nghĩa thơ Khánh Phương hoàn toàn bỏ qua những cách diễn
đạt “nữ tính” quen thuộc, có phần sáo cũ: cái
vuốt ve dịu dàng từ em, lời tạ từ em gửi đến anh, run rẩy nói lời yêu, lời ru
cho những vết đau mau lành, nhựa ròng ròng nối lại thương yêu… Đôi khi, những
cách diễn đạt tưởng chừng nữ tính ấy bị đẩy đi quá xa, thành thử lại có phần
khoa trương: Em chẳng tin thế giới chật hẹp/
Dù cách hai đại dương/ Vẫn biết/ Rau gì trong salad bữa tối của anh…
Khánh
Phương chỉ thực sự là chị trong những câu thơ vừa dung dị, vừa đằm thắm và an
nhiên này:
Em sẽ quên giấc mơ này
Khi bỗng nhiên chúng ta
đã ở bên nhau
bỗng nhiên cỏ vường bỗng
nhiên mật
bỗng nhiên tiếng trẻ cười
đùa
như từng quên
đau
từ giấc mơ nào trước
Ở
một thời khắc nào đó của đời người, dường như giấc mơ đã thành thực tại. Mơ và
thực, hiện tại và quá khứ đan cài vào nhau, như không hề có ranh giới. Hạnh
phúc dường như đã thật sự hiện diện bằng hình ảnh, mùi hương, thanh âm. “Bỗng nhiên” trở thành điệp khúc của niềm
hạnh ngộ. Nó khiến tim ta thắt lại vì niềm hạnh phúc lớn lao và cả những linh cảm
sợ hãi mơ hồ… Nhưng đấy chỉ là giấc mơ, và bởi thế, sau nỗi hân hoan diệu kì, “em sẽ quên giấc mơ này”, “như từng quên/
đau/ từ giấc mơ nào trước”. Những giấc mơ rồi cũng sẽ qua, chỉ có khát khao
hạnh phúc của con người là còn lại. Cả nỗi đau cũng vậy. Nhưng có lẽ đó là trải
nghiệm tất yếu của đời người. Kết thúc đoạn thơ là những thi ảnh thật bất ngờ,
đẹp một cách bình yên, khởi phát từ một tâm thức (dường như đã phần nào) thoát
ra khỏi ý niệm hạnh phúc hay đau khổ ngoại thân:
Hoa thu hải đường vừa nở
… bỗng nhiên bầu trời
đàn mây trắng ngang qua
Và
cũng thật là Khánh Phương trong khả năng quan sát và mô tả thấu tỏ và cặn kẽ
cái cảm giác “do dự” thoáng qua rất
nhanh trong những phút giây tưởng chừng khăng khít nhất của đôi tình nhân:
Lúc đó chúng ta ngồi
bên cửa sổ
Anh đưa cho em tách trà
nhỏ còn lên khói
Mình đang do dự
Có hôn nhau thêm lần nữa…
Song,
vẻ hiện đại trong thơ Khánh Phương, tôi nghĩ, nhiều khi đến từ những bài thơ viết
về một chủ đề “cũ” hơn: tình yêu trong đời sống lịch sử nhân loại. Huyền Trân là sự suy ngẫm của tác giả về
tình yêu hơn là sự mô tả một mối tình cụ thể đã được nói tới trong chính sử. Bằng
sự mẫn cảm riêng, nhà thơ cho thấy vẻ đẹp cao quý trong hành động “chàng hoàng tử dại khờ/ dâng cho em đất nước
của chàng”, và cả dân tộc ấy, đất nước ấy, nền văn minh ấy đã được người
con gái Việt yêu với một tình yêu thẳm sâu, xứng đáng với những gì nàng đã được
trao tặng: Ngày cuối cùng của vương quốc/
tình yêu/ Như cát, gió khốc ruỗng nền sa thạch. Và như thế, tình yêu đã trở
thành một “văn bản” được đan dệt từ rất rất nhiều “liên văn bản”: lịch sử, văn
hóa, triết học, nghệ thuật thi ca…
Khánh
Phương mạnh về năng lực diễn tả hình ảnh. Các chi tiết mô tả thường ngắn gọn, sắc
nét, giàu ấn tượng tạo hình. Nhà thơ thường có thói quen “lắp ráp”, kết nối các
chi tiết, hình ảnh khác nhau, thậm chí xa lạ với nhau để tạo nên những cảm giác
thẩm mĩ mới, trực tiếp, bất ngờ, chẳng hạn:
Thức dậy
em, anh
và buổi sáng
những đàn chim tụ lại
trên cao
rồi lả tả rơi xuống
mùa hè bị bắn hạ
Dường
như năng lực hình ảnh khiến Khánh Phương có nhu cầu đi sâu hơn vào việc tạo
hình bằng ngôn ngữ thơ. Đọc thơ chị, tôi hình dung năm bài thơ Kanji (Hán tự)
là những nét chạm khắc ngôn từ vừa tươi trẻ, tỉ mỉ, chi tiết và cũng đầy trẻ
trung, ngẫu hứng về một đất nước Nhật Bản “hồng
rực sững sờ những trời hoa anh đào nở”, với những đặc trưng đời sống ẩm thực,
văn hóa, sinh hoạt,… Nhưng sự chi tiết, tỉ mỉ trong việc tạo hình và khắc họa
hình tượng không chỉ là một thói quen về mặt bút pháp mà còn gắn liền với cách
nhìn riêng về thế giới của tác giả. Ở đó, nhà thơ nhận thấy dường như sự ngẫu
nhiên, xa lạ, dị thường của sự vật cũng ẩn chứa một điều gì như bản chất khắc
nghiệt của đời sống. Đôi khi, hình tượng trong thơ Khánh Phương hết sức dữ dội,
thậm chí, gợi những ấn tượng thảm khốc:
Anh đứng dậy
Khi phát hiện bàn tiệc
máu
nhưng cây đã chết
gió đã đông
trong lành đã vẩn
muộn rồi
vết cắt trên cổ tay anh
năm nào
cái chết của dòng sông
Với
những tiêu đề nhiều khi như những ẩn ngữ, sự đứt gãy cố ý trong mạch liên tưởng
và xúc cảm, sự xuất hiện của các thi liệu khai thác từ trong lịch sử, văn hóa,
tôn giáo…, thơ Khánh Phương đôi khi gợi ra tính chất những câu đố hiện đại (chẳng
hạn, Phần I: Chín phần còn lại của thế giới,
Kanji…). Điều này hiển nhiên khiến hành trình “đọc” thơ chị thêm khó khăn nhưng
không phải không có thêm điểm gây hấp dẫn.
Hai bầu trời
là tập thơ cho thấy nhiều nét riêng trong phong cách tác giả. Tuy vậy, tôi nghĩ
nó vẫn thiếu một bố cục tổng thể hợp lý. Có cảm giác đây vẫn mới là một tập hợp
các bài thơ hơn là một cấu trúc thi phẩm chặt chẽ, với một ý tưởng nhất quán,
như cần phải vậy.
11/1/2017
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa