Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Bí mật của khoảnh khắc



BÍ MẬT CỦA KHOẢNH KHẮC
(Đọc tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2015) 


Lê Hồ Quang

1. Đi từ Gọi xanh, Vách nước, Bầu trời không mái che, và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt,… đến thả [1], có thể thấy khá rõ tâm thế sáng tạo mới của Mai Văn Phấn. Ấy là tâm thế của con người đang đến gần hơn với Tự do, thứ tự do của nội tâm, của sáng tạo. Tiền thân của thả là từ tháng giêng, tập thơ gồm 369 bài thơ ba câu được viết trước đó. Trên tinh thần cơ bản của từ tháng giêngthả là sự bổ sung, mở rộng và làm đầy thêm, phong phú thêm về đề tài, chủ đề, số lượng tác phẩm. Quan trọng hơn, thả là sự tiếp tục mở rộng, đào sâu cái nhìn mĩ học của tác giả về thế giới với những tìm tòi thi pháp thơ ba câu đa dạng mà nhất quán. Ngay trong cái tên tập - thả, đã hàm chứa tinh thần buông bỏ triệt để của cái tôi nhằm tìm lại chân diện bản ngã. Cũng bởi vậy, thả đã mở ra một thế giới nghệ thuật đặc thù, ở đó, nội tâm và ngoại giới, không gian và thời gian, cá nhân và vũ trụ… dường như có thể hòa nhập và đồng hiện ngay trên/ trong cùng một khoảnh khắc của thì hiện tại chân thực, cụ thể và tươi ròng sự sống mà cá nhân đang sống, đang trải nghiệm. Từ đây, có thể hiểu thả như là một ám thị về thời gian theo kiểu Mai Văn Phấn - thời gian của những khoảnh khắc nhân sinh đẹp đẽ, đáng nhớ và đáng sống. Song, cùng với sự diễn tiến không ngừng của thời gian, những khoảnh khắc ấy nhanh chóng bị vùi lấp trên vòng quay miên viễn, bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ. Bởi vậy, thả cũng chính là hành trình “buông mình” của cái tôi nhà thơ nhằm dấn sâu hơn vào cõi mơ hồ thăm thẳm của tâm linh và sáng tạo, nhằm dò tìm và khơi mở bí mật của những khoảnh khắc ấy.
2. Tương ứng với cảm hứng về thời gian, tập thơ được tổ chức chủ yếu theo trật tự tuyến tính, theo thứ tự chảy trôi của các mùa, bắt đầu từ mùa xuân (và cũng chủ yếu về mùa xuân, mùa hạ, những mùa đẹp nhất trong năm theo con mắt thi nhân). Thiên nhiên hiện lên đầy hình ảnh và cảm giác theo mỗi bước chân mùa. Theo đó, mùa xuân, ấy là khi “Chén trà/ Đủ hương vị/ Tết”; là khi “Khí xuân tràn”, khiến “Gỗ mục/ Đơm hoa”, hoa đào, hoa mận nở “Rụng bớt/ Sang/ Gốc cây bên cạnh”, hạt giống thở giữa cánh đồng bùn ngấu và chồi non Nghẹn thở/ Nằm/ Dưới mùa xuân”. Mùa hè gắn liền với hình ảnh những cơn “Mưa to, rất to”, trong cơn mưa, “Nhành địa lan/ Thò tay/ Qua hàng rào”, những con ve “Râm ran/ Như kêu cả/ Năm sau”, nắng chói chang xuyên qua “Vòm lá ken dày”, hương thơm hoa táo, hoa nhãn “Níu chân ong/ Phấn rơi/ Xuống đất”, dưa hấu “Mọng nước”… Mùa thu gắn liền với hình ảnh gió heo may “Đẩy bông cúc/ Nghiêng/ Về cỏ dại”; con nhện nước “Xoay dọc xoay ngang/ Trên lá sen”, và “Quả mướp giống/ Treo trên giàn/ Khô quắt Và mùa đông, ấy là khi cá “Ngoi lên mặt nước/ Gió mùa/ Về từ chiều qua”; là khi sương muối “Trên sông/ Ướp/ Mạn thuyền lạnh buốt”; và là khi hơi ấm của củi lửa “Nướng ngô/ Hạt non/ Lách tách”… Quen thì rõ ràng rất quen, xét cả về ngôn từ lẫn hình ảnh, song vẫn có cái gì thật là riêng biệt và tươi tắn. Có lẽ là do góc nhìn và điểm nhìn của tác giả, ông thường nhìn rất gần và chú trọng vào những đường nét tỉ mỉ, gây cảm giác và ấn tượng tinh tế.
Nhưng đấy cũng là thời gian của đời người, thời gian của cuộc sống, và hơn thế, là thời gian của sự sống. Do vậy, thả còn là vô số những khoảnh khắc đời thường của cá nhân, được soi ngắm và mô tả qua nhãn quan cá nhân. Rất dễ bắt gặp ở đây những cảnh tượng sinh hoạt hằng ngày được tái hiện qua con mắt “tả thực” đầy thú vị, chẳng hạn: Thấy cảnh tắm biển/ Tỉnh dậy/ Vẫn mặc quần áo (Xem ti vi ngủ quên)Ra vườn/ Lượm/ Cà chua chín (Sếu đầu đỏ bay qua)Cùng câu chuyện/ Mỗi người một hướng/ Mời bạn chén nữa (Bên bàn trà); Anh nhận tin/ Bên hồ/ Mặt nước thẫm lại (Em đang café)… Đôi khi xuất hiện cả những hình ảnh, cảnh tượng như “chẳng đâu vào đâu”, khiến độc giả ưa quy giản bài thơ vào những “nội dung, ý nghĩa” rõ ràng, thật sự thấy hoang mang, chẳng hạn trong Đúng lúcChuông ngân/ Tôi ăn miếng khoai/ Bở và ngọt; hoặc Ngồi một mình: Ngắm mãi/ Chiếc đinh/ Cắm sâu trong tường”; hoặc Cầm bông hoa: Tựa chiếc cúc/ Không biết/ Gắn vào đâu… Đơn giản, tươi tắn như những ý nghĩ đột hiện là những mảnh nhỏ đời sống được mô tả trong những những câu thơ thả. (Dẫu đôi khi, nhà thơ cũng sa vào lối mòn liên tưởng, chẳng hạn: Quay cuồng trong chảo/ Nổ tí tách/ Sao trời hiện dần - Rang lạc buổi tốiMở cổng/ Bâng khuâng/ Hai thế giới - Sớm; Khêu ốc/ Đăng đắng/ Hương quê - Bẻ gai bưởi…; hoặc triết lý lộ liễu: Chưa chạm hạt sương/ Đã thấu/ Tâm can con người - Tiếng sét, làm lộ ra tính “nhân tạo” khá rõ. Song những ví dụ này không nhiều). Khi “khước từ” những cái bẫy ẩn dụ đơn nghĩa, cố gắng mô tả đời sống bằng những nét vẽ “tự nhiên như nhiên”, như không hề có có sự can thiệp, chính là khi nhà thơ đã “hãm chậm” lại dòng chảy xiết của thời gian và ngưng giữ được những khoảnh khắc trong trẻo diệu kỳ của đời sống mà trên thực tế đã tan biến đi trên dòng chảy “vô tăm tích” của cõi nhân gian xô bồ, bụi bặm.
Song thả phải đâu chỉ nói về những vẻ đẹp của tự nhiên và đời sống? Cái tôi nặng lòng với đời sống nhân sinh từng xuất hiện đậm nét trong Người cùng thời, Hôm sau… cũng trở lại ám ảnh với chùm thế sự khá dày của thả. Không phải ngẫu nhiên mà thả viết nhiều về hình ảnh cá mắc câu, cá cắn câu, cá trong lồng, con cá sống sót,… Đấy là một thực tại đầy bất trắc và hiểm họa. Hình ảnh “cá mắc câu” và Những con cá: Nháo nhác/ Bơi quanh/ Con cá cắn câu gợi ấn tượng kinh hoàng đến nỗi khi nhìn “mặt nước thiêm thiếp, nỗi nghi ngại cạm bẫy như vẫn rình rập đâu đây: Thả/ Mồi câu/ Vào lòng giấc mơ... Những mảng màu đen tối thế sự dường như ám cả vào những câu thơ mô tả thiên nhiên, khi nhà thơ Nói với cỏ dại: Trời/ Tối rồi/ Hãy nhắm mắt…; hoặc khi nói về một Đứa bé: Dừng xem/ Chọc tiết lợn/ Rồi đi… Nhiều bài thơ gợi nên nỗi ám ảnh bất an có thực của thời đại công nghệ số, khi con người bị theo dõi, kiểm soát, canh chừng ngay cả trong giấc mơ: Thấy nhau/ Bị quay lén/ Phim đen trắng (Giấc mơ). Đôi khi, hiện thực bi đát ấy được tác giả diễn tả qua một cách nói đậm tính hài hước đen, chẳng hạn Mọi người: Ghi giấc mơ/ Vào mẩu giấy/ Nộp cho một người. Đẩy lên thành một biểu tượng khái quát, trong Bữa tiệc lịch sử, thơ ông dồn nén những dự cảm hãi hùng, chết chóc, bi thương của đời sống lịch sử nhân loại: Khách vừa ngồi/ Mặt bàn trũng xuống/ Huyệt mộ. Trong cảm quan thế sự ấy, tiếng máy khoan không đơn thuần là một âm thanh thông thường của đời sống đô thị, nó gợi trùng trùng những cảm giác bất an và bất lực: Thêm một lỗ đen/ Trong đêm đen/ Thẫm đen (Tiếng khoan); và cũng do vậy, vây bủa người “đọc sách” là cảm giác: Hoang mang/ Nhìn con đường/ Trong đêm tối (Đọc sách)…
Như vậy, thả hoàn toàn không phải là một thái độ buông xả, thoát tục, quay lưng với đời sống để chỉ chú mục kiếm tìm những vang động tinh thần sâu kín xa xôi của nội tâm. Thực ra ở đây, thả chính là một cách giúp nhà thơ lặn sâu hơn vào thực tại để thẩm thấu và diễn tả gọn ghẽ, sắc nét những trạng huống nhân sinh đầy phi lý, bi đát, từ đó mà nhận thức sâu sắc hơn những giá trị sống cần có, cần phải đạt tới. Điều này cũng cho thấy thêm rằng, nếu căn tính tâm hồn người viết thực sự nhạy bén và tha thiết với đời sống, thì dù chọn lối đi nào, cách diễn tả nào, âm vang đích thực của đời sống cũng sẽ tìm cách để tỏ lộ trong tác phẩm của họ. Độ nén của thơ ba câu buộc Mai Văn Phấn phải chọn một cách diễn tả hàm súc, theo lối tượng trưng hóa, song không phải vì thế mà ta không thấy sự rạch ròi và thậm chí quyết liệt trong thái độ của tác giả. Từ góc độ này, tính hiện đại, hiểu theo nghĩa là khả năng bám sát đời sống đương đại của tác giả với tư cách “người cùng thời” là rất rõ.
Đi từ mùa xuân đến mùa đông, từ đời sống tự nhiên đến đời sống nhân thế, thả là hành trình chảy trôi của thời gian mà cũng là quá trình diễn tiến của nội tâm con người trong mọi biểu hiện đa dạng từ Đời thường đến Tâm linh và Sáng tạo. Bởi vậy, nếu quan sát kỹ, bên cạnh trật tự thời gian, sẽ thấy tập thơ còn được tổ chức thành nhiều “cụm” bài, theo từng “vệt” chủ đề/ hình tượng. Có vệt bài về ngày xuân (23 bài), vệt bài về mưa (73 bài), vệt bài về hoa (108 bài), vệt bài về biển (63 bài)… Cùng một hiện tượng, sự vật nhưng nhà thơ không dừng lại ở những đường nét ổn định, tĩnh tại. Ông muốn soi ngắm chúng từ nhiều góc độ, trong mọi chiều kích, sắc thái và những vẻ sống động riêng và với một hình thức diễn đạt ngắn gọn nhất, nhằm lưu giữ tối đa vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như tâm hồn con người. Chỉ cần nhìn tên một số bài viết về biển, cũng thấy khá rõ chủ ý tác giả nhằm ghi dấu vẻ đẹp chân thực của đời sống: Biển đầy sương mù, Lòng biển, Biển động, Biển lặng, Biển lẫn vào đêm, Nhà bên bờ biển, Lặn sâu xuống biển, Mưa biển, Con đang ngắm biển, Uống trà bên bờ biển, Phao an toàn trên bãi biển, Bãi tắm đông người, Thủy triều lên, Áp má vào cát, Chong đèn câu mực, Con sóng và ghềnh đá Rất tự nhiên, thủ pháp mô tả này khiến tôi nghĩ đến bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sỹ của Katsushika Hokusai (Nhật Bản). Xa hơn một là Claude Monet (Pháp) với hơn 250 bức tranh về những cây hoa súng. Chỉ về một sự vật, nhưng trong những những thời khắc khác nhau, chúng sẽ bộc lộ những vẻ đẹp khác nhau. Và đẹp trong từng khoảnh khắc. Tuy nhiên, nếu trong những tập thơ trước, những hiện tượng, sự vật này thường được Mai Văn Phấn mô tả theo kiểu tượng trưng thì dường như ở đây, ông chỉ muốn “bảo lưu” tất cả những khoảnh khắc, dáng nét đời thường ấy trong vẻ đẹp giản đơn, trong trẻo và tự nhiên nhất. Tính “ghi chép”, tính hiện tại, tính tự nhiên là những đặc tính nổi bật của tập thơ này.
3. Đẩy sự kiện lên bề mặt văn bản, hạn chế tối đa việc dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, điều này tạo nên vẻ khách quan dễ nhận thấy của thế giới hình tượng thơ thả. Dẫu vậy, ta vẫn nhận thấy khá rõ chân dung cái tôi chủ thể đằng sau bức tranh đời sống ấy. Đấy là cái tôi chủ yếu biểu hiện qua các hành động nhận biết thể chất trực tiếp. Giác quan thể chất bén nhạy cho phép cái tôi nhà thơ có thể thụ cảm đời sống một cách hết sức nhanh chóng, mãnh liệt và tinh tế. Chẳng hạn, bằng taykê chậu đỗ quyên, nhặt được/ chiếc tất trẻ con, cầm ngọn nến/ soi về phía biển, ngắt ngọn cỏ khô, bẻ củi khô…; bằng chân: tôi kiễng chândấn bước/ đáy sâu ánh sáng, tôi vừa đi vừa đếm/ bước chân… ; bằng miệngmiệng còn ngậm cà phê; cắn từng miếng, cắn dọc/ cắn ngang, uống một nửa/ chờ gió…; bằng tai: nghe tiếng sóng, nghe gió/ miết từng đợt…; bằng mắt: mải nhìn mưa phùn, mải nhìn cành ổi/ tụ quả, nhìn lên đồi/ cây táo bắt đầu ra nụ… Tuy nhiên, những cảm giác của xúc giác và vị giác được sử dụng phổ biến hơn cả. Nhờ vào những cảm giác tiếp xúc của da thịt (chân, tay, da), của miệng (môi, lưỡi)… mà sự vật, hình ảnh hiện lên, dù rất tiết kiệm, vẫn đầy cảm giác, mùi vị, chẳng hạn quả trứng “béo ngậy”, miếng khoai “bở và ngọt”… Nếu quan sát thêm, sẽ thấy phổ biến trong thơ của Mai Văn Phấn là hành động ăn uống của con người, chẳng hạn uống café, uống trà, uống nước, uống rượu, ăn cam, ăn dưa hấu, ăn táo, ăn trứng, ăn bánh,... Thơ ông thường xuyên cho thấy những khoảnh khắc “thụ hưởng” đời sống của cá nhân thật tinh tế và trọn vẹn, chẳng hạn trong Bánh mới ra lòNóng rẫy/ Cắn/ Tưởng tượng; hoặc trong Mẹ dạy bé ăn cam: Mút từng miếng/ Nhâm nhi/ Rồi nuốt… Thực ra, ăn uống cũng là một cách thế cho thấy rõ hơn ý nghĩa sự hiện hữu của con người. Do vậy, nhiều khi chúng được tiến hành như một nghệ thuật, một thứ nghi lễ nội tâm, thậm chí, có thể nói tới một kiểu “hành thiền” đầy thi vị. Điều này xuất phát từ tâm hồn cái tôi hết sức nhạy cảm với Cái đẹp, nhất là Cái đẹp của hiện tại, trong cuộc sống đời thường, quanh mỗi chúng ta. Đặc biệt, cái tôi ấy luôn có ý thức tìm kiếm và hướng đến những khoảnh khắc mà ở đó con người tồn tại trong sự cảm thông, hòa hợp sâu sắc với thiên nhiên, với mọi biểu hiện trần tục mà tinh khôi nhất và ở đó, cái hiện tại, cái nhất thời cũng đồng thời đánh thức xúc cảm hướng về cái Vô cùng, cái Vĩnh cửu. Có thể thấy rõ điều này ngay trong những bài thơ tưởng chừng chỉ đơn thuần tái hiện cảnh tượng, chẳng hạn:

Mưa

Nước ngập vườn
Bông hoa đào trôi
Như chạy

Ở đây, cái cảm giác của bông hoa chạy mưa dường như cũng chính là cái cảm giác của nhà thơ. Sự tương thông ấy đặc biệt rõ khi ông viết về thiên nhiên, về cỏ cây, về hoa, những con vật bé nhỏ hay tiếng chuông chùa… Nhưng ngay cả khi ông viết về những sinh hoạt đời thường của cá nhân, cảm giác tương thông, hòa hợp ấy vẫn hiện diện rất rõ.
Bằng một thái độ cẩn trọng song đồng thời cũng hết sức nhẹ nhõm, nhà thơ lật tìm những nếp gấp của đời sống, đánh thức bí mật ẩn chứa ở trong đó – cái Đẹp hồn nhiên của sự sống. Đó hoàn toàn không phải là cái đẹp khách thể, đối lập và tách rời chủ thể, ngược lại, đó là cái đẹp nẩy sinh trong sự giao hòa gần gũi giữa tâm hồn chủ thể với vạn vật xung quanh. Giống như tiếng chuông chùa có thể Lay/ Bụi thủy trúc/ Bất động suốt mùa thu và tạo nên sức cảm thông kì lạ giữa vạn vật, đó có lẽ cũng chính là cái đẹp và sức mạnh của một tâm hồn đạt Đạo. Tuy nhiên, dù luôn tin và hướng tới tìm kiếm vẻ kỳ diệu trong mọi khoảnh khắc của tồn tại, xem đó như một điều thiêng liêng và có khả năng lớn lao trong việc cải biến và thanh lọc đời sống con người, song ông cũng không thần bí hóa hay thiêng hóa chúng một cách cực đoan. Ở nhà thơ này, tồn tại một thái độ sống và sáng tạo khá duy mĩ song cũng khá cởi mở và thực tiễn.
4. Về mặt tổ chức văn bản, mỗi bài trong tập thả có ba câu (chính xác hơn là ba dòng). Điều này buộc tác giả phải cân nhắc lựa chọn và tổ chức theo những cách thức nhất định nhằm có thể chuyển tải dung lượng hiện thực đáng kể trong một số lượng câu chữ tối giản. Một cách làm quen thuộc là tạo nên sự đứt đoạn, đoản mạch cao độ giữa các hình ảnh, câu chữ. Mỗi dòng thơ tương ứng với mỗi ý tượng độc lập, tạo nên những khoảng trống liên tưởng khá rộng rãi. Đây là điều thường gặp trong thơ cổ điển, đặc biệt trong thơ Haiku Nhật Bản. Song đồng thời, tác giả còn thường xuyên tổ chức câu chữ trong bài thơ theo một hình thức liền mạch tự nhiên nhất. Sự “liền hơi, liền mạch” ấy thể hiện ngay trong trật tự cú pháp của các dòng thơ, các dòng thường nối liền nhau về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa, do đó nhiều bài có thể đọc liên tục không ngừng cho đến kết thúc. Trong những trường hợp này, cách ngắt nhịp chủ yếu bị quy định bởi cách ngắt dòng. Xin nói thêm về cách sử dụng tiêu đề trong thơ tác giả này, qua đó, để thấy rõ hơn đặc điểm cấu tứ thơ ba câu của ông. Cách thứ nhất (khá quen thuộc trong thơ nói chung), ở đó tiêu đề thường là hình tượng/ hình ảnh trung tâm của bài thơ (thường là những danh từ chỉ sự vật, sự việc), và câu chữ, hình ảnh trong bài được tổ chức xoay quanh hình tượng trung tâm nhằm cụ thể hóa đặc điểm/ tính chất/ trạng thái của nó, chẳng hạn: Hạt giống của em, Gánh hàng hoa, Cuối tháng ba, Mưa đầu mùa, Hoa mận trắng, Vịnh Lan Hạ Trong trường hợp này, tiêu đề có tính độc lập tương đối với văn bản. Song trong thơ Mai Văn Phấn, phổ biến hơn là hiện tượng gắn kết hữu cơ giữa tiêu đề và dòng thơ, bài thơ. Sự gắn kết chặt chẽ này có hai dạng. Thứ nhất, tên bài hiện diện như một phần không thể tách rời, thậm chí như một bộ phận cú pháp (chủ ngữ, trạng ngữ…) của câu/ dòng đầu tiên tách ra và đẩy lên thành tên bài, chẳng hạn: Hoa đào/ Rụng bớt/ Sang/ Gốc cây bên cạnh; Cây tầm xuân/ Nở trước/ Cho cây bên cạnh/ Đơm hoa; Cụ già/ Răng rụng hết/ Cười bên gốc hoa/ Lác đác vài bông; Sáng mùa xuân/ Búp non/ Nghe lũ trẻ/ Rủ nhau đi bắt sâu… Điều này tạo áp lực tự nhiên buộc ta phải đọc liên tục từ tiêu đề đến chữ cuối cùng. Cảnh tượng đời sống được chuyển tải một cách cách khá trọn vẹn trong tính liên tục và sống động của nó. Thứ hai, ấy là trường hợp tiêu đề hiện hiện như chìa khóa để giải mã nội dung thi phẩm. Tên bài thơ ở đây thường là một mệnh đề diễn tả một nội dung (cảnh tượng, sự vật, hành động…) tương đối hoàn chỉnh. Thoạt nhìn, giữa tiêu đề và nội dung dường như không hề ăn nhập gì với nhau, song khi đặt trong cấu trúc chỉnh thể, sẽ thấy đấy là một yếu tố không thể tách rời, nó là một “đối trọng” nhận thức - thẩm mỹ của toàn bộ hệ thống câu chữ, hình ảnh ở phía sau. Ta hãy đọc bài thơ này:

Nhìn người đàn bà mang thai đi qua

Vội tìm chiếc cọc
Đỡ buồng chuối chín cây
Trĩu nặng

Ở đây, hai sự vật được đề cập trong tiêu đề và văn bản tưởng chừng rất xa lạ song kỳ thực chúng có một mối liên hệ tương hỗ bề sâu khá rõ. Bởi giữa “người đàn bà mang thai” và “buồng chuối chín cây” đều nằm trong trường liên tưởng “trĩu nặng”, nặng nề, vất vả, đáng được nâng đỡ, chia sẻ… Và đó là lý do giải thích cho hành động “vội tìm chiếc cọc/ đỡ” của cái tôi tác giả. Tất nhiên, những liên tưởng này diễn ra rất nhanh, khi ta “đọc” bài thơ trong tính toàn vẹn chỉnh thể của nó. Đây cũng là cách viết trong Biển đầy sương mùCùng hướng về mặt trời, Mưa xuân, Nghe tin bãoTrái chín bảo nhau, Ngày rạng… Từ góc độ nào đó, có thể thấy sự gắn kết đặc biệt về mặt hình thức giữa tiêu đề và bài thơ này là một cách thể hiện độc đáo quan niệm về thế giới như một cơ thể sống với sự liên kết hữu cơ của mọi yếu tố tạo thành. Do đó, đọc nhiều bài trong ấn tượng liền mạch tự nhiên ấy quả thực thú vị.
Dĩ nhiên, áp lực của “loại hình” thơ ba câu đòi hỏi nhà thơ phải có kỹ thuật xử lý riêng về mặt cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh…, bởi nếu không, rất có thể thay vì một cấu trúc thẩm mĩ, bài thơ chỉ là một câu trần thuật bị bẻ gãy thành ba dòng theo kiểu cơ học. Xin lấy một ví dụ để phân tích cụ thể hơn về điều này:

Sáng mồng một

Nhặt được chiếc tất trẻ con
Mềm
Như trái chín

Bài thơ kể về một sự việc rất đơn giản: Sáng mồng một tết, (tác giả) nhặt được một chiếc tất trẻ con, rất thơm mềm. Chiếc tất gợi sự hiện diện của em bé và đánh thức dậy những xúc cảm gắn bó âu yếm. Sự việc xảy ra vào ngày khởi đầu của một năm mới và đó là một “sự kiện” tốt lành trong trái tim nhà thơ. Thực ra, trước đó, văn bản bài thơ được tổ chức có khác so với bản đang phân tích. Bản cũ được ngắt dòng như sau: Nhặt được/ Chiếc tất trẻ con/ Mềm như trái chín. Ba sự việc, sự vật được đặt liền nhau, không có điểm nhấn nào đáng kể, thông tin sự việc át thông tin nội tâm. Nhưng hãy chú ý tới văn bản hiện tại, ở đó tính từ “mềm” được tách ra thành một dòng độc lập, trọng tâm của bài thơ, do vậy, dồn vào đây. Chữ “mềm” trở thành “từ khóa” của bài thơ, là điểm son ấn tượng và cảm giác.
Rõ ràng trong thơ không thể coi thường cách tổ chức cấu trúc văn bản, có khi thay đổi một yếu tố là làm thay đổi cả tổng thể. Riêng ở phương diện này, có thể thấy rõ ý thức cũng như sự dụng công tìm tòi của tác giả. Điều đáng nói là trong nhiều bài thơ ba câu, bức tranh đời sống hiện lên hết sức tươi tắn, như chính sự “lên tiếng” hồn nhiên của hiện thực, như không hề có dấu vết của sự “dụng công” nào và đó chính là một thành công xét về mặt thi pháp. Tuy vậy, ở một số trường hợp, tính lệ thuộc quá rõ của tiêu đề với dòng thơ đầu khiến một số bài vẫn chưa thực sự là “thơ ba câu”. Về mặt văn bản, vẫn có thể rút gọn hơn nữa để tạo nên tính độc lập cao độ của câu (dòng) thơ, nhằm khai thác triệt để hơn về ý tưởng và có thể kích thích sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong liên tưởng, tưởng tượng của độc giả.
5. Nhận thức và lý giải đời sống nhân sinh và vũ trụ trong chiều sâu khái quát đã trở thành một kiểu tư duy thẩm mĩ quen thuộc của tác giả, và điều này chi phối khá rõ đến cách cấu tứ bài thơ. Theo đó, tác giả thường tổ chức hình ảnh, ngôn từ trong tác phẩm theo một trường liên tưởng khá tập trung. Trung tâm bài thơ thường là một hình ảnh thoạt nhìn rất cụ thể, cảm tính, song theo một cách tổ chức nào đó, nó nhanh chóng trở thành một “cấu trúc phát nghĩa” năng sản. Bài thơ sau đây là một dẫn chứng tiêu biểu:

Gieo giống

Vào bùn ngấu
Mới đi được mươi bước
Cánh đồng đã mọc đầy sương mù

Bài thơ nói về việc gieo giống, với ba hành động liên tiếp: gieo – đi – mọc, cho thấy sức sinh sôi nhanh chóng lạ lùng của mùa màng, tạo vật. Đối tượng mô tả, đồng thời cũng là chủ thể “gieo vào bùn ngấu là hạt giống, nhưng cũng có thể là nhà thơ, sự không/ khó phân định này gây nên độ nhòe về nghĩa đồng thời cũng đem lại cảm giác tương thông, gần gũi giữa con người và tự nhiên. Hạt giống sinh sôi trong bùn ngấu cũng như tâm hồn con người nẩy nở tốt tươi giữa thiên nhiên. Nói cách khác, con người cũng là một hạt giống mẩy giữa mùa màng vũ trụ. Bài thơ, như vậy, là một cấu trúc ẩn dụ - tượng trưng, nó dựa trên sự tương đồng về cảm giác và sự vật để hướng tới một nhận thức phổ quát về mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, một motip chủ đề khá quen thuộc trong thơ Mai Văn Phấn. Nhiều bài thơ khác cũng được xây dựng trên cơ chế liên tưởng tương đồng ấy, nhưng giản dị và trực tiếp hơn, chẳng hạn Leo núi, Nửa đêm tỉnh dậy, Nhìn, Nguồn cội
Bên cạnh đó, cũng khá nhiều bài thơ được cấu tứ dựa trên trường liên tưởng tương phản, chẳng hạn: Bông chen bông, Từ vũng nước đục, Hạt bụi vương trên mũ, Qua ngõ hàng xóm, Tiếng sét, Hạt đậu Bông chen bông, thoạt nhìn, dường như chỉ thuần túy thuật lại sự việc:

Bông chen bông

Chi chít
Có người nói
Hoa mai giả

Nhưng nghịch lý đã ẩn chứa ngay trong cách mô tả chừng như lạnh lùng và khách quan ấy. Khi hoa thì “bông chen bông”, “chi chít” dâng hiến vẻ đẹp cho con người thì con người lại thơ ơ - “hoa mai giả”. Là vì con người đã bội thực trước cái màu mè của hoa giả đến mức mù quáng trước cái đẹp thực sự? Hay là vì cái thật và cái giả bây giờ quá giống nhau, khó lòng phân biệt? Dù gì, ở đây thiệt thòi không phải là hoa mà chính là con người.
Nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn có sự phối kết hợp từ nhiều điểm nhìn và tương quan mô tả, lý giải khác nhau. Đặc biệt, trong cách quan sát và mô tả hiện thực, không hiếm những khoảnh khắc nhà thơ để lộ cái nhìn hài hước, hóm hỉnh rất đỗi tự nhiên: Tiếng khoan tường, Xem tivi ngủ quên, Cây và bóng cây, Dừng chân trong chùa, Miếng dưa hấu, Qua ngõ hàng xóm Đôi khi thơ ông còn là sự giễu nhại kín đáo: cái “phân vân” trước miếng dưa hấu “nên cắn từ trong hay ngoài” (Miếng dưa hấu), hoặc âm thanh tiếng chổi quét đường gợi nhắc tiếng quạ chiều thu (Tiếng chổi tre), hay tiếng chày giã giò gợi nhắc âm thanh tiếng ếch nhảy vào ao hoang (Nghe tiếng chày giã giò)… là những ví dụ tiêu biểu. Dù những bài viết theo lối này không nhiều, song chúng thực sự đã đem lại màu sắc cá tính cũng như vẻ đẹp hiện đại trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn.
6. Nhận thức về vũ trụ và nhân sinh trong những mối quan hệ bản chất, trong sự tương thông, hài hòa, rút tỉa tận lõi ngôn từ, khách thể hóa cao độ hình tượng… đó là những điểm nổi bật trong kết cấu thơ ba câu của Mai Văn Phấn. Tất nhiên, để tạo nên cấu trúc chặt chẽ của thơ ba câu, không đơn thuần chỉ là chuyện kỹ thuật. Việc cắt bỏ/ giữ lại chữ nào, hay cắt ở đâu, xuống dòng chỗ nào luôn cần đến sự chỉ dẫn của trực giác và sự mẫn cảm ngôn từ, điểm cốt tử phân biệt một “thợ thơ” và một thi sỹ.
Với hình thức thơ ba câu ngắn gọn; sự chi phối, bao bọc của cảm thức thiên nhiên, cấu tứ theo “nguyên lý mùa” và tương quan hai hình ảnh, thả của Mai Văn Phấn rất dễ gợi người đọc liên hệ tới thơ Haiku Nhật Bản. Tuy nhiên, với tác giả này, việc học tập, kế thừa luôn đi cùng một ý thức sáng tạo, cách tân mạnh mẽ, nhằm hướng tới một lối viết riêng (đó là lý do vì sao ông gọi thơ mình là “thơ ba câu” chứ không phải là thơ Haiku Việt Nam). Ngay cả những thi liệu cổ điển, khi “qua tay” nhà thơ Việt, đã mang những sắc thái và ý vị thẩm mĩ hiện đại khác lạ, độc đáo. Ta hãy đọc lại bài thơ sau:

             Nghe tiếng giã giò

Con ếch lớn
Vọt khỏi miệng hang
Đã chật

Tiếng ếch là một hình ảnh quá quen thuộc trong thơ Haiku với bài thơ nổi tiếng của thiền sư thi sỹ Matsuo Basho: Ao xưa/ Con ếch nhảy vào/ Tiếng nước xao… Thơ Mai Văn Phấn cũng đặc tả hành động con ếch vọt khỏi miệng hang và sự gần gũi có chủ ý này đã tạo nên tính liên văn bản rất rõ. Nhưng “sự đọc” chỉ đặc biệt trở nên thú vị khi “kiểm tra” lại tiêu đề, độc giả chợt phát hiện ra rằng thực chất ở đây không phải con ếch cổ điển của Matsuo Basho mà là tiếng chày giã giò mới là cái đối tượng đích thực được mô tả. Như vậy là, bằng mối liên hệ liên văn bản, nhà thơ đã đặt một món ăn “bình dân” của quê hương ngang với những mĩ vị của thơ ca thế giới một cách đầy sinh động, hóm hỉnh mà cũng không kém phần tao nhã! Cũng có thể nhận thấy sự khác biệt trong hai lối tư duy, một lối nghiêng về cái thâm thúy, u nhã, bí ẩn (thường thấy trong thơ cổ điển phương Đông) và cả một lối tư duy đời thường khá cụ thể, thực tiễn, sinh động (vốn có của người Việt chăng?). Cùng với điều đó là sự xuất hiện của hàng loạt tương quan đối lập giữa cái thi vị/ cái đời thường; cái nên thơ/ cái phi thơ; cái truyền thống/ cái hiện đại… Ấn tượng thú vị về mối liên hệ bất ngờ giữa âm thanh con ếch lớn nhảy khỏi miệng hang chật với âm thanh của tiếng chày giã giò, do đó, như càng được nhân lên. Có thể thấy trong cách xử lý đối với thi liệu cổ điển này một quan niệm quen thuộc của Mai Văn Phấn về việc tiếp nhận những giá trị nghệ thuật bên ngoài – tiếp nhận là để sáng tạo, nhằm tạo nên những giá trị thẩm mĩ nội sinh chứ không lệ thuộc vào những hình thức “ngoại nhập”.
7. Tinh, Tĩnh và Nhã dường như là sắc thái thẩm mĩ bao trùm thả. Ở đây, tôi muốn nói đến cái Tinh trong sự quan sát, cái Tĩnh trong trạng thái, tâm thế sáng tạo và cái Nhã trong cách thể hiện ngôn từ. Con mắt quan sát tinh tường, khả năng phát hiện mối quan hệ ngầm giữa các sự vật, năng lực khái quát hóa, sự cẩn trọng ngôn từ... là những gì dễ nhận thấy trên văn bản. Song cái yếu tố thật sự nối kết tất cả các yếu tố kể trên vẫn là cái bản năng thơ dồi dào, sung mãn và sự hồn hậu nội tâm của kẻ tìm thấy mình trong sự cảm thông với với đời sống hiện tại, với cỏ cây, mùa màng, tạo vật, người sống và kẻ chết, ngay trong hiện tại và cả ở những cõi xa xăm mơ hồ, nó làm mờ đi cái cảm giác duy lý "nhọn sắc" trong một số tập khác, đem lại cảm giác ấm áp - về mặt cảm xúc; đồng thời, đem lại sắc thái tượng trưng tự nhiên - về mặt thi pháp. thả cho thấy một năng lực tâm hồn đặc biệt phong phú, mẫn cảm, tinh nhạy, dẫu đôi khi vẫn còn dấu vết kỹ thuật và phần nào hơi duy mĩ. Bởi vậy, không phải bài thơ nào trong tập cũng đã đạt đến vẻ đẹp cách tân trên nền truyền thống như cái đích nhà thơ hướng tới. Nếu có thể, tác giả cũng nên tinh giản hơn về mặt số lượng để tránh sự trùng lặp. Bên cạnh đó, tính khách quan, hàm súc và ám gợi của thơ ba câu ở đây vừa là một giá trị, một vẻ đẹp sáng tạo đáng ghi nhận, nhưng mặt khác, cũng là một “thách thức” không nhỏ với độc giả: nó đòi hỏi người đọc phải thực sự đồng sáng tạo.
Như vậy, khoảnh khắc chính là một triết lý nhân sinh và nghệ thuật của Mai Văn Phấn. Khoảnh khắc có thể cho con người nhìn thấu bí mật của vũ trụ và tâm linh. Trong khoảnh khắc, ta có thể thấy cả Vô cùng. Sống và sáng tạo trong từng khoảnh khắc ấy đâu phải dễ, nó buộc nghệ sỹ phải không ngừng Lấy mũi giày/ Hất cát/ Về phía trước. Nhưng có lẽ, thách đố đó mới chính là điều làm nên vẻ đẹp và ý nghĩa thực sự của tồn tại và sáng tạo.

Vinh, 14/11/2015
                                                             L.H.Q





[1] Tên các tập thơ và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt, từ tháng giêng, thả, tác giả Mai Văn Phấn không viết hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét